|
Theo đường HCM từ Tp Vinh đi 80km, tôi đến họ đạo Tri Lễ, một trong 5 họ
đạo của giáo xứ Yên Lĩnh, giáo phận Vinh. Nhà thờ Tri Lễ tọa lạc trên
Km 710 của đường HCM, chỉ cách ngã tư Khai Sơn (đường HCM và đường số 7
(qua Lào)) chừng vài trăm mét, phía bên kia ngã tư Khai Sơn là cầu Tri
Lễ, vắt ngang qua đoạn sông trên thượng nguồn dòng sông Lam. Đây là một
vùng dân cư thưa thớt về phía Tây của tỉnh Nghệ An
Họ đạo Tri Lễ khoảng 40 hộ gia đình với 300 nhân
dân, từ hàng chục năm về trước đến nay không có linh mục coi sóc trực tiếp, mỗi
tuần họ đi tham dự thánh lễ Chúa nhật tại nhà thờ giáo xứ cách chừng 10km, nên
hàng tối, giáo dân tụ họp nhau trong nhà thờ nhỏ bé để cầu kinh nguyện ngắm.
Người dân nơi đây rất chân quê, chất phác hiền hòa mộc mạc, họ sống tình bác ái
yêu thương trong một cộng đồng đức tin mà trung tâm của đời sống họ như câu châm
ngôn treo trong nhà thờ: “Phúc Âm là lẽ sống, Thánh Thể là thần lương”.
Và ba ơn gọi trong họ đạo: 1 linh mục dòng Vinh Sơn, 1 sư huynh La San và 1 nữ
tu dòng MTG Huế (đang khấn tạm) là hoa trái tốt tươi mà Chúa ân thưởng cho cộng
đoàn đức tin này…
Gia đình Sư huynh Đại đang chuẩn bị để làm
tiệc đãi khách (cả làng), cả bà con họ hàng, làng xóm thân quen kéo nhau đến mỗi
người một tay, phụ một việc, vui nhà vui cửa… Vài tiếng đồng hồ sau tôi được SH.
Đại chở đến tham quan một nhà thờ họ đạo khác đang xây dựng, hỏi thăm mới biết,
tất cả giáo dân cùng góp sức xây dựng, cát đá thì dùng máy nhà và công nhà để
lấy từ dòng sông lên, đào núi để lấy mặt bằng cũng dùng phương tiện máy móc của
những gia đình mua sắm để làm ăn mà san lấp mặt bằng, chỉ có sắt thép, xi măng,
gạch ngói thì cha xứ đi xin tiền mua về cho giáo dân… Một ý tưởng diễn tả tình
làng quê rất Việt Nam (đã bị quên lãng từ lâu bởi lối sống công nghiệp và dịch
vụ của nền kinh tế thị trường) lại đến với tôi, đó là
“việc của một người là việc cả làng, việc làng là việc của mỗi người.”
Lúc 8:00 thứ Ba, ngày 09/07/2013, thánh lễ Tạ ơn bắt
đầu với việc rước đoàn đồng tế từ nhà Họ (nhà dành cho các linh mục đến dâng lễ
tại họ đạo nghỉ tạm) ra nhà thờ. Thánh lễ đồng tế với 6 linh mục, do cha Hạt
trưởng chủ tế, cùng đồng tế có cha chính xứ, cha cựu chính xứ, cha dòng Vinh sơn
(con cái của họ đạo) cùng với một cha bạn, và một cha khách, mọi người lương
giáo trong làng quê này và những họ đạo lân cận đến tham dự thánh lễ ước chừng
đến 300 người. Nhà thờ nhỏ bé không đủ sức chứa hết, nhưng lòng Giáo Hội Mẹ lại
ôm trọn tất cả mọi người bất kể lương giáo trong thánh lễ Tạ ơn này. Bài giảng
của cha giảng lễ nhắc lại cho mọi người tham dự thánh lễ hiểu rằng: mọi ơn gọi
trong Giáo Hội đều là cao trọng như nhau, cái cốt lỏi là mỗi người đều được kêu
gọi để làm môn đệ, và như Chúa Giêsu mời gọi: ai muốn theo Ta hãy từ bỏ mình và
vác thập giá mình mà theo. Mỗi bậc sống và ơn gọi đều phải từ bỏ mình (điều kiện
thứ nhất) theo ba cấp độ: (1) không để của cải phương tiện làm cản trở việc thờ
phượng và thực thi việc loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa; (2) khi phải chọn
Chúa và để làm vinh danh Chúa thì người môn đệ sẳn sàng hy sinh các mối quan hệ,
ngay cả quan hệ với cha mẹ, anh chị em, như Phanxicô Xavie đã từ bỏ gia đình quê
hương xứ sở để lên đường đi loan báo Tin Mừng cho các dân tộc Á châu…; (3) khi
vì Chúa mà phải thiệt thân thì cũng sẳn sàng hy sinh mạng sống để tuyên xưng
danh Chúa như các thánh tử đạo đã nêu gương. Vác thập giá mình mà theo Chúa
(điều kiện thứ hai) là biết đón lấy các việc bổn phận trong đời sống tùy theo
bậc sống của mỗi người. Và mỗi người khi biết từ bỏ và vác thập giá mình mà theo
Chúa thì đều làm cho ơn gọi của mình trở nên cao trọng trước mặt Thiên Chúa và
Giáo Hội.
Tạ ơn Chúa về hồng ân Vĩnh khấn của Sh. Đại, đó cũng
là hồng ân Chúa ban cho Giáo Hội, cho quê hương, cho họ đạo, cho gia đình và cho
Hội dòng La San. Xin Chúa tiếp tục chúc lành cho đời sống đức tin của dân Chúa
nơi họ đạo xa xôi bên cạnh dòng sông Lam trên đồi núi của dãi Trường Sơn hùng vĩ
này, để Tin Mừng được gieo vãi và sinh hoa trái ngang qua đời sống chứng nhân
đức tin và tổ chức sinh hoạt tôn giáo của dân Chúa nơi đây, cũng như cho nhiều
người trẻ dám dấn thân cho Chúa trong ơn gọi tu trì., để ngày càng có nhiều thợ
gặt trong cánh đồng truyền giáo của Chúa.
Hoa Hạ FSC
0 comments:
Đăng nhận xét