BÀI HỌC TỪ LỜI CHÚA - Tin mừng Lc 10:1-12.17-20 Chúa nói với chúng ta
về ơn gọi trong Giáo Hội: Ơn gọi làm việc trong cánh đồng của Chúa được
dành cho nhiều người và ơn gọi làm tông đồ thì mang tính cộng đoàn,
người được Chúa chọn để thi hành thừa tác vụ loan báo Tin Mừng phải là
con người thanh thoát, đem bình an cho đến cho những ai họ gặp gỡ.
Chúa chọn 12 tông đồ (Lc 9:1-2), sau đó, Chúa chỉ định
bảy mươi hai người khác và sai các ông đi từng hai người một (Lc 10:1a). Yếu tố
trước hết của ơn gọi làm tông đồ của Chúa là “được sai đi”. Người tông đồ không
tự mình làm việc gì, dù đó là việc của Chúa. Họ phải được sai đi nhân danh
Chúa, ngang qua các đại diện của Chúa Giêsu. Làm tông đồ mà không được sai đi
thì đó là tìm việc Chúa để vinh danh mình, đó là làm việc Chúa mà không làm
theo ý Chúa. Đây là một đòi hỏi về đức vâng phục, một nhân đức quan trọng, đến
nổi theo Thánh Gioan La San thì: nếu không có nhân đức này, thì mọi nhân đức
khác chỉ là thứ trang điểm cho lòng kiêu ngạo.
Yêu tố thứ hai của ơn gọi làm tông đồ là việc thi hành
thừa tác vụ phải mang tính cộng đoàn. Chúa sai các ông cứ từng hai người một
(Lc 10:1b). Tính cộng đoàn trong thi hành thừa tác vụ tông đồ là một đòi hỏi của
Chúa Giêsu đối với những kẻ đi theo Ngài, nó thể hiện tính hiệp thông trong
cộng đoàn ơn gọi. Làm việc chung đòi hỏi người tông đồ phải biết tôn trọng anh
chị em mình. Làm việc chung đòi hỏi người tông đồ phải có tinh thần hợp tác, tuân
thủ theo một đường hướng tổ chức, dù đôi khi bất đồng trong một số quan điểm
làm việc, nhưng khi hành động, họ cần phải làm theo một hướng chung được những
người có trách nhiệm quyết định. Làm việc chung đòi hỏi người tông đồ phải có
tinh thần đoàn kết, đừng chia bè kéo phái… Trọng tâm đời sống của họ, của các
việc họ là Chúa Giêsu và sự loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa, mang bình an đến
cho những kẻ họ được sai đến. Bao lâu người tông đồ biết đặt trọng tâm ấy vào
đời sống mình, họ sẽ dễ dàng để sống tuân phục và cùng chung với anh chị em
mình.
Yếu tố thứ ba mà đoạn Tin Mừng nói về ơn gọi tông đồ
là phải thanh thoát với của cải. Một tác giả tu đức nói: người tông đồ biết
thanh thoát với của cải đời sống họ trở nên nhẹ nhàng, và càng nhẹ nhàng thì dễ
bay cao. Thanh thoát với của cải là đừng để nó trở thành mối bận tâm và yếu tố
thiết yếu đến nỗi người tông đồ luôn cho rằng, nếu không có những phương tiện
của cải vật chất ấy tôi không thể làm việc tông đồ được; cũng đừng bận tâm tôi
làm điều này thì sẽ nhận được cái gì… Đây là sự phó thác kèm theo lòng khiêm
nhường mà người tông đồ cần phải có, vì khi họ không quá đặt nặng vào phương
tiện của cải vật chất, họ sẽ đặt lòng tin tưởng vào Thiên Chúa, và họ cũng ý
thức rằng, thành công của họ đạt được, đó là do ân sủng và quyền năng của Chúa.
Sự phó thác dạy cho người tông đồ rằng: “con chỉ là cây bút chì trong bàn tay
của Chúa” (Mẹ Têrêsa Calculta).
Chỉ khi nào, người môn đệ có được những yếu tố Chúa
Giêsu đòi hỏi trong Tin Mừng thì họ có khả năng để đem bình an đến cho những
người họ gặp gỡ, họ sẽ tìm thấy niềm vui trong đời sống hoạt động tông đồ.
Hãy cùng nhau lặp lại lời hát: Lạy Chúa, xin hãy sai
đi, sai đi khắp cõi gian trần muôn nghìn sứ giả trung kiên… như một lời nguyện
xin như Chúa Giêsu đã dạy.
Hoa Hạ FSC
0 comments:
Đăng nhận xét