Câu hỏi ấy mời gọi tôi suy tư về người ngôn sứ hôm nay: ngôn sứ phải là con người cầu nguyện, là con người đơn sơ, nghèo khó và khiêm tốn, là tiếng hô kêu gọi hoán cải.
Tin Mừng Luca ghi: “Có lời Thiên Chúa phán cùng ông Gioan, con ông Zacharia trong hoang địa.” Thánh Kinh không cho biết ông đi vào hoang địa và sống ở đó bao lâu. Theo Tin Mừng chắc chắn rằng Gioan Tẩy Giả vào hoang địa để cầu nguyện, gặp gỡ Thiên Chúa và để nghe tiếng Chúa; và ông đã nghe được lời Chúa phán cùng ông. Gioan Tẩy Giả là một con người lắng nghe Lời Chúa, nói cách khác ông là con người cầu nguyện. Nhờ cầu nguyện mà ngôn sứ nghe được tiếng Chúa chứ không phải tiếng của các thứ thần giả. Nhờ cầu nguyện mà ngôn sứ tìm được lời trong danh của Thiên Chúa trong suy tưởng cá nhân cũng như trong những gì mà ngôn sứ truyền đạt cho người khác, không suy nghĩ gì theo ý riêng và cũng không nói hay hành động gì mà không nhằm để phản chiếu được Lời Chúa, để làm cho danh Chúa được cả sáng.
Theo Tin Mừng Matthêu, Gioan Tẩy Giả xuất hiện mặc áo lông lạc đà, thắt đai lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng (Mt 3:4). Ông là hình ảnh của một vị ngôn sứ sống đơn sơ nghèo khó. Sống đơn sơ khó nghè là một điều kiện để hiểu thấu và chiếm hữu được ý định của Thiên Chúa. Sống đơn sơ, nghèo khó, ngôn sứ tránh mất nhiều thời gian cho việc chăm chút cho các nhu cầu bản thân. Sống đơn sơ, nghèo khó, dưới con mắt ngôn sứ, tất cả vật chất chỉ là phương tiện chứ ngôn sứ không bị nô lệ bởi những vật chất, nghĩa là ngôn sứ không tích lũy của cải đầy lòng mình, vì ngôn sứ hiểu rằng bao lâu làm thế thì ngôn sứ tự khép kín với Thiên Chúa và sẽ xa lạ với dân chúng. Vì bao lâu biết sống đơn sơ và nghèo khó, ngôn sứ tạo cho mình được tấm lòng của người nghèo để làm chứng với mọi người rằng chỉ Thiên Chúa là gia nghiệp duy nhất của ngôn sứ và việc thực hiện ý Chúa mới là cùng đích của những hành động của ngôn sứ. Khi sống đơn sơ và khó nghèo thì ngôn sứ có thể biết cách phải làm thế nào để tạo được các mối quan hệ tốt với người khác, bởi lẽ các việc ngôn sứ làm không vì ganh tỵ hay hư danh, nhưng bởi lòng khiêm tốn coi người khác trọng hơn mình; ngôn sứ làm việc không nhằm tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng tìm lợi ích cho người khác và để loan báo Lời tình yêu. Quả thực đời sống đơn sơ và khó nghèo luôn gắn liền với âm thầm thinh lặng và khiêm tốn phục vụ.
Trong sa mạc, Gioan Tẩy Giả tập luyện bản thân để trở thành con người cầu nguyện để lắng nghe Lời. Con người sống đơn sơ và nghèo khó để Lời thấm nhập nơi mình, ông đã trở thành tiếng của Lời. Gioan là tiếng làm vang lên Lời kêu gọi mọi người sám hối: “hãy dọn sẳn con đường cho Chúa...” Trong một bài suy gẫm, thánh Augustinô[1] đã thốt lên: Gioan là tiếng trong thời gian, còn Đức Kitô là Lời vĩnh cửu. Bỏ lời đi, tiếng còn là gì. Không có gì để hiểu, nó chỉ còn là tiếng vang trống rỗng. Không có lời, tiếng chỉ đập vào tai, chứ không hoán cải được tâm hồn. Khi âm của tiếng chuyển lời đến cho tâm hồn rồi, thì chính âm tiếng đó qua đi, còn lời do tiếng chuyển đến thì ở lại trong tâm hồn và tác động. Ngôn sứ Gioan đã ý thức được như thế nên một nơi khác Tin Mừng thuật lời của ông: “Người phải nổi bật lên còn tôi phải lu mờ đi” (Ga 3:30) và niềm vui của Gioan được trọn vẹn khi trần gian được hớn hở nghe Lời (Ga 3:29). Cũng trong tư tưởng của Augustinô, tiếng vang lên trong hoang địa là tiếng làm phá tan sự thinh lặng: Hãy dọn sẳn con đường cho Chúa, hãy sửa lối cho thẳng để Người đi, nghĩa là ngôn sứ chỉ là tiếng vang lên để đưa Chúa vào tâm hồn, nhưng vị ngôn sứ cũng ý thức được vị trí quan trọng của mình là nếu tiếng không vang lên thì Lời sẽ không ngự đến, và dân chúng cũng sẽ không biết gì để mà dọn đường, sửa lối. Là ngôn sứ, Gioan tự nhận biết vị trí của mình và đã rút lui khi đến thời đến buổi. Là ngôn sứ, Gioan không lợi dụng sự lầm lẫn của người khác để tự đề cao mình. Đó là gương khiêm nhường mà Gioan dạy cho những ai làm ngôn sứ.
Lạy Chúa, khi con lãnh nhận bí tích Rửa tội, con đã lãnh lấy sứ vụ ngôn sứ, và với bí tích Thêm Sức, con được ơn Chúa kiện toàn sứ vụ này để đời con trở thành tiếng hô dọn đường cho Chúa. Xin dạy con hiểu rằng muốn làm ngôn sứ trước hết phải là ngôn sứ, tức là trở nên con người cầu nguyện, con người đơn sơ, khó nghèo, và biết khiêm tốn nhìn nhận vị trí của mình chỉ là tiếng để đem Lời đến cho mọi người, chỉ là tiếng vang lên để mọi người biết hoán cải và canh tân đời sống hầu để Lời có thể ngự trong từng tâm hồn, từng gia đình, từng cộng đoàn và trong toàn thể xã hội hôm nay.
Hoa Hạ FSC
0 comments:
Đăng nhận xét