Câu chuyện là một sự hồi tưởng của tác giả (câu 17, “Số là…”)
, một kỹ thuật không ưa chuộng của Mark với lối văn “realism”, hiện thực mô tả,
luôn đẩy người đọc đi theo diễn tiến trần trụi của câu chuỵên (chỉ trừ một lần
duy nhất, ở sân dinh Thượng Tế, của nhân vật Phêrô 14.72). Sự hồi tưởng này như
là chỉ để quảng diễn câu nhận xét của Herode về Chúa Giê Su ở 6.16. Nhưng như
thế thật không đáng với một câu chuỵên duy nhất trong Tin Mừng được đầu tư kỹ
lưỡng như vậy nhưng không liên quan trực tiếp đến Chúa Giê Su, như Edward Schweizer
nhận xét. Đặc biệt câu chuyện không ăn khớp với lịch sử, vì theo sử gia
Josephus, Gioan bị giết bởi Herode vì lý do chính trị. Hoàn toàn không có
chuyện Herodias và cô con gái. Có lẽ chính vì thế mà Luke 9.7-9 chỉ lấy lại
phần đầu câu chuyện (Mark 6.14-16), còn John thì loại bỏ hoàn toàn mặc dù Gioan
Tẩy Giả là nhân vật chính trong tin mừng của ông. Matthew thì chỉnh sửa quan
trọng có lẽ cho phù hợp với Josephus. Nhiều tác giả cho rằng câu chuyện là điềm
báo cho cái chết của Chúa Giê Su, như vậy, hoàn thành vai trò “tiền hô” của
Gioan, như Chúa Giê Su sẽ xác nhận ở 9.13. Tác giả khác chú ý đến kỹ thuật
“sandwich” rất đặc thù của Mark. Xen vào giữa việc các môn đệ được sai đi
(6.7-13) và các ông trở về (6.30), cái chết của Gioan như vậy là bối cảnh cho số
phận của cuộc đời môn đệ. Nhưng theo kinh nghiệm cá nhân tôi, kỹ thuật “chuyện
kể” (narrative) của Mark không đơn giản chỉ để “minh họa”. Ông tinh tế hơn ta
thường nghĩ. Câu chuyện cái chết của Gioan là điển hình cho sự tinh tế đó.
Cái
chết của Đức Giê Su giống với cái chết của Gioan. Pilate muốn che chở Chúa Giê
Su nhưng bị kẹt vào áp lực của giới lãnh đạo Do thái đứng trong bóng tối hậu
trường (15.2-15), cũng như Herode với Herodias
(6.19-20). Gioan và Chúa Giê Su đều chết như một ngôn sứ dưới tay của lãnh chúa
tàn bạo. Bối cảnh của cả hai cái chết cũng rất mỉa mai. Người ta giết Chúa Giê
Su vào lễ Vượt Qua là lễ kỷ niệm cụôc giải phóng một dân tộc đi vào sự sống
mới, cũng như người ta chặt đầu Gioan như một món giải trí bổ sung trong lễ kỷ
niệm ngày ra đời của một ông vua. Xét cho cùng, cả hai cái chết đều không danh
giá. Gioan với hình tượng cái đầu trên dĩa đùa vui như một hạng mục trong thực
đơn cho bữa liên hoan của triều đình bạo chúa, Còn Chúa Giê Su trên thập giá
như là kẻ bị giết rồi “quăng ra bên ngoài vườn nho” (12.8), làm đề tài dễu cợt
và nhục mạ của kẻ qua người lại trên đường (x.15.29,31).
Nhưng
cái chết của Chúa Giê Su lại không giống cái chết của Gioan. Gioan bị bắt, bị
tống giam, còn Chúa Giê Su thì tự do đến phút chót (x.14.49). Gioan thụ động
với sinh mạng mình trong bàn tay thao túng của các thế lực đời, còn Chúa Giê Su
thì chủ động trao nộp mạng sống mình (x.8.31-32; Lk 13.33). Cái chết của Gioan không
phải vì sứ điệp “tiền hô” của ông. Nó lặp lại hình mẫu ngôn sứ nhân danh Lề
Luật chỉ trích đời sống giới lãnh đạo, một câu chuyện không mới của lịch sử Israel.
Nhưng Chúa Giê Su chết vì sứ điệp cứu độ của mình và việc loan báo Vương Quốc
(x.3.6; 15.31-32). Cái chết của Gioan gợi lại số phận của ngôn sứ Elia (x.9.13,
đây là lý do Mark dàn dựng nhân vật Herodias, cho phù hợp với motif “hoàng hậu độc
ác” là Isabel ở 1 Vua 19!). Nhưng cái chết của Chúa Giê Su hoàn toàn khác. Đó
là số phận của Người Tôi Tớ Đau Khổ, người Con yêu dấu được gởi đến vào thời kỳ
sau hết (x.9.12b; 12.6-8).
Bữa
tiệc cũng làm nổi bật bữa ăn nghèo của Chúa Giê Su ngay sau đoạn văn đó. Sự tương
phản quá rõ giữa vương quốc của bạo chúa trần gian mà Herode là biểu trưng, và
Nước Thiên Chúa đang hiện thực nơi Chúa Giê Su . Herode đãi tất cả quan chức và
lãnh đạo Galilê trong cung điện (6.21), còn Chúa Giê Su đãi hơn năm ngàn người đi
theo Người như “bầy chiên không người chăn dắt” trong hoang địa (6.34) và Ngài
còn dạy họ nhiều điều (6.34). Cả Chúa Giê Su và Herode đều khoản đãi những
người theo mình. Nhưng cuối bữa ăn của Herode, một cái đầu rơi, còn ở hoang
địa, các môn đệ thu lại được mười hai giỏ bánh (6.43). Một thế giới cũ đang tự
kết án mình và một dân Israel
mới đang hình thành.
Buổi
tiệc quyết định số phận của Gioan cũng vọng lại bữa ăn cuối cùng của Chúa Giê
Su, bữa tiệc Chia Tay. Một từ nối kết cho cả hai bữa tiệc, “dịp thuận tiện”, cơ
hội cho Herodias (6.21) lẫn Juda (14.11) thực hiện mưu đồ của mình. Cả hai bữa
ăn đều bị phủ bóng bởi cái chết. Nhưng trong bữa tiệc của Herode một mạng người
bị giết để giữ thể diện cho chủ tiệc và hòa khí nội bộ. Còn trong bữa Tiệc Ly,
Chúa Giê Su hiến dâng máu và thân mình cho anh em để làm một tương quan mới (Giao
Ước) giữa Thiên Chúa và muôn người (14.24). Vương quốc trần gian phải chứng tỏ
và duy trì quyền lực bằng cách định đoạt mạng sống con người (x.10.42), còn Vương
Quốc của Thiên Chúa trái lại, đang tỏ lộ bằng việc Con Người đến “hiến dâng
mạng sống làm giá chuộc nhiều người” (10.45).
Điều
buốt nhói nhất trong câu chuyện của Mark, là cách ông lập biểu trưng (symbol)
cho cái chết của Gioan Tẩy Giả. Nó hoàn toàn khác với biểu trưng cái chết của
Đức Giê Su. Kể từ khi Gioan lên tiếng về chuyện riêng của gia đình Herode, ông
bị di chuyển từ hoang mạc, nơi ông đã tự do rao giảng bấy lâu để chuẩn bị cho
Nước Chúa (x.1.4-8), vô “nhà” của Herode (x.6.17a), trở thành sở hữu của
Herode, và chỉ để riêng Herode giải khuây (x.6.20)! Trong bối cảnh đó, cái đĩa
mà Mark cố ý đưa vô (cái đĩa là sáng kiến riêng của nhân vật cô con gái!) trở
nên một biểu trưng mỉa mai, biến cái chết của Gioan trở nên một món quà tặng
dâng cho Herodias và cô con gái. Họ đã thành công trơng việc dành lấy Gioan từ
Herode, để sở hữu Gioan, làm im tiếng nói của ngài, và sở hữu luôn số phận
ngài. Trong cuộc đời Chúa Giê Su, Ngài cố tránh đưa ra một ý kiến công khai về
tầng lớp lãnh đạo hay chính trị, điều mà Mark gọi rõ là “cái bẫy” (x.12.13).
Chẳng hạn, thay vì chỉ trích đời sống luân lý của giới lãnh đạo, Ngài lo dạy dỗ
dân bước xa hơn trong hôn nhân theo ý định của Thiên Chúa (x.10.9). Có lẽ chính
vì thế mà Đức Giê Su tự do. Tự do chính ngay cả trong cái chết của mình: thực
vậy, không ai buồn sở hữu Ngài. Cho đến chết, Ngài vẫn thuộc về anh em mình
(x.15.46-47). Vì thế, thập giá của Đức Giê Su là biểu trưng của sự loại bỏ của
xã hội, chắc chắn không danh giá như cái đĩa của Gioan Tẩy Giả, nhưng lại là
biểu trưng của tự do.
Như
vậy, cái chết của Gioan Tẩy Giả, theo Mark, không chỉ “báo trước” nhưng còn làm nổi bật ý nghĩa cái
chết của Đức Giê Su và Vương Quốc của Ngài. Nó cho thấy chính ở nơi cuộc đời và
cái chết của Đức Giê Su mà người môn đệ mới tìm ra ý nghĩa đích thực cho cuộc
đời và cả số phận của mình. Chứ không phải cuộc đời Gioan, dù ông là ngôn sứ
Tiền Hô cuối cùng. Ta đi theo Chúa Giê Su là dâng hiến đời mình cho Nước Thiên
Chúa. Ta không chỉ sống cho “lý tưởng”, hay chỉ để bảo vệ luân lý, hay chỉ
chiến đấu cho một ý thức hệ (ideology) nào đó dù tốt lành cách mấy. Nếu được
vậy, chúng ta sẽ tự do.
Thư Mục: David Rhoads and Donald Michie, Mark as Story: An Introduction to
the Narrative of a Gospel (Philadelphia: Fortress Press, 1982); John R.
Donahue, S.J. and Daniel J. Harrington, S.J. The Gospel of Mark, Sacra
Pagina, vol. 2 (Collegeville, Minnesota:
The Liturgical Press, 2002); R. Allan Culpepper, Mark 6.17-29 in Narrative Context: Kingdom in Conflict trong Mark as Story: Retrospect and Prospect,
ed. Kelly R. Iverson,Christopher W. Skinner (GA, USA: SBL, 2011)
Vincent Quân FSC
0 comments:
Đăng nhận xét