Nhìn, nghe và nói là những quan năng quan trọng để con người có thể giao tiếp và sống hoà nhập với người khác trong xã hội. Mất những khả năng ấy, con người rất dễ bị tách biệt với người khác.
Tin mừng Marô tường thuật Chúa Giêsu đã đặt ngón tay vào lỗ tai anh và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh, ngước mắt lên trời và nói: “Epphatha!” Lập tức tai anh ta mở ra và lưỡi như hết bị buộc lại.
Nhiều lúc tôi cũng điếc, mặc dù tai tôi nghe rất rõ. Tôi nghe đọc Lời Chúa rất rõ từng chữ, từng câu một; nhưng sau khi công bố Lời Chúa xong tôi chẳng nhớ được gì. Tôi bị điếc. Tôi nghe rất rõ những trao đổi, chia sẻ của anh em chị em trong buổi họp, trong dịp gặp gỡ, trong những giờ chia sẻ…; nhưng nghe mà chẳng màng gì tới cả. Tôi bị điếc. Khi mà ngày ngày trên đường phố, bên xó chợ, tôi nghe những tiếng kêu than của những người cùng khổ mà không chút đọng lòng. Tôi bị điếc. Khi tôi nghe kể về những khó khăn của những kẻ nghèo hèn nơi các vùng quê xa, về những trẻ em bị bóc lột, về những phụ nữ bị coi thường nhân phẩm mà tôi chẳng chút đọng lòng trắc ẩn. Tôi bị điếc.
Thỉnh thoảng tôi vẫn bị người quen biết quanh tôi mắng: “Đồ có tai mà như điếc.” Điếc thật đấy!
Lắng nghe nghĩa là phải có sự chú ý. Bao lâu tôi chú ý đến điều người khác nói, tôi mới có khả năng để giao tiếp với họ, đối thoại với họ, hiểu được họ. Nghe mà không chú ý thì chẳng nghe được gì. Tôi thành kẻ điếc. Tôi cần được Chúa mở tai cho.
Lạy Chúa, khi con ở bên cạnh anh em con, xin cho con chú ý một cách đồng cảm đến những tâm sự, những chia sẻ của họ. Khi con có những bất đồng với anh chị em, xin mở tai con để con chú ý đến những quan điểm khác trong tinh thần đối thoại và xây dựng. Khi con bên cạnh kẻ nghèo, xin mở tai con để con chú ý đến những nhu cầu của người nghèo với lòng quảng đại. Khi con bên cạnh người đau khổ, xin mở tai con để con chú ý đến những tâm sự khổ đau của người đang cần được chia sẻ. Khi con trước một người tuyệt vọng, xin mở tai con để con lắng nghe một cách thông cảm những thất vọng của họ trong cuộc đời...
Nói để đối thoại với nhau, làm cho hiểu nhau; nói để đem lại cho nhau niềm vui, sự thông cảm với nhau; nói để xây dựng hoà bình, tạo nên bầu khí hoà thuận. Đó là người “biết nói.” Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Êphêsô viết: “Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa” (4:29a). Nơi khác ngài viết: ”Đừng nói lời thô tục, nhảm nhí, cợt nhả: đó là những điều không nên;” (5:4); và ngài lại viết: “Đừng để ai lấy lời hão huyền mà lừa dối anh em, chính vì những điều đó mà cơn thịnh nộ của Thiên Chúa giáng xuống những kẻ không vâng phục.” (5:6). Có những khi tôi nói những lời ngông nghênh ngạo mạn; lời cộc cằn, thô lỗ; lời gây xích mích, mâu thuẫn; lời khiến chia rẽ bất hoà... Người ta bảo tôi: “Thà mày câm đi còn hơn!” Đúng. Những lúc tôi muốn thốt ra lời lẽ như thế với anh em, tôi xin Chúa cho tôi nhớ và học theo lời dạy thánh Phaolô, ngài khuyên “anh em hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe” (4:29b).
Lạy Chúa, khi con bên cạnh người đau khổ, xin cho con biết nói lời an ủi. Khi con trước mặt kẻ quyền thế, xin cho con đừng nói lời xu nịnh. Khi con trước mặt những người trẻ, xin cho con biết dùng lời đứng đắn mà dạy dỗ. Khi con trước một kẻ ngỗ nghịch, xin cho con biết dùng lời lẽ khôn ngoan mà khuyên bảo. Khi con trước kẻ khích báng, điêu ngoa và làm tổn thương con, xin cho con biết lấy lời yêu thương mà tỏ bày sự tha thứ...
Lạy Chúa xin mở tai con để con nghe Lời Chân Lý.
Lạy Chúa xin mở môi con cao rao lời ngợi khen Chúa.
Hoa Hạ FSC
0 comments:
Đăng nhận xét