21/6/13

Bóng Hồng Trên Sân Trường (Bình Lợi)

Đầu thập niên 70, trường Lasan Bình Lợi có hai sự kiện làm nổi bật sân trường. Đó là bóng dáng một nữ giáo sư trẻ đẹp và năm sau một số nữ sinh Trinh Vương sang học lớp 12.


Trường Lasan là trường tư thục chỉ nhận nam sinh. Chẳng biết vì lý do gì nhưng suốt bao nhiêu năm theo học tại trường các sư huynh, tôi chẳng hề thấy một bóng dáng vị nữ giáo sư nào. Đúng ra, trường có một bà giáo sư dạy Pháp văn, Mme. Thọ. Bà khoảng tứ tuần khi dạy chúng tôi từ lớp đệ Thất nên chúng tôi xem bà như một người mẹ vậy. Hình bóng một người đàn bà đẫy đà, đeo mục kỉnh, dáng đi chậm rãi trở thành quen thuộc sau từng ấy năm. Vậy mà năm đó, niên khóa 70-71, chúng tôi với cương vị là học sinh lớp lớn nhất trường ngạc nhiên khi thấy một cô gái với tà áo dài thướt tha xuất hiện từ cổng trường và khoan thai bước vào phòng giải lao của các giáo sư. Xin nói rõ là Mme Thọ rất ít khi mặc áo dài. Vì theo tây học nên hầu như bà luôn luôn mặc tây phục khi đi dạy.

Sự kiện một tà áo dài tung bay giữa sân trường Lasan đã xem như một hiện tượng rồi, huống gì đây là một cô gái trẻ đẹp. Bóng hồng thì đã rõ, còn trẻ đẹp thì chúng tôi chỉ đoán già đoán non. Nhìn dáng đi thướt tha đến vậy thì chắc chắn phải đẹp. Bọn tôi đã qua thời kỳ trổ mã được vài năm, vốn liếng tán gái chẳng có bao nhiêu (chỉ biết cắm đầu học), trừ mấy thằng to đầu, bồ bịch ở đâu phía ngoài cổng trường. Phần đông bọn tôi, lúc đó tuy học lớp 11, vẫn còn ngơ ngáo như mán trên rừng xuống tỉnh. Cả trường lúc nào chúng tôi cũng chỉ thấy đàn ông (giáo sư và các frère) con trai (học sinh), nên khi thấy một tà áo dài phất phới ở sân trường thì người đã ngẩn ngơ. Nhớ lại đôi lần trường Trinh Vương có các cô sang bán báo trường, mấy anh lớp lớn cũng rộn ràng hơn những ngày thường.

Chúng tôi lúc đó đứng ở nhà chơi. Thường thì bọn tôi hạy tụ họp ở nhà chơi trò chuyện trước khi vào lớp. Đang nói chuyện rôm rả, một thằng khều tay chỉ về con đường chính, và chúng tôi chợt im bặt. Một thằng mắt vẫn mải nhìn không chớp, miệng lẩm bẩm, “tao cá với bọn mày là cô giáo, chẳng phải chị của thằng nào đến trường gặp frère đâu.” Bọn tôi dõi mắt theo bước chân của cô gái. Đến khi bóng cô gái mất hút sau cánh cửa phòng giáo sư thì chúng tôi vội quay sang bàn tán về hiện tượng này lạ lùng này. “Vậy là đúng giáo sư rồi”, có thằng vung tay khẳng định. Có đứa bĩu môi, “nói như mày ai nói chả được, bước vào phòng giáo sư mà không phải là giáo sư thì là gì, vô lý vợ của ông thầy nào đi kiếm chồng”. Vài đứa thắc mắc không biết cô giáo dạy lớp nào? môn gì? Cả đám cứ bàn tán sôi nổi với biết bao nhiêu câu hỏi. Bỗng có thằng – tôi quên mất tên – thản nhiên buông thõng một câu, “không chừng cô dạy lớp mình”. Cả đám im bặt xoay sang nhìn thằng bạn có tư tưởng “điên rồ” khác thường. Nó nhướng đôi mắt cận thị ngây thơ nhìn chúng tôi, nét mặt nghiêm trang, xem như chuyện bình thường. Khuôn mặt nó thành khẩn trông thấy rõ, miệng lẩm bẩm như đang cầu xin chuyện đó trở thành sự thật. Một đứa đứng gần huých vai nó, ra cái điều tỉnh mộng đi, đừng bước trên mây nữa mày ơi. Vài đứa chợt ré lên cười rũ rượi, thế mà nó vẫn giữ bộ mặt nghiêm nghị đến nỗi có thằng phải nạt vào mặt, “mày điên vừa thôi? hay là mày xuống lớp dưới học đi cho xong việc, bọn tao tiễn mày đi ngay!” Tuy nói thế nhưng tôi biết ít nhất có dăm ba đứa đều mong chuyện “điên rồ” xảy ra như thằng bạn tôi nghĩ. Và dĩ nhiên trong số đó có tôi.

Câu chuyện lắng đi vài ngày chỉ vì năm đó là năm thi nên chúng tôi vùi đầu vào sách vở ngay từ những ngày đầu. Những lần ra chơi chúng tôi đứng trò chuyện với nhau nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng dáng vị nữ giáo sư đâu. Bỗng một thằng ở nội trú trờ đến, Dũng, bình thản báo một tin khá sốt dẻo:

- Bọn mày biết cô giáo tên gì không?

Có đứa nhanh nhẩu:

- Tên Tâm. Tao còn lạ gì.

Thằng này bình thường ít nói, tầm ngầm. Nó biết một tin “quan trọng” đến vậy mà vẫn thủ khẩu như bình mấy ngày nay. Đúng là cóc mở miệng. Vừa dứt lời đã có mấy thằng quay sang trợn mắt nhìn nó. Tôi hỏi gặng:

- Đừng phịa mày! Sao mày biết?

- Tao còn biết chị Tâm dạy môn gì nữa kìa.

Tôi quay sang Dũng:


- Mày xác nhận cô giáo tên Tâm đúng không?

Nó gật đầu:

- Nó biết tên thì ăn thua gì. Tao còn biết cả tên lẫn họ nữa kìa.

Thằng này nói thì chúng tôi tin vì nó ở nội trú, gần gũi với các frère. Các frère lại hay nhờ nó làm những việc lặt vặt ở văn phòng nên nó biết tên họ của cô giáo là điều dễ hiểu. Còn thằng “cóc mở miệng” này tài thánh gì mà vừa biết tên lại vừa biết môn cô dạy. Một thằng huých cùi chỏ:

- Làm sao mày biết?

- Thằng em tao học lớp 6. Tao hỏi nó thì xong ngay chứ khó gì. Cô Tâm dạy Việt văn.

Hùng xác nhận:

- Đúng.


- Còn họ?

Nó quay sang Dũng:

- Thôi, tao để cho mày nói.

Thằng này hôm nay lại giở chứng, õng ẹo như con gái làm dáng, giọng ỡm ờ.

- Bọn mày muốn biết hả?

- Thôi mày ơi, nói nhanh đi cho bọn tao nhờ.

- Trần thị Thanh Tâm.

Có thằng xuýt xoa:

- Tên đẹp như người.

Có đứa mơ màng:

- Trái tim xanh, trái tim đầy ắp yêu thương…

- Thôi đi mày, làm gì có trái tim xanh?

- Thanh thì không xanh thì là gì?

- Mà sao mày biết đầy ắp yêu thương?

- Người đẹp như cô thì tâm hồn dễ rung động, mà dễ rung động thì tình cảm phải dạt dào…

Mấy thằng bạn tôi bình thường đứng hóng chuyện thì nhiều chứ chẳng mấy khi mở miệng. Vậy mà chỉ vì nói đến cô Tâm, hơn tuần nay cả bọn bỗng trở nên nói nhiều, bình phẩm rôm rả, bàn tán sôi nổi. Cả lớp đều theo ban Toán, thế mà văn thơ cứ tuôn ra ào ạt như dân ban C không bằng. Có thằng tướng cục mịch, thô lỗ, ăn nói cộc lốc nay bỗng nhiên trở nên thâm trầm, ăn nói trau chuốt khi bình phẩm về cô Tâm. Thế mới biết hiện tượng cô Thanh Tâm là một hiện tượng lớn trên sân trường ngày ấy. Nó đã trở thành một giai thoại đáng yêu của một thời học sinh La San.



alt


Những ngày tiếp theo vẫn bóng dáng với tà áo thướt tha lặng lẽ bước từ cổng trường vào phòng Giáo sư. Các thầy giáo trẻ hình như không còn ngồi hút thuốc lá vặt ở lớp học nữa, mà hình như siêng về phòng Giáo sư trong giờ học sinh ra chơi để giải khát hoặc nhìn ngắm cô Tâm chúng tôi không rõ. Từ nhà chơi đến phòng Giáo sư là một quãng xa, chúng tôi chỉ thấy thấp thoáng tà áo dài phất phơ ẩn hiện rồi biến mất hút. Đôi lúc chúng tôi thấy một cậu học sinh chở cô vào đến tận cửa phòng Giáo sư, rồi quay xe ra cổng trường. Sau này bọn tôi biết được đó là đứa em trai của cô Tâm, theo lệnh bà mẹ đưa rước người chị đi dạy.

Cần nói thêm về một sinh hoạt buổi sáng của trường La San. Chính chuyện này đưa đến một sự kiện khá thú vị xảy ra ngay tại cổng trường. Mỗi buổi sáng sư huynh Giám thị đứng ở cổng để kiểm soát quần áo, giày dép, phù hiệu của học sinh. Luật rất nghiêm nhặt. Dép phải có quai hậu, ngực trái phải có phù hiệu, áo phải bỏ trong quần. Chức giám thị này là của Frère Tú, một sư huynh vừa chuyển đến trường hồi năm ngoái. Sư huynh là một tu sĩ tuổi đời chưa đến ba mươi. Frère gần như là mẫu người lý tưởng từ vóc dáng đến khuôn mặt điển trai, chơi môn thể thao nào cũng giỏi, nhất là bóng rổ. Ngoài ra, frère còn giỏi nhạc, chơi trống, đàn, orgue đều thạo. Thật là một người đàn ông gần như toàn diện. Frère khoan thai chắp tay sau lưng đứng ở cổng trường với cặp mắt loang loáng kiểm soát đồng phục của các học sinh. Các học sinh lớp đệ nhất cấp, lấm lét vòng tay chào khi thấy nét mặt nghiêm nghị của frère. Dáng frère oai phong đối với học sinh đến thế, vậy mà cứ mỗi lần chị Tâm xuống xe bước vào trường, frère tỏ vẻ bối rối thấy rõ. Sự mất tự nhiên đột ngột mỗi lần thấy bóng dáng chị Tâm không thoát khỏi những cặp mắt nhận xét của chúng tôi. Cử chỉ biểu lộ sự bối rối rõ nhất là frère gỡ cặp kiếng cận xuống và lấy mù-soa lau đi lau lại mắt kiếng. Chẳng biết vì bụi đất làm frère xót mắt hay bóng hồng làm mắt frère cay. Riêng chị Tâm vẫn gật đầu chào frère và bình thản bước sâu vào trường.

Tôi nhớ có một lần, chỉ một lần duy nhất này, tôi ngắm được gần trọn vẹn khuôn mặt của chị Tâm (từ giờ trở đi, xin cho tôi gọi là chị Tâm, thay vì cô Tâm thường lệ vì chị lớn hơn chúng tôi độ dăm ba tuổi, căn cứ theo tuổi của thằng em chở chị đi dạy).

Như mọi lần, chị Tâm bước chậm rãi từ cổng trường vào đến phòng Giáo sư. Hôm đó tình cờ tôi và thằng bạn bước vào cổng trường gần cùng một lúc với chị nên chúng tôi cố ý bước chậm lại để lẽo đẽo theo phía sau như cái đuôi. Bình thường hai thằng bước sóng đôi đều có chuyện để nói; cũng chẳng có chuyện gì quan trọng, toàn là chuyện trên trời dưới đất, cứ nói lan man bất cứ chuyện gì thoáng qua đầu. Vậy mà hôm đó hai thằng miệng ngậm tăm lặng lẽ bước theo chị. Ngọn gió buổi sớm mai vờn nhẹ tà áo xanh quyện lấy bước chân khoan thai của chị trông nhẹ nhàng thanh thoát làm sao. Mái tóc bồng bềnh xõa ngang vai sóng sánh theo bước chân như làn mây trôi lững lờ. Bàn tay nắm quai chiếc cặp táp, cái dáng mảnh mai bước đi tha thướt của chị mới yêu kiều làm sao. Thằng bạn tôi có lẽ cũng đang nhìn ngắm chị như tôi, nó còn lẩm bẩm những gì tôi nghe không rõ.

Đang bước nửa đường thì bỗng nhiên chị Tâm quay đầu lại.

Chị vẫn bước, nhưng ngoái đầu lại nhìn chúng tôi. Chị ngoái hẳn đầu và khoảng cách chỉ chừng sải ba bốn bước nên tôi nhìn rõ khuôn mặt của chị. Có lẽ chị thấy nóng nóng sau gáy khi chúng tôi nhìn trộm chăng? Cũng có thể chị thấy ngượng ngùng vì có 2 cậu học sinh lẽo đẽo theo phía sau, mặc dù chúng tôi không cố ý. Sau này khi lớn lên, trải qua trường đời, nghĩ lại tôi thấy hôm đó bọn tôi theo lẽo đẽo như thế là bất lịch sự. Không bao giờ làm cái đuôi của phụ nữ, cho dù là tình cờ. Đúng ra tôi và thằng bạn nên bước sang bên kia lối đi, bước song song thì hay hơn. Nhưng cơn cám dỗ phải nhìn cái dáng thanh thanh của chị Tâm quá mãnh liệt. Nó như thỏi nam châm hút cứng lấy bước chân chúng tôi không cưỡng lại được.

Chị cười. Nụ cười hiền dịu chẳng hàm ý một chút châm chọc nào. Nếu là một phụ nữ khác, có lẽ nụ cười nửa miệng như ngầm cảnh báo chúng tôi đừng lẽo đẽo theo sau nữa. Hoặc giả ném một cái nhìn sắc lẻm như khuyến cáo chúng tôi nên giữ lịch sự tối thiếu. Nhưng không, chị Tâm nhìn chúng tôi cười, nụ cười dễ dãi như một người chị khám phá 2 thằng em lẩn thẩn quấy rầy ở phía sau lưng. Bắt được nụ cười của chị, tôi chợt cảm thấy ngượng nghịu, chân bước liêu xiêu không vững. Hình như thằng bạn bên cạnh cũng mang một tâm trạng như tôi. Không bảo nhau, cả hai đứa bước chậm hẳn lại. Chỉ một thoáng, chị quay đầu lại và tiếp tục bước, nụ cười vẫn nở trên môi.

Và cũng trong một thoáng ấy, đủ cho tôi bắt gọn khuôn mặt của chị.

Đôi mắt, cặp chân mày, sống mũi, đôi môi nở nụ cười, và mái tóc… từng ấy thứ làm nên nhan sắc của một thiếu nữ đập mạnh vào thị giác và vẽ thành một bức chân dung sống động hằn lên trung khu nhớ của bộ não tôi những đường nét rực rỡ của một tuyệt phẩm từ Thượng đế. Buổi sáng hôm ấy cặp mắt của tôi có tác dụng như một máy ảnh loại thượng hạng chụp vội những đường nét trên khuôn mặt chị. Tuy khoảnh khắc thời gian chưa quá một giây nhưng trí óc tôi ghi nhận tất cả những nét thanh tú trên khuôn mặt của người con gái. Hình ảnh khuôn mặt chị đậm nét trong tâm trí của tôi mãi đến mấy mươi năm sau và mới đây có dịp hồi tưởng khi một người bạn nhắc đến số phận long đong của chị.

Những thằng con trai như tôi lúc đấy mang máng hình dung được thế nào là nhan sắc. Sách vở thường nói đến nào là chân mày lá liễu, mắt trong như hồ thu, sống mũi thanh, đôi môi hồng đào, nụ cười hàm tiếu, cằm thuôn. Tôi đã thưởng lãm nhiều bức chân dung, nhìn ngắm những tranh vẽ nhưng nét đẹp của chị Tâm vào buổi sáng hôm đấy khác hẳn những gì tôi đã thấy, đã gặp. Người ta ví von sắc đẹp của Tây Thi khiến chim phải sa cánh, của Điêu Thuyền đến nỗi trăng phải thẹn thùng, của Dương Quý Phi làm hoa phải khép cánh nhưng trong những nét đẹp này hàm chứa hiểm nguy của một mưu mô, dẫn đến sự tàn phá khốc liệt của ngai vàng và triều đại. Chứng đau bụng của Tây Thi khiến vua Việt mất nước. Điêu Thuyền dùng sắc đẹp làm đòn xóc để cha con Đổng Trác và Lữ Bố giết nhau. Còn Dương Quý Phi đã làm ngai vàng của vua Đường lao đao. Một sắc đẹp lồ lộ đến nỗi chim muông cây cỏ không hồn phải tự thẹn lấy thân và khiến người đối diện phải ngẩn ngơ. Không, chị Tâm không đẹp lồ lộ. Chị đẹp hiền từ. Nét đẹp của chị đằm thắm, dịu dàng
. Tôi cứ tưởng tượng những gì đẹp nhất mà người ta có thể nghĩ đến đều thể hiện trên khuôn mặt chị. Sắc đẹp chị trông mong manh, mỏng dòn khiến người ta không có cảm giác chiếm đoạt nhưng lại muốn nâng niu, chiều chuộng. Một sắc đẹp để thế gian chiêm ngắm hơn là giữ cho riêng mình. Nhìn khuôn mặt chị như uống một ly rượu không gây cảm giác sốc ngay từ ngụm đầu tiên nhưng từng ấy ánh mắt, nụ cười thấm dần vào lục phủ ngũ tạng và dễ làm người ta say. Tôi say say vào buổi sáng hôm ấy khi thoáng nhìn thấy những nét thần tiên trên khuôn mặt chị.

Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi bắt trọn khuôn mặt của chị. Vì là năm thi nên tôi bận bịu với sách vở và chẳng còn chú ý gì đến một bóng hồng vẫn hiện diện trên sân trường mỗi ngày. Thỉnh thoảng vẫn thấy chị với tà áo lộng gió phất phơ như diễu cợt những thằng con trai như tôi. Hiện tượng Thanh Tâm lắng dần, bớt sôi nổi như những ngày đầu. Học sinh La San đã quen với bóng hồng nhưng chúng tôi, những học sinh lớp 11, lòng vẫn thấy bồi hồi mỗi khi bắt gặp chị từ tốn bước từ cổng vào sân trường. Đứng ở nhà chơi, chúng tôi vẫn dõi mắt theo bước chân chị, chỉ có điều mỗi đứa theo đuổi một ý nghĩ riêng, chẳng đứa nào mở miệng bình phẩm gì. Riêng tôi, khuôn mặt dịu hiền và dáng hình mảnh mai của chị mãi là một trong những gợi nhớ không thể nào quên trên sân trường La San ngày ấy .

Thời gian trôi qua nhanh chóng. Thấm thoát đã hết năm học. Qua được cửa ải Tú I vào năm lớp 12 sân trường bỗng vắng bóng chị. Cái dáng thanh thanh khoan thai bước từ cổng đến phòng Giáo sư nay lạc đâu mất biền biệt. Tôi thắc mắc tự hỏi rồi cũng chẳng biết hỏi ai. Bạn bè một số qua Cường Để, bên La San lại nhận thêm 14 cô từ Trinh Vương sang. Sân trường vắng bóng chị nhưng lại rộn rã những tà áo trắng. Tôi lại vùi đầu vào sách vở và chợt quên đi một bóng hồng đã có lần làm rộn ràng sân trường La San. Hình bóng chị Tâm biệt tăm từ đó…

Mãi đến gần đây, khi nối kết được nhóm bạn cũ, có đứa nhắc lại chuyện xưa và cả bọn chợt nhớ đến chị Trần thị Thanh Tâm. Tôi thắc mắc không biết chị giờ lưu lạc phương nao thì Lâm, một người bạn ở Đức, tiết lộ một vài chi tiết về cuộc đời chìm nổi của chị. Tôi còn được biết thêm, những ngày chị đi dạy ở La San, ở Qui nhơn không biết bao nhiêu người theo đuổi chị. Từ sĩ quan, giáo sư, đến bác sĩ đều ngắm nghé xin bàn tay của chị. Tôi không ngạc nhiên lắm vì nhan sắc của chị đã làm tôi say say vào buổi sáng hôm ấy thì nhan sắc đó làm say đắm biết bao người cũng là điều dễ hiểu. Từ say đến say đắm chỉ thêm một chữ đắm.

Nếu chị làm đắm chìm bao nhiêu tim chàng trai rắp ranh xin bàn tay thì chính cuộc đời chị cũng đắm chìm những long đong trắc trở. Lâm gửi cho tôi hình chị chụp với hai đứa con nhỏ nhân ngày cưới của cô em gái chị. Trong hình nhìn chị vẫn đẹp, nét đẹp có thêm chút mượt mà của người đàn bà hai con. Vậy mà Liêm, một học sinh lớp 6 năm đó học Việt văn với chị cho rằng nét đẹp của chị đã giảm sút hơn nửa. Tấm hình chụp năm 77, 78; nghĩa là sau khi chị bỏ trường chừng 6, 7 năm. Chỉ từng ấy thời gian mà nhan sắc xuống mau đến thế sao? Tôi nghĩ nhận xét của Liêm khả tin vì tôi chỉ nhìn rõ khuôn mặt chị có một lần, còn Liêm trong suốt 9 tháng học, mỗi tháng 4 tuần, mỗi tuần 3 giờ Việt Văn đều nhìn tận mặt chị. Liêm còn kể thêm trong giờ học của cô Tâm, cả lớp lúc nào cũng nghiêm trang, chăm chỉ, không ồn ào chọc phá như những giờ khác. Cũng theo lời Liêm, những cậu con trai mới 11 tuổi thời đó đã thấy cô Tâm đẹp như cô tiên trong chuyện cổ tích. Bởi vậy không một đứa nào muốn làm cô buồn. Cả lớp tranh nhau học để được cô khen. Cuối cùng Liêm bảo cả năm bọn em cứ nhìn ngắm khuôn mặt của cô Tâm mãi không chán. Hình ảnh đó vẫn còn đậm nét trong tâm trí Liêm mãi đến bây giờ nên nhìn tấm hình chụp chị Tâm với hai đứa con nhỏ, Liêm cứ tiếc chị không còn giữ được những nét đẹp của thời con gái.


alt


Hóa ra chị lấy chồng xa nên bỏ dạy. Chị là cựu học sinh trường Nữ Trung học, đến lớp 12 sang Cường Để. Xong Tú tài II, chị vào Sàigòn học Đại học Khoa học. Được một năm rồi chẳng biết vì lý do gì lại quay về Qui nhơn và vào dạy ở La San. Hình như chị cũng dạy ở trường Trinh Vương thì phải. Và bây giờ chị lấy chồng như những người con gái khác. Dòng đời chị có những khúc quanh khá gập ghềnh nhưng vẫn trôi lững lờ. Bước cuối cùng của đời người con gái là lấy chồng gánh lấy trách nhiệm, đoạn tuyệt với thời con gái có nhiều kẻ đón người đưa. Nó cũng chấm dứt ước mơ của biết bao chàng trai ở Qui nhơn thời đó.

Vài năm sau con cái ra đời nên chị càng bận rộn với gia đình. Rồi biến cố 75 xảy ra. Biết bao cảnh gia đình ly tán, vì thất lạc, vì chết chóc, vì vượt biển. Gia đình chị cũng không tránh khỏi cảnh đau lòng. Một tay chị nuôi nấng hai đứa con thơ. Và mãi đến năm 77, chị có dịp bồng 2 đứa con thơ chụp hình với gia đình mới của cô em gái.

Nếu đoạn kết cuộc đời chị là một mái gia đình hạnh phúc với con cái thì cũng giống như bao nhiêu mảnh đời khác, cho dù ngày chị lên xe hoa về nhà chồng sẽ để lại biết bao nuối tiếc cho những chàng trai đã một thời yêu (thầm) chị. Có người du học từ phương xa vẫn âm thầm nhớ đến chị. Có kẻ bắn tiếng với gia đình chị nhưng bà mẹ không nhận lễ cầu hôn. Có người yêu thầm nhưng chẳng bao giờ dám mở lời, lặng lẽ nhìn chị lên xe hoa. Tôi đoán ngày pháo hồng đỏ rực trước sân nhà chị, biết bao chàng trai ở Qui nhơn lòng héo úa hơn lá mùa thu.

Tất cả chỉ vì duyên số. Tất cả chỉ vì thời gian không cho phép chị chờ đợi. Và cuối cùng là truyền thống cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Các bà mẹ thường đặt nặng chuyện môn đăng hộ đối, với lời bào chữa cho con ấm tấm thân về sau khi có kẻ hầu người hạ trong nhà. Với quan niệm cổ hủ luôn cho rằng cần gì tình yêu, vì chuyện đó quá viễn vông. Chuyện ngay trước mắt là phải làm tròn bổn phận người con biết vâng lời cha mẹ và bổn phận làm vợ biết lo cho chồng con. Tất cả những quan niệm (sai lầm) này đủ giết chết đời nhiều người con gái.

Hoàn cảnh của chị Tâm có vướng vào một trong những quan niệm sai lầm như thế không? Tôi không rõ lắm nhưng ngày chị đi lấy chồng là một cái mốc quan trọng trong cuộc đời chị. Đời chị đã bước sang một ngã rẽ khác. Ngã rẽ nào của cuộc đời đều có những bất ngờ không lường được. Riêng ngã rẽ cuộc đời của chị lại kết thúc thật bi thảm.

Không lâu sau đám cưới cô em gái, chị vượt biển. Cô em gái, cậu em rể, chị và hai đứa con thơ bước xuống tàu rồi đi luôn không nghe một tin tức gì. Hơn triệu người vượt biển, theo thống kê, chỉ non nửa triệu là đặt chân đến bờ tự do. Chị, hai đứa con và gia đình cô em gái nằm trong một nửa xấu số kia. Có quá nhiều thảm cảnh không kể xiết nhưng mỗi lần nghĩ đến số phận của chị Tâm, tôi không khỏi chép miệng thở dài.

Ai ai rồi cũng một lần chết. Cái chết thương đau của chị Tâm và hai đứa con thơ chắc chắn để lại nhiều luyến tiếc cho chồng, cho gia đình, cho bạn bè, và cho riêng tôi. Chị mất khi mới chớm 26, và hai đứa con còn quá nhỏ. Cứ tưởng tượng lúc chị nhìn hai đứa con chìm sâu trong lòng biển chị đau đớn đến thế nào. Hy vọng chị chết cùng một lúc với hai đứa con để tránh thấy cảnh đau lòng. Thật không ngờ khi tìm thêm được tin tức của chị là lúc biết chị đã ra người thiên cổ từ lâu.

Người ta thường nói, “Người đẹp từ xưa như danh tướng, Không để nhân gian thấy bạc đầu”. Danh tướng thường chết ngoài trận mạc vinh quang với chiến công hiển hách. Người đẹp, cũng như danh tướng, thường chết yểu nên thế gian chẳng bao giờ thấy tóc họ đổi màu. Họ chết trẻ trong nỗi luyến tiếc của mọi người. Chị Thanh Tâm cũng thế. Nếu chị còn sống, giờ này chị đã quá lục tuần, tóc cũng bạc theo thời gian. Khuôn mặt đó chắc chắn phải đổi thay, ngoại trừ sự dịu dàng, hiền thục, và nét đan thanh của chị vẫn mãi mãi thách đố với thời gian. Tôi tin như thế.

Nếu câu “hồng nhan bạc mệnh” vận vào đời của chị thì khuôn mặt kiều diễm của một giáo sư tuổi chưa đến 20 vẫn còn nằm mãi trong tâm trí nhiều cựu học sinh La San. Một thời làm đẹp sân trường với tà áo xanh tha thướt. Một thời làm rung động biết bao con tim của những chàng trai Qui nhơn.

Xin cầu cho hương hồn chị yên vui ở cõi Niết Bàn.

Hà Ngân

0 comments:

Đăng nhận xét