1/11/12

Bài 4 - Thánh Kinh

Xem hình
Bài 4 – “Thánh Kinh” nằm trong loạt bài giáo lý do Sư Huynh Giuse Lê Văn Phượng FSC soạn dựa trên chương trình Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo cho các bạn giáo lý viên và học viên thần học. Bài này trình bày 5 chủ điểm sau:
- Đức Kitô – Lời duy nhất của Thiên Chúa
- Linh ứng và chân lý Thánh Kinh
- Chúa Thánh Thần, Đấng minh giải Thánh Kinh
- Qui điển Thánh Kinh
- Thánh Kinh trong đời sống Kitô hữu
Bài 4

THÁNH KINH

I. Đức Kitô – Lời duy nhất của Thiên Chúa:

Thánh Kinh là Lời mặc khải của Thiên Chúa được diễn đạt bằng ngôn ngữ loài người, trải dài theo suốt chiều dài của lịch sử một dân tộc, viết dưới nhiều hình thức khác nhau do nhiều Thánh ký.

Qua tất cả các lời trong Thánh Kinh, Thiên Chúa nói hết về mình cho nhân loại trong một Lời là Ngôi Lời duy nhất mặc lấy xác phàm trở nên giống con người. Các lời trong Thánh Kinh hướng về Ngôi Lời nhập thể là Đức Giêsu Kitô.

Do đó, Giáo Hội luôn tôn kính Thánh Kinh như chính Mình Thánh Chúa và không ngừng ban phát Lời Chúa và Mình Chúa cho các tín hữu.

II. Linh ứng và chân lý Thánh Kinh:


“Để soạn các Sách Thánh đó, Thiên Chúa đã chọn những con người và dùng họ với đầy đủ các khả năng, phương tiện của họ, để khi chính Người hành động trong họ và qua họ, họ viết ra như những tác giả đích thực tất cả những gì Thiên Chúa muốn và chỉ viết những điều đó thôi”[i]. Ta gọi đó là ơn linh ứng.


Giáo Hội xác tín rằng những gì Thiên Chúa mặc khải mà Thánh Kinh chứa đựng và trình bày đều được viết ra dưới sự linh ứng của Thánh Thần, nên phải xem mọi lời các Thánh ký viết ra là Lời của Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa là tác giả Thánh Kinh.

Vì thế “Thánh Kinh dạy ta cách chắc chắn, trung thành và không sai lầm, những chân lý mà Thiên Chúa muốn Thánh Kinh ghi lại để cứu độ chúng ta” [ii].

Chính Đức Kitô, Lời hằng sống của Thiên Chúa nhờ Thánh Thần “mở trí cho chúng ta hiểu Thánh Kinh” (Lc 24, 25).

III. Chúa Thánh Thần, Đấng minh giải Thánh Kinh:


Thánh Kinh là Lời Thiên Chúa, nhưng Thánh Kinh lại được diễn tả bằng ngôn ngữ nhân loại qua các Thánh ký vào những giai đoạn lịch sử.

Để hiểu Thánh Kinh phải khám phá ý định các Thánh ký trong bối cảnh thời đại và văn hoá của họ,

Vì Thánh Kinh được linh hứng nên phải đọc và giải thích Thánh Kinh trong Chúa Thánh Thần [iv].


Công đồng Vatican 2 đưa ra ba tiêu chuẩn để giải thích Thánh Kinh theo Chúa Thánh Thần[v]:

-  Phải lưu ý đến nội dung và sự thống nhất của Thánh Kinh: Thánh Kinh trình bày chương trình cứu độ của Thiên Chúa mà Đức Giêsu Kitô là trung tâm điểm.

-  Phải dựa trên Thánh Truyền vì Giáo Hội giữ trong truyền thống của mình ký ức sống động về Lời Thiên Chúa và chính Thánh Thần hướng dẫn Giáo Hội giải thích Kinh Thánh.

- Phải quan tâm đến sự  liên kết chặt chẽ giữa những chân lý đức tin với nhau và với toàn bộ kế hoạch của Thiên Chúa.


Có thể phân biệt hai nghĩa được dùng trong Thánh Kinh: nghĩa văn tự và nghĩa thiêng liêng[vi] (xem chú thích)

IV. Qui điển Thánh Kinh:

Qui điển Thánh Kinh là danh mục những sách được Giáo Hội nhìn nhận là Sách Thánh.

Qui điển Thánh Kinh Công Giáo gồm 46 sách Cựu Ước (45 nếu gộp Giêrêmia và Aica thành một)[vii] và 27 sách Tân Ước[viii].

Cựu Ước là một phần của Thánh Kinh không thể thiếu được, luôn có giá trị vĩnh cửu.

Trong các sách Tân Ước, Lời Chúa được trình bày một cách đặc biệt diễn tả quyền năng Thiên Chúa và sức mạnh thần thiêng cứu độ mọi tín hữu[ix]. Trung tâm của Tân Ước là Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa nhập thể làm người.

Trong toàn bộ Thánh Kinh, các sách Tin Mừng chiếm một địa vị ưu đẳng[x]. Phụng vụ Giáo Hội luôn tôn kính và các thánh say mê.

Giữa Cựu Ước và Tân Ước có sự thống nhất: Cựu Ước báo trước Tân Ước, Tân Ước hoàn tất Cựu Ước[xi]. Phải đọc Cựu Ước dưới ánh sáng của Đức Kitô chết và sống lại; đồng thời Tân Ước cũng phải được đọc dưới ánh sáng Cựu Ước.

V. Thánh Kinh trong đời sống Kitô hữu

Lời Chúa chứa đựng trong Thánh Kinh là lương thực linh hồn có quyền năng và sức mạnh nâng đỡ Giáo Hội và con cái Giáo Hội.

Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Giêsu Kitô. Vì thế Giáo Hội khuyến khích tín hữu cần tập thói quen “năng đọc Thánh Kinh để học biết khoa học siêu việt của Đức Giêsu Kitô” (Pl 3,8).

Để Lời Chúa trổ sinh hoa trái, việc đọc Thánh Kinh phải đi đôi với kinh nguyện và thực hành Lời Chúa.



[i] DV số 11
[ii] DV số 11
[iii] Những dấu hiệu cần biết khám phá để hiểu Thánh Kính:

(1)     Bản văn: Được sao đi chép lại nhiều lần à nhiều câu chuyện không nguyên vẹn.

(2)     Ngôn ngữ: Tiếng Aram (Do Thái cổ), tiếng Hy Lạp (Tân Ước và bản LXX)

(3)     Thể văn: Thể văn thời cổ, ảnh hưởng văn hoá của các miền lân cận.

(4)     Phong cách và hoàn cảnh riêng của thánh ký: Thánh Kinh phản ảnh nhân cách thánh ký.

(5)     Nhãn quan của thời đại các thánh ký sống.

(6)     Ý thức về luân lý, tôn giáo, thần thánh... thời đại các thánh ký sống.

(7)     Đối tượng của các thánh ký (độc giả)
[iv] DV số 12
[v] DV số 12,3
[vi] CHÚ THÍCH (x. GLGHCG115 – 119)

- Nghĩa văn tự: Nghĩa mà lời Thánh Kinh nêu lên và khoa chú giải khám phá ra khi tuân theo qui luật để giải nghĩa đúng.

- Nghĩa thiêng liêng: Các bản văn Kinh Thánh hay các thực tại và biến cố đề cập trong bản văn đều có thể chứa đựng ý nghĩa tiên trưng. Nó được chia thành nghĩa ẩn dụ, nghĩa luân lý, nghĩa thần bí.

Có thể tóm tắt 4 ý nghĩa như sau:

- Nghĩa văn tự dạy về biến cố

- Nghĩa ẩn dụ dạy điều phải tin (nhận ra ý nghĩa của nó)

- Nghĩa luân lý dạy điều phải làm (dẫn ta đến cách ăn ở chính trực)

- Nghĩa thần bí dạy điều phải vươn tới (đọc thấy ý nghĩa vĩnh cửu của biến cố, thực tại, hướng ta về Quê Trời)
[vii] CHÚ THÍCH (Noberto, Kinh Thánh Nhập Môn, trang55)

Anh em Tin Lành và Do Thái chỉ chấp nhận 39 quyển. 7 quyển mà Công Giáo nhận là “đệ nhị qui điển” tức là “được đưa vào qui điển giai đoạn sau” thì Tin Lành và Do Thái xem là “ngoại thư” tức là sách “không ngang hàng với sách thánh nhưng cũng ích lợi và tốt” là Tôbia (Tb), Giuđích (Gđt), Khôn ngoan (Kn), Huấn ca (Hc), Baruc (Br), 1 và 2 Macabê (Mcb), và một vài đoạn trong Ette (Et) và Đaniel (Đn).

Năm 1441, CĐ Florence nhận các sáchđầy đủ 73 quyển (46 CƯ và 27 TƯ)

Năm 1546, CĐ Trentô long trọng xác định qui điển Kinh Thánh và xem bản Vulgata (bản dịch của thánh Giêrônimô) là bản dịch chính thức.
[viii] CHÚ THÍCH: theo Nhóm phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ

1. Các sách Cựu Ước gồm: Sáng thế (St), Xuất hành (Xh), Lê vi (Lv), Dân số (Ds), Đệ nhị luật (Đnl), Giôsuê (Gs), Thủ lãnh (Tl), Bà Rút (R), 1và 2 Samuel (1Sm, 2Sm), 1 và 2 Các vua (1V, 2V), 1 và 2 Sử ký (1Sb, 2Sb), Edra (Er), Nêhêmia (Nh), Tôbia (Tb), Giudich (Gdt), Ette (Et), 1 và 2 Macabê (1Mcb, 2Mcb), Gióp (G), Thánh vinh (Tv), Châm ngôn (Cn), Giảng viên (Gv), Diễm ca (Dc), Khôn ngoan (Kn), Huấn ca (Hc), Isaia (Is), Giêrêmia(Gr), Aica (Ac), Baruc (Br), Edêkien (Ed), Đanien (Đn), Hôsê (Hs), Gioen (Ge), Amốt (Am), Ôvađia (Ov), Giôna (Gn), Mikha (Mk), Nakhum (Nk), Khabacuc (Kbc), Xôphônia (Xp), Khagai (Kg), Dacaria (Dcr), Malaki (Ml).

2. Các sách Tân Ước gồm: 4 Tin Mừng Matthêu (Mt), Marcô (Mc), Luca (Lc), Gioan (Ga), Công vụ Tông đồ (Cv), các thư Phaolô (Rôma (Rm), 1 và 2 Côrintô (1Cr, 2Cr), Galat (Gl), Ephêsô (Ep), Philipphê (Pl), Côlôsê (Cl), 1 và 2 Thêsalônica (1Tx, 2Tx), 1 và 2 Timôthê (1Tm, 2Tm), Titô (Tt), Philêmon (Plm) thư Do Thái (Dt), thư Giacôbê (Gc), thư 1 và 2 Phêrô (1Pr, 2Pr), thư 1,2 và 3 Gioan (1Ga, 2Ga, 3Ga), thư Giuđa (Gđ), Khải Huyền (Kh).
[ix] DV số 17
[x] CHÚ THÍCH: VIỆC HÌNH THÀNH CÁC SÁCH TIN MỪNG (x. GLGHCGsố 126)

Có thể chia thành ba giai đoạn:

1.        Cuộc đời và giáo huấn của Đức Giêsu: Bốn sách Tin Mừng ghi lại trung thành những gì Đức Giêsu khi sống trần gian đã làm và đã dạy cho tới ngày Ngài lên trời.

2.        Truyền Khẩu: Sau khi Đức Giêsu Kitô về trời, các tông đồ nhờ  được Thánh Thần soi sáng truyền lại cho những người nghe theo các ngài với sự hiểu biết đầy đủ hơn.

3.        Các sách Tin Mừng: Các Thánh sử đã soạn thành bốn sách Tin Mừng bằng cách chọn một số yếu tố đã được truyền miệng hoặc sao chép, tóm lược những yếu tố khác hay tuỳ theo hoàn cảnh của các giáo đoàn mà giải thích thêm, nhưng vẫn giữ hình thức của bài giảng thuyết, để truyền đạt những điều chân thật về Đức Giêsu
[xi] “Novum in Vetere latet et in Novo Vetus patet” (Th. Augustinô; x. DV số 16)
Giuse Lê Văn Phượng FSC

0 comments:

Đăng nhận xét