Chia sẻ Lời Chúa - Chúa nhật 25 thường niên năm A
Các bài đọc: Isaiah 55.6-9; Tv 145; Phil. 1.20-24, 27; Matthew 20:1-16
Mời quý vị đọc bài chia sẻ của Sư huynh Vincent Quân FSC
“Ông coi họ ngang hàng với chúng tôi”
Sự liên kết giữa dụ ngôn với đoạn văn 19.16-30 ở trên là rõ ràng. Như trong đoạn 18.12-14 và 18.23-25 (dụ ngôn người mắc nợ không biết thương xót kết thúc cả đoạn nói về cách đối xử với anh chị em), ở đây Matthew cũng đưa vào một dụ ngôn để ngăn chận các khả năng hiểu lầm về việc con người có thể mặc cả với Thiên Chúa về Nước Trời, và mời gọi suy tư xa hơn.
Ý tưởng về một Thiên Chúa tốt lành nổi bật (c.17, “Đấng Tốt Lành” và c.15, ông chủ “tốt bụng”). Để đọc dụ ngôn, cần đọc luôn cả câu 19.30, vì là thành phần cấu trúc chiastic (bao hàm), mở và đóng đoạn văn với cùng một câu. Như vậy câu 8 đóng vai trò trung tâm, bản lề nối kết hai phần của dụ ngôn. Có thể đọc như sau:
19.30 Nhưng nhiều kẻ đứng đầu sẽ trở nên chót, và những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu.
(Phần 1 của dụ ngôn)
20:8 …bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất.
(Phần 2 của dụ ngôn)
20:16 Thế là những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót.
Mặc dù việc đảo ngược người đầu- người cuối là một trong các chủ đề ưa thích Matthew, điểm gây sốc của dụ ngôn thực ra là việc thách đố và đảo lộn thang giá trị quy ước của cộng đoàn Kitô hữu của Matthew. Việc trả công cuối ngày có thể hiểu là ngày phán xử cánh chung như trong bối cảnh đoạn văn trước đó, 19.27-29. Vậy dụ ngôn nhắm đến cho người “trong nhà”, các Kitô hữu. Và những người làm giờ đầu tiên là các Kitô hữu đã sống lâu và trung tín trong thời gian dài. Ở đây, người đọc tự dưng cảm thấy mình đồng cảm với phản ứng của nhóm người làm việc đầu giờ, vì theo lẽ công bằng: việc nào thì công cán đó! Rõ ràng là không phải ai cũng hạnh phúc với cách tính tiền công của ông chủ vườn nho này. Có vẻ như điều mà ông ta xem là công bằng, lại là bất công với những người vào làm trước (Matthew nhấn mạnh, “nặng nhọc cả ngày, nắng nôi thiêu đốt”)? Nhưng thực sự vấn đề sâu xa của sự phản đối nằm ở chỗ khác. Họ không chấp nhận sự bình đẳng của ông chủ. “Ông coi họ ngang hàng với chúng tôi”! Đây có lẽ mới thực sự là điểm mấu chốt, cho thấy Nước Trời theo Matthew nghĩa là gì.
Những người làm giờ đầu tiên phản đối việc người khác được trở nên ngang bằng với họ bằng ân sủng, chứ không phải bằng sự sòng phẳng của lẽ công bằng. Điều này làm họ không chịu nổi, do vậy, họ tự gạt họ ra ngoài lề. Điểm này gợi nhớ đến hoàn cảnh tương tự của người anh cả trong dụ ngôn Người Cha Nhân Lành của Luca. Bài Tin Mừng mời gọi ta chiêm ngưỡng về triều đại của một Thiên Chúa “tốt lành,” Đấng mà không ai có thể mặc cả với Ngài. Dụ ngôn, trong khi nhấn mạnh việc Thiên Chúa cai trị bằng ân sủng, cũng đồng thời phản bác một thứ ân sủng có thể quản lí được. Ân sủng luôn luôn là sự kinh ngạc và thán phục. Ân sủng mà có thể đong đếm và “kỳ vọng” (c.10) thì không còn là ân sủng.
Sách tham khảo: Levine & Brettler, The Jewish Annotated New Testament New Revised Standard Version Bible Translation (New York, 2011).
Vincent Quân FSC
0 comments:
Đăng nhận xét