2/11/13

Ai là bà góa trong Luke?

Chia sẻ Lời Chúa ngày Chúa Nhật ( CN 29 TN C) - Câu đáp ca lấy từ Thánh Vịnh, “Ơn phù trợ của ta ở nơi Đức Chúa, là Đấng dựng nên đất trời”, là một trong các chủ đề chìa khóa chạy suốt các bài đọc hôm nay.
Mời quý vị cùng Sư huynh Vincent Quân đọc khám phá Lời Chúa trong Chúa nhật 29 TN C.


Chúa Nhật 29 Mùa TN C
Xh 17:8-13; Tv 120; 2  Timothy 3:14-4:2; Luke 18:1-8
Chủ đề: Ai là bà góa trong Luke?
Câu đáp ca lấy từ Thánh Vịnh, “Ơn phù trợ của ta ở nơi Đức Chúa, là Đấng dựng nên đất trời”, là một trong các chủ đề chìa khóa chạy suốt các bài đọc hôm nay. Bài trích Xuất Hành nói về sự quan trọng của lòng tin của Môse nơi Thiên Chúa khi dân Israel đối đầu với kẻ địch nguy hiểm chí mạng, là dân Amalek, mà theo Plaut, vốn sẽ trở nên biểu tượng của cái thói “ỷ mạnh hiếp yếu”, cái biểu tượng xấu xa mà sách Thứ Luật cảnh cáo là phải dẹp ra khỏi ký ức của dân: “đừng quên!” (Tl 25.17)
Ở vùng Cận Đông cổ đại, khi đánh nhau người ta thường trưng ra các biểu tượng của vị thần của phe mình. Môse với đôi tay giơ lên trời với sự giúp đỡ của Aharon và Hur, cũng là một cử chỉ mang tính biểu tượng nhắc dân rằng Thiên Chúa đang chiến đấu cho họ. Cho nên bàn thờ để kính nhớ chiến thắng này được đặt tên là “Adonai- nissi”- “Thiên Chúa là cờ hiệu của tôi” (Xh 17.15). Câu 12 nói rằng nhờ Aharon và Hur giúp đỡ nên đôi tay Môse được “vững”, nhưng nghĩa đen của Hebrew là “emunah”- “trung tín”, “tin tưởng”! Đây là cách chơi chữ tuyệt vời của tác giả bản văn. Thế kỷ 18, rabbi Nachman ở Bratzlav giải thích rằng, “Lòng tin mà chỉ ở trong tim thì chưa đủ. Lòng tin phải xâm chiếm toàn bộ cơ thể, như với Môse, ngay cả đôi tay cũng ‘trung tín’”.[1]
Đôi khi ta có thể lo âu vì sự đời đến nỗi quên rằng, như thánh vịnh gia ở Tv 120 nói: “Ơn phù trợ của ta  ở nơi Danh Chúa”, nhưng thánh vịnh này đảm bảo ta rằng Thiên Chúa thủy chung với ta, vì “Ngài chẳng hề chợp mắt cũng chẳng ngủ”. Từ khóa của sự bảo đảm, “canh giữ”, xuất hiện đến 6 lần chỉ trong 8 câu, nên thánh vịnh trở nên một diễn tả cảm động của lòng tín thác, của lòng tin vào Thiên Chúa, dù sử dụng một ngôn ngữ truyền thống và một mô mẫu điệp ngữ quen thuộc.
Trong bài Tin Mừng của thánh Luke, và chỉ duy có ở Luke, Chúa Giê Su chọn cho dụ ngôn của Ngài một bà góa như một kiểu mẫu của lòng tin và tín thác vào Thiên Chúa. Bà góa là một kiểu nhân vật được Luke ưa thích đặc biệt (x. 2.37; 4.26; 7.12). Trong Kinh thánh Hebrew hay Kitô giáo, người góa phụ là tiêu biểu nhóm người không quyền lực về mặt xã hội cũng như tôn giáo, thường là nạn nhân của sự áp bức bất công.
Trung tâm của dụ ngôn là cuộc đấu tay đôi giữa bà góa và viên quan tòa ác ôn. Như trong câu chuyện của Xuất Hành, sự tương phản giữa hai phe được Chúa Giê Su cố ý làm cho kịch tính. Ông tòa thực sự là một ‘vị toàn năng”: không có gì trên đầu ông ta, cả ông trời lẫn con người. Ông ta thực sự là chúa tể của thế giới! Bà góa, vốn đã là thân cô thế yếu, nay thực sự tay trắng. Bà không có bất cứ một vũ khí nào trong lời cầu xin của mình– từ việc nại đến Thiên Chúa, đến lẽ công lý hay thậm chí lòng nhân đạo của ông tòa này. Bà chỉ có lòng kiên trì kỳ lạ. Thế mà ông quan tòa phải chào thua.
Như mọi dụ ngôn của Chúa Giê Su, ta có thể múc lấy nhiều chiều kích từ các chi tiết mang tính ẩn dụ metaphor của câu chuyện. Ngay cả khi Luke đã cẩn thận mào đầu cho người đọc đây là dụ ngôn để dạy cầu nguỵên (c. 1), các yếu tố về Nước Trời của dụ ngôn vẫn mạnh mẽ. Và đó là cách tôi đọc dụ ngôn.[2]
Quả vậy, người nghe Chúa Giê Su phải đối mặt với một thực tại mới mẻ đã khởi đầu bởi lời rao giảng của Ngài: Vương Quốc đang đến, Thiên Chúa đang cai trị (4.17-21), và vì thế các người nghèo hèn nay có thể mạnh dạn tuyên bố quyền của mình và tìm kiếm công lý, nhưng với một cách thế ngạc nhiên vì không giống bất cứ cuộc giải phóng nào của nhân loại. Bởi vì Thiên Chúa là sức mạnh và hy vọng duy nhất của họ. Đó là lời ca của Mẹ Maria: chính Chúa là Đấng giải phóng, Đấng cứu độ tôi, Đấng hạ bệ kẻ quyền thế và đoái thương phận nghèo hèn. Công lý của Thiên Chúa đứng về phía người thân yếu thế cô và dễ bị tổn thương. Ngài nghe họ vì họ kêu cầu Ngài “ngày đêm” (c.6).[3] Như vậy, sự kiên trì của bà góa đọc theo nhãn giới của thần học giải phóng không phải là một thái độ tu đức cho bằng một lòng tin sắt đá rằng Nước Trời đang đến đây, Thiên Chúa đang ở đây, và Ngài đang nghe và Ngài sẽ thực thi công lý trên trái đất này. Không có một “vị chúa tể của thế giới” nào có thể tự hào là sẽ tồn tại muôn đời. Sự kiên trì của bà góa rõ ràng là một cách nhìn thế giới và giải thích hành động của bà. Dụ ngôn thách đố ta bắt chước bà: thấy ra một thực tại mà người khác có thể không thấy (lần nữa, đó là câu 6!).
 Mặt khác, sự kiên trì của bà góa cũng là một chiều kích thiêng liêng, nói lên điều gì đó sâu vào tận con tim mỗi người. Đứng trước Thiên Chúa, thái độ thích đáng của con người, đó chính là thái độ của bà góa. Ta ý thức rằng ta không thể sở hữu bất cứ điều gì để có thể tác động lên Thiên Chúa. Vì nếu vậy, cầu nguyện là sự đổi chác, và ân sủng là kết quả của bùa chú và phù phép. Vì nếu vậy, tình yêu nhưng không của Thiên Chúa sẽ được quan niệm như một thứ ngẫu tượng, và quà tặng của Ngài trở thành một thứ ta có thể xoay sở để chiếm hữu.[4] Thái độ kiên trì cầu nguyện không gì khác hơn là thái độ của con người sống trong sự thật: sự thật về mình và sự thật về Thiên Chúa. Thiên Chúa không cần phải giả vờ trì hoãn để thử thách ta. Chính ta mới cần sự giống như là cố ý trì hoãn của Thiên Chúa để có thể thoát khỏi xu hướng thờ ngẫu tượng và thái độ “tự cung tự cấp” thiêng liêng của mình.
 Không phải ngẫu nhiên Chúa Giê Su của Luke đã lấy câu chuyện bà góa của ngôn sứ Elia và viên quan phong hủi người Syria của ngôn sứ Êlisa để đối trọng với thái độ của dân Nazareth ở ngay đầu sứ vụ (x. 4.25-27). Ngay trước đoạn này, thái độ của người phong Samari đã là một mẫu gương về lòng tin (x. 17.11-19). Nay, là thái độ của một bà góa. Dụ ngôn kết thúc bằng một câu hỏi để ngỏ của Chúa Giê Su. Ngầm hiểu rõ ràng: khi Con Người trở lại Ngài còn tìm thấy lòng tin như bà góa này trong cộng đoàn hay không. Theo Timothy Johnson, dụ ngôn cho thấy cầu nguỵên không phải là một lựa chọn thực hiện một việc đạo đức, nhưng là một hành vi đức tin. Nó không chỉ ra chủ đề quan trọng của việc cầu nguyện, nó cho thấy tại sao Chúa Giê Su nói cầu nguyện là quan trọng. Vì cầu nguyện không phải là cách diễn tả tương quan với Thiên Chúa. Cầu nguỵên tương quan với Thiên Chúa.
Thư Mục:  Luke Timothy Johnson, The Gospel of Luke (Liturgical Press, 1991); W.G. Plaut, The Torah: A Modern Commentary (1981).


[1] Điều này hoàn toàn trái ngược với dân Israel, vừa ngay trước đoạn này, tại Massa và Meriba, đã cho thấy họ không tin vào Thiên Chúa Đấng đã cứu họ ra khỏi Ai Cập, bằng cách “càm ràm” trách móc Môse và Thiên Chúa về việc nước uống: “Có Thiên Chúa ở giữa chúng ta không?” (Xh 17.7).
[2] Như tôi đã nhiều lần chia sẻ, Chúa Giê Su không phải là một rabbi dùng các chuỵên kể để minh họa một bài dạy tu đức. Ngài bộc lộ cho ta mầu nhiệm về Nước Trời. Về Thiên Chúa. Chính trong chiều kích đó mà ta mới có thể học bài học cầu nguyện này của Ngài. Nếu không, dễ bị lạc đề, ví dụ thường nghe, ông quan tòa là một biểu trưng để so sánh với Thiên Chúa: ông ta như vậy mà còn…huống chi là Thiên Chúa! Không. Trong nhãn giới của Luke, sự đầu hàng của ông quan tòa là dấu chỉ của việc Thiên Chúa can thiệp, là dấu chỉ của giải phóng, của Nước Trời đang hiện diện.
[3] Câu nói này của Chúa Giê Su chợt khớp với Thánh Vịnh 120: nếu có ai cắc cớ hỏi tại sao phải kêu cầu cả ban đêm (!), câu trả lời, đó là lòng tin, bởi vì người cầu xin biết là Chúa không ngủ: “Ngài chẳng hề chợp mắt cũng chẳng ngủ” (Tv 120.4).
[4] Hay khá hơn, cầu nguyện trở nên phương thế để tôn vinh cái tôi, như dụ ngôn người thu thuế và người Pharisêu ngay sau dụ ngôn này. Ở đây, người thu thuế là một phiên bản khác của bà góa: ông ta không có gì để cậy dựa vào nơi con người mình cũng như một lý do ngoại tại nào!



Vincent Quân FSC

0 comments:

Đăng nhận xét