16/7/13

Ông hãy làm như thế và sẽ sống



Xem hình Lời Chúa Chúa Nhật 15 TN C. Bài Tin Mừng bắt đầu bằng việc một vị kinh sư hỏi Chúa Giê Su rằng ông ta “phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp”
Mời quý vị cùng đi tìm ý nghĩa Lời Chúa trong các bài đọc Tin Mừng ngày Chúa nhật
Chúa Nhật 15 Thường Niên C
Đnl 30.10-14; Tv 69; Col 1.15-20; Luc 10.25-37.
Chủ đề: “Ông hãy làm như thế và sẽ sống”
Bài Tin Mừng bắt đầu bằng việc một vị kinh sư hỏi Chúa Giê Su rằng ông ta “phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp”. Đây là một điều chỉnh của Luke, bởi vì cùng một câu chuyện, Matthew và Mark chọn cách chất vấn theo kiểu Do thái: điều răn nào lớn nhất (x. Mt 22. 34 và Mark 12.28). Theo một số học giả, có lẽ Luke muốn làm cho vấn đề gần gũi với độc giả không phải Do thái giáo. Điều ly thú là, khi để cho vị kinh sư và viên thủ lãnh giàu có tại 18.18tt (chàng thanh niên, trong Matthew và Mark) cùng chia sẻ một kiểu mẫu chất vấn, Luke để ngỏ khả năng hai câu chuyện sẽ “đọc” lẫn nhau, bởi vì thoạt nhìn, dường như Chúa Giê Su cung cấp hai câu trả lời khác nhau cho cùng một vấn đề. Đây là điều tinh tế Luke dành cho độc giả. Cũng như câu chuyện với người thủ lãnh ở 18.18-23, dụ ngôn người Samari ở đây vượt quá một bài học đạo đức, mời gọi người kinh sư (và người đọc) sống một chiều kích khác của thực tại Nước Thiên Chúa. Đó cũng chính là điều mà Môsê căn dặn dân Israel phải sống khi trở về sau Lưu Đày: luật từ nay sẽ được ghi khắc trong tâm hồn (bài đọc 1). Và sống như người Samari trong dụ ngôn, chính là đi theo Đức Kitô, Đấng chính là sự viên mãn của lời hứa của Thiên Chúa: sự sống đời đời, qua cái chết của Người trên thập giá (bài đọc 2).
Khác với câu chuyện người thủ lãnh: ông ta đến để xin chỉ dẫn (“thầy nhân lành”, 18.18) nên Đức Giê Su cho câu trả lời. Ở đây, như Luke nói rõ, vì vị kinh sư muốn “thử” Ngài, nên Đức Giê Su đẩy trả câu hỏi lại cho người kinh sư. Ông ta sẽ là người đánh giá chính câu trả lời của mình thay vì như ông ta định làm với Chúa Giê Su. Câu trả lời kết hợp giữa Đệ nhị luật 6.5 và Lêvi 19.18 của vị kinh sư nhận được tán đồng của Chúa Giê Su. Vấn đề thật ra không mới. Một thói quen trong giảng dạy của các bậc thầy Do thái giáo là gom 613 điều luật vào vài câu tóm tắt[1]. Để trả lời cho vấn nạn “ai là người thân cận của tôi”, Chúa Giê Su kể một dụ ngôn, hay mashal, một kiểu giảng dạy phổ biến của các rabbi vào thời Chúa Giê Su, một câu chuyện đa nghĩa. Chúa Giê Su đảo ngược câu hỏi của vị kinh sư, và lần nữa buộc ông phải phân định, ai là người thân cận của người bị nạn. Chúa Giê Su cho thấy cách đặt vấn đề thích hợp không phải “ai là người thân cận của tôi” nhưng “tôi có thể là người thân cận của ai”.[2] Theo Ngài, ta không thể đặt một khung giới hạn để xác định ai là người thân cận với tôi và ai không là. Câu trả lời của vị kinh sư nói lên điều mà ly trí của ông phải công nhận: lòng trắc ẩn đích thực sẽ lật đổ một kiểu trật tự luân ly nào đó đang chủ đạo trong xã hội, và ta phải giúp đỡ người khác khi họ cần, bất kể khác biệt màu da, chủng tộc, và tôn giáo.
Nếu chỉ dừng lại ở đây, nghĩa là bài học luân ly đạo đức (như ta thường gặp thấy), Chúa Giê Su xuất hiện chỉ như một rabbi Do thái tham gia giải quyết một “nố” trong việc hiểu và áp dụng Torah. Nhưng Chúa Giê Su đến không phải để làm một rabbi, dù người ta đôi khi gọi như vậy. Và giáo huấn của Ngài không chỉ là một cách mới để đọc Lề Luật. Điều Chúa Giê Su nói qua dụ ngôn ngầm chứa một nổ tung tận căn thế giới của vị kinh sư, chứ không đơn giản là lời khuyên “đi và làm như vậy”. Câu chuyện với người thủ lãnh ở 18.18tt sẽ soi sáng điều này.
Nếu có ai đó thử đọc “giữa hàng chữ”, nghĩa là những gì không viết ra giữa những gì đã viết, người đó sẽ có ly khi tự hỏi làm sao vị kinh sư “làm theo người Samari” được? Cứ theo như luận ly của vị kinh sư, hai nhân vật đại diện cho Do thái giáo, vị tư tế và vị Lê-vi, là những người chắc chắn bị ràng buộc bởi Luật hơn ai hết, một cách nghịch l‎y, đã thất bại trong việc thực thi “lòng thương xót” với đồng loại. Và chúng ta cũng có thể chắc chắn rằng hai vị đó có l‎y do mạnh mẽ “chiếu theo Luật” (dù Chúa Giê Su không giải thích), để, mặc dù “thấy, nhưng tránh qua mà đi”[3]. Cũng như người thủ lãnh giàu có được mời gọi phải vượt quá các giới răn: phân phát hết của cải cho người nghèo và “đi theo Đức Giê Su” (x. 18.22), vấn nạn cho người kinh sư là, nếu lựa chọn sống như người Samari, ông sẽ bị đặt trước một tình thế nan giải là phải vượt quá các tiêu chuẩn của tôn giáo. Nói cách khác, người kinh sư (và viên thủ lãnh giàu có) được mời gọi bước vào một thế giới hoàn toàn khác. Một thế giới trong đó các khát vọng siêu việt không còn nằm ở trật tự của sự trao đổi của các cặp phạm trù được/mất; thưởng/phạt; phải làm/không được làm…nhưng là một thế giới trong đó Nước Trời là được ban cho. Điều nghịch ly xét về mặt “tôn giáo học” là con người trong giáo huấn của Tin Mừng không cần phải hỏi “làm gì” để “được” Nước Trời[4], nhưng lại bị chất vấn là có chấp nhận Nước đó hay không (x. 10.9,11). Con người được mời gọi bước vào và lựa chọn sống theo hệ giá trị của Nước. Chỉ khi đó, con người sẽ thấy mình “đang ở trong” Nước Trời: đó là ly do tại sao Chúa Giê Su mời gọi viên thủ lãnh chọn “kho tàng ở trên trời” và “đi theo” Người (x. Lc 18.22//Mc 10.21//Mt 19.21).
Đó cũng là ‎y nghĩa của lời khẳng định của Chúa Giê Su với vị kinh sư, “làm như vậy, ông sẽ sống”. Chúa Giê Su không nói, “ông sẽ được sự sống đời đời” nhưng “ông sẽ sống” (10.28).[5] Động từ này vọng lại cả truyền thống của Thứ Luật. Sống trong đất được ban, đó là hạnh phúc mơ ước của dân Israel trong Kinh Thánh. Bài đọc 1 là lời nhắc nhở của Môsê với dân, rằng mỗi khi họ đã vào (hay đã trở về) đất đã được ban, phải tuân giữ các mệnh lệnh Chúa truyền cho họ để được sống dài lâu trong đất (x. Đnl 30.6,16). Như trong câu trả lời cho vị thủ lãnh giàu có, “sự sống đời đời”, theo Chúa Giê Su, là chọn lựa đi theo Ngài[6]. Đi theo Chúa Giê Su là đi vào thế giới của Nước Trời (x. 18.28-29). Mà Nước Trời, như đất hứa trong Kinh Thánh, là được ban cho[7]. Tắt một lời, người kinh sư không chỉ được mời gọi sống quảng đại để “được Nước Trời”, nhưng được Chúa Giê Su mời gọi cư xử như đang sống trong Đất theo như tinh thần Thứ Luật, hay là, bước vào thế giới của Nước Thiên Chúa, nói theo văn phạm của Tin Mừng.
Nhưng làm sao việc động lòng trắc ẩn lại là Nước Trời được? Đến đây, câu chuyện người Samaria không còn là một câu chuyện minh họa cho một bài học luân ly[8]. Chúng ta phải thành thực nhận rằng, đó là một thế giới kỳ lạ, vượt quá cái thế giới quen thuộc của chúng ta. Có nhiều điều hơi quá mức bình thường trong dụ ngôn này (và nếu như bạn muốn thử nhớ lại, tôi dám nói, ở mọi dụ ngôn của Chúa Giê Su), ở đây là cách hành xử của người Samari. Ông ta hẳn không giàu có để thoải mái rộng tay làm từ thiện: 2 quan tiền, đáng giá chỉ một ngày công lao động, chắc ông chỉ có ngần ấy. Nhưng ông dám đặt cả tương lai của ông vào mọi sự phiền nhiễu có thể mà con người bị nạn xa lạ này sẽ đưa đến: “có tốn kém thêm bao nhiêu, chính tôi (nhấn mạnh), sẽ hoàn lại” (câu 35). Tôi không cho rằng Chúa Giê Su muốn kể một mẫu gương “anh hùng” chỉ có trong “l‎y thuyết” (như cách một vài nhà chú giải nói). Tôi cũng không muốn lặp lại kiểu chú giải biểu trưng (analogy) truyền thống mà chúng ta đã quá quen: người Samari tượng trưng cho cái gì đó, người gặp nạn tượng trưng cho cái gì đó, con lừa tượng trưng cho cái gì đó..vv và vv. Tôi chỉ muốn nói, câu chuyện gợi nhớ  (“hồi tưởng”, “nhớ lại”, đó kiểu mẫu đặc thù của Luke!) một câu chuyện kỳ vĩ khác của Kinh Thánh, cũng kỳ lạ, cũng vượt quá cái khuôn mẫu của thế giới chúng ta, nhưng cũng có thật. Đó là câu chuyện của Thiên Chúa với dân Người được diễn tả sống động qua lời của Thiên Chúa qua ngôn sứ Ezekiel chương 16. Dân Israel cũng được Thiên Chúa mô tả như em bé sơ sinh đỏ hỏn bị vất bên vệ đường và người ta đi qua không ai nhỏ lòng thương xót. Thiên Chúa cũng đi ngang, cũng thấy, và chạnh thương. Lòng thương xót được diễn tả qua việc Ngài tắm rửa, gội sạch máu me, xức dầu...“xòa vạt áo choàng của Người” che đi sự trần truồng của bé sơ sinh. Và cũng vượt quá lòng bác ái bình thường, Thiên Chúa lại “tự dưng” ràng buộc Ngài với dân bằng giao ước và lo liệu cho cả tương lai của dân, để họ trở nên “xinh đẹp quá chừng quá đỗi và thăng tiến đến quyền đế vương” (x. Ez 16.1-14). Người đọc Luke không đối diện trước bất kỳ lòng trắc ẩn nào, nhưng là lòng trắc ẩn của Thiên Chúa.
Và như chúng ta sẽ gặp lại trong bộ ba dụ ngôn về lòng thương xót của Thiên Chúa trong chương 15,[9] sự lạ thường “gây sốc” trong cách hành xử của người Samari trong dụ ngôn chỉ có thể hiểu được trong ánh sáng của cách Thiên Chúa đối xử với chúng ta. Người đọc sẽ nhớ lại đã từng được Chúa Giê Su kêu gọi hãy có trái tim của Thiên Chúa, “như Cha anh em là Đấng nhân từ” (x. 6.36-42). Sự “chạnh lòng thương” của người Samari chỉ có thể hiểu được trong ánh sáng của thập giá Đức Kitô, Đấng là biểu hiện cho sự “chạnh lòng thương” của Thiên Chúa (x. 7.13,16b; như bài đọc 2 diễn tả, cái chết thập giá là sự bình an và giao hòa của Thiên Chúa với nhân loại, x. Cl 20). Tắt một lời, sống như người Samari trong dụ ngôn là sống theo Tin Mừng của Đức Kitô. Theo Nước Trời. Về điều này, Ronald Donahue đã phát biểu rất chí ly rằng, ta chỉ có thể hiểu các dụ ngôn nếu đọc chúng như “một Tin Mừng trong Tin Mừng”. Đọc các dụ ngôn trong Tin Mừng chính là đọc Tin Mừng trong thể văn dụ ngôn.[10]
Suy Tư:
1.      Tôi sẽ cầu xin ơn nhạy cảm hơn để nhìn, xem hoặc nghe thấy các biểu hiện của giá trị của Nước Trời đang được sống nơi các anh em chị em ngoài Kitô giáo. Những lúc như thế, tôi sẽ ngừng lại và dâng lời cảm tạ lên Cha.
2.      Cha thánh Gioan LaSan đã nói rằng, chúng ta, các tu sĩ và thầy cô giáo LaSan, sẽ chiêm ngưỡng chiều kích của Nước Trời không phải ở trên Thiên Đàng nhưng ngay trong hiện tại, nơi và khi các trẻ nghèo được dạy miễn phí.  
3.      Tôi sẽ xét mình cẩn thận hơn, để xem tôi đang nhìn, cư xử, phản ứng với mọi sự trong thế giới tôi đang sống theo các giá trị của Tin Mừng của Đức Kitô, hay theo “như người ta thường làm”!
Thư Mục:: John R. Donahue, SJ, The Gospel in Parable (Fortress Press, 1990); Robert Alter, The Five Books of Moses (Norton, 2004); Samuel Lachs, A Rabbinic Commentary on the New Testament (Ktav Publishing House, 1987).



[1] Ví dụ, rabbi Hillel, thầy của một trường phái Do thái vào thế kỷ thứ I đã nói, “Điều gì anh không thích, đừng làm cho người đồng loại: đó là toàn bộ Luật, các điều còn lại chỉ là bình giải thêm” (sách Talmud Babylon). Kiểu để kề cận hai điều răn như thế này cũng thấy trong sách ngoài quy điển Do thái, như “Sách của 12 Tổ Phụ”, thế kỷ thứ I.
[2] Thật ra không phải người kinh sư không có ly. Từ sau Lưu Đày, người Do thái luôn phải xác định ai là người cùng huyết nhục Do thái trong bối cảnh xã hội phức tạp từ thời bị Hy Lạp đô hộ. Không phải cứ cắt bì là cùng chia sẻ một ân sủng của Giao Ước. Cho nên định nghĩa người “thân cận” là một vấn đề tranh cãi cả về xã hội chứ không chỉ tôn giáo. Đó là câu hỏi đương nhiên mang tính loại trừ. Nó hàm y rằng có nhóm người Thiên Chúa đòi hỏi ta phải yêu như chính mình, còn các nhóm khác Thiên Chúa không đòi hỏi.
[3] Hai động từ được lặp lại hai lần với cả hai ông (câu 31 và 32). Đây là một hành động có cân nhắc, tính toán, không phải vô tình. Rõ ràng Chúa Giê Su không chỉ muốn nói đến “sự vô tâm”.  Hay vấn đề chủng tộc: vì nếu vậy, Ngài sẽ thay hai đại diện tôn giáo bằng một “giáo dân”: một người Do thái nọ cũng đi xuống, thấy vậy, nhưng tránh qua mà đi!
[4] Mọi tôn giáo đều xây dựng giáo ly trên nền tảng là con người phải làm gì để được cái gì đó, và nếu không làm thì sẽ bị cái gì hay không được cái gì đó. Chúa Giê Su không lập một tôn giáo giữa các tôn giáo. Ngài loan báo và thức tỉnh dân Ngài trước một thực tại: Nước Thiên Chúa đang đến, và chúng ta hoặc là phải hoán cải để sống trong thực tại đó, hoặc là chấp nhận đứng ngoài. Bối cảnh gần nhất của câu chuyện: sứ điệp mà 72 môn đệ đem đến các thành (xem 10.9,11,13).
[5] Tất cả các bản dịch của Việt Nam đều dịch “được sống” có lẽ cho phù hợp với câu hỏi của người kinh sư. Nhưng ở nguyên bản là thể active, không phải passive! Khi đọc, chúng ta luôn mang ấn tượng giáo ly trong đầu: “được” (sự sống đời đời)! Trong bản văn, và cả ở Matthew và Mark, Chúa Giê Su tránh bước vào quan điểm đó của người hỏi. Ngài chỉ nói, “sẽ sống”. Cùng một động từ với Lê vi 18.5; Đệ Nhị Luật 4.1; 8.1; 30.6,16: sống trong đất (đất Hứa).
[6] Xem Luke 18.22// Mt 19.21//Mk 10.21. Tương tự, “sự sống đời đời” theo Yoan: nhận biết và tin vào Đức Kitô (x. 3.15tt; 5.24).
[7] x. 6.20; tương tự Mt 5.3-4; 6.10,33// Mk 1.15; 4.11.
[8] như chúng ta thường nghe thấy. Và vì như mọi thứ “bài học”, sau khi nghe qua một lần là người ta không cần nghe lại, vì “biết rồi”!
[9] Cùng một motif của cách hành xử “vượt quá” cái khung cư xử trong thế giới quen thuộc ta đang sống: bỏ 99 con chiên đi tìm bằng được 1 con chiên lạc (chẳng có người chăn cừu với suy nghĩ bình thường nào làm thế!), lục lọi tìm chỉ 1 đồng bị đánh mất trong 10 đồng (tấm lòng của Thiên Chúa được ví với thái độ chi li tỉ mẩn của người đàn bà, trường hợp thật lạ thường chỉ thấy ở Luke!), người cha vui mừng có lại đứa con đã “dám từ bỏ” ông và gia đình (điều dị thường trong thế giới Gia Trưởng thời đó).


Vincent Quân FSC

0 comments:

Đăng nhận xét