5/7/13

011 Chân Dung Sư Huynh La San Hôm Nay: Nhà Nội Trú La San

Tiếp tục loạt bài chia sẻ “Chân Dung Sư Huynh La San Hôm Nay”, bài này trình bày về Nhà Nội Trú La San, cũng là nơi mà các Sư huynh thực thi sứ mạng phục vụ giáo dục người trẻ và người nghèo..
Bài này gồm 4 phần:
(1)
Những Thách Đố Về Giáo Dục Trẻ Mà Sư Huynh Phải Đối Đầu Hôm Nay 
(2) Nhà Nội Trú, Môi Trường Giáo Dục Đức Tin Cho Người Trẻ
(3) Định Hướng Việc Tổ Chức Nhà Nội Trú
(4) Việc Đồng Hành (Accompaniment) và Giám Thị

Bài 11
NHÀ NỘI TRÚ LA SAN

1. Những Thách Đố Về Giáo Dục Trẻ Mà Sư Huynh Phải Đối Đầu Hôm Nay
Trên bình diện toàn Dòng, Tuyên Ngôn đưa ra cho chúng ta hiện trạng về người trẻ  và Trong Thư Luân Lưu 435, Tổng Công Hội 42, đưa ra những thách thức mà các Sư huynh phải đối đầu khi giáo dục người trẻ hiện nay.

  • Trên bình diện của Việt Nam, người trẻ hiện nay đang lớn lên trong một xã hội mà giá trị tiêu thụ được đặt lên hàng đầu, các giá trị đạo đức bị băng hoại từ ngoài xã hội cho đến trong nhà trường, con người đánh giá nhau dựa trên vật chất mà người ấy sử dụng.
  •   Lối sống quy về mình, đề cao cái tôi cá nhân, thiếu quảng đại, thích hưởng thụ chứ không muốn phục vụ, luôn tìm cách để thoả mãn ý riêng, đua đòi, kheo khoang.
  •   Ảnh hưởng bởi nhiều ý thức hệ sai lầm và cách làm việc vô trách nhiệm, thiếu ý thức kỷ luật.
  •   Các em đang trong thời kỳ phát triển tâm sinh lý mãnh liệt, là tuổi thường rơi vào khủng hoảng tâm lý, tuổi tập làm người lớn nhưng lại hành động thiếu trưởng thành, tin bạn hơn tin vào người lớn nhưng lại cảm thấy không an tâm khi thiếu vắng người lớn bên cạnh. 
  •   Lưu sinh trong các nhà nội trú La San đăng ký học ở nhiều trường khác nhau, với nhiều thời khoá biểu khác nhau, khiến các Sư huynh rất khó quản lý việc ra ngoài của lưu sinh. Ngoài các giờ chính khoá ở trường, các em còn đăng ký học thêm, học ngoài giờ, tham gia các hoạt động phong trào do trường của các em tổ chức.
  •   Những yếu tố trên ảnh hưởng đến việc tổ chức và quản lý học sinh, sinh viên trong các nhà nội trú. Do vậy, các em không thể tránh khỏi những ảnh hưởng ấy, để giúp các em hoán cải và sửa đổi cách sống là một thách đố lớn cho các Sư huynh phụ trách nội trú.
  •  Nhưng những người trẻ sống với các Sư huynh, họ muốn các Sư huynh là những người bạn, người anh, người dẫn đạo (người đi trước có kinh nghiệm chỉ cho người đi sau) có một tương quan hai chiều trong tôn trọng, và sự hiện diện yêu thương, như dấu chỉ tình yêu Thiên Chúa, dẫn đưa các em đi tới được con đường sống – đường cứu độ. Sư huynh muốn có người trẻ, hãy cho họ thấy Sư huynh thuộc về người trẻ.
2. Nhà Nội Trú, Môi Trường Giáo Dục Đức Tin Cho Người Trẻ
Trong hệ thống trường học La San, hầu hết các trường học đều có nhà nội trú, chúng ta có thể nhìn nhận nhà nội trú như là một cơ cấu trong hệ thống trường học. Nó là điều kiện để làm cho các Sư huynh sống với học sinh suốt cả ngày,
Trong hoàn cảnh hiện nay, các Sư huynh không có trường, thì chính nhà nội trú là nơi có thể áp dụng ngay những giảng dạy của huấn giáo, là nơi để các Sư huynh cùng với việc đem lại cho chúng một sự huấn luyện nhân bản, rao giảng cách minh nhiên Chúa Giêsu và là nơi người trẻ có thể thử nghiệm ngay ở đó một lối sống cộng đoàn về việc cầu nguyện, đi vào mầu nhiệm phụng vụ, sống theo những đòi hỏi của sự tự do của con cái Thiên Chúa và thực thi nhiệm vụ tông dồ của người tín hữu.[1]
Tại đây, mỗi ngày các Sư huynh cùng đồng hành với các em, tập cho các em năng gặp Thiên Chúa, giúp các em ý thức sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống hằng ngày, cùng cầu nguyện chung trong các giờ kinh, đọc và chia sẻ Lời Chúa với các em, nâng đỡ các em khi gặp những thử thách trong đời sống thiêng liêng. Các Sư huynh tổ chức các giờ sám hối chung, nhắc nhỡ và tạo điều kiện để các em siêng năng lãnh nhận các bí tích, nhất là bí tích Hoà giải và bí tích Thánh Thể, chầu Thánh Thể để nuôi dưỡng đời sống đức tin và gia tăng ân sủng của bí tích Thánh Tẩy
Những mùa, lễ đặc biệt trong năm là dịp các Sư huynh tổ chức các hình thức cầu nguyện khác, các giờ chia sẻ cảm nghiệm thiêng liêng, học hỏi đào sâu đức tin. Hàng tuần qua giờ giáo lý Sư huynh truyền đạt những hiểu biết đức tin, hướng dẫn đời sống luân lý và các cử hành phụng vụ.
Nhờ cận kề với các em trong suốt ngày, các Sư huynh tập cho các em nhìn các biến cố xảy ra bằng con mắt đức tin và dưới ánh sáng Lời Chúa, thanh luyện các mối quan hệ cho ý thật ngay lành, giúp các em dần dần khám phá những cội rễ của sự nghèo khổ đang xảy ra trong môi trường sống xung quanh, giúp các em nhạy cảm với tình trạng bất công, dấn thân phục vụ tha nhân dưới nhiều hình thức, thăng tiến công lý và nhân phẩm. Trên hết, đó là chứng từ đời sống của Sư huynh là một bài học sống động về niềm tin, lòng cậy trông, yêu mến và phó thác để dẫn đưa các em đến cùng Thiên Chúa.
Hệ quả:
Khi tổ chức được trong nhà nội trú một đời sống đức tin sống động, các Sư  huynh làm cho người trẻ cởi mở với sự sống, cảm nghiệm được sự hiện diện yêu thương của Thiên Chúa, nhờ đó làm hoán cải, thay đổi mối tương quan với Thiên Chúa và với nhau, cũng như với người khác…, đó là cách thức Sư huynh đặt phương tiện cứu độ vào tầm tay người trẻ, giúp các em đạt tới ơn cứu độ.
3. Định Hướng Việc Tổ Chức Nhà Nội Trú
3.1/ Việc Giáo Dục Cần Được Định Hướng Bởi Một Triết Lý Giáo Dục
Nhìn lại các nền giáo dục, chúng ta nhận thấy mỗi nền giáo dục đều được định hướng bởi một triết lý. Nền giáo dục Việt Nam cổ xưa dựa trên quan điểm Nho gia, đào tạo nên quân tử lấy nhân làm gốc. Bước sang giai đoạn bị Pháp đô hộ, định hướng giáo dục Việt Nam (chương trình Hoàng Xuân Hãn)đại chúng, dân tộc và khoa học. Sau 1954, giáo dục Việt Nam ở hai miền đi theo hai hướng: tại miền Nam định hướng theo nguyên tắc nhân bản, dân tộc và khai phóng rồi chuyển sang nhân bản, dân tộc và khoa học. Tại miền Bắc ban đầu định hướng giáo dục là nâng cao dân trí, phát huy tinh thần yêu nước, khí thế cách mạng, tinh thần đòan kết, đào tạo nhân sự cho kháng chiến kiến quốc. Từ sau 1975, trên quan điểm Mác xít, giáo dục chủ trương quốc hữu hóa giáo dục, giáo dục tư tưởng đạo đức cách mạng, xây dựng xã hội chủ nghĩa. Đến thời kỳ mở cửa (1986), theo chủ trương: “giáo dục gắn liền với sự phát triển kinh tế, phát triển khoa học kỹ thuật, xây dựng nền văn hóa mới”[2], phát triển giáo dục phương thức kinh doanh, “nhưng những nền tảng triết lý cho một nền kinh tế tự do trong một đất nước xã hội chủ nghĩa vẫn còn đang nghiên cứu”[3]. Thiếu triết lý định hướng, giáo dục Việt Nam rơi vào lúng túng.[4]
Giáo dục La San bắt nguồn từ Thiên Chúa, từ Giáo Hội và đặc sủng của Thánh Gioan La San, Đấng Sáng Lập Dòng, định hướng bởi triết lý Kitô giáo và linh đạo của La San. Giáo dục La San bén rễ sâu trong truyền thống đức tin sống động của Giáo Hội và liên kết nội tại với cứu cánh của Dòng.
Những nền tảng ấy định hướng một đường lối giáo dục La San là một nền giáo dục hướng về người trẻ theo phương thức: soi sáng tâm trí (Teaching Minds), đánh động con tim (Touching Hearts)hoán cải đời sống (Transforming Lives)[5], thể hiện ba mục tiêu giáo dục: mục tiêu về tri thức, mục tiêu về niềm tin và thái độ và mục tiêu về hành vi. Trong đó, mục tiêu về tri thức các chuẩn mực là cơ sở – mục tiêu về niềm tin và thái độ đối với các chuẩn mực là động lực – mục tiêu về hành vi thể hiện các chuẩn mực là cơ bản.[6]
Hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, trường học gần như không còn là phương tiện để các Sư huynh hành động. Đó vừa là một mất mát nhưng cũng vừa là một ân huệ, nó mở ra cho các Sư huynh những hướng hoạt động tông đồ giáo dục rộng mở hơn, những cách thức tiếp cận người trẻ không qua lớp học, nhưng vẫn trung thành với Đấng Sáng Lập, với sứ vụ của Dòng, với truyền thống giáo dục La San. Một trong những phương thức hiện nay, các Sư huynh La San Việt Nam dùng để đáp ứng lại nhu cầu cho một số người trẻ là sinh viên, học sinh vùng quê lên tỉnh, thành phố theo học, đó là nhà nội trú.
Nhà nội trú là môi trường Sư huynh có thể cận kề với người trẻ 24/24.
Nhà nội trú là môi trường Sư huynh dùng để giáo dục nhân bản và đức tin, qua việc tổ chức các sinh hoạt trong đời sống chung, đồng hành với các em và sử dụng những biện pháp để uốn nắn những sai trái, lệch lạc do nhiều ảnh hưởng của xã hội hôm nay tác động đến đời sống của các em.
3.2/ Vài Nguyên Tắc Để Tổ Chức Nhà Nội Trú La San
Từ thực tế của các nhà nội trú tại các cộng đoàn La San, dưới cái nhìn về giáo dục theo linh đạo La San, người viết xin có vài nhận định:
Để giáo dục hữu hiệu, giáo dục phải bảo đảm được tính kế thừa và liên tục, tính có hệ thống và tính thống nhất [7].

  • Trong các nhà nội trú, việc giáo dục phải kế thừa truyền thống giáo dục Kitô và La San, các Sư huynh phải dựa trên quan điểm giáo dục của Giáo Hội và của Dòng để đem lại cho giới trẻ một sự giáo dục nhân bản và Kitô thích hợp với người trẻ hôm nay, hầu dẫn đưa chúng đạt tới ơn cứu độ.
  • Tính kế thừa trong giáo dục cũng đòi hỏi các Sư huynh khi kế tiếp công việc của Anh Em cần tránh một sự thay đổi có tính đảo ngược - nói cách nôm na là đạp đổ để xây dựng lại từ đầu - vì điều ấy thường đưa đến một sự xáo trộn trong tập thể, ảnh hưởng đến sinh hoạt của các em. Sư huynh cần phán đoán và biện phân để rút ra những điểm hay cần giữ lại, thấy được những điểm yếu và chọn lựa thứ tự ưu tiên các thay đổi, canh tân hoạt động.
  • Việc tổ chức các dự án giáo dục nhà nội trú phải có tính hệ thống, trước hết và trên hết, định hướng giáo dục nội trú La san “là đem lại cho giới trẻ một nền giáo dục nhân bản và Kitô theo thừa tác vụ mà Giáo Hội đã trao phó” (LD 3). Phải bảo đảm đi vào dự tính phát triển chung của toàn Tỉnh Dòng, của cộng đoàn. Tính hệ thống cũng phải được thể hiện trong sự xuyên suốt của dự án giáo dục dài hạn (trong thời gian các em ở trong nhà nội trú), những dự án ngắn hạn là nhằm thực hiện, bổ sung cho hoàn chỉnh dự tính dự án dài hạn vạch ra (kế hoạch năm, tháng, tuần).
  •  Tính hệ thống cũng được thể hiện trong sự hoà điệu về việc phân phối các sinh hoạt, các mặt giáo dục và giữa những phương pháp, cách thế điều khiển các nhóm nhỏ trong nhà nội trú. Sự hoà điệu này cũng thể hiện được tính thống nhất của giáo dục trong nhà nội trú.
  •  Tính thống nhất của giáo dục còn thể hiện ở cơ cấu quản lý và lãnh đạo nhà nội trú, Sư huynh và lưu sinh đều được mời gọi tôn trọng lương tâm mỗi người, phát huy tinh thần trách nhiệm nơi học sinh và dành cho học sinh vai trò tích cực trong các sinh hoạt giáo dục của dự án giáo dục nhà nội trú (LD 13b). Tính thống nhất trong giáo dục đòi hỏi một sự liên kết giáo dục giữa các Sư huynh với gia đình và với các tổ chức giáo dục khác.

Tại các nhà nội trú của chúng ta hiện nay, hầu như còn nhiều hạn chế trong việc giáo dục, các tính năng giáo dục chưa được thực hiện một cách triệt để, bởi nhiều nguyên nhân, nhưng cũng phải nhìn nhận một trong những nguyên nhân chính yếu là sự hiểu biết chưa thấu đáo về các nguyên tắc giáo dục, tâm lý, sư phạm chung và những nguyên tắc giáo dục, nguyên tắc sư phạm La San. Trong vài năm gần đây, do nhu cầu từ các nhà nội trú La San, Tỉnh Dòng đã tổ chức các khóa học và trao đổi để bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, tâm lý, năng lực tổ chức quản lý cho các Sư huynh trẻ.

4. Việc Đồng Hành (Accompaniment) và Giám Thị
4.1/ Ý nghĩa của đồng hành   
Việc giáo dục nhân bản và đức tin trong các nhà nội trú không thể thiếu việc đồng hành của các Sư huynh với các em.
Đồng hành là nhu cầu của các lưu sinh, các Sư huynh ý thức việc đồng hành là cần thiết.
Đồng hành là tạo mối tương quan hai chiều giữa phụ trách với các lưu sinh,
- Giả thiết phải có:
- sự tin tưởng lẫn nhau, tôn trọng lẫn nhau, sự tin cậy, thân thiện;
- phải có sự thành thật và trung thực, quý trọng lưu sinh = người phụ trách không nhìn các lưu sinh (hoặc các lưu sinh lớn không nhìn các em nhỏ hơn) là hạng thấp hơn mình (tức là làm sao có được sự “quí trọng” phẩm giá làm người của các em),
- Sư huynh hướng dẫn các lưu sinh như là người đã qua đào tạo có kinh nghiệm truyền đạt lại cho người chưa có kinh nghiệm.
Đồng hành không phải chỉ là sửa chữa những sai lỗi, nhưng phải là chỉ ra giúp các lưu sinh đi tới chỗ tự hoán cải, canh tân để phát triển năng lực và thăng tiến đời sống bản thân.
Vì thế Sư huynh phụ trách phải biết tạo điều kiện bằng những hoạt động cụ thể giúp:
- các lưu sinh lớn lên qua những hoạt động, hiểu rõ mình là ai, muốn gì,
- biết lãnh trách nhiệm về chính đời sống mình và với tập thể nhà nội trú,
- biết được khả năng và quyền hạn của mình để vượt qua những thử  thách có thể xảy đến và chu toàn những trách nhiệm được trao phó.
Từ tương quan giữa con người với con người, Sư huynh dẫn đưa các em đào sâu mối tương quan căn bản với Chúa Giêsu và với Thiên Chúa. Để rồi, khi mối tương quan với Đấng Siêu Việt nơi các em càng sâu sắc thì càng làm cho mối tương quan giữa những con người với nhau trong nhà nội trú càng thêm đậm đà thắm thiết.
4.2/ Việc giám thị
Thánh Gioan La San dạy các Sư huynh phải luôn có mặt với các em học sinh 24/24. Sư phạm gọi là sự  “hộ trực”.Đó là cách tốt nhất để đề phòng cho các em tránh khỏi những sai phạm không đáng xảy ra, là cách đem lại cho các em sự an toàn, bình an, giúp các em biết tôn trọng kỷ luật chung và tôn trọng nhau.
Trong “Sổ Tay Sư Phạm” của trường La San (1966) do Tiến sĩ Mai Tâm ghi lại những điều Giám Thị cần thực hiện:
(1)   Giám thị có trách nhiệm theo dõi học sinh khắp nơi.
(2)   Chớ để học sinh nào lảng vảng một mình trong các phòng ngủ ngoài giờ ngủ nghỉ.
(3)   Hãy sắm đủ các dụng cụ cho lưu sinh giải trí trong các giờ nghỉ và các ngày mưa gió.
(4)   Phải tập cho lưu sinh ăn mặc đàng hoàng luôn, nhất là nơi thánh đường, phòng học, phòng ăn.
(5)   Phải liên lạc chặt chẽ với phụ huynh lưu sinh về các vấn đề đặc biệt như đi nghỉ, đi chơi, đi thăm viếng, ngủ tại nhà quen trong thành phố…
(6)   Phải có phận sự lo cho các em Công giáo về đời sống đạo đức như thánh lễ, xưng tội, tĩnh tâm
Vì trực tiếp thay thế cha mẹ lưu sinh chăm sóc cho chúng, nên Sư huynh phải tìm hiểu tâm tính và hạnh kiểm của chúng và dành thời giờ để hướng dẫn chúng.

Giuse Lê Văn Phượng FSC

[1] TN 44,3
[2] Đặng Vũ Họat – Nguyễn Huy Sinh – Hà Thị Đức, Giáo dục học đại cương, Đại học Huế, 1997, trang 52.
[3] Vital Luca Nguyễn Hữu Quang, fsc, Người trẻ trước thế giới toàn cầu hóa, Tp. HCM – Signum Fidei, 2005, trang 24.
[4] Chú thích: Trong bài “Một Mô Hình Giáo Dục Trung Học 41 Năm Về Trước”, Tiến sĩ Dương Thiệu Tống viết: “Từ năm 1945, khi bắt đầu giảng dạy bậc trung học theo chương trình Hoàng Xuân Hãn cho đến ngày nay tôi vẫn có một niềm tin tưởng mạnh mẽ rằng… “
“… ngoài nền giáo dục Pháp mà chúng ta rất quen thuộc, còn có nhiều nền giáo dục khác  trên thế giới cũng tiến bộ không kém, đặt căn bản trên triết lý giáo dục phù hợp với nền văn hoá, xã hội, kinh tế riêng của từng nước…”
(xem giaoduckhoahoc@tuoitre.com.vn; trích đăng trên báo Tuổi Trẻ số ra ngày 30 tháng 11 năm 2006, mục Giáo Dục, trang 10)
[5] Sư huynh. Philippe Lộc, Giáo Dục La San Ngày Nay, trang 3 và 6.
[6] Đặng Vũ Hoạt, Nguyễn Sinh Huy, Hà Thị Đức, sđd, trang 157

[7] Đặng Vũ Hoạt – Nguyễn Huy Sinh – Hà Thị Đức, Sđd, Đại học Huế, 1997, trang 151

0 comments:

Đăng nhận xét