19/4/13

Đức Tin Của Gioan La San Khi Đứng Trước Một Tương Lai Bất Ổn

Xem hình
Thánh Gioan La San đứng trước một tương lai bất ổn, Ngài đã phó thác với tinh thần đức tin ra sao.
Ngài đã đối phó ra sao với những thử thách và những chống đối với công trình mà Ngài tin rằng Thiên Chúa đang thực hiện qua bàn tay của Ngài và những Sư huynh tiên khởi của Dòng La San.
Mời quý vị cùng đọc bài viết này

Chia Sẻ Năm Đức Tin
ĐỨC TIN CỦA GIOAN LA SAN
KHI ĐỨNG TRƯỚC MỘT TƯƠNG LAI BẤT ỔN
(1688 – 1691)
1. Những lao nhọc do công việc và vất vả đối phó với những chống đối
Năm 1688, Gioan La San được mời về Paris để nhận trường đầu tiên xứ Xuân Bích, phải lo cùng anh em tổ chức lại trường lúc ấy đang rất hỗn độn. Việc cải tổ đem lại sự thu hút các học sinh. Do làm việc quá sức, nhiều anh em cũng như Gioan La San trở nên lao lực, đôi lúc có anh em ngất xỉu ngay trong giờ dạy.
Gioan La San được linh mục chính xứ nhờ điều khiển nhà trường, Gioan La San cải tổ lại trường học: Lập thời khóa biểu, cắt bớt giờ làm việc ở xưởng dệt, điều này khiến vị linh mục Compagnon và Rafront phật lòng, tìm cách chống đối.
Hiệp hội các thầy Trường nhỏ chống đối, tố cáo trường mở ra không có giấy phép. Toà ánh xử bất lợi cho Gioan La San, nên trường phải đóng cửa. Nhưng Gioan La San đã làm đơn kháng cáo và toà đã phán quyết ngược lại.
Trong cộng đoàn do một Sư huynh từ Rheims đến Paris được Gioan La San chọn làm huynh trưởng khiến anh em trước đó khó chịu tạo nên bầu khí ngột ngạt, cuối cùng một trong hai anh em đột ngột ra đi gây ra khó khăn và thiệt thòi cho cộng đoàn và cho học sinh. Anh còn lại trở nên bướng bĩnh, láo xược và bất kính đến độ có lần đánh cả Gioan La San.
Phía linh mục chính xứ thì không chấp nhận chiếc áo dòng, lấy quyền chính xứ buộc các sư huynh mặc tu phục của linh mục, Gioan La San đã không đồng ý và quyết tâm bảo vệ (viết Hồi Ký Áo Dòng), mâu thuẫn không dừng lại với chuyện đó mà còn do bởi Gioan La San đem các ứng sinh từ Rheims lên Paris để huấn luyện. Gioan La San cũng tổ chức nội bộ nhà dòng độc lập khỏi sự chi phối của linh mục chính xứ.
2. Gioan La San ngã bệnh suýt chết và Henri qua đời.
Cuối năm 1690, lúc này 39 tuổi, do làm việc nặng nhọc, cùng với nhiều chống đối cá nhân bên ngoài và bên trong, đương đầu với những khó khăn về cơ cấu, lại thêm Gioan La San thường cầu nguyện thâu đêm và sống khổ chế nghiêm ngặt, ngài lại bệnh nặng và suýt chết.
Gioan La San thấy cần phải có người thay thế mình, nên đã chọn Henri L’Heureux. Bị Đức Giám Mục chống đối, nên Gioan La San đã cho Henri đi học để xin truyền chức linh mục cho anh.
Henri ngã bệnh và qua đời ngay khi Gioan La San trở về Rheims, Gioan La San không kịp về để an táng Henri.
Tại Rheims lúc này sau hai năm Gioan La San lên Paris, trở về lại, do sự vụng về trong điều hành của huynh trưởng tại đó, đã có 8 trong số 16 sư huynh rời bỏ Hội, trong khi đó số ứng sinh xin gia nhập chỉ có một.
Bà ngoại qua đời (7.10.1691).
3. Gioan suy tư và lấy trách nhiệm
Các sư huynh làm việc quá sức, sức khoẻ và số lượng giảm sút. Các huynh trưởng thiếu kinh nghiệm về điều hành. Chúa không để Henri L’Heureux - người được chọn để thay thế sống.
Lòng đạo hạnh và tinh thần hãm mình cũng không được như thuở ban đầu.
Phải đối phó với các cá nhân và nhất là linh mục chính xứ Xuân Bích bấy giờ.
Gioan đã dành nhiều thời giờ hơn để cân nhắc từng đường hướng trong tương lai.
Gioan La San đã cầu nguyện thật lâu để xin Chúa soi sáng
Gioan La San vững tin rằng công việc sẽ phát triển và bền lâu nếu đó là công cuộc của Chúa.
Gioan La San không ngồi chờ đợi những cơ hội đến từ người khác, nhưng bước tới trong niềm tin và sự sáng tạo, trong sự suy tư cẩn thận và liên kết với anh em
Gioan La San đã vạch ra dự án.
4. Dự án và thực hiện
Tìm một cơ sở mới thuận tiện hơn và ở gần Paris để làm nơi bồi dưỡng cho anh em lớn tuổi và mở nhà tập đào tạo các ứng sinh. Đó là Vaugirard.
Mở khoá bồi dưỡng cho các anh em đã nhập dòng được 3 – 4 năm đang phục vụ tại các cộng đoàn. Tổ chức kỳ tĩnh tâm năm để tìm lại lòng sốt sắng thuở ban đầu.
Tổ chức Tập viện lần hai cho các anh em kỳ cựu thay nhau về Vaugirard để nung nấu lại tinh thần và canh tân đời sống thiêng liêng.
Tìm các Sư huynh có khả năng và liên kết chặt chẽ với các Sư huynh ấy để có thể thay thế Gioan La San: chọn hai Sư huynh hăng say, can đảm và tỏ ra quyết tâm với ơn gọi, đề nghị họ cùng nhau cột chặt đời mình qua lời khấn anh hùng ngày 21/11/1691.
Viết thư đều đặn cho các Sư huynh để chia sẻ đời sống thiêng liêng và nếp sống tu trì.
Tinh thần tu trì sốt sắng và bầu khí ở Vaugirard đã đổi mới các sư huynh trong tinh thần ơn gọi của mình. Lối sống này đã thu hút thêm nhiều ứng sinh.
Trước những cấp bách và sự sống còn của Dòng, Gioan La San nén những nổi đau và tình cảm riêng tư để tập trung lo cho Dòng, vì ý thức rằng đây là công cuộc mà Chúa trao vào tay ngài.
5. Tự vấn và Suy tư
Xã hội Việt Nam đã đặt ra cho Tỉnh Dòng La San nhiều bất ổn: Mất trường, không được hoạt động giáo dục trường học... Có nhiều phản ứng khác nhau: Ngay thời điểm đổi thay, có người thì rời bỏ ơn gọi, người thì chuyển ơn gọi... có thái độ và hành động phản ứng như thế nào trước tình hình bất ổn này. Tạ ơn Chúa, khi phải trải qua một giai đoạn không dài cũng không ngắn (chừng 15 năm), dù có những anh em rút lui, cũng còn đó những Sư huynh với đức tin kiên cường, nhất là với sự lèo lái của các Sư huynh Giám tỉnh trải qua thời ấy – như Thánh Tổ Phụ - các Sư huynh tổ chức lại đời sống tu đức, dành nhiều thời giờ cho việc cầu nguyện, cho việc thường huấn, tĩnh tâm để nâng đỡ và bồi dưỡng thiêng liêng cho nhau. Taberd, một Vaugirard của La San Việt Nam là địa điểm hàng tháng 2 lần các Sư huynh tu họp về để củng cố tinh thần cho nhau nhờ việc cầu nguyện, chia sẻ Lời Chúa, học hỏi linh đạo Dòng và các văn kiện của Giáo Hội. Tỉnh Dòng cũng đã mở các khoá thường huấn năm cho các Sư huynh từng giai đoạn tuổi. Công việc này được tiếp tục cho đến hôm nay và địa điểm đã chuyển dần sang Mai Thôn... Công việc đánh động nhiều người, làm thay đổi đời sống nhiều Sư huynh, thu hút ơn gọi đến với Dòng. Ngay những năm của thập niên 90 thế kỷ trước, con số người trẻ sống tại ngôi nhà Tập Viện Tân Cang lên đến gần 30 và tại Mai Thôn cũng xấp xỉ bằng ấy Sư huynh trẻ... Đó là phản ứng đức tin của các Sư huynh La San Việt Nam một thời các Sư huynh đứng trước tương lai bất ổn... một sự chấn chỉnh đời sống nội tâm và đi sâu hơn vào thinh lặng với Chúa để canh tân đời sống thiêng liêng... Và Chúa ban cho Tỉnh Dòng được bước vào một giai đoạn mới.
Trong những năm của thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI Tỉnh Dòng có một sự chuyển mình và xã hội Việt Nam hiện nay đang mở ra cho các các Tỉnh Dòng một vận hội mới... Và nó đòi hỏi các Sư huynh cần có những dự án mới để đi vào tương lai... Đòi hỏi mới của sự phát triển cũng đang đặt Tỉnh Dòng trước những tương lai bất ổn... Năm Đức Tin, khi suy tư về hành trình của Thánh Gioan La San trong giai đoạn Hội Dòng thuở ban đầu đang đứng trước một tương lai bất ổn cho hướng phát triển mời tôi suy tư đến giai đoạn hiện tại của Tỉnh Dòng La San Việt Nam, để kín múc từ nơi đức tin của Thánh Lập Dòng cách thức tổ chức và hành xử để xây dựng Tỉnh Dòng bước vào một giai đoạn mới của 150 năm hiện diện và phục vụ giáo dục tại Việt Nam (1866 – 2016).
Thánh Gioan La San đã đặt việc đổi mới thiêng liêng lên hàng đầu... Thế Tỉnh Dòng đang chọn ưu tiên hàng đầu là gì? Tại Tỉnh Công Hội 9, Sư huynh Lucien Hoàng Gia Quảng đã có một cái nhìn lão luyện của một cụ già nhiều năm lãnh đạo Tỉnh Dòng và dày dặn trong đời tu cho rằng đời sống thiêng liêng chính là cái “dây cái” trong tay lưới, muốn kéo tay lưới lên phải nắm lấy dây cái mà lôi. Tỉnh Dòng và các cộng đoàn chúng ta nên nhận định và suy tư về điều này, nếu chúng ta muốn phát triển. Canh tân việc huấn luyện tại các nhà huấn luyện về chương trình và tổ chức cơ cấu; canh tân việc tổ chức các kỳ thường huấn, tĩnh tâm tháng và năm; canh tân việc cầu nguyện của cộng đoàn và đời sống cầu nguyện của mỗi Sư huynh; canh tân việc đời sống huynh đệ của anh em trong cộng đoàn, tạo lập sự liên kết trước hết với các anh em trong cộng đoàn và rồi với những cộng tác viên... Nếu cần, chúng ta nên thay đổi các dự án canh tân Tỉnh Dòng.
Chúng ta đã có kinh nghiệm “nhà cao cửa rộng”, nhưng nó đã một lần “sụp đổ tan tành”. Và chúng ta cũng có kinh nghiệm làm sao để tồn tại trong giai đoạn khó khăn của Tỉnh Dòng mà không bằng những phương tiện vật chất. Như Thánh Lập Dòng xưa, chúng ta đang đứng trước một thách đố của đức tin về tương lai của Tỉnh Dòng trong giai đoạn mới. Tương lai tùy thuộc vào những chọn lựa hôm nay trong việc xây dựng dự án của chúng ta. Như cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi mà sách Công Vụ trình bày, họ sống một lòng một ý với nhau, chuyên chăm cầu nguyện, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, nghe các Tông đồ giảng dạy, mọi sự đem đến để chung sẽ làm cho, và Thiên Chúa đã chúc phúc cùng làm cho số lượng của cộng đoàn ngày càng thêm đông đảo (Cv 2:42 – 47).

0 comments:

Đăng nhận xét