Tiếp tục loạt bài giáo lý do Sư Huynh Giuse Lê Văn Phượng FSC lượt soạn với
mục đích giúp các học viên thần học và giáo lý viên hiểu nội dung giáo
lý của Hội Thánh Công Giáo để thông truyền giáo lý cho giới trẻ.
Nội dung bài này gồm 4 phần:
(1) Từ Ngữ
Nội dung bài này gồm 4 phần:
(1) Từ Ngữ
(2) Hiệp Thông Ân Huệ Thiêng Liêng
(3) Hiệp Thông Giữa Các Thánh IV. Sống mầu nhiệm hiệp thông:
(4) Sống mầu nhiệm hiệp thông:
I. Từ Ngữ
1. Thuật ngữ “các thánh thông công” có hai nghĩa: “hiệp
thông trong các sự thánh”, tức là thông phần vào các thiện ích của ơn cứu
độ (sancta) và “hiệp thông giữa những người thánh”, tức là sự hiệp thông
vô hình giữa những người thông phần (sanctis)[1].
Công đồng Vatican II định nghĩa: “Giáo Hội chính
là mầu nhiệm hiệp thông giữa các thánh”, bởi tất cả các tín hữu họp thành
một thân thể duy nhất mà Đức Kitô là Đầu, do đó phải tin là có sự hiệp thông
những điều thiện hảo trong Giáo Hội [2].
II. Hiệp Thông Ân Huệ Thiêng Liêng
Cọng đoàn Kitô hữu đầu tiên là mẫu mực của một Giáo
Hội sống mầu nhiệm hiệp thông. “Họ đã
chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, sống hiệp thông với nhau,siêng năng tham
dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2:42). Sự hiệp thông ấy gồm
bốn khía cạnh: sống động (dựa vào giáo huấn của các Tông đồ là những
chứng nhân sống động), nền tảng (các tín hữu sống hiệp thông với nhau), đổi mới (họp nhau bẻ bánh), truyền
thống (qua việc cầu nguyện)[3].
Giáo lý Giáo Hội trình bày sự hiệp thông qua các
khía cạnh:
1. Hiệp thông trong đức tin
Đức tin của các tín hữu là đức tin Giáo Hội nhận
được từ các Tông Đồ. Đức tin ấy thật sự là kho tàng sự sống, nó ngày càng được
phong phú nhờ chia sẻ làm cho Giáo Hội ngày càng thêm đông số (Cv 2:47).
2. Hiệp thông trong đời sống bí tích
Tất cả các bí tích đều dẫn tới hiệp thông, các bí
tích kết hiệp chúng ta với nhau và với Chúa Kitô. Bí tích Thanh Tẩy là cửa và
là nền tảng cho ta bước vào Giáo Hội, tháp nhập vào Thân Thể Chúa Kitô. Bí tích
Thánh Thể, bí tích dẫn đưa chúng ta vào sự hiệp thông trọn vẹn, là nguyên lý
hữu hình duy nhất của Giáo Hội, “vì Mình Thánh Chúa trong bí tích Thánh Thể
thì duy nhất và bất khả phân, nên Thân Thể mầu nhiệm của Ngài cũng duy nhất và
bất khả phân ...”[4].
3. Hiệp thông nhờ các đặc sủng
Trong Giáo Hội, Chúa Thánh Thần còn ban các ân sủng
đặc biệt cho các tín hữu ở mọi đấng bậc[5]. Các đặc
sủng có thể là phi thường hoặc đơn sơ và khiêm tốn nhằm xây dựng Giáo Hội và vì
lợi ích chung và đáp lại các nhu cầu thế giới (1Cr 12:7)[6]. Trong sự
hiệp thông, mọi thành phần nhân loại đều thông phần vào hoa trái của các đặc
sủng ấy[7]
4. Hiệp thông trong đức ái
Chia sẻ với
nhau của cải vật chất (Cv 4:34) và cả của cải thiêng liêng. Sự thánh thiện hay
tội lỗi của một người đều ảnh hưởng tới cả cộng đoàn, bởi vì tất cả chúng ta
đều là chi thể trong cùng một thân thể của Chúa Kitô. Thánh Phaolô nói: “Trong
anh em, không ai sống cho chính mình, và cũng không ai chết cho chính mình”
(Rm 14:7).
Hiệp thông trong đức Ai là sự liên đới rất căn bản
ăn sâu trong con người, từ cái sống đến cái chết của con người. Đó là cách biểu
lộ cao cả nhất của sự hiệp thông giữa các thánh[8].
III. Hiệp Thông Giữa Các Thánh
1. Ba trạng thái của Giáo Hội là: Giáo
Hội vinh phúc, Giáo Hội lữ hành và Giáo Hội đau khổ.
a. Giáo Hội vinh phúc Gồm những kẻ được hiển
vinh, đang chiêm ngưỡng trong ánh sáng chan hòa chính Thiên Chúa duy nhất trong
Ba Ngôi.
b. Giáo Hội lữ hành gồm những người đang tiếp
tục cuộc lữ hành trên trần thế.
c. Giáo Hội đau khổ gồm những kẻ đã hoàn tất
cuộc sống đời này và đang được thanh luyện.
2. Một Giáo Hội duy nhất:
Mặc dù ở trong những tình trạng khác nhau, nhưng tất
cả mọi mọi phần tử trong Giáo Hội tùy mức độ và cách thức khác nhau đều hiệp
thông trong một tình mến Chúa yêu người, cùng là môn đệ Chúa Kitô và cùng được
Thánh Thần hướng dẫn, nên tất cả họp thành một Giáo Hội duy nhất và liên kết
với nhau trong Đức Kitô.
Các thánh ở trên trời, vì được gắn bó mật thiết với
Chúa Kitô, các ngài góp phần làm cho Giáo Hội thêm thánh thiện, và các ngài
không ngừng cầu bàu cho chúng ta bên Chúa Cha. Khi chúng ta tôn kính Đức Maria,
các thiên thần và các thánh thì không chỉ noi theo các ngài bước theo Chúa
Kitô, xác tín niềm hy vọng mai sau được chia sẻ hạnh phúc với các ngài, mà
chúng ta cũng hiệp nhất với Chúa Kitô là Đầu và với toàn thể Giáo Hội trong
Thánh Thần nhờ việc thực thi bác ái huynh đệ.
Cũng trong mối hiệp thông ấy, “ngay từ buổi đầu của Kitô giáo, Giáo Hội lữ hành hết lòng kính mến,
tưởng nhớ những người đã chết và dâng lời cầu nguyện cho họ, vì cầu nguyện cho
những người đã chết để họ được giải thoát là một ý nghĩ lành thánh” (2 Mcb
12:46)[9]. Lời
cầu nguyện ấy không chỉ giúp những người đã chết được giải thoát, mà chính
chúng ta cũng được hưởng nhờ hiệu quả bởi lời chuyển cầu của các ngài.
IV. Sống mầu nhiệm hiệp thông:
Người tín hữu cần phải ý thức rằng “việc tôn kính các thánh đích thực không hệ
tại nhiều ở những việc bề ngoài cho bằng cường độ tình yêu tích cực của chúng
ta”[10].
Đồng thời việc tôn kính các
thánh “không làm suy giảm sự tôn thờ dành
riêng cho Thiên Chúa, nhờ Chúa Kitô, trong Chúa Thánh Thần, nhưng phải làm cho
sự tôn thờ ấy phong phú thêm”[11]
Người tín hữu theo gương cộng đoàn Kitô hữu tiên
khởi, hiệp thông với nhau qua cử hành phụng vụ và kinh nguyện, qua sự liên kết
yêu thương, qua sự chia sẻ của cải thiêng liêng cũng như vật chất. Sống hiệp
thông với nhau, đó là một trong những phương cách tốt nhất các Kitô hữu giới
thiệu và làm chứng về Tin Mừng Chúa Kitô (x. Ga 13:35).
[1] CHÚ THÍCH:
Ý niệm hiệp thông (Koinonia) diễn tả tiếng gọi hiệp nhất mà Đấng Tạo Hóa
luôn luôn khơi động trong chính bản thân của mỗi tạo vật từ khi sáng tạo vũ
trụ.
Ý niệm hiệp thông diễn tả được tính duy nhất và đa dạng (phổ quát) của Hội Thánh. Nhờ hiệp
thông mà những tương quan giữa các thành phần trong Hội Thánh được chặt chẽ và
đề cao, nó cũng làm sáng tỏ tương quan giữa vị thế Đức Giáo Hoàng và tập đoàn
tính của các Giám Mục, giữa các linh mục và Giám mục, cũng như giữa linh mục
đoàn và Giám mục đoàn (x.Nguyễn Quang
Thạnh, “Hiệp thông, ý niệm then chốt giúp hiểu sách GLGHCG”, Luận án
Tiến sĩ Thần học, Rôma 1995, Sydney 2000, trang 13).
[2] Đức Giáo Hoàng Gioan – Phaolô II lấy lại ý tưởng của Đức
Phaolô VI giải thích: “Giáo Hội là sự hiệp thông giữa các thánh, có nghĩa là
tham gia một cách sống động vào hai điều: một là các Kitô hữu tháp nhập vào sự
sống của Chúa Kitô, hai là đức Ai lưu chuyển trong cộng đoàn các tín hữu ở trần
thế và ở thế giới bên kia”. Ngài nói thêm: “Ta có được sự hiệp thông này
là nhờ Lời Chúa và các bí tích...”
(ĐGH JP. II, T/h Christifideles Laici,
số 19).
[3] Nguyễn Quang Thạnh, sđd, trang 141.
[4] Nguyễn Quang Thạnh, sđd, trang 23, x. LG số 9
[5] LG số 1
[6] LG số 12
[7] Nguyễn Quang Thạnh, sđd, trang 143
[8] Nguyễn Quang Thạnh, sđd, trang 144
[9] LG số 50
0 comments:
Đăng nhận xét