11/8/13

Kẻ được cho nhiều, bị đòi hỏi nhiều hơn

Chia sẻ Lời Chúa ngày Chúa Nhật ( CN 19 TN C) - Trong bài Tin Mừng, dù chủ đề Cánh Chung và bài học luân lý là rõ ràng (các môn đệ phải trung tín để khỏi bị án phạt vào ngày Xét Xử) nhưng Luke cũng tinh tế hướng người đọc đến thời điểm hiện tại của Giáo Hội. Mời quý vị cùng Sư huynh Vincent Quân đọc khám phá Lời Chúa trong Chúa nhật 19 TN C.

Chúa Nhật 19 TN C
Bài đọc: Kn 18:6-9;  Tv 33; Dt 11:1-2, 8-19; Luke 12.35-48
Chủ Đề:  “Kẻ được cho nhiều, bị đòi hỏi nhiều hơn

Trong bài Tin Mừng, dù chủ đề Cánh Chung và bài học luân lý là rõ ràng (các môn đệ phải trung tín để khỏi bị án phạt vào ngày Xét Xử) nhưng Luke cũng tinh tế hướng người đọc đến thời điểm hiện tại của Giáo Hội. Bối cảnh của bài đọc 1 và bài đọc 2 cung cấp một suy tư từ hiện tại ngóng về các biến cố quá khứ: không, chúng ta không tưởng niệm quá khứ dù oanh liệt cách mấy, nhưng đang sống biến cố đó, như cha ông xưa, luôn đang trên đường.

Việc “đến” của Con Người được Chúa Giê Su nói duy nhất chỉ ở 12.40, và Chúa chỉ dạy rằng phải “sẵn sàng” vì thời điểm Con Người đến được ví như kẻ trộm, “lúc anh em không ngờ”, thình lình và không biết trước. Chủ đề “người chủ trở về nhà”, trái lại, xuyên suốt cả dụ ngôn (các câu 35, 37, 38, 39, 40, 43, 45, 46). Chủ đề “tiệc cưới” và “đèn cháy sáng” cũng gợi nhớ dụ ngôn Mười Cô Trinh Nữ của Matthew 25.1-13. Với người Kitô hữu, Thiên Chúa luôn luôn đang đến và “gõ cửa”. Hiện hữu của người môn đệ là một hiện hữu không phải chỉ đứng vững trong sự mong chờ, nhưng là một căng thẳng của lắng nghe tiếng Chúa trong từng giây phút của cuộc đời. Đây cũng là một nghịch lý của dụ ngôn. Chúa Giê Su vừa nói về một Vương Quốc sẽ đến nhưng đồng thời cũng loan báo một thực tại của Nước Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta (Luke 11.20), điều mà Dodd trong Các Dụ Ngôn về Vương Quốc gọi là “một cánh chung được hiện thực hóa”, (realized eschatology), như là một sự bổ sung cho lối giải thích “quang lâm” (parousia).

Luke Timothy Johnson cũng nhận xét rằng, với tác giả Tin Mừng Luke, sự phán xét không chỉ đơn giản thuộc phạm trù thời gian- Ngày Cánh Chung- nhưng cũng là vấn đề hiện sinh. Khác với Matthew (// Matt 25.42-54, nhấn mạnh “không biết khi nào chủ đến”), ở đây, ẩn dụ người chủ đi ăn cưới về được bao hàm vào ẩn dụ kẻ trộm và tạo thành một “frame”, một “sandwich” (cc 36-38 và câu 43). Rõ ràng, một người có thể không biết khi nào kẻ trộm đến (và không biết hắn có đến hay không!), nhưng người gia nhân thì biết chắc chủ đi ăn cưới, sẽ về và đang về. Ở đây không phải là báo cáo lại công việc (vốn rõ ràng mang sứ điệp Cánh Chung như dụ ngôn Những Nén Bạc, x. 19.11-27), nhưng là bị “bắt gặp” lúc đang thi hành phận vụ. Thiên Chúa phán xử chúng ta từng giây phút, và Ngài biết rõ chúng ta có “cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc”, hay đang “đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa”. Ở vế thứ hai của mô hình “sandwich” này, Luke cho thấy thế nào là một sự “lắng nghe” tích cực: hãy thi hành “ý” của ông chủ mà người gia nhân xem như đương nhiên biết (cc 47-48).

Phần kết quả của dụ ngôn mang âm hưởng cực kỳ ấn tượng. Chúng ta được lưu ý trước hết với hình ảnh tuyệt vời của người chủ tưởng thưởng gia nhân bằng cách làm hầu bàn (nhấn mạnh: phục vụ “từng người”) và người gia nhân bây giờ được làm khách (“mời nằm giường tiệc”), một ẩn dụ không thể tìm ra hình ảnh tương đương trong thế giới gia trưởng thời Chúa Giê Su. Người đọc không thể không nhớ lại điều Chúa Giê Su đã làm ở bàn Tiệc Ly và tự mô tả mình như là “kẻ hầu bàn ăn” giữa các môn đệ (x. Luke 22.27). Đây có phải là điều mà Luke muốn nói về “ý muốn của ông chủ” chăng (cc. 47-48)? Một lần nữa, tính chất hiện sinh của dụ ngôn là rõ ràng. Nhóm 12 đã được Chúa Giê Su dạy cho bài học này khi Ngài đãi ăn năm ngàn người (9.12-17). Chúng ta vẫn đang được Thiên Chúa nuôi dưỡng qua bàn tiệc Thánh Thể mỗi ngày bằng sự sống được trao ban của Chúa Giê Su. Cho nên, chúng ta cũng hãy làm như Ngài đối với anh em. Ẩn dụ các gia nhân được trao quyền quản lý ở vế hai của dụ ngôn minh họa cho chủ đề này: phận vụ người quản lý ở đây được mô tả như là sự phục vụ bàn ăn của cộng đoàn mình. Các môn đệ sau này sẽ được xem như “được trao ban cho Vương Quốc”, như Chúa Cha đã trao ban cho Chúa Giê Su (x. 22.29). Có lẽ vì thế nên hạn từ “có phúc” được lặp lặi đến 03 lần (cc. 37, 38, 43). Đây là một đặc điểm thần học của Luke: chúng ta đang ở trong tình trạng của ân sủng vì được tham dự vào thời điểm Cánh Chung của Nước Thiên Chúa (điển hình: Mẹ Maria x.1.45, hay các mối phúc thật x. 6.20-23, hay cụ thể hơn, là các môn đệ, “phúc cho mắt nào được thấy điều anh em thấy”, x. 10.23-24). Lần nữa, dụ  ngôn của Chúa Giê Su về Nước Trời luôn có một nét gì đó gây sốc, “nghịch đảo” cái thế giới của chúng ta. Bổn phận tôn giáo phải thi hành “để được thưởng” kỳ thực trở thành một ân phúc để thông chia, và mối tương quan chủ-tớ, chúa-tôi kỳ thực là một ẩn dụ về tình nghĩa bằng hữu.

Phần hậu quả của dụ ngôn cũng ấn tượng không kém. Những kẻ quản lý bị bắt gặp biếng nhác sẽ bị “chặt phăng” đi (sát nghĩa). Với ngôn ngữ của xã hội thời Chúa Giê Su, số phận của những người bất trung với nhà vua hay với lãnh chúa (đối lập với người “trung tín” ở câu 42) vốn được xem đồng nghĩa với “kẻ thù”, là tử hình (tương tự ở dụ ngôn các Nén Bạc, x. 19.27). Nhóm Mười Hai và cả chúng ta, người đọc, không thể lầm lẫn và phớt lờ ngôn từ thẳng thừng và dữ dội này của Chúa Giê Su Luke, vốn đâu đó có thể được giải thích theo kiểu apologetic (ví dụ ở dụ ngôn Tá Điền Vườn Nho: đả kích lãnh đạo Do thái giáo bất trung, Giáo hội sẽ là Israel mới trung tín), nhưng không phải ở đây. Ở bài đọc 1, các tác giả theo truyền thống khôn ngoan đã chiêm niệm được điều này, khi họ thấy rằng cùng chia sẻ một bóng đêm như đêm Vượt Qua ngày xưa, nhưng dân Chúa được vinh quang còn dân Ai Cập bị tiêu diệt (Kn 18.8). Nhóm Mười Hai và chúng ta ngày nay, cũng như cha ông Israel xưa, đã được cảnh báo trước rồi (Kn 18.6; Lk 12.47-48. “Áo dắt thắt lưng” của Luke 12.35 gợi nhớ lệnh truyền của Thiên Chúa cho dân đêm Vượt Qua ở Xh 12.11). Ân sủng hôm nay coi chừng không khéo cũng sẽ là án phạt ngày mai. Vấn đề là chúng ta chọn lựa, hoặc sẵn sàng tham dự vào công trình của Nước Chúa với niềm “hỉ hoan” như bài đọc 1 nói (x. Kn 18.7) hoặc vĩnh viễn bị loại ra khỏi bàn tiệc của Đức Giê Su.   

Suy tư:

1. Bài đọc 2 cung cấp một góc suy niệm khác về nền tảng thiêng liêng của đời sống phục vụ. Tôi, dù có như Abraham, được mời gọi đi theo Chúa, chỉ là lữ khách trên đường đến một quê hương tốt đẹp hơn (Dt 11.13-14). Tôi không là chủ sở hữu thế giới này, hay công trình kia, hay sứ vụ nọ. Đó có phải là thái độ của đức tin, điều mà thánh lập dòng nói, là “tinh thần của Dòng”, là “ý chỉ” (intention) quyết định cho ai chọn lựa đời sống LaSan?

2. Cùng một công việc, cùng một phận sự được giao, cùng một sứ vụ, hay cùng một chọn lựa bậc sống, tôi thấy có người hạnh phúc, nhưng có người luôn đau khổ; có người bình an, nhưng có người luôn dằn vặt. Tôi tin Thiên Chúa đang thưởng- phạt ngay ở đời này tùy theo thái độ phục vụ của tôi.

3. Một nhà sư có lời bình luận về đời tu trì Phật Giáo như sau: “Có người xuất gia để giải nghiệp cho chính họ. Có người xuất gia vì gia đình. Họ đi tu để giải nghiệp cho người khác. Nhưng có người xuất gia, không những chẳng giải nghiệp cho ai, nhưng càng tạo ra nghiệp chướng cho chính mình.”

Thư Mục: Luke Timothy Johnson, The Gospel of Luke (Sacra Pagina, Liturgical Press, 1991); Charles Harold Dodd, The Parables of  the Kingdom (New York, Scribners, 1961); Joachim Jeremias, Parables of Jesus (New York, Scribners, 1954).



Vinvent Quân FSC

0 comments:

Đăng nhận xét