12/10/12

TÌNH NGHĨA LA SAN

Xem hình
Nếu có ai đó đến Tu viện La San Mai Thôn ngày 08/08/2012, họ sẽ bỡ ngỡ bởi sự hoành tráng của việc tổ chức về ngày họp mặt với chủ đề “LA SAN MỘT NHÀ”. Có người hỏi tôi, hội ngộ La San là hội ngộ những ai. Khi nghe trả lời họ nói: Tình nghĩa La San thắm thiết quá nhỉ! Cả đến hơn 40 năm qua, trò vẫn đến tìm thầy để cám ơn và vinh danh những người đã một đời cống hiến cho công cuộc giáo dục và phát triển trên quê hương Việt Nam.
Đây là lần thứ ba, cựu học sinh La San, cứ hai năm một lần họ hò hẹn nhau tìm về quy tụ bên các thầy cũ để gặp thầy và gặp lại nhau, hiệp nhất trong một danh LA SAN, dù họ là học sinh của các trường La San trải qua nhiều thế hệ và thuộc về trường La San tại nhiều nơi trên dãi đấy chữ S mang tên Việt Nam thân yêu.


Hội ngộ La San 2012 quy tụ khoảng chừng trên 400 cựu học sinh La San về Mai Thôn, bầu khi thật vui và ấm áp tình thầy trò và tình anh em bằng hữu. Từ các Cựu Học Sinh bậc lão thành thế hệ 3X, 4X... đến các Cựu Học Sinh của thế hệ 7X ... Họ là những người đến từ các trường La San như Taberd, Đức Minh, Adran, Bình Lợi, Ban Mê Thuộc, Văn Côi, Bá Ninh, Kim Phước, Miche (Cambodia), Khánh Hưng, Cần Thơ, Chánh Hưng và một số thuộc các trường La San khác...; xen lẫn trong “đấu bột” có những “hạt men” là nhóm cựu tu sinh và cựu Sư huynh La San thuộc nhóm La San 100 và đoàn 97 đã làm cho khuôn mặt của ngày Hội Ngộ thêm phong phú và đa dạng. Trong số những Cựu Học Sinh tham dự có những người đang sinh sống ở nước ngoài cũng về dự hội vui với anh em và thầy cô của mình.
Tôi, một Sư huynh của thế hệ 9X trong Tỉnh Dòng, nhìn khuôn mặt rạng rỡ của các Sư huynh cao niên khi được các học trò cũ đến viếng thăm chào hỏi, lòng tôi cũng rộn lên vui sướng, tôi nhớ lại lời của một cựu học sinh trường Gagelin, giáo sư Nguyễn Lân,  được đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng số ra ngày 12/12/1996, đã nói về thầy cũ của ông: “Đó là trường Gagelin, với những thầy giáo chỉ có hai việc: một là thờ Chúa, hai là tận tình dạy dỗ đàn em. Nhất là ông hiệu trưởng trường người Pháp, tên ông là Frère Dunstan Lucien, một ông cụ giá, yêu thương học sinh như con cái mình. Ngoài những giờ đi lễ và đọc kinh, ông cụ chỉ có một việc chăm sóc chúng tôi như một người mẹ. Anh em trong trường trong lớp, dưới sự chỉ đạo của ông, yêu mến nhau như anh em ruột, không có sự ganh tỵ, chèn ép lẫn nhau.”[1]
Trong thời gian chuẩn bị cho ngày Hội Ngộ, tôi có dịp làm việc và trao đổi với các anh trong Ban Liên Lac Hội Ngộ La San 2012 (do Cựu Học Sinh La San Đức Minh đăng cai), cũng được nghe kể lại những tâm tình rất thân thương tương tự như thế của các anh đối với các thầy cũ của mình, những Sư huynh bây giờ một số đang hưu dưỡng tại Mai Thôn như SH. Raymond Hinh, Lucien Quảng...; hay đang làm việc tại các cộng đoàn như SH. Desire Nghiêm, SH Vital Quang, SH Từ Thiện Tốt...; một số đã an nghỉ trong Chúa như SH Bruno, SH. Maurice, SH Felicien...; rồi các thầy cũ, những con người trước đây từng để tấm áo dòng Sư Huynh La San phủ trên cuộc đời của họ... Tôi xin ghi lại một chia sẻ của một anh cựu tu sinh như sau: Tất cả những gì tôi học với các Sư Huynh, được các Sư Huynh huấn luyện trong thời gian còn ở dưới mái trường La San, nay tôi khi điều hành công ty, tôi vận dụng nó để đối xử với nhân viên và công nhân...; anh tự hào rằng theo cách đó, một công ty có gần 200 nhân viên nam mà, trong suốt cả 10 năm nay, không xảy ra chuyện gây gỗ, ẩu đả giữa các công nhân. Thành công ấy hôm nay, theo anh, là nhờ vào sự dạy dỗ của các Sư huynh ngày xưa...
Mỗi chia sẻ của các anh vào những dịp gặp gỡ để chuẩn bị cho ngày Hội Ngộ La San, lòng tôi vừa cảm thấy ấm lại, bởi trải qua gần 150 năm hiện diện trên đất Việt, các Sư huynh tiền bối của nhà dòng đã suốt đời làm hai việc: “thờ Chúa và dạy dỗ học sinh cách tận tình”, các ngài đã gầy dựng cho dân tộc Việt nhiều thế hệ có đủ tư cách làm người, có khả năng để đóng góp xây dựng xã hội và gây ảnh hưởng tốt cho xã hội và cho con người trong thế hệ hôm nay. Ước gì...!
Mong ước ấy lại dậy lên trong tôi một nỗi ưu tư: gần 40 năm trôi qua, khi mà tôn chỉ của Dòng La San là phục vụ giáo dục nhân bản và đức tin cho giới trẻ và người nghèo, các Sư Huynh xem nghề dạy học là một thừa tác vụ “tối quan trọng và thật cần thiết trong xã hội và Giáo Hội” đã được các chủ chăn và cha mẹ trao phó”[2] “để dạy cho trẻ hiểu biết về đạo và tinh thần Kitô giáo,”[3] nhưng các Sư huynh tại Việt Nam đã trở về tay không: không còn trường, không được cộng tác vào việc giáo dục thế hệ trẻ trong môi trường học đường. Nếu có thể dùng một hình ảnh so sánh để nhận biết tính siêu nhiên về thừa tác vụ của Sư Huynh, thì tôi có thể nói rằng nhà trường như là “nhà thờ” của Sư Huynh La San, nơi đó các Sư huynh đến mỗi ngày để thi hành thừa tác vụ; giờ dạy học là “thánh lễ” mà các Sư huynh cử hành để hiến tế chính mình cho Thiên Chúa và chuyển thông ơn cứu độ đến cho người trẻ. Theo ý tưởng này thì các Sư Huynh La San tại Việt Nam đang trải qua giai đoạn cấm cách bách hại, họ như các linh mục bị buộc ra khỏi “giáo xứ” là nhà trường, rời xa “giáo dân” là học sinh của họ.
Thế nhưng, tôi cũng lại rộn lên một niềm vui và niềm tự hào khác đối với thế hệ các Sư Huynh La San tại Việt Nam trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam hôm nay, trong hoàn cảnh đất nước như thế, các Sư huynh đã cố gắng để thích nghi hoàn cảnh và thi hành thừa tác vụ giáo dục bằng nhiều hình thức giáo dục khác nhau để tiếp tục phục vụ Giáo Hội và xã hội. Sư Huynh Alvaro Rodriguez - Tổng Quyền Dòng La San, sau những lần viếng thăm mục vụ Tỉnh Dòng La San Việt Nam đã nói một cách dí dỏm: Anh Em La San tại Việt Nam khi bị đóng cửa lớn, họ đã mở cửa sổ để ra đi thi hành sứ vụ, không phải trên “đường cái quan” mà trong “những ngỏ hẽm” với nhiều hình thức phục vụ giáo dục khác nhau, trong sự trung thành với đặc sủng của Đấng Sáng Lập, để xây dựng Giáo Hội và xã hội Việt Nam. Xin phép được tản mạn một chút về những hoạt động khiêm tốn của các Sư Huynh La San tại Việt Nam hôm nay. Khi mất trường, không còn được giáo dục các Sư huynh đã mở lớp tình thương, dạy kèm văn hóa hay ngoại ngữ, dạy giáo lý cho các trẻ em tại các giáo xứ, huấn luyện giáo lý viên, mở trung tâm huấn nghệ, trung tâm ngoại ngữ, lưu học xá, mở các hoạt động ôn tập văn hóa hè cho học sinh vùng sâu vùng xa... dù đó là những hoạt động rất khiêm tốn nhưng là những đóng góp rất đáng trân trọng. Trong đáp thư phê chuẩn văn kiện Tỉnh Công Hội IX của Tỉnh Dòng La San Việt Nam, Hội đồng Cố vấn Trung Ương Dòng viết về các Sư huynh La San Việt Nam như sau: “Các Sư huynh không bao giờ thôi là nhà giáo dục, cho dù công tác thực tế có là gì đi nữa. Thế giới của những hoạt động nhân bản hằng ngày chính là trường lớp của họ và mọi giao tiếp nhân bản đều tiềm ẩn một cơ hội giáo dục. Chúng tôi vui mừng khi thấy toàn bộ phần “giáo dục” nhấn mạnh ý kiến này và nhận ra mong muốn của Anh Em chia sẻ những giá trị giáo dục La San với người khác.”[4]  Đâu đó vẫn còn ngân lên tiếng chuông La San... trong các nẻo đường xa xôi, trong các ngỏ hẽm cuộc đời của xã hội Việt Nam hôm nay.
Quay lại với bầu khí của ngày Hội Ngộ La San, 8.8.2012, chủ đề: La San Một Nhà, với thánh lễ cầu nguyện do cha Thiện (quản xứ Cầu Kho, gp. Sài gòn) chủ tế từ lúc 7:00 sáng, để tạ ơn Chúa, cám ơn nhau và cầu nguyện cho tất cả mọi người còn sống cũng như đã qua đời. Quang cảnh Mai Thôn càng lúc nhộn nhịp và náo nhiệt bởi sự hiện diện của các Cựu Học Sinh, năm nay đông ngoài dự tính của Ban Tổ Chức. Trong nhiều nghi lễ diễn ra suốt buổi sáng, nghi lễ vinh danh các Sư Huynh cao niên và các thầy cô cũ của các trường La San đã gây xúc động lòng người. Không xúc động sao được, vì ngay giữa một xã hội Việt Nam hôm nay, khi mà giáo dục bị thương mại hóa, trường học và lớp học trở thành “dịch vụ” kiếm tiền, việc dạy học lại chạy theo thành tích, việc học chỉ là một lối để tìm kiếm mảnh giấy gọi là “bằng cấp”, trong khi đó chất lượng bị sa sút, đạo đức, nhân cách không còn được thể hiện trong giáo dục... Tiếng kêu than của dân chúng chắc chắn đã thấu đến tận trời xanh... Và đến tai của các vị lãnh đạo trong chính phủ, nhân dịp khai trường năm nay, ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh rằng “chất lượng giáo dục thật sự chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt giáo dục toàn diện, giáo dục đạo dức.... giáo dục có lúc, có nơi còn bị thương mại hoá...” Ông lưu ý Bộ Giáo Dục Việt Nam “cần phải giải quyết những bức xúc hiện ny như bạo lực học đường, tình trạng đào tạo chạy theo thành tích, không thực chất và chuộng bằng cấp...”[5] Vậy việc các cựu Học Sinh La San vinh danh các Sư Huynh cao niên và thầy cô đã nói lên tình nghĩa thầy trò không dựa trên những gì là vật chất, và đó là điều cần và phải làm trong việc giáo dục. Sự vinh danh thầy cô của những Cựu Học Sinh La San, cho thấy nền giáo dục La San là một nền giáo dục khả dĩ huấn luyện người trẻ thành những con người biết ơn và sống đúng với nhân phẩm của con người. Sự vinh danh các Sư Huynh cao niên và thầy cô cũ của các Cựu Học Sinh La San nói với chúng tôi, thế hệ trẻ của Việt Nam hôm nay, hãy cùng nhau, tay trong tay (như nghi thức kết thúc của ngày Hội Ngộ) xây đắp một thế hệ trẻ La San Việt Nam, trong hoàn cảnh Việt Nam hôm nay, hướng đến một sự giáo dục toàn diện cho người trẻ hôm nay và tương lai với hành trang không chỉ là những kiến thức mà còn cả nhân cách và tâm linh, như đặc sủng của Thánh Gioan La San đã để lại và theo như truyền thống sinh động của nhà dòng, cách riêng tại Việt Nam gần 150 năm qua.
Tạ ơn Chúa đã khơi dậy nơi các Cựu Học Sinh La San một sáng kiến để tổ chức ngày Hội Ngộ (2 năm một lần). Đó là cơ hội để những thế hệ La San trải qua gần 1 thế kỷ rưỡi qua, gặp gỡ nhau trong tình thầy trò, tình anh em và với ước muốn trở nên “La San một nhà”.
Tạ ơn Chúa đã thúc đẩy nơi các Cựu Học Sinh La San sáng kiến về ngày Hội Ngộ La San, để các Sư Huynh cao niên, sau một đời dấn thân vì Chúa và vì người trẻ, cảm thấy được ấm lòng trong tuổi già, khi mà Tỉnh Dòng La San Việt Nam, gần 40 năm qua mất cơ hội đóng góp cách trực tiếp vào công cuộc giáo dục người trẻ qua môi trường học đường.
Tạ ơn Chúa đã khơi dậy nơi lòng các Cựu Học Sinh xa gần lòng biết ơn và quý ân nhân lòng hảo tâm để tổ chức ngày Hội Ngộ La San 2012, đem đến cho các Sư Huynh cao niên một niềm tự hào, một sự an ủi và niềm vui trong tuổi già, đồng thời cũng là dịp để các Cựu Học Sinh và Tỉnh Dòng bày tỏ lòng biết ơn đối với nhau qua những gì mà trong sự quan phòng của Chúa, các thế hệ trong gia đình La San đã cùng nhau thực hiện nhằm đẩy mạnh các hoạt động phục vụ giáo dục theo tinh thần Kitô giáo và linh đạo La San, hầu một cách nào đó, trong điều kiện có thể, phục vụ giáo dục cho giới trẻ Việt Nam hôm nay.
Tạ ơn Chúa, muôn ngàn đời xin ca tụng suy tôn.
Cám ơn các Sư huynh cao niên, các thầy cô cũ, những con người đã đồng hành với người trẻ Việt Nam theo dòng lịch sử Việt Nam và lịch sử La San trong suốt gần 150 năm qua.
Cám ơn Ban Liên Lạc Cựu Học Sinh La San và Ban Tổ Chức ngày Hội Ngộ La San 2012.
Cám ơn quý ân nhân và Cựu Học Sinh đã đóng góp nhân lực và tài lực cho việc tổ chức ngày Hội Ngộ, cũng như giúp đỡ Tỉnh Dòng La San Việt Nam cách này cách khác trong công cuộc giáo dục tại Việt Nam hôm nay.
Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, thánh Gioan La San, chư thánh La San, các thánh Tử đạo Việt Nam, xin Thiên Chúa chúc lành cho quý Sư huynh, quý vị ân nhân và cựu Học sinh La San xa gần; chúc lành cho những công cuộc phục vụ giáo dục mà chúng ta đang cùng nhau chung tay góp sức để xây dựng trên quê hương Việt Nam yêu dấu.


Mai Thôn, tháng 9 năm 2012.
SH. Giuse Lê Văn Phượng, fsc




[1] Xem bài nói chuyện của SH. Lucien Quảng vào dịp tĩnh tâm ngày 22.12.2002
[2] GLS, bài Suy gẫm số 199,1.1
[3] GLS, bài Suy gẫm số 199,1.2
[4] SH. William Mann, Tổng đại diện,  Đáp thư phê chuẩn ngày 16.02.2001
[5] Báo Tuổi Trẻ số 223/2012 số ra ngày thứ Bảy, 18.08.2012

0 comments:

Đăng nhận xét