Chúa
Nhật 21 TN C
Bài đọc: Is 66.18-21; Tv 117; Dt 12.5-7, 11-13; Luke 13.22-30
Chủ Đề: “Khung Cửa Hẹp”
Đoạn
văn Isaiah 66.18tt có thể nói là đoạn văn gây sốc nhất trong các đoạn văn ngôn
sứ về tính đại đồng phổ quát của chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Ý nghĩa của
đoạn văn trên không thể bị nhầm lẫn khi trước đó ngôn sứ (và duy nhất chỉ có Isaiah!) đã tuyên bố về một “trời mới đất mới,” đặt
người đọc vào một viễn tượng của một “sáng thế mới,” mời gọi “không nhớ lại
thuở ban đầu và nhắc lại [thế giới cũ] trong tâm trí nữa” (x. 65.17 và 66.22). Trong
bối cảnh đó, hình tượng “Giêrusalem mới” (65.18-25, tương tự 66.10-13) là một
kết thúc cao trào cho chủ đề Thành Thánh, không những cho Isaiah Đệ Tam (chương
56-66) nhưng cho cả cuốn Isaiah trong hình thức quy điển cuối cùng như chúng ta
đang đọc. Quả vậy, chủ đề này đã xuất hiện ngay từ đầu sách. Giêrusalem, một
biểu tượng của trung tín nay đã trở thành bất trung, bị Thiên Chúa loại bỏ
(1.21-24). Có thể nói, sách Isaiah là câu chuyện của mối tương quan “yêu-ghét/
thương-giận” Thiên Chúa với Giêrusalem, một đô thị bị trừng phạt rồi lại được
xót thương và được phục hồi cũng bởi chính Thiên Chúa. Hơn nữa, và đây mới là
đìều quan trọng, sự phục hồi Gỉêrusalem không chỉ là trở lại tình trạng cũ (x.
40.2, tương tự chương 54) nhưng có gì đó “vượt quá” cái cũ, điều “vượt quá”của
Thiên Chúa, đấng luôn vui thích làm điều gì đó “mới mẻ” (lại chỉ có duy nhất Isaiah, x. 44.19) mà con người
đôi khi đã từng tưởng là có thể “nắm bắt” được Ngài. Nhưng không! Vì đường lối
và tư tưởng của Ngài luôn vượt quá điều chúng ta nghĩ (x. 55.8-9).
Cho
nên, tương tự với chủ đề “Giao Ước mới” của Jeremi 31.31-34, tại đây viễn tượng
của Isaiah thoạt nhìn có vẻ quen thuộc trong một cái khung (pattern) “truyền
thống” (dân ngoại “trở lại đạo,” nhận biết Đức Chúa của Israel) nhưng có vẻ như
ông đang thấu thị một điều gì đó vĩ đại sắp diễn ra (“dấu hiệu” gì Thiên Chúa đặt
giữa dân ngoại [c.18]? “lễ vật” gì của dân ngoại mà có thể sánh ngang với lễ
vật của Đền Thờ “trên chén dĩa thanh sạch [c.20]? Thiên Chúa cũng sẽ chọn làm
Levi “trong bọn họ”, một chi tộc Israel vốn được dành riêng phục vụ
Đền Thờ [c.21]!) Đoạn văn đã từng gây nghi hoặc và tranh cãi giữa các rabbi,
nhưng trong bối cảnh, đoạn văn trên rõ ràng là sự thành toàn lời hứa trong
truyền thống Abraham ở Sáng Thế 12.1-3: “mọi dân tộc trên trần gian sẽ nhờ
ngươi mà được chúc lành.” Quả vậy, chúng ta đang được đặt trước một mô mẫu mới (new paradigm), một “trời mới
đất mới.”
Có
lẽ vì thế mà Phụng Vụ chọn Thánh Vịnh 117 làm đáp ca. Vâng, hết mọi dân tộc sẽ
ngợi khen Thiên Chúa (c.1), nhưng nếu chỉ là một sự sáp nhập vô đạo Do thái thì
có lẽ chưa hẳn là lý do để họ nói lên rằng “ơn Người tuyệt vời trên chúng tôi”
(c.2)! Vì nếu vậy thì người được mời hát mừng là dân Israel chứ đâu phải là “muôn dân
ngoại”!
Trong
bài Tin Mừng, Luke khởi đầu chặng thứ hai của đường lên Giêrusalem (13.22,
tương tự 17.11), ngụ ý đây là một giai đoạn mới. Trong chặng này (13.22-17.10),
các diễn từ của Chúa Giê Su về Nước Trời đảo lộn các giá trị tôn giáo thông
thường một cách rõ ràng và quyết liệt, cụ thể nơi một loạt ba dụ ngôn về lòng
thương xót của Thiên Chúa ở 15.1-31. Đặc biệt dụ ngôn khách mời tiệc cưới ở
14.15-24 có cùng một khung (pattern) với bài Tin Mừng hôm nay. Đáp lại một
thesis phản ảnh quan niệm thần học Do thái về sự vinh dự tiền định của “Dân
Thiên Chúa” đương nhiên được tham dự vào hạnh phúc vĩnh cữu (x. 14.15), Chúa
Giê Su đáp lại thẳng thừng rằng, những người suy nghĩ như thế lầm to, “những
khách được mời trước kia không ai được vào dự tiệc của tôi” (14.24). Bởi vì họ
đã từ chối lời mời của Thiên Chúa
(cc.17-20, x. thái độ của người con cả ở 15. 28).
Trong
bài Tin Mừng, câu hỏi của một môn đệ (c.23) cũng cùng một khuôn mẫu với 14.15:
chỉ ít người được chọn (x.9.54; 12.41; 18.28, các môn đệ rất nhạy cảm với sự
phân biệt “chúng ta” và “họ”). Việc giải thích ẩn dụ của Đức Giê Su về “khung
cửa hẹp” ở đây như một mời gọi trên con đường thập giá là một cách đọc bị ảnh
hưởng bởi Matthew 7.13-14. Rõ là Luke biết Matthew 7 nhưng ông dùng nó với một
hàm ý khác. Với Matthew, người ta không để ý đến “cửa hẹp”, chỉ chọn đi cửa
“rộng rãi thênh thang” vốn dẫn đến diệt vong. Nhưng với Luke, chỉ có một cửa, và người ta đã từ chối đi qua
đó (“hãy chiến đấu để qua được”).
Dụ
ngôn cho thấy người ta không phải vì thất bại một nỗ lực nào đó nên không vào
được Bàn Tiệc. Nhưng người ta có vẻ như “lỡ” chuyến xe do một sự lựa chọn rõ
ràng: “chủ nhà đã khóa cửa, mà anh em còn
đứng ở ngoài.” Không phải đến trễ, không phải không biết đường, nhưng rất
giống “người con cả” ở 15.28! Câu nói của họ cho thấy tại sao họ không thèm vào
từ trước: đồng hương với chủ nhà, đương nhiên được vào (c.26). Đến đây bộc lộ
hàm ý của câu hỏi 13.22 . Được chọn, là chúng ta, những người từng là môn đệ,
“số ít”, quen biết với chủ nhà.
Không
thể biết đích xác tại sao Chúa Giê Su của Luke cảnh báo chúng ta có thể lỡ buổi
tiệc Cánh Chung, hay là “khung cửa hẹp” đối với Ngài là gì. Hình ảnh gây sốc
của lời ngôn sứ Isaiah ở bài đọc 1 có thể soi sáng ở đây. Nước Trời với Chúa
Giê Su không phải cho “số ít” được chọn, nhưng như một cây to lớn đủ chỗ cho
mọi chim trời trú ngụ (13.19), như bàn tiệc cho muôn dân (14.22tt). Đó có thể
là “cánh cửa hẹp” khó chấp nhận để vượt qua, đối với người Do thái thời Isaiah,
người Do thái thời Chúa Giê Su. Và bây giờ phải chăng đối với với chúng ta,
người Kitô hữu.
Suy tư:
- Thiên Chúa không làm cửa hẹp đánh đố con người. Chỉ có lòng con người thì hẹp (x. Cvtđ 11.18 và 15.9).
- Ngay từ lúc bắt đầu Công Đồng Vatican II, người ta vẫn không biết chắc các Nghị Phụ đã sẵn sàng thông qua một quan niệm “cách mạng” như là Tuyên Ngôn Về Tự Do Tôn Giáo, nghĩa là công nhận nơi các tôn giáo ngoài Kitô giáo vẫn có chân lý và ánh sáng của Chúa Thánh Thần hay không (Hồng Y Avery Dulles)
Vincent Anh Quân FSC
0 comments:
Đăng nhận xét