Những dòng tâm sự này không chỉ là tìm về một thời đã qua nhưng còn mong được viết tiếp những dòng yêu thương cho hôm nay và ngày mai.
Khi viết những lời này ở một nơi rất xa, tôi không biết thầy có thể đọc được hay không. Nhưng dù sao tôi vẫn phải viết để tri ân thầy. Lâu lắm rồi tôi không về lại nơi mà ngày ấy chính thầy đã dìu tôi đi qua những khó khăn của tuổi học trò. Tôi còn nhớ, ngày mà chính thầy đã nhìn tôi với ánh mắt đầy nghiêm nghị cũng chính là ngày tôi hiểu ra rằng tôi có thể học tốt hơn. Gần hai tiếng đồng hồ bị phạt quỳ trước lớp cũng là chừng ấy thời gian mắt tôi không thể cầm được những dòng lệ. Lúc ấy tôi giận thầy sao lại đối xử như thế, nhưng tôi đâu ngờ đó chính là hạt giống thầy đã ươm vào lòng tôi. Thời gian đi qua, nhìn lại tôi cảm thấy mình hạnh phúc vì chính hạt giống được gieo trong nước mắt ấy nay đã trở sinh ra những nụ hoa; dẫu không xinh thắm ngát hương, nhưng với tôi nó rất đẹp bởi vì nó đem lại cho đời tôi một cuộc sống tròn đầy ý nghĩa.
Tôi đang ươm trồng hạt giống mà thầy đã gieo vào lòng tôi và mong chỉ một điều nhỏ bé là hạt giống ấy đến được với những người mà với họ tôi đã trở thành một người thầy. Tôi còn nhớ ai đó đã từng nói rằng một người thầy tốt là một người biết gieo vào lòng học trò mình niềm say mê học tập. Lời này được kiểm nghiệm qua những năm tháng tôi được thầy dẫn dắt trên ghế nhà trường. Tôi đã được thầy dắt đi qua con đường yêu thương đó, dù rằng khi ấy tôi chưa thể hiểu được ý nghĩa của những tác động của thầy làm thay đổi cuộc sống tôi.
Trung tuần tháng 10 vừa qua, có một bài viết về người thầy làm xúc động nhiều người trên trang báo Người Lao Động online. Người thầy đó chính là cô Mary Ganmon, xuất thân từ một cô bé tật nguyền trong trại mồ côi. Cô lớn lên với một thân thể không hề có đôi bàn tay đề sinh hoạt, nhưng không vì thế mà ước mơ trở thành giáo viên của cô bị dập tắt. Dù không có đôi tay, tất cả mọi sinh hoạt tùy thuộc vào đôi bàn chân mình. Nhưng hằng ngày cô Mary Ganmon vẫn tự mình đến lớp học bằng xe riêng của mình, đứng trên bục giảng để dạy cho học sinh cũng bằng nét bút được viết bằng chính đôi chân của mình (Thu Hằng, 2012). Và còn rất nhiều điều tuyệt đẹp mà không ai trong chúng ta dám nghĩ là hiện thực với một con người tật nguyền. Với những lời nói rất bình dị mà chất chứa cả một tấm lòng yêu thương và phục vụ, cô bày tỏ: “Nếu tôi có thể truyền cảm hứng hay giúp mọi người sống tốt hơn thì tôi thực sự hạnh phúc được hết mình vì điều đó”.( Mary Ganmon) và “tôi đang làm công việc mình yêu thích nhất. Nếu bạn muốn làm một điều gì đó và quyết tâm thực hiện đến cùng thì không ai hay bất cứ điều gì có thể cản đường bạn”( Mary Ganmon). Cô thực sự đã làm rất tốt công việc của mình là truyền cảm hứng say mê học tập cho học sinh của mình. Một học sinh của cô nói rằng :“Cô ấy làm chúng tôi hiểu ra rằng chúng tôi có thể làm bất cứ điều gì mình muốn”(Cambri Griffin).
Khép lại những dòng tâm sự này tôi xin cám ơn thầy, cám ơn cô Mary Ganmon và tất cả những ai đang tận tâm chăm lo giáo dục thế hệ trẻ hôm nay. Cầu mong những hạt giống nhỏ bé mà quý thầy cô đang nỗ lực gieo vào tâm hồn các bạn nhỏ sẽ từng ngày lớn lên. Ước mong sao những hạt giống tốt không thể bị chèn ép, hủy hoại vì ảnh hưởng xấu của môi trường chung quanh.
Tham Khảo;
Thu Hằng (2012) ‘cô giáo dạy toán … bằng chân’, Người Lao Động, <http://nld.com.vn/2012092103205143p0c1017/co-giao-day-toan--bang-chan.htm>
Thiên Văn FSC
0 comments:
Đăng nhận xét