5/7/13

Bài 22 - Đức Maria - Mẹ Đức Kitô, Mẹ Giáo Hội



Tiếp tục loạt bài giáo lý do Sư Huynh Giuse Lê Văn Phượng FSC lượt soạn với mục đích giúp các học viên thần học và giáo lý viên hiểu nội dung giáo lý của Hội Thánh Công Giáo để thông truyền giáo lý cho giới trẻ.
Nội dung bài này gồm 3 phần:
(1)
Đức Maria là Mẹ Giáo Hội


(2) Việc Tôn Kính Đức Trinh Nữ Maria 
(3) Đức Maria, Hình ảnh Cánh Chung Của Giáo Hội


Bài 22
ĐỨC MARIA – MẸ ĐỨC KITÔ, MẸ GIÁO HỘI
Đức Trinh Nữ Maria được công nhận và tôn kính như Mẹ Thiên Chúa và Mẹ Đấng Cứu Chuộc… Mẹ cũng là “mẹ của các chi thể của Đức Kitô… vì đã cộng tác trong đức ái để sinh ra các tín hữu trong Giáo Hội, là những chi thể trong Thân Thể của Chúa Kitô” [1]
I. Đức Maria là Mẹ Giáo Hội
1. Nền tảng vai trò của Mẹ đối với Giáo Hội
Đức Maria kết hợp với Chúa Kitô là nền tảng vai trò của Mẹ đối với Giáo Hội. Đức Maria liên kết mật thiết với Chúa Kitô từ khi thụ thai Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa cho đến lúc Ngài chịu chết, nhất là trong cuộc Khổ nạn.
Khi thưa “xin vâng” trong ngày sứ thần truyền tin, Đức Trinh Nữ Maria, con cháu Ađam, vì chấp nhận đáp lại lời Thiên Chúa đã trở thành Mẹ của Chúa Kitô[2]
Trong cuộc lữ hành đức tin, Mẹ trung thành hiệp nhất với Con cho đến bên Thập Giá. Tại đó Mẹ chịu đau khổ kinh khủng với người Con duy nhất của mình với tâm tình của một người mẹ ưng thuận hiến dâng cho Thiên Chúa lễ vật do lòng Mẹ sinh ra.
Cuối cùng khi hấp hối trên Thập Giá, Chúa Kitô đã trối Đức Mẹ làm mẹ thánh Gioan (Ga 19:26–27), đại diện cho đàn em của Chúa Kitô.
Khi Chúa Kitô về trời, Mẹ Maria đã ở giữa các tông đồ, Mẹ cùng với Giáo Hội cầu nguyện xin Thiên Chúa ban Thánh Thần, đấng đã bao phủ Mẹ trong ngày truyền tin [3].
Khi mãn cuộc đời dương thế, Đức Maria được rước lên trời cả hồn lẫn xác hưởng vinh quang cùng với Con của Mẹ, và được Thiên Chúa tôn vinh làm Nữ Vương vũ trụ. Mẹ là người đầu tiên được tham dự vào sự phục sinh của Chúa Kitô và báo trước sự sống lại của các Kitô hữu với Chúa Kitô.
2. Đức Maria là Mẹ chúng ta trên bình diện ân sủng
Đức Trinh Nữ Maria hoàn toàn gắn bó với Thánh ý Cha, với chương trình cứu chuộc của Con Mẹ, và với tác động của Chúa Thánh Thần. Mẹ trở thành mẫu mực đức tin và đức ái cho Giáo Hội và là một “chi thể trổi vượt và độc đáo nhất của Giáo Hội”.
Bằng sự vâng phục, bằng đức tin và lòng mến, Đức Maria cộng tác hoàn toàn vào chương trình cứu chuộc của Đấng Cứu Thế để đem lại sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Mẹ trở thành mẹ của chúng ta trên bình diện ân sủng.
Sau khi về trời, Mẹ vẫn liên lỉ cầu bầu để chuyển thông ân sủng cho chúng ta để cùng được hưởng vinh phúc với Mẹ.
Giáo Hội thường kêu cầu Mẹ với các tước hiệu: Trạng sư, Đấng phù hộ, Đấng trung gian…
II. Việc Tôn Kính Đức Trinh Nữ Maria
Giáo Hội tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria bằng sự tôn kính đặc biệt với tất cả lòng yêu mến, thảo kính.
Từ những thế kỷ đầu của Giáo Hội, Đức Trinh Nữ Maria đã được tôn kính dứoi tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa”, các tín hữu thường chạy đến khẩn cầu, ẩn náu dưới chân Mẹ trong những cơn gian nan thử thách.
Việc tôn kính Đức Maria hoàn toàn khác với sự thờ phượng dâng lên Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, nhưng khuyến khích thêm sự thờ phượng Thiên Chúa Ba Ngôi [4],
Việc tôn kính Đức Trinh Nữ Maria được diễn tả qua các ngày lễ phụng vụ dành cho Mẹ Thiên Chúavà trong các kinh nguyện kính Đức Mẹ, đặc biệt Kinh Mân Côi.
Truyền thống của Giáo Hội dành riêng ngày thứ Bảy hàng tuần, tháng Năm và tháng Mười hàng năm kính Đức Trinh Nữ Maria và trong năm có những ngày lễ kính nhớ đặc biệt[5].
III. Đức Maria, Hình ảnh Cánh Chung Của Giáo Hội
Đức Trinh Nữ Maria, Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, đã chiến thắng tội lỗi và sự chết nhờ ân sủng Thiên Chúa và kết hợp mật thiết với Chúa Kitô. Mẹ chiếu sáng như dấu chỉ về sự kiên trì và tin tưởng gắn bó với Chúa Kitô của Giáo Hội lữ hành.
Đức Trinh Nữ Maria được vinh hiển hồn xác lên trời, là phần tử ưu tú đầu tiên của Giáo Hội vượt thắng cái chết được sống lại vinh quang. Giáo Hội nhìn ngắm Mẹ là hình ảnh báo trướcbảo đảm ơn cứu độ cho tất cả con cái của Giáo Hội nơi quê hương trên trời, nơi Mẹ của Giáo Hội đang chờ đợi con cái Mẹ trong vinh quang Thiên Chúa và trong sự hiệp thông với các thánh.

Sư huynh Giuse Lê Văn Phượng FSC



[1] LG số 53; trích th. Augustinô; x. GLGHCGsố 963
[2] LG số 56
[3] LG số 59
[4] LG số 66
[5] CHÚ THÍCH VỀ CÁC NGÀY LỄ VỀ ĐỨC MẸ TRONG NĂM PHỤNG VỤ:
- 3 lễ trọng: Mẹ Thiên Chúa(1/1), Hồn Xác Lên Trời (15/8), Vô Nhiễm Nguyên Tội (8/12).
- 2 lễ kính: Đức Maria đi thăm bà Elisabet (31/5), Sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria (8/9).
- 2 lễ mừng chung với Chúa Giêsu: Truyền Tin (25/3 – lễ trọng), Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào Đền thánh (2/2 – lễ kính – lễ nến)
- 4 lễ nhớ bắt buộc: Đức Maria Nữ vương (22/8), Đức Me sầu bi (15/9), Đức Mẹ Mân Côi (7/10), Đức Mẹ dâng mình (21/11).
- 4 lễ nhớ nhiệm ý: Đức Mẹ Lộ Đức (11/2), Trái tim vô nhiễm Đức Mẹ (Thứ bảy sau lễ Trái tim Chúa Giêsu), Đức Mẹ núi Camêlô (16/7), Cung hiến đền thờ Đức Bà Cả (5/8)
(Lm JB. Trần Ngọc Quỳnh, Năm Phụng Vụ, Tủ sách Đại Kết,1996, tr. 215tt)

0 comments:

Đăng nhận xét