Lòng tin trước hết là một sự nghe nói và khao khát tìm gặp. Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Rôma 10:14 viết: “làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Tôi chắc chắn rằng anh mù đã nghe nói nhiều về Đức Giêsu, một con người có lòng trắc ẩn trước những người nghèo khổ, bệnh tật; một con người nhân hậu đối với tội nhân, kêu mời họ hoán cải để được sống; một con người đầy quyền năng trong lời giảng dạy và trong hành động. Tắt một lời, qua những gì mà anh mù nghe nói (vì anh ta không thấy), thì Ngài chính là Đấng Mêsia... và anh ta khao khát được gặp Ngài. Tôi được nghe nói thế nào về con người Giêsu ấy, và lòng tôi có được một khao khát để chạm vào Ngài như anh mù chăng?
Lòng khao khát vượt trào lên thành lời tuyên xưng. Khi anh mù nghe biết Ngài đang ở đó, nơi anh ta đang ngồi ăn xin, anh bắt đầu kêu lên: "Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!" Lời tuyên xưng của anh mù phát xuất từ một niềm tin vững vàng rằng: Đức Giêsu là Con vua Đavít, nghĩa là anh tin rằng Ngài là Đấng Thiên Sai, Đấng Mêsia, Đấng Được Xức Dầu, Đấng Cứu Độ, Đấng ấy chính là “Đấng Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống” mà Phêrô đã tuyên xưng (Mc 8:29; Mt 16:16). Đó cũng chính là sự mong chờ mà mỗi người Israel đều khao khát, thế nhưng họ không tin nhận Ngài, còn anh mù Bartimê tuyên xưng: "Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!" Niềm xác tín ấy khiến anh không e sợ khi gặp ngăn trở của xã hội chung quanh: họ quát nạt anh im đi, anh lại càng kêu lớn tiếng hơn Danh mà anh tin tưởng: "Lạy Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!” Tuyệt vời một con người với một đôi mắt sáng của niềm tin và miệng lưỡi mở ra để tuyên xưng Đấng mà anh ta tin. Bao nhiêu lần trong đời tôi đã cao rao lời tuyên xưng bằng một đôi mắt sáng của đức tin như thế. Có, chắc chắn thế. Nhưng chưa đủ! Chúa mời tôi noi gương anh mù nhiều hơn nữa.
Trong đức tin, anh mù đã luôn để lòng mình sẳn sàng để nghe tiếng của Đấng mà anh tin. Đó là thể hiện tiếp theo của đức tin. Anh mù đã nghe tiếng Chúa Giêsu nói: "Gọi anh ta lại đây! " (c.49a). Tiếng Chúa đôi khi thoang thoảng, chưa rõ ràng, khi ấy cần được nghe tiếng Ngài ngang qua những người xung quanh: “Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy!” (c 49b). Đôi lúc Lời Chúa cũng rõ ràng như anh mù đã nghe: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” (c. 51). Chỉ trong đức tin tôi mới nghe được tiếng Chúa nói, ngang qua Lời Ngài, ngang qua những anh chị em xung quanh, ngang qua những biến cố xảy ra trong cuộc sống. Gương anh mù nhắc rằng tôi có kinh nghiệm nào để nghe được tiếng Chúa nói với tôi? Con người chỉ nghe được Chúa nói, bao lâu tôi có lòng khao khát, sẳn sàng; còn bao lâu lòng tôi đầy những lời của thế gian, đầy những lời ta thán, đầy những lời trách móc, đầy những lời chua cay gắt gỏng... Thế thì làm sao nghe được tiếng Chúa bạn nhỉ!
Biểu hiện tiếp theo của lòng tin của anh mù là dấn thân đến với Chúa, nghe được tiếng Chúa, anh mù làm các động tác “vứt áo choàng lại” – “đứng phắt dậy” – “đến gần Ngài”. Ba động tác của sự dấn thân: Dấn thân của đức tin đòi phải từ bỏ những gì là an toàn theo suy lý con người; dấn thân của đức tin phải là một hành động dứt khoát, không chần chờ; dấn thân của đức tin là phải đến gần Chúa (dù không thấy, không biết Ngài sẽ làm cho ta điều gì), dấn thân mà không đến gần Chúa là dấn thân nửa vời. Anh mù đang thách đố tôi về những hành động dấn thân của đức tin. Tôi đã dám hành động như thế bao nhiêu lần trong đời. Hay tôi sợ!!!
Hành vi tin cuối cùng nơi anh mù Bartimê là lời cầu xin. Hai lần anh cất tiếng cầu xin: Lần thứ nhất anh cầu xin: “Lạy ông Chúa Giêsu, xin thương xót tôi!” Anh thưa với Đấng mà anh tin thân phận của anh và xin Ngài thương xót. Đó là lời cầu xin khiêm hạ, nhận biết thân phận hèn mọn làm người lại là một người mù (hiểu là tội lỗi). Lần thứ hai, khi được Chúa đoái nhìn đến: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” (c. 51a), anh mù mới dám lên tiếng trình bày nhu cầu của bản thân: “Thưa Thầy, xin cho tôi được thấy.” (c. 51b). Anh ta không xin gì hơn ngoài nhu cầu cần thiết. Đó là lời cầu xin của kẻ tin: trình bày với Đấng mà ta tin nhu cầu cần thiết của ta. Chúa cũng muốn ta trình bày ý nguyện, vì như thế, ta ý thức hơn về nhu cầu của ta và thân phận thấp hèn mà sức ta không thể tự giúp cho mình; khi trình bày ý nguyện, ta ý thức hơn về ân huệ mà Chúa ban cho ta, không phải vì ta có quyền được hưởng, mà do lòng từ bi nhân hậu của Đấng mà ta tin, Ngài có thể ban hay không tuỳ vào điều ấy sinh ích lợi thế nào cho đức tin của chúng ta. Tôi tin thế nào mỗi khi tôi cầu xin Chúa. Tôi muốn gì khi tôi cầu xin Ngài một điều gì: vâng ý Chúa hay Chúa vâng ý tôi!
Hoa Hạ FSC
0 comments:
Đăng nhận xét