13/10/12

Chân Dung Sư Huynh La San Hôm Nay: Tiên Tri La San

Xem hình
“Chân Dung Của Sư Huynh La San Hôm Nay” là loạt bài chia sẻ của Sư Huynh Giuse Lê Văn Phượng FSC. Loạt bài này nhằm giới thiệu chân dung người tu sĩ La San trong thế giới ngày nay, đã được phát họa rõ nét trong “Tuyên Ngôn Sư Huynh Trong Thế Giới Ngày Nay”(1967)trong kỳ Tổng Công Hội 39 của Dòng La San và là chủ đề được đào sâu trong Tổng Công Hội 44 (2007). Xuyên suốt dòng thời gian, các sư huynh không ngừng tìm hiểu về căn tính La San và ý nghĩa sự hiện diện của mình trong Giáo Hội và thế giới.
Bài suy tư thứ nhất này gồm ba điểm chính xoay quanh chủ đề đặc tính ngôn sứ của Sư Huynh La San, nối kết tiến trình canh tân và thích nghi của Sư Huynh La San trong dòng lịch sử của Dòng, Tỉnh Dòng, đặc biệt trong kỳ Tỉnh Công Hội và Tổng Công Hội.
Bài 1


CHÂN DUNG CỦA SU HUYNH LA SAN HÔM NAY
“TIÊN TRI LA SAN”
I. Ý Tưởng Được Gợi Lên

1. Từ hơn 300 năm về trước, chân dung Sư Huynh La San được thánh Gioan La San và các Sư Huynh tiên khởi vẽ lên… Họ là những “Anh Em Trường Kitô”, nghĩa là sống chung thành một cộng đoàn được thành lập dựa trên đức ái Tin Mừng và trong đó, mọi thành viên có sứ vụ giáo dục Kitô qua trường học.[1]
Và rồi từng giai đoạn của lịch sử Dòng, chân dung Sư Huynh La San cũng được vẽ lên…
Với Tổng Công Hội 39 và sau Công Đồng Vatican 2, chân dung Sư Huynh La San cũng được vẽ lên… và 40 năm qua chúng ta sống với chân dung ấy.
2. Tổng Công Hội 44 của Dòng đã mời gọi Sư Huynh vẽ lại chân dung của mình… “Là Sư Huynh La San Hôm Nay” và đồng thời cũng mời gọi người khác vẽ chân dung Sư Huynh La San cùng với Sư Huynh La San trong tinh thần “cùng nhau đổi mới.”
3. Trong suốt thời gian qua, những Thư Mục Vụ của Sư Huynh Tổng Quyền gợi hứng cho chúng ta tìm lại chân dung của Sư Huynh La San Hôm Nay. Một hình ảnh Sư Huynh Tổng Quyền diễn tả là “Tiên Tri La San”
4. Những quyết định của Tỉnh Công Hội 11 và 12 của Tỉnh Dòng La San Việt Nam, chúng ta muốn vẽ lại chân dung của Sư Huynh La San tại Việt Nam.
II. Sư Huynh Trong Thế Giới Ngày Hôm Nay: Cái nhìn xuyên suốt từ TCH 39 đến TCH 44


1. Canh Tân và Thích Nghi:


- Dòng muốn nói lên ý thức về bản chất và sứ mạng Sư Huynh La San theo đường hướng canh tân đời tu của Thánh Công Đồng Vatican 2: Canh tân và thích nghi
- Canh tân và thích nghi là trở về nguồn Phúc Âm, trở về với nguyên hứng của Đấng Sáng Lập và truyền thống sinh động của Dòng. Hầu đáp trả nguyên động lức phát sinh ra Dòng.[2]
- Nguyên động lực ấy là: Thánh Gioan La San đã được Thiên Chúa tác động làm cho quan tâm tới cảnh khốn cùng về nhân bản và thiêng liêng của “con em thợ thuyền và người nghèo.” Vì vậy, ngài đã hiến mình đào tạo các thầy biết hết mình xả thân cho công cuộc mở mang học vấn và giáo dục Kitô[3]. Ngài đã canh tân học đường để học đường mở cửa đón nhận trẻ nghèo và trở thành dấu chỉ Nước Trời và phương tiện cứu độ cho mọi người[4].
2. Canh Tân Trên Bình Diện Cá Nhân Và Cộng Đoàn
2.1. Bình Diện Cá Nhân [5]:
- Mỗi Sư Huynh được mời gọi đổi mới thiêng liêng: Những nỗ lực của đời tu nhắm thích nghi với các nhu cầu hiện đại sẽ chẳng đem lại kết quả như mong muốn nếu không có sự canh tân đời sống thiêng liêng của tu sĩ.[6]
- Ý thức vai trò của Chúa Thánh Thần trong việc canh tân đời sống con người, đổi mới các công cuộc và định chế. Việc canh tân phải bắt đầu bằng việc cầu nguyện, nguyện gẫm và chiêm niệm.
- Để thấm nhuần và sống tinh thần canh tân và thích nghi, Sư Huynh không ngừng nuôi mình bằng Lời Chúa, học hỏi và chia sẻ Lời Chúa. Nhờ nguyện gẫm và quan tâm tới Chúa hiện diện mà Sư Huynh nghe được tiếng Chúa Thánh Thần và sống các thực tại đức tin ngày một sâu sắc hơn.[7]
- Đổi mới thiêng liêng là sống ơn gọi yêu thương: yêu thương mọi người mình tiếp xúc, làm cho họ nhận ra Chúa đang yêu thương họ và cũng đang mời gọi họ làm chứng cho tình yêu giữa lòng nhân loại hôm nay.
- Đổi mới thiêng liêng là nỗ lực thanh luyện bên trong và khổ chế mà chu toàn mọi tác vụ mà Sư Huynh được trao phó theo sứ mạng mà Dòng đã lãnh nhận từ Giáo Hội;[8]
- Đổi mới thiêng liêng là tăng cường sự nỗ lực hiện diện với con người ngày nay như là một môn đệ Chúa Kitô. Tìm hiểu và nhận ra một cách đầy thiện cảm thân phận của họ, đón nhận họ như “họ là” (chứ không phải như ta muốn họ là)
- Nhờ học hỏi Thánh Kinh và Thần học mà nuôi dưỡng và củng đố đức tin. Sư Huynh hiệp thông với Giáo Hội và chia sẻ đời sống của Giáo Hội, Sư Huynh lấy làm của mình “những sáng kiến và ý định của Giáo Hội trong các lãnh vực Kinh Thánh, Tín Lý, Mục Vụ, Đại Kết, Truyền Giáo và Xã Hội.”[9].
2.2. Bình Diện Cộng Đoàn:
- Nỗ lực của mỗi cá nhân các Sư Huynh là căn bản, chúng ta cũng cần phải thiết lập những cơ cấu linh hoạt, phối hợp, thích nghi và canh tân liên tục.
- Cộng đoàn góp phần vào việc kiểm điểm và canh tân phương pháp, với thái độ tìm kiếm trong tinh thần Phúc Âm và sẳn sàng xét lại giá trị của các hoạt động mục vụ của Sư Huynh.
- Hàng năm, trong tinh thần biện phân, cộng đoàn soạn hay duyệt lại dự tính cộng đoàn. Dự tính này bao gồm: đời sống cầu nguyện, những cam kết tông đồ, cuộc sống huynh đệ, những mối quan hệ với người ngoài, cách tổ chức đời sống cộng đoàn, các giờ thường huấn và giải trí.[10]
3. Trở Thành Sư Huynh Hôm Nay Như Là Một Tiên Tri
- Tiên tri là người được gọi bởi Thiên Chúa, được Ngài sai đi để hoàn thành một sứ mạng.Đi, Ta sai ngươi”, “Đừng sợ, Ta ở với ngươi!
- Khía  cạnh kép để trở thành một tiên tri:
+  Tìm đọc lịch sử trong ánh sáng của Lời Chúa.
+  Đọc Lời Chúa trong khi hòa theo nhịp điệu của lịch sử.
- Mỗi kỷ nguyên đã mời gọi Sư Huynh phản chiếu con người của mình trong lịch sử liên quan với ơn gọi của Sư Huynh – về đời sống thánh hiến, về những chương trình, những cách thức tổ chức các hoạt động và chính các hoạt động – Sư Huynh theo đuổi suy tư của mình trong bối cảnh của mỗi giai đoạn lịch sử và đương đầu với những vấn đề của mỗi giai đoạn ấy.
- Sư Huynh – các nhà giáo dục (những tiên tri của thời đại) nói LỜI trong danh của Thiên Chúa, lời ấy hòa hợp với giai đoạn lịch sử và những sự kiện của nó, đang được Sư Huynh giữ trong trí óc cũng như đã được Sư Huynh truyền đạt.[11]
- Là tu sĩ trong Giáo Hội hôm nay, Sư Huynh La San phải là một con người cầu nguyện và khiêm hạ. Để có thể trở thành như thế Sư Huynh cần phải thực hành những điểm sau:[12]
+  Cầu nguyện với Lời Chúa (Lectio Divina).
+  Tìm niềm vui thật nơi chính bản thân. Đó là “cho thì vui hơn là nhận.”
+  Cần vứt xa (bớt đi) những ồn ào và tạo nên những giờ thinh lặng trong đời sống: 30 phút mỗi ngày và ½ ngày trong một tuần.
+  Khiêm tốn, một đức tính luôn gắn liền với thinh lặng.
Làm như thế là chúng ta quay trở về lại với nguyên hứng của Dòng. Thánh Gioan La San đã cầu nguyện, đã suy gẫm Lời Chúa và lời của ngài (qua các bút tích để lại) cho chúng ta thấy ngài đã sống, đã phản chiếu và thành “LỜI” cho người nghèo, cho trẻ nghèo và cho thế giới.
Sh. Giuse Lê Văn Phượng, fsc







[1] Frère Henri Bédel, Dẫn Vào Lịch Sử Dòng Anh Em Trường Kitô. Lược dịch Cerla. Văn Phòng Giám Tỉnh La San Việt Nam xuất bản.
[2] Tổng Công Hội 39 (1966 -67), Sư Huynh Trong Thế Giới Ngày Nay, số 2 Bản tiếng Việt do VPGT La San Việt Nam.
[3] Rôma 1987, Luật Dòng Các Sư Huynh Trường Kitô (LD) số 1. Bản tiếng Việt do VPGT La San Việt Nam.
[4] Rome 1987, Luật Dòng Các Sư Huynh Trường Kitô (LD) số 3.
[5] Tổng Công Hội 39 (1966 -67), Sư Huynh Trong Thế Giới Ngày Nay, số 3
[6] CĐ Vat 2, Sắc lệnh Canh Tân Đời Tu (PC) số 2. Bản dịch Học Viện Giáo Hoàng Pio X, Đà Lạt 1970.



Chú Thích: Ưu tiên của đời sống thiêng liêng. Những ai khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm đều phải tìm kiếm và yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, vì người đã yêu chúng ta trước (x. 1 Ga 4,10); trong mọi hoàn cảnh, họ phải cố gắng phát triển đời sống ẩn dật cùng Chúa Kitô trong Thiên Chúa (x. Col 3,3), vì đó là nguồn mạch và động lực phát sinh tình yêu tha nhân nhằm cứu rỗi nhân loại và xây dựng Giáo Hội. Cũng chính đức ái này làm linh động và hướng dẫn việc thực hành các lời khuyên Phúc Âm.
Vì thế, tu sĩ của các hội dòng phải cần mẫn luyện tập tinh thần cầu nguyện và cả sự cầu nguyện, múc ở nơi nguồn mạch đích thực của nền tu đức Kitô giáo. Trước hết, hằng ngày, phải có Quyển Thánh Kinh trong tay để học được những "kiến thức siêu việt về Chúa Giêsu Kitô" (Ph 3,8) nhờ đọc và suy gẫm. Phải theo tinh thần của Giáo Hội để đem hết tâm hồn, miệng lưỡi chu toàn các Lễ Nghi Phụng Vụ, nhất là Mầu Nhiệm Thánh Thể, lại phải nuôi dưỡng đời sống tu đức bằng nguồn mạch phong phú ấy.
Nhờ bổ sức như thế nơi bàn Luật Chúa và bàn thờ thánh họ yêu thương các chi thể của Chúa Kitô như anh em, kính trọng và yêu mến các vị chủ chăn với tính con thảo; họ phải càng ngày càng sống và cảm nghĩ với Giáo Hội hơn, và tận hiến phụng sự sứ mệnh của Giáo Hội.
[7] LD số 6
[8] LD số 6
[9] Xem CĐ Vat 2, Sắc lệnh Canh Tân Đời Tu (PC) số 2c. Bản dịch Học Viện Giáo Hoàng Pio X, Đà Lạt 1970.
[10] LD 58a
[11] Lm Fiar Carlos alfonso Aspiroz Costa, OP. Bài Tham Luận tại TCH 44 của Dòng La San (2007)
[12] ĐHY Martini. Bài Tham Luận tại TCH 44 của Dòng La San (2007)

0 comments:

Đăng nhận xét