21/6/13

Mùa Xuân Nhớ Thầy ( La San Bình Lợi)

Cứ gần đến Tết là mấy chậu Lan nhà tôi nở rộ. Nói vậy chứ Tết sớm cỡ đầu tháng Hai thì Lan nở không kịp. Nhưng nếu Tết khoảng giữa tháng Hai thì thế nào năm đó nhà tôi cũng có mấy chậu Lan khoe đủ màu sắc. Bà xã tôi ươm Lan trong một chậu khá lớn, phải đến cả vòng tay ôm. Tôi đếm mỗi chậu có đến cả chục giò Lan. Khi nở, những cành hoa Lan ưỡn người nằm vắt qua thành chậu khoe màu sắc rực rỡ. Cành Lan đong đưa lả lơi theo làn gió nhẹ trông như cô gái xuân thì đang nũng nịu làm dáng.


Tôi chỉ biết thưởng thức Lan, chứ công chăm bón để có cái dáng nũng nịu gợi cảm như thế là nhờ nhà tôi. Cả đến mấy cây ớt trồng sau vườn, nhà tôi cũng bỏ công chăm sóc. Lâu lâu ông trời đi vắng, tôi mới ra sân sau để tưới cây. Phân bón loại nào cho cây gì tôi cũng chẳng biết. Nhà tôi đi mua, tôi có công vác từ xe ra sau vườn, hoặc cất vào nhà kho. Có lẽ biết cái tính làm biếng của tôi không thuốc chữa nên nàng cứ ngậm bồ hòn làm công việc của người chủ vườn. Tôi nghiệm ra một điều, mấy cây ớt, mấy chậu Lan, cả cây bưởi nếu làm biếng như tôi không tưới nước, không chăm bón thì chắc chắn chúng đã chết từ lâu rồi.

Những học sinh La San Bình Lợi Qui nhơn cũng nhờ công chăm bón của các Sư huynh và Thầy mà mới nên người như ngày hôm nay. Tôi theo học La San từ thời lớp Ba. Mỗi ngày đến trường với cặp và lọ mực cầm nơi tay. Ngòi bút lá tre nắn nót từng chữ viết trên trang giấy trắng. Trên bảng đen thời đó lúc nào cũng có một câu châm ngôn được viết bằng chữ to, nằm trên cùng. Nào là “Tiên Học Lễ, Hậu Học Văn”, “Uống Nước Nhớ Nguồn”, “Công Cha Như Núi Thái Sơn, Nghĩa Mẹ Như Nước Trong Nguồn Chảy Ra”. Thầy Trung dạy lớp Nhì. Thầy Tân dạy lớp Nhất. Frère Hubert dạy Pháp văn từ lớp Nhì. Giọng con nít ê a đánh vần từng chữ tiếng Pháp nghe thật ngây ngô. Đó là lớp sinh ngữ đầu tiên của một thằng bé 9 tuổi ở trường La San.

Tôi còn nhớ những mùa Xuân loạn lạc, thiên tai, trên bảng lại có câu “Lá Lành Đùm Lá Rách”. Khi giảng dạy, Thầy viết lên bảng để chúng tôi chép lại (trừ chính tả). Thầy viết rồi xóa lời giảng nhưng Thầy không bao giờ xóa câu tục ngữ, châm ngôn. Nếu có xóa đi Thầy sẽ viết lại một câu khác. Có những câu nằm im trên bảng đen cả tuần, đôi khi cả tháng. Vì đầu óc non nớt của một thằng bé dưới 10 tuổi không hiểu cặn kẽ ý nghĩa của những câu tục ngữ nên Thầy đều giải thích mỗi khi viết câu mới. Mỗi ngày, ngồi phía dưới nhìn lên, những câu tục ngữ đập vào mắt tôi, và chúng tôi – những thằng bé ham chơi – nhớ gần như thuộc lòng. Cứ thế, qua một niên học, thêm một tuổi, tôi lại hiểu thêm ý nghĩa của cả chục câu tục ngữ khác nhau. Các Thầy ở La San đã khai tâm chúng tôi bằng những bài học về cách sống làm người. Sau này, khi lớn lên những câu phương châm đã giúp tôi giữ vững được những giá trị mà các Thầy đã dày công hun đúc ngay từ khi còn nhỏ.

Lên đến trung học, hết còn những câu tục ngữ viết trên bảng nhưng các Sư huynh tập rèn cho tôi những đức tính khác. Đức dục như kỷ luật, lễ phép, hiếu thảo, và trí dục với những môn học khác hẳn ở lớp tiểu học. Tất cả đều nhằm đào tạo một thế hệ học sinh tốt, để sau này trở thành những người tài giỏi giúp ích cho nước nhà. Trí óc tôi mở toang với những môn học mới, kiến thức thênh thang qua những hiểu biết mới. Năm đệ Lục, tôi học với Sư huynh Cyrille. Tôi nhớ Frère dạy môn toán Đại số và Hình học. Những phương trình, những con số lạ lẫm so với những bài toán động tử ở dưới bậc tiểu học. Xếp đặt thứ tự để giải một phương trình bậc nhất giúp tôi suy luận cho hợp lý. Hình học là một cách suy nghĩ mới mà tôi phải làm quen. Frère đã khai trí cho tôi bằng những con số và ẩn số. Khi lớn lên, đôi lúc nản chí vì gặp phải những việc nan giải cần giải quyết, tôi lại nghĩ đến những phương trình bậc nhất đơn giản mà Frère đã dạy cách tìm đáp số cho ẩn số. Nếu suy nghĩ và chịu khó xếp đặt, ẩn số sẽ không còn là ẩn số nữa. Việc nan giải cũng thế, cứ bình tâm suy nghĩ, xếp đặt lại tư tưởng cho mạch lạc thì thế nào cũng tìm được cách giải quyết.

Ở lớp đệ Tứ, tôi khổ sở với Frère Ernest Côn về môn Việt văn. Frère thuộc Kiều và say sưa dẫn giải từng câu, từng chữ với điển tích nghe thật lạ tai. Cả lớp hình như chẳng thiết tha gì đến thơ, ngồi ngơ ngác như vịt nghe sấm. Bởi vậy bài thi chẳng đứa nào đạt được điểm trung bình. Đề thi Việt văn luôn luôn có 2 đề, một đề bình giải, và một đề bình Kiều. Chẳng mấy đứa chọn Kiều, mà hình như Frère chỉ thích Kiều. Bởi vậy Frère cho điểm rộng rãi với bình Kiều và hà tiện với bình luận. Học một môn mà không bao giờ đạt được điểm trung bình nên đôi lúc tôi nản chí, ngồi trong lớp cứ lơ đãng chẳng buồn nghe giảng. Vậy mà có một lần Frère giải thích hai chữ “lãng mạn” tôi lại chú ý mà đến giờ này tôi vẫn nhớ rõ lời giải thích của Frère. Cái lối chiết tự của Frère thật hay, lại dễ nhớ. Theo Frère thì “lãng” là sóng, “mạn” là bờ. Và Frère bảo, khi sóng tình cảm vượt bờ lý trí thì đó là “lãng mạn”. Mãi về sau, tôi chưa từng nghe một ai giải thích hai chữ “lãng mạn” một cách tượng hình tượng thanh đến thế. Cái lối chiết tự thì bình thường nhưng gom lại thành một lời giải thích thì theo tôi chỉ có Frère mới nghĩ được đến thế. Nếu Pascal cho rằng, con tim có những lý lẽ riêng của nó mà lý trí không thể hiểu được thì lời giải thích của Frère như một lời khuyến cáo, đừng để sóng tình cảm vượt bờ lý trí. Hay đến thế là cùng.

Lớp 12 La San của tôi khá đặc biệt vì có nữ sinh. Đặc biệt hơn nữa là chúng tôi phải học 3 môn thật mới, mới toanh. Đó là Tâm lý học, Đạo đức học, và Luận lý học. Ở Qui nhơn, trên tay cầm một trong 3 cuốn sách này là biết học sinh đó đã đậu Tú đơn, đang học thi Tú kép. Và những môn này được Frère Raymond Hinh phụ trách. Thú thật đến giờ này tôi không còn nhớ đã học được những gì. Giọng Frère Raymond giảng bài sang sảng, thế mà tôi cứ để tâm đến những tà áo trắng đang ngồi khép nép ở hàng trên hơn là những từ thật khó hiểu như “trực giác”, “tiềm thức”, “phản xạ tự nhiên”, “bản năng”… Tôi chỉ nhớ một lần giảng môn Tâm lý, Frère giải thích rằng thói quen nếu được lập đi lập lại sẽ trở thành tập quán; từ tập quán sẽ thành truyền thống và sau cùng sẽ trở thành bản năng. Cứ lấy một tập tục nào đó bắt nguồn từ làng xóm Việt nam, chẳng hạn như tục nhuộm răng. Ban đầu tập tục này bắt đầu từ một nhóm người, rồi lan sang làng xóm chung quanh để trở thành một thói quen. Sau một thời gian, tập tục này trở thành tập quán, rồi truyền thống. Phải cần một tiến trình thật lâu dài mới trở thành bản năng. Frère nói tập tục này bị đào thải vì không còn thích hợp trong xã hội mới nữa. Frère bảo thêm, một người tốt phải cần có những thói quen tốt, lâu dần sẽ thành tập quán tốt. Đừng chê những việc tốt nhỏ mà không làm. Cũng đừng thấy những việc ác nhỏ mà làm. Những lần đó, giảng Tâm lý nhưng Frère lại lồng vào những bài học thực tế ở đời nên lời giảng sống động và gây được sự chú ý của chúng tôi. Đã hơn 40 năm, vậy mà lời của Frère vẫn còn vang vọng trong tâm trí của tôi.

Tâm trí tôi vẫn nhớ đến công ơn của bao nhiêu Frère và Thầy khác, làm sao kể cho hết. Những Sư huynh của tôi nếu còn sống giờ này cũng đã già yếu lắm rồi. Frère Raymond Hinh, vị hiệu trưởng cuối cùng của La San Bình lợi QN, hiện vẫn còn sống ở Mai thôn. Cô bạn học lớp Siêu hình học với Frère hiện đang công tác ở VN cũng muốn đi thăm nhưng nghe đâu Frère yếu không thể ngồi tiếp khách. Hy vọng trước khi về Mỹ, cô bạn sẽ đến Mai thôn, ân cần nắm lấy tay Frère, thay mặt bạn bè lớp 12AB gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến với Frère. Trong số các vị Thầy dạy tôi, có lẽ Thầy là người lớn tuổi nhất còn sống.

Hầu hết những người Thầy và Sư huynh khai tâm cho tôi đã từ giã cõi đời. Phần mộ của Frère Ernest tôi tình cờ thấy qua một đoạn phim của một cựu học sinh dán trên mạng. Những ngôi mộ quét vôi trắng loang lổ nằm trên một mảnh đất sát bờ sông cùng một kích thước, giống in hệt nhau. Trên bia đá có khắc tên, năm sinh, năm mất, và một tấm hình bán thân. Bình hương nhỏ nằm chơ vơ trước bia mộ trông thật quạnh quẽ và lòng tôi dâng lên một nỗi buồn man mác khi nhìn về Mai thôn từ phương trời xa. Tôi tự nhủ thế nào cũng có ngày trở về thăm mộ phần của Frère và chân thành thắp lên một nén nhang. Đốm lửa cháy leo lét đầu ngọn nhang rồi sẽ tàn nhưng lòng quý mến các Sư huynh của tôi sẽ chẳng bao giờ phôi phai. Thân xác những người Thầy của tôi bây giờ đã nằm yên trong lòng đất nhưng thành quả của họ vẫn còn thể hiện trong cách sống của tôi, và của bạn bè tôi. Và ước mơ của các Frère dòng La San chỉ có thế.

Vào dịp Tết, theo truyền thống tốt đẹp của Việt nam, mỗi người đều nhớ đến công ơn của Cha Mẹ và Thầy Cô. Mùng Một Tết Cha, Mùng Hai Tết Mẹ, Mùng Ba Tết Thầy. Gia đình vẫn là nơi hun đúc những đức tính tốt cho con cái nhưng môi trường học đường vẫn là nơi giúp con cái lớn khôn để trở thành người hữu dụng trong xã hội.

Tôi không có dịp ở gần các vị để đi Tết nhưng mùng Ba Tết năm nay, tôi sẽ đặc biệt nhớ đến các vị Sư huynh, những vị Thầy trong lời cầu nguyện đầu năm của tôi.

 Hà Ngân

0 comments:

Đăng nhận xét