27/6/13

Trường tiểu học La San Nghĩa thục (Sài Gòn)

Trường tiểu học La San Nghĩa thục
(Sài Gòn, đường Nguyễn Thông, Q3)

Năm 1956
01/03/1956 : Trường được khai giảng với sự hiện diện của sư huynh giám tỉnh Cyprien, sư huynh hiệu trưởng Taberd, Aloysius, một số sh trong cộng đoàn, sh. hiệu trưởng La San Đức Minh và một số sh trong cộng đoàn, 4 sh trường La San Mossard, đức cha Harnet của tổ chức CRS, các cha dòng Chúa Cứu Thế, các cha MEP, các nữ tu của nhiều dòng, các viên chức của nhà văn hóa Pháp, một số hiệu trưởng các trường, các đại diện của các bộ trưởng giáo dục, quốc phòng, tài chánh, nội vụ và rất nhiều bè bạn. Đây là chi nhánh của Taberd hay còn được gọi là trường khu xóm (école de quartier). Sh điều hành trường, sh Urbain, là thành viên của cộng đoàn Taberd. Mỗi sáng sh đến làm việc tại trường và buổi chiều, sau giờ tan học, sh giao trường lại cho bác gác cổng[1] trông nom và ôm cặp trở về Taberd.
14/03 : Đức cha Simon Hòa Nguyễn văn Hiền, đại diện tông tòa Sài Gòn (và cũng là cựu học sinh trường Pellerin) đã đến làm phép trường trước sự chứng kiến của nhiều linh mục và nữ tu.
02/05 : Thăm viếng của tướng Nguyễn Ngọc Lễ, tổng giám đốc nha cảnh sát với tư cách là cựu học sinh trường Pellerin Huế đến thăm thầy (Urbain)
15/05 : Thánh lễ đầu tiên tại trường để mừng cha thánh GLS. Có nhiều phụ huynh học sinh tham dự thánh lễ.
18/05 : Thăm viếng trường của bà Trần Trung Dung,vợ ông Bộ trưởng bộ quốc phòng. Ông này là cựu học sinh của sh hiệu trưởng Urbain tại trường Puginier, Hà Nội.
25/05 : Lễ của sư huynh hiệu trưởng. Trò chơi dân gian.
08/06 : Lễ Thánh Tâm Chúa Giê-su. Thánh lễ thứ hai tại trường. Rước lễ lần đầu cho 32 học sinh trẻ công giáo của trường.
30/06 : Phát thưởng. Kết thúc niên học. Nghỉ hè.
4 tháng làm việc năng nhọc nhưng cũng có nhiều kết quả đáng khích lệ. Được cảm tình của nhiều giới (trường hoàn toàn miễn phí). Sư huynh giám tỉnh Cyprien khích lệ. Được nhiều cơ quan và nhất là do liên hệ tình cảm (cựu học sinh có địa vị) giúp đỡ vật chất và tinh thần nên trường hoạt động đều đặn. Lúc khai giảng, trường có 5 lớp với số học sinh là khoảng 200 em. Khi kết thúc niên học (30/06/1956), sĩ số học sinh lên đến con số là 312.
Trong 4 tháng hoạt động, các lớp tối cũng hoạt động miễn phí dành cho các em lớp đệ tứ, đệ ngũ, đệ lục, đệ thất (tức lớp 9, 8, 7, 6 bây giờ). Hoạt động phụ đạo này được thực hiện do một nhóm các học sinh thiện chí của các học sinh dàn anh thuộc trường Taberd. Như vậy thêm các lớp phụ đạo tối, sĩ số hõc sinh là 425 em. Đó là chưa kể các lớp dạy đọc và viết cho gần một trăm người lớn nữa.
Niên khóa 1956-1957.
03/09 : nhập học. Hơn 200 học sinh mới ghi tên song vì không đủ phòng học và bàn ghế nên đành phải hạn chế, chỉ nhận thêm khoảng 100 em, được đánh giá là “kém về tài chánh” nhất. Sĩ số học sinh bây giờ gia tăng đến 412 em, được chia thành 8 lớp do 2 sư huynh và 6 giáo viên đảm trách.
02/10 : lễ các thánh thiên thần hộ thủ. Thánh lễ khai giảng niên học. Có cầu nguyện cho các ân nhân trường.
28/10 : Lễ Đức Giê-su Ki-tô vua. có cuộc tập họp giới trẻ quanh Chúa Ki-tô vua.
21/11 : Một học sinh của trường lãnh nhận bí tích thanh tẩy cùng gia đình 8 người.
22/12 : Cây Giáng Sinh. Phân phối quần áo và thực phẩm cho các học sinh nghèo.
Niên khóa 1962-63

Thành lập cộng đoàn.
15/06/1963 : sư huynh giám tỉnh được sư huynh thư ký Exupère “hộ tống” đã đến trường La San Nghĩa thục Sài Gòn (43, Nguyễn Thông) để xác lập cộng đoàn tu sĩ gồm 3 sư huynh mà 2 trong số này vừa có sứ mạng là hợp tác với sh hiệu trưởng Urbain để điều hành trường và vừa cùng huynh trưởng Vial phụ trách nhóm 3 học sinh khiếm thị[2].
29/08 : sau cuộc viếng thăm của sư huynh giám tỉnh, sư huynh Aymard rời cộng đoàn để sang Thị Nghè (LS Mai Thôn) dưỡng bệnh. Sư huynh trẻ Monfort (không phải là anh Miên !) vừa từ học viện ra đến thay thế tạm cho sư huynh Aymard.
10 thầy giáo bên đời rất tận tâm và đảm trách dạy các lớp học sáng và chiều. Giờ giáo lý ở mỗi lớp do các sư huynh đảm nhiệm.
Số học sinh gia tăng không ngừng. Từ con số 312 (06/1956) đến nay (1963) số ấy đã lên đến 1026 học sinh. Đấy là chưa kể hàng trăm em có đến ghi tên nhưng không được nhận vào do trường thiếu phòng lớp.
Việc giảng dạy và học hành được chăm chút và theo dõi sít sao : Chương trình học chính thức của bộ, cộng thêm phần giảng dạy tiếng Pháp do nhà văn hóa Pháp hỗ trợ, được kiểm tra do các kỳ thi đầu niên khóa, hàng tháng, tam cá nguyệt, gọi điểm mỗi hai tuần. Đấy là chưa nói đến kỳ thi chính thức cuối cấp (văn bằng tiểu học) được tổ chức toàn quốc, mà thường mỗi năm, các học sinh của trường đều đậu được trăm phần trăm.
29/08 : khánh thành nhà nguyện cộng đoàn và trước sự chứng kiến của sư huynh giám tỉnh, các bề trên, các sư huynh và các nhân vật của đô thành Sài gòn, đức tổng giám mục Nguyễn văn Bình làm phép các phòng ốc dành cho các học sinh khiếm thị.
24/11 : Một nhóm học sinh được rước lễ lần đầu. Đức cha Harnett, chủ tịch cơ quan CRS tại Việt Nam, làm chủ tế. Sau thánh lễ có chiêu đãi nhẹ cho các em học sinh của trường.
Mỗi tháng đều có thánh lễ ngoài sân cho toàn trường và mỗi lần như thế sẽ là lễ hội vui : giờ chơi kéo dài, phân phát bánh mì và bánh kẹo.
Sở dĩ học sinh được hưởng nhiều quà như thế là do sự tài trợ của các ân nhân, bạn bè, cựu học sinh ngưòi Tàu. Cho đến giờ phút này tình hình tài chánh khá “lành mạnh”. Tương lai sẽ do Chúa Quan Phòng định liệu vì lợi ích của các trẻ.

Niên khóa 63-64
Năm nay nhà trường gồm có 3 sư huynh : hiệu trưởng là sư huynh Urbain và 2 sư huynh vừa từ học viện Đà Lạt ra cộng đoàn là Dosithée Tuân và Gustave Tân. Hai sư huynh trẻ chia nhau lo dạy văn hóa, giáo lý và sinh hoạt học đường cho 17 lớp : 10 lớp ban sáng và 7 lớp ban chiều. Thành phần giáo viên đời đều là công giáo, phần lớn thuộc giới tu xuất.
Tổng số học sinh là 1092, trong đó số Công giáo là 607 em. Có thể nói là trường “hơi quá tải” : phải hạn chế số trẻ mới xin nhập học, uy tín trường được xác lập.
Học sinh mỗi ngày học 4 giờ, buổi sáng hoặc buổi chiều. Chương trình học là do Bộ giáo dục đưa ra. Kết quả thi Tiểu học là đậu 147 trên 150 ứng thí.
Mỗi tháng đều có thánh lễ cầu nguyện cho các ân nhân. Sau thánh lễ, có cuộc họp mặt của các cựu hoc sinh : thông tin đủ loại, chỉ thị tông đồ tại các môi trường mà họ sinh hoạt.
Trường có mối liên hệ tốt với giới giáo sĩ, tu sĩ trong thành phố. Đức cha Harnett mỗi lần ghé Sài gòn đều thường đến thăm trường. Các linh mục dòng Chúa Cứu Thế là bạn của trường (qua sh Urbain !). Một cha dòng CRRS là tuyên úy trường và được dành cho một phòng để làm trụ sở cho hội Pax Christi (?) nhằm canh tân văn hóa và tinh thần.
21/10 : 60 học sinh của trường chịu lễ lần đầu. Phụ huynh các em đến tham dự đông đúc.
24/12 : thi đua làm hang đá mừng Chúa Giáng Sinh : có giải thưởng dành cho 289 máng cỏ dự thí. Sau cuộc thi và lãnh thưởng, các tác giả đều đưa máng cỏ của mình về nhà. Như vậy nhiều gia đình, ngay cả gia đình bên lương, cũng có máng cỏ để kịp mùng lễ Giáng sinh của Chúa Giê-su Hài Đồng.
Tình hình tài chánh của trường khá “lành mạnh” : Thiên Chúa vẫn tiếp tục quan tâm đến công cuộc của Ngài. Chúng tôi vẫn trông cậy vào Ngài.
     Nét đặc thù của cộng đoàn La San tại trường LS Nguyễn Thông trong niên khóa 63-64.
Có 3 sư huynh là Urbain Lựu, Dosithée Tuân và Gustave Tân làm việc tại trường như đã nói trên : sh Urbain hiệu trưởng của trường (chi nhánh của Taberd), lo điều hành chung và là người chịu trách nhiệm chi thu tài chính nhờ mối liên hệ rộng rãi của sh. Sư huynh là thành viên của cộng đoàn La San Taberd nên sáng đến trường, chiều lại về. Hai sư huynh trẻ hợp cùng sư huynh bề trên Vial (Trần văn Huề) làm thành cộng đoàn La San Hiền Vương (vì có cửa chính quay ra cuối đường Hiền Vương với số nhà 282). Cộng đoàn này trú ngụ trong dãy nhà trệt quay mặt ra công trường dân chủ, hai bên hông là hai con đường chính, đường Hiền Vương phía trái (nay – 2005 – là Võ Thị Sáu) và phía phải là …. Ban ngày, sáng và chiều, 2 sh trẻ phụ giúp sh Urbain điều hành trường La San Nguyễn Thông (đứng lớp, sinh hoạt văn nghệ và thể thao, điều hành trật tự …) . Chiều đến sư huynh bề trên Vial đưa các em mù (khoảng 8 trẻ) chính thức đi học chung với các em sáng mắt ở Taberd trở về. 2 sh trẻ giúp chúng giải trí, chơi thể thao, tắm rửa và dùng cơm chiều. Tối đến họ tiếp tục chia nhau giúp chúng ôn tập, học thêm sinh ngữ, toán, giáo lý vv… : đây mới là trường Ánh Sáng, trường “La San mù” và là trường được Taberd bảo trợ về nhu cầu vật chất.

Niên khóa 65-66
Phân hiệu “mù” của La San Nghĩa Thục.
Tháng tám : Sư huynh Gustave được đổi đi Ban Mê Thuột. Các sư huynh lần lượt đến thay thế là Đạt Thanh và Zacharie nhưng các vị này chỉ có thể bám trụ trong vài tuần lễ thôi. Cuối cùng, vì tình trạng bệnh biến chuyển tốt nên sư huynh Aymard quay trở lại với La San mù và tận tâm dạy dỗ các em khiếm thị.
Nhóm các em mù đã khởi sự niên học với sĩ số là 11 em. Trường tiểu học mù của nhà nước gởi đến danh sách 15 em nhưng trường La San mù chỉ có thể nhận thêm được 3 vì thiếu chỗ và thiếu tài trợ. 11 em mù của trường được chia ra như sau : 3 theo học lớp đệ thất (lớp 6), 4 em lớp đệ lục, 1 em lớp đệ ngũ và 3 em lớp dự bị vào đệ thất. Trừ 3 em này ra, tất cả các em còn lại theo học tại trường Taberd chung với các em sáng mắt. Em học lớp đệ ngũ (tên là Nguyễn Khánh, con của cán bộ tại Biên Hòa, và sau là chủ tịch hội người mù thành phố) rất chăm học và thường đứng nhất nhì trong lớp, có nhiều ảnh hưởng tốt trên bạn bè. Các em khác cũng vậy, tuy thường có thứ hạng từ 1 đến 10 thôi. Việc thử nghiệm hội nhập cho các em khiếm thị được sinh hoạt với các em sáng, tuy gặp phải nhiều trở ngại song với quyết tâm của những người trong cuộc, lại tỏ ra rất tích cực.
Để có được nguồn thu đều đặn hỗ trợ cho ban mù này, cộng đoàn các sh La San dự tính mở một phân hiệu cấp hai có thu học phí cho các học sinh bình thường sống chung quanh trường La San Nghĩa Thục. Để được vậy, chúng tôi phải có trường ốc thích hợp và hiện chúng tôi đang tiến hành việc tìm kiếm tài chánh cho công trình xây dựng trên.
Tháng bảy : Cơ quan xã hội của nhà nước đã hỗ trợ chúng tôi 3 000 $ mỗi tháng để phụ thêm chi phí các loại cho các học sinh mù.
Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ đã tặng cho trường một xe chuyên chở hạng nhẹ để đưa rước các học sinh đi học và một số tiền là 100 000 $ để xây một phòng nhạc : chỗ học tập và trình diễn của phần lớn các học sinh mù chính thức của trường và của các trung tâm bạn.
Tháng chạp (22/12, lễ thánh Cécilia bổn mạng của giới ca nhạc) : năm nay là năm thứ hai mà bề trên Vial, giám đốc trường mù La San và cũng là một nhạc sĩ đầy tài năng, thầy dạy của nhiều nhạc sĩ ca sĩ tại Sài Gòn, đã đứng lên tổ chức một đại nhạc hội về nhạc trẻ nhằm mục đích gây quĩ cho công cuộc phục vụ trẻ khuyết tật. Tiền thu từ cuộc biểu diễn rất hào hứng này mang về cho ban tổ chức 100 000 $ và sau khi trang trải các chi phí, số tiền còn lại để nhập vàp quĩ là 80 000 $.
Cũng nhằm góp phần xây dựng trường ốc, cơ quan xã hội nhà nước hứa hỗ trợ 300 000 $ khi dự án khởi sự được thực hiện trên công trường.

Niên khóa 66-67
Tháng bảy : Sư huynh bề trên Vial, sau ba tháng tu nghiệp tại Anh Quốc, đã lên đường trở về nhiệm sở. Bộ truyền bá Đức Tin, qua trung gian của Phái bộ tông tòa (Délégation apostolique) đã hỗ trợ tỉnh dòng La San 15 000 US$. Ban cứu trợ Công giáo góp thêm 10 000 US$. Ngoài ra quân đội Mỹ còn có tặng thêm 6 500 US$ (5 000 thuộc quĩ xã hội lính Mỹ và 1 500 US$ do lạc quyên).
Tháng Tám : sh Dosithée hăng hái chạy giấy tờ để đi Pháp. Hai sh Martin và Arnould được giao trách nhiệm lo hai phân hiệu Việt và Pháp của trường La San Nghĩa Thục. Sh Girard đến tăng cường cho nhóm lo mù. Trong suốt niên học, sh phải chạy tới chạy lui giữa hai trường La San Nghĩa Thục và La San Đức Minh. Sh Wenceslas, chịu trách nhiệm chi nhánh La San Chánh Hưng, cũng đến sống với cộng đoàn và làm tăng thên nhân số cho cộng đoàn : 5 thành viên.
Tổng số học sinh của trường mù năm nay là 22 em trong đó có 17 mù và 5 em còn thấy được chút ít. Các em khiếm thị được chia ra như sau : 1 lớp 9 (đệ tứ), 3 đệ ngũ, 3 đệ lục, 5 đệ thất (nhưng một thời gian sau, có 2 xin thôi) và cuối cùng là 5 em theo học cấp 1.
Tháng chín : Cơ quan xã hội của Bộ xã hội nâng tiền trợ cấp lên thành 5 000 $ (mấy năm trước là 3 000 $) và giải ngân số tiền hứa hẹn là 300 000 $ để góp vào việc xây dựng trường sở (đã khởi công từ tháng sáu). Tiến độ xây dựng quá chậm trong khi thành viên sống tại trường thì đông. Cộng đoàn các sư huynh : 5 ; học sinh : 22 và 1 bảo vệ nhưng chỉ có 2 phòng tắm và 1 phòng vệ sinh cho tất cả 28 con người ấy !
Tháng 10 : Việc chuẩn bị mừng kỷ niệm năm thứ 100 của sự hiện diện của dòng La San trên quê hương này đang tiến hành cách rất hồ hởi, một tên trộm đã khéo léo đến viếng nhà chúng tôi và mang đi nhiều đồ đạc có giá trị cao : tên ấy nhắc nhở chúng tôi phải biết luôn sống cảnh giác, ngay cả giữa những công việc bề bộn.
Tháng một : Đại hội nhạc trẻ theo truyền thống hằng năm được tổ chức tại Taberd (dưới sự hướng dẫn và đôn đốc của sư huynh bề trên Vial) nhằm cứu trợ đồng bào bị thiên tai lũ lụt tại miền tây đã mang lại bội thu : 140 000 $. Số tiền này được hoàn toàn trao cho cơ quan CARITAS quốc gia để phân phối cho đồng bào gặp nạn.
Vào những ngày chót trong tháng, gia đình La San Nghĩa Thục trở nên náo nhiệt lạ thường : dọn nhà gấp lên. Nhóm thợ đập phá nhà cũ loan báo sắp sửa đến thi công.
Bốn máy đánh chữ Braille và sáu máy đánh chữ hiệu Stainsby đã đến được Sài Gòn sau bốn tháng chờ đợi : sẽ có chuyện hấp dẫn trong kỳ triển lãm kỷ niệm đệ nhất bách chu niên.
Tháng chạp : các lễ hội kỷ niệm bách chu niên dòng La San đặt chân lên đất Sài Gòn được khai mạc bằng những trận đấu thể thao tranh chức vô địch giữa các trường La san trên toàn quốc và bằng những buổi trình diễn văn nghệ bởi và cho học sinh các trường. Trong những buổi diễn dành cho các phụ huynh học sinh và quan khách, ban tổ chức với sự tham gia của sư huynh Hiệu trưởng, đã tổ chức bán vé để ủng hộ trường La San mù và trường La San kỹ thuật Cần Thơ. Kết quả thu được 340 000 $.
10-XII-1966 : lễ đặt viên đá đầu tiên của trường La San mù (số 282 Hiền Vương, quận 3). Ông bộ trưởng bộ xã hội đến chủ tọa. Trong những khách mời danh dự có vị đại diện riêng của sứ thần Tòa Thánh tại Việt Nam, bề trên Phụ quyền vùng Á Châu, đại diện cho bề trên Tổng quyền dòng La San trong dịp lễ bách chu niên, sư huynh giám tỉnh, và rất nhiều nhân vật cấp cao dân sự cũng như quân đội cùng các cựu học sinh rất trung thành của dòng.
12-XII-1966 : Kết thúc cuộc triển lãm các sinh hoạt học đường tại các trường thuộc hiệp hội giáo dục Công giáo (chủ tịch là sư huynh Félicien, hiệu trưởng trường Taberd). Khu triển lãm gồm 18 gian phòng, trong số đó có 2 gian phòng trình bày hình ảnh và hoạt động của phân hiệu khiếm thị : các học sinh mù của phân hiệu tiếp tục sinh hoạt bình thường như chúng vẫn làm hằng ngày như học hành hoặc chơi nhạc cách tự nhiên (mù mà !) trước đám đông khán giả. Những câu hỏi của công chúng đặt ra cho các em khiếm thị cho thấy là có nhiều người, dù được thúc đẩy bởi những cảm tình tốt nhất dành cho các em kém may mắn, cũng thường có trộn lẫn những ý tưởng sai về hiện thực hay về những tâm tình đáng trân trọng của các em. Cuộc triển lãm này góp phần phổ biến phần nào sự tham gia tích cực của a/e La San vào việc nâng đỡ và giáo dục các em kém may mắn.
Tháng bảy : sau hơn 7 tháng xây dựng, ngôi trường mới vừa kịp sẵn sàng đón nhận 300 học sinh cấp hai vào học. Các lớp được mở ra như sau : 3 đệ thất, 1 đệ lục, 1 đệ ngũ và 1 đệ tứ.

Niên khóa 1967-68
01-VIII- 1967 : Trường khai giảng. Các học sinh khiếm thị được chia ra như sau : 5 theo học lớp đệ thất, 2 đệ lục, 4 đệ ngũ, 1 đệ tứ. Phân hiệu cấp I đặc biệt gồm 8 em khiếm thị lớn và phân hiệu cấp I bình thường gồm 10 em khiếm thị nhỏ. 2 nữ tu dòng Đức Mẹ Mân Côi giúp lo cho các em nhỏ mù của cấp I. Tổng số các học sinh khiếm thị là 32.
Tháng tám : cuộc du hành sang Mỹ của sư huynh hiệu trưởng Vial Trần Văn Huê từ ngày 9 đến ngày 30 tháng tám đã giúp cho trang thiết bị của trường mù thêm phong phú.
Tháng chín & mười : xây dựng thêm 3 phòng ở (gọi là homes) cho các nội trú khiếm thị lớn : sh hiệu trưởng áp dụng hệ thống “cottage” của Hoa Kỳ. Mỗi cottage là chỗ dung thân cho 4 em mù lớn với giường, tủ quần áo …
Tháng chạp : một biến cố hấp dẫn khác là việc khai giảng những khóa học anh văn buổi tối được gọi là “Anh Văn La San”. Các khóa học này được sư huynh Vial và Thịnh – cử nhân giáo khoa anh văn – điều hành. Thêm một cơ hội quảng bá cho trường mù và công cuộc xã hội La San.
Tháng hai 1968 : đây là tháng tổng tấn công của bộ đội Việt Cộng trên toàn cỏi đất nước miền Nam. Trường buộc phải cho học sinh nghỉ học trong hai tháng. Tháng tư, các học sinh trở lại trường và gắng sức hoàn thành chương trình học.
Tháng sáu : bộ đội Việt Cộng lại khởi sự tấn công bằng những cuộc pháo kích và khủng bố. Hàng ngàn nhà cửa bị ra tro cùng với nhiều sinh mạng. Trường cũng bị trúng 1 hỏa tiển. May thay cũng đã đến thời điểm của những ngày nghỉ hè hằng năm.

Niên Khoá 1968-69
Các sư huynh Claude và Arnould rời cộng đoàn cho một nhiệm vụ mới tại môi trường khác. Bù lại, trường hân hoan chào đón các sư huynh từ nơi khác đổi đến như sh François Sắc, Louis Đạt Thanh và Donat.
Tháng tám : Niên khóa mới khai giảng vào đầu tháng tám 1968. Nhân sự của trường La San Hiền Vương gồm 7 sư huynh , 36 giáo viên nam nữ ngoài đời. Nhờ việc mở thêm các lớp học chính qui và các khóa sinh ngữ mà sĩ số học sinh đạt tới con số 1 800 em. Ngoài ra tổ chức kỷ luật của trường năm nay có đến hai sư huynh giám học, một cho tiểu học và một cho cấp hai.
Phân hiệu La San mù cũng phát triển theo. Để nuôi ăn học và giáo dục miễn phí 40 em khiếm thị, cộng đoàn phải thắt lưng buộc bụng và chấp nhận một cuộc sống khắc khổ, nhất là đối với những tu sĩ giáo viên nhiệt thành vì công tác.
Cũng trong tháng này, trường cũng có tổ chức buổi chiêu đãi các ân nhân người Hoa kỳ đã góp phần vào việc phát triển phân hiệu mù. Trong số các ân nhân còn có sự hiện diện các đại tá, đại úy và tuyên úy. Các em khiếm thị trình diễn âm nhạc và hát những bài hát tiếng Việt để chào đón các quan khách.
Cuối tháng tám, sư huynh hiệu trưởng được mời đi Phi-luật-tân để nói chuyện về vấn đề các em mù. Khi trở về, sư huynh đã quyết định tổ chức xổ số tombola “vì trẻ mù” tại rạp Thống Nhất. Chính trong cuộc vui này mà các em khiếm thị có dịp thi thố tài năng. Và cũng nhờ cuộc xổ số này, mà phân hiệu đã dễ dàng chi trả món nợ một triệu cho bà Trương (Vĩnh Lễ) mà phân hiệu đã mượn khi xây cất nhà mới.
Cuối tam cá nguyệt thứ nhất, cấp hai của trường đã tổ chức một buổi trình diễn văn nghệ cho tất cả học sinh của cấp. Các học sinh đã chứng tỏ được thiện chí và tài năng của mình và góp phần làm tăng thêm tinh thần lạc quan chung qua những khúc hát, những đoản kịch, những tiếng cười hồn nhiên …. Qua ngày hôm sau, chúng được tận hưởng một buổi cắm trại đầy hứng thú trên sân trường.
Vị giám học cấp một rất năng động trên cánh đồng truyền giáo. Qua những tháng dài, sư huynh đã chuẩn bị chu đáo các em nhỏ để đón nhận bí tích thêm sức bằng những bài giáo lý sống động của mình. Dịp lễ thánh An-rê, 30 tháng 11, các phụ huynh lấy làm hãnh diện về 200 con em mình trong bộ đồng phục trắng nuốt, sắp theo hàng lối, tiến về thánh đường của giáo xứ tham dự thánh lễ ban phép Thêm sức. Trong dịp này, sư huynh François Sắc có tổ chức buổi chiêu đãi đức tổng giám mục Bình của Sài Gòn. Trong suốt thời gian mùa Giáng Sinh, sư huynh luôn tỏ ra rất tích cực và năng động. Theo đề nghị của sư huynh, bề trên Vial đã cho dựng lên một lễ đài, trên đó thánh lễ đêm sẽ được cử hành giữa trời. Đồng thời, toàn bộ phòng ốc của trường La san Hiền Vương cũng được trang trí thật đẹp. Cuộc canh thức và thánh lễ nữa đêm diễn ra trong một bầu không khí trang nghiêm, sốt sắng và không kém phần tươi vui.
Tuy luôn phải có cái nhìn tổng quát về việc giáo dục các học sinh, sh hiệu trưởng đồng thời cũng lo lắng cho “sự lành mạnh” của nền tài chánh trường. Ngoài hai thành công vang dội nói trên – biểu diễn văn nghệ và xổ số Tombola – sh đã cho xây dựng một nhà in, nài nỉ các ân nhân trang bị máy móc miễn phí. May nhờ khả năng xoay trở linh hoạt, sư huynh thực hiện thành công những gì ông dự định cho các học sinh mù : nhà in La San hoạt động tốt, phục vụ cho công chúng và mang lợi ích tài chính về cho trường mù.
Để kết thúc năm 1968, cộng đoàn tự hứa là sẽ quan tâm đến việc vun trồng ơn gọi cho công tác tông đồ La San. Các sư huynh nghĩ rằng vào cuối niên học 68-69, mình có thể gởi đến đệ tử viện Thủ đức khoảng 10 ơn gọi có chất lượng.

Bản Tin Liên Quan

0 comments:

Đăng nhận xét