2/11/13

Sự Công Chính Của Người Thu Thuế

Chia sẻ Lời Chúa ngày Chúa Nhật ( CN 30 TN C). Các bài đọc trong Chúa nhật 30 C thường niên là Huấn Ca 35:12-14, 16-19; Tv 33:2-3, 16-17, 19, 23; 2 Timothê 4:6-8, 16-18; Luca 18:9-14
Mời quý vị cùng Sư huynh Vincent Quân đọc khám phá Lời Chúa trong Chúa nhât 30 TN C.


Chúa Nhật 30 Mùa TN C
Các bài đọc: Huấn Ca 35:12-14, 16-19; Tv 33:2-3, 16-17, 19, 23; 2 Timothê 4:6-8, 16-18; Luca 18:9-14
Chủ đề: Sự Công Chính Của Người Thu Thuế
Bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục chủ đề bà góa phụ từ Chúa Nhật tuần rồi và bắt cầu cho Chúa Nhật tuần tới, lại một người thu thuế nữa được khen ngợi, ông Zakêu. Luca nói rằng Chúa Giê Su kể dụ ngôn này cho những ai “tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác”. Họ tin rằng họ được Thiên Chúa đương nhiên chấp nhận. Từ “khinh chê” người khác là một từ rất mạnh trong Luca, như Herode sẽ chế dễu Chúa Giê Su sau này vì khinh dễ Người (x. 23.11). Chúa Giê Su dùng dụ ngôn cho đám đông môn đệ, những người đang có nguy cơ rơi vào tâm thức loại trừ người khác- như tình huống ngay sau dụ ngôn này cho thấy, khi các môn đệ ngăn cản đám trẻ nhỏ đến với Chúa Giê Su. Lý do để người Biệt Phái tự tin là ông ta đã sống vượt quá sự đòi hỏi của Luật, ví dụ việc ăn chay, điều Chúa Giê Su không hề trách cứ (Luke cho thấy Chúa Giê Su có ý sẵn sàng áp dụng thực hành này cho cộng đoàn Kitô hữu sau này [5.35]). Chính thái độ của ông làm ông sẽ bị thất vọng. Lời tạ ơn của ông thành thực và chắc chắn không có vẻ gì đạo đức giả, như ta thường thấy gán cho ông ta trong các bài phê bình bị ám ảnh bởi chủ nghĩa khắc kỷ. Quan điểm của ông được thấy trong Thánh Vịnh và diễn tả một lòng mộ đạo đích thực. Ông nói như một người Do thái chân chính: chính việc giữ Luật của ông cũng là do Thiên Chúa ban cho. Nhưng nó nguy hiểm.  Nguy hiểm ở chỗ nó phân chia con người ra hai nhóm, và qua việc tạ ơn Thiên Chúa nó mặc nhiên loại trừ nhóm người kia. Nó cũng hàm ý rằng nhóm người kia không được Thiên Chúa ban ơn! Cho nên, người thu thuế đi về “được công chính rồi”. Lòng nhận biết tội của mình và kêu xin sự thương xót đã bắt cầu nối giữa ông ta và Thiên Chúa, điều không có được nơi người Biệt Phái. Ông thu thuế đã “được nên công chính”, nghĩa là được chấp nhận bởi Thiên Chúa và mở ra cho quyền năng giao hòa của Ngài. Lời cầu nguyện của ông ta có phải là ăn năn thực sự hay không, điều đó ta không dám chắc vì bản văn không cho thấy (“đấm ngực” chỉ mới là tâm tình ăn năn!), ít nhất là quay lưng lại với con đường cũ của mình (như đối với Zakêu). Nhưng chính điều này làm thành điểm cực kỳ khó chịu của dụ ngôn (như mọi dụ ngôn về Nước Trời của Chúa Giê Su). Người thu thuế, trong khi vẫn còn là người tội lỗi, thực sự lại mở lòng ra cho Thiên Chúa nhiều hơn cả người Biệt Phái kia. Người thu thuế lại được công chính hơn người Biệt Phái, điểm này gây nên một tương phản làm người đọc giật mình bởi vì nó không chối bỏ lời cầu nguyện của người Biệt Phái hay là có vẻ tán đồng đời sống của người thu thuế chút nào.
Đoạn văn tiếp theo dụ ngôn này chú ý trên việc Chúa Giê Su quở trách các môn đệ. Nói về các đứa trẻ mà họ đang toan cản trở chúng nó đến với Người, Chúa Giê Su nói “Nước Trời thuộc về những người như vậy” – nghĩa là, thuộc về những ai chẳng có thân phận và chẳng có gì để tự mãn, những ai biết rằng mình phải luôn luôn phải lệ thuộc vào người khác và vào Thiên Chúa. Vương Quốc là một điều gì đó ta chỉ có thể đón nhận, vì hoàn toàn là ân huệ. Điều này vọng lại tâm tình của bài đọc từ sách Huấn Ca, rằng Thiên Chúa được bày tỏ như Đấng “chẳng vị nể mà làm hại kẻ nghèo hèn…không coi thường lời khấn nguyện của kẻ mồ côi, hay tiếng than van của người góa bụa” (35.14). Tiếng Hebrew của dòng đầu tiên ở đây là “Ngài Thiên Chúa của công lý”, gợi lại Isaiah 30.18, Thiên Chúa là Đấng quan tâm đến góa phụ và kẻ mồ côi. Điều này, lần nữa lại là chủ đề xuyên suốt Thánh Vịnh 33. Chúng ta cần đọc cả thánh vịnh chứ không chỉ các câu trích đoạn như trong phụng vụ hôm nay. Một câu chúng ta không đọc là “hãy nếm thử và hãy nhìn xem Thiên Chúa tốt lành biết bao”. Sự tốt lành của Thiên Chúa là điều gì thật cụ thể và bao trùm lấy con người ta đến nỗi ta có thể cảm nhận từ mọi giác quan của cơ thể mình. Thánh vịnh này phát biểu một giác ngộ tràn đầy hy vọng, “Thiên Chúa gần gũi với những tấm lòng tan nát, giải cứu những tâm hồn thất vọng ê chề”.  Một phần làm nên sự kỳ vĩ của các thánh vịnh gia là họ có một trực giác thiêng liêng về thân phận con người và Thiên Chúa, khi sự lạnh lẽo, bóng tối hãi hùng và đêm dài của tuyệt vọng bủa vây cuộc đời của biết bao người, nhưng chính nơi đó, rực sáng lên ý thức về một Sự Hiện Diện nâng đỡ đầy yêu thương. Trong thư thứ hai gửi Timothy, lời diễn tả tin tưởng này được thánh Phaolô mô tả Thiên Chúa là Đấng đang “đứng bên cạnh” ông trong nỗi gian truân.
Câu nói của thánh Phaolô gợi nhớ lại hình ảnh của bài Tin Mừng. Ông Biệt Phái, “đứng thẳng’ và cầu nguyện, ra về, cũng chỉ có một mình ông, còn người thu thuế, cúi xuống với gánh nặng của thân phận mình, thì lại có Thiên Chúa “đứng kề bên”. Bởi vì ông Biệt Phái đã chiếm lây vai trò của Thiên Chúa. Ông đã thờ lạy vị thần ngẫu tượng của chính ông, sẽ lớn lên hàng ngày – nghịch lý thay, qua chính các thực hành đạo đức của ông. Luca cho thấy cầu nguyện “sai” cũng nguy hiểm như không cầu nguyện. Đối với linh đạo Phật Giáo, tu tập sai còn nguy hiểm hơn cả không tu. Vì nó dẫn con người đi vào con đường “ma đạo”! Ta hãy xin Thiên Chúa một đièu, thực là khó chịu, nhưng Luca đang cố ý “ấn” vào nhận thức của ta qua hai tuần này, là cho có được tâm hồn của những con người như bà góa tuần rồi và người thu thuế hôm nay. Để được Thiên Chúa đứng kề bên và lắng nghe.



Vincent Quân FSC

0 comments:

Đăng nhận xét