19/10/12

Bài 2:Thiên Chúa Đến Gặp Gỡ Con Người

Xem hình
“Bài Thiên Chúa Đến Gặp Gỡ Con Người – Mạc Khải Của Thiên Chúa” trình bày ba điểm chính:
- Thiên Chúa muốn gặp gỡ và tỏ mình ra cho con người
- Thiên Chúa Mặc Khải Qua Lịch Sử Cứu Độ. Đức Kitô Là Cao Điểm Và Trọn Vẹn Của Mặc Khải
- Đón Nhận Thiên Chúa
Bài 2
THIÊN CHÚA ĐẾN GẶP CON NGƯỜI -
MẶC KHẢI CỦA THIÊN CHÚA

I. Thiên Chúa Muốn Đến Gặp Gỡ Và Tỏ Mình Cho Con Người
Bằng lý trí con người có thể nhận biết Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa vốn là “Thiên Chúa ẩn mình” (Is 45, 15), là “Đấng không một người nào đã thấy hay có thể thấy” (1Tm 6, 16). Do khả năng nhận biết của con người về Thiên Chúa bị giới hạn, có nhiều trở ngại ngăn cản con người vận dụng hữu hiệu năng lực tự nhiên của lý trí.
Để giúp cho con người có khả năng đáp lời Người, nhận biết và yêu mến Người vượt trên những gì con người có thể làm được tự sức mình, để con người đón nhận và hiệp thông với Thiên Chúa cách tự do, trở nên con cái Người và được sự sống đời đời, Thiên Chúa đã tự ý đến với con người và tỏ cho con người biết ý định yêu thương của Người. Đó là sự Thiên Chúa mặc khải.
Ý định mặc khải được thể hiện một lúc vừa qua hành động vừa qua lời nói[1], một cách tiệm tiến, qua từng giai đoạn lịch sử cứu độ, và đạt tới tột đỉnh nơi con người và sứ mạng của Đức Giêsu Kitô.
II. Thiên Chúa Mặc Khải Qua Lịch Sử Cứu Độ. Đức Kitô Là Cao Điểm Và Trọn Vẹn Của Mặc Khải
Trước hết Thiên Chúa tự mặc khải qua công trình tạo dựng, đặc biệt qua con người, nhờ Ngôi Lời.[2]
Sau khi loài người sa ngã, Thiên Chúa vẫn tìm đến và hứa ban ơn cứu độ. Lời hứa ấy được nhắc lại và củng cố qua các giao ước với ông Nôê[3], với tổ phụ Abraham[4], với Môsê[5], với dân Israel và nhờ các ngôn sứ.
Cuối cùng Thiên Chúa đã tỏ mình cách trọn vẹn và dứt khoát nơi chính Con Một của Ngài là Đức Giêsu Kitô (Dt 1:1-2). Nơi Ngài, Thiên Chúa đã thiết lập một Giao ước mới và vĩnh cửu với toàn thể nhân loại.
Vì Đức Giêsu Kitô là Lời trọn vẹn và sau cùng của Chúa Cha, Người nói hết tất cả trong Lời duy nhất đó, nên sẽ không còn mặc khải chính thức nào nữa [6]. Và cũng không có mặc khải nào vượt cao hơn hay sửa đổi mặc khải được hoàn tất nơi Đức Kitô.
Mặc khải đã hoàn tất, nhưng để làm minh bạch những điều – đã – được – mặc – khải, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội cố gắng tìm hiểu một cách tiệm tiến qua dòng thời gian (xem thêm ở phần Phụ chú)
III. Đón Nhận Thiên Chúa
Thiên Chúa không ngừng tỏ mình cho con người và tiếp tục nói với con người qua mọi thời đại.
Để đón nhận Lời mặc khải, chúng ta:
-  Cần phải có một tâm hồn khiêm tốn để đón nhận Thiên Chúa.
-  Năng đọc và suy gẫm Lời Chúa trong Kinh Thánh.
-  Biết đọc và nhận ra sứ điệp của Thiên Chúa gởi tới qua các dấu chỉ thời đại: thiên nhiên, người khác, các tôn giáo khác, qua nghệ thuật, văn hoá, khoa học... và qua các biến cố lịch sử đã và đang diễn ra trong thế giới.






[1] H/c Mạc Khải (DV) số 2
[2] sđd số 3
[3] Xem St 10:5. 20-31; St 11:4-6; Cv 17:26-27; Rm 1:18-25
[4] Xem St 12:1-3; 17:5; Rm 11:28; Ga 11:52; 10:16; Rm 11:17-18.24
[5] Xem DV số 3; Xh 19:6; Is 2:2-4; Gr 31:31-34; Is 49:5-6; 53:11
[6] H/c về Mặc Khải (DV) số 2
CHÚ THÍCH VỀ MẶC KHẢI TƯ (GLGHCGsố 67)
Có những điều gọi là “mặc khải tư”, dù một số được Giáo Hội công nhận nhưng nó không thuộc kho tàng đức tin (không buộc phải tin). Vai trò của nó không phải để “cải thiện” hay “bổ sung” Mặc Khải tối hậu nơi Đức Kitô mà để giúp con người sống Mặc Khải cách trọn vẹn hơn vào một thời điểm lịch sử. Huấn quyền của Giáo Hội có thẩm quyền để phân định các mạc khải tư đó.
Giuse Lê Văn Phượng FSC

0 comments:

Đăng nhận xét