22/6/13

009 Chân Dung Sư Huynh La San Hôm Nay: Ưu tiên cho sứ mạng Huấn Giáo



Tiếp tục loạt bài chia sẻ “Chân Dung Sư Huynh La San Hôm Nay”, bài này trình bày về sứ mạng dấn thân phục vụ giáo dục của các Sư huynh La San, ưu tiên sứ mạng huấn giáo như một phương cách trực tiếp góp phần loan báo Tin Mừng trong môi trường giáo dục học đường.
Bài này gồm 7 phầnư:

 (1) Tính Cách Thời Sự Của Việc Tông Đồ Giáo Dục

 (2) Một Sứ Mạng Có Tính Tông Đồ

 (3) Huấn Giáo Là Chức Năng Chính Của Sư Huynh

 (4) Các Khó Khăn Của Huấn Giáo Trong Thế Giới Hôm Nay
(5) Trực Giác La San

(6) Lời Chúa Phải Ưu Tiên Hàng Đầu

(7) Gương Thánh Miguel Febres Cordero


Bài 9

ƯU TIÊN CHO SỨ MẠNG HUẤN GIÁO


1. Tính Cách Thời Sự Của Việc Tông Đồ Giáo Dục

Việc giáo dục con người luôn quan trọng trong bất cứ thời đại nào. Tính cấp bách của thời đại hôm nay trước hết, do sự gia tăng dân số và thanh thiếu niên mỗi ngày một đông thêm; trong khi đó thiếu các nhà giáo dục đem lại cho trẻ một tình thương trong sáng, có khả năng và thực thi nghề nghiệp cách vô vụ lợi.

Giới trẻ ngày càng có nguy cơ khép kín, chống đối, hư hỏng, bị các trào lưu của xã hội hiện đại như trào lưu tiêu thụ, hưởng thụ , tương đối hoá, trở thành nạn nhân của những ý thức hệ sai lầm tìm cách lợi dụng giới trẻ hơn là giúp chúng nên người và chuẩn bị cho chúng biết phục vụ người khác.

Bên cạnh việc phát triển các phương pháp và phương tiện dạy học, văn hoá ngày càng phát triển, thì vẫn còn quá nhiều người thất học và sống trong những điều kiện rất thiếu thốn, nghèo nàn.[1]

2. Một Sứ Mạng Có Tính Tông Đồ

Sứ mạng giáo dục La San nhằm để hoàn tất công trình cứu độ của Thiên Chúa và Dòng muốn góp phần vào sự hiện diện của Giáo Hội trong thế giới ngày nay, một Giáo Hội loan báo Tin Mừng[2].

Theo tư tưởng của Thánh Gioan La San, các Sư Huynh là những sứ giả của Chúa Kitô, nhưng người thợ của Thiên Chúa, những người được Chúa Thánh Thần thúc đẩy và sai đi xây dựng Nước Trời.

Là những thừa tác viên của Thiên Chúa, Sư Huynh trở nên “người phân phối các mầu nhiệm của Người.”[3]

3. Huấn Giáo Là Chức Năng Chính Của Sư Huynh[4]

Sư huynh coi việc Phúc Âm hoá và huấn giáo là “chức năng chính” của mình. Do ơn gọi Sư Huynh là giáo lý viên.

Trong vấn đề giáo dục cho con người hiện đại, Giáo Hội mời gọi lưu ý đến những tiến triển của khoa tâm lý và sư phạm hiện đại, để không chỉ giúp con người trưởng thành nhân cách mà còn giúp họ ý thức hơn về bổn phận của con người với Thiên Chúa - Đấng Tạo Hóa, biết thờ phượng Người trong tinh thần và chân lý (Ga 4,23). Giáo Hội cũng đưa ra những phương thế riêng của mình, trong đó đáng lưu ý trước hết là việc dạy giáo lý và giáo dục tôn giáo[5].

Huấn giáo phải sống động, tập trung vào con người, gắn liền với cuộc sống, đặt nền tảng trên Kinh Thánh, Truyền Thống Giáo Hội và Phụng Vụ, quan tâm tới giáo lý của Giáo Hội và trình bày cách đầy đủ toàn diện[6].

Dạy giáo lý là giúp cho người tín hữu, cách riêng người trẻ đi vào thực tại của các mầu nhiệm và đào sâu các chân lý đức tin một cách ý thức.

Dạy giáo lý là nói Tin Mừng cho người chưa nhận biết Chúa Kitô.

Dạy giáo lý là giúp người tín hữu trẻ thông dự vào các mầu nhiệm Kitô giáo được cử hành trong phụng vụ của Giáo Hội; tập cho người trẻ năng gặp Thiên Chúa, biết cầu nguyện và tập cho họ sống mối tương quan biệt vị với Thiên Chúa.

Dạy giáo lý là khai tâm cách cụ thể đời sống theo Chúa Kitô trong tinh thần tự do, công bằng và bác ái mà Chúa Thánh Thần gieo vào lương tâm con người.

Dạy giáo lý là hướng người trẻ đến việc loan báo Tin Mừng bằng đời sống chứng tá, lời nói và việc cầu nguyện.

Các Sư huynh được mời gọi tham gia vào mục vụ của Giáo Hội địa phương với tư cách là giáo lý viên, chuyên viên huấn giáo hay phụ trách linh hoạt các Kitô hữu[7].

Hiệu năng tông đồ của Dòng tùy thuộc vào sự chuẩn bị của các Sư huynh. Do vậy, để đáp ứng cho sứ mạng phục vụ giáo dục, mà mỗi Sư huynh cần được huấn luyện về Thánh Kinh, Thần Học, Huấn Giáo, Sư Phạm, Tâm Lý Học, Xã Hội Học, Nhân Học.

Công tác huấn giáo không thu hẹp trong khuôn khổ trường học mà được mở rộng ra qua các hoạt động mục vụ của Giáo Hội, các Sư Huynh cũng cần phải được huấn luyện chu đáo cho việc cộng tác với hàng giáo sĩ và giáo dân trong công cuộc giáo dục đức tin cho người trẻ[8].

Dấn thân tông đồ thuộc thành phần chính yếu của sự hiến thánh của các Sư huynh cho Thiên Chúa, do vậy một cách mặc nhiên, tinh thần Dòng đời nơi các thành viên phải khôi dậy lòng nhiệt thành nơi mình đưới ánh sáng cuộc đời và lời giảng dạy của Thánh Lập Dòng, để đi đến với người khác bằng một tấm lòng người nghèo[9].

4. Các Khó Khăn Của Huấn Giáo Trong Thế Giới Hôm Nay[10]

Do hoàn cảnh xã hội ngày càng khó khăn hơn cho việc thi hành thừa tác vụ Lời Chúa. Huấn giáo đôi khi không được phép thi hành tại một vài quốc gia; lúc ấy Sư huynh phải tìm kiếm những đường lối độc đáo để Phúc Âm hoá.

Sự bén nhạy trước những đòi hỏi tôn trọng tự do tôn giáo, có những người trẻ đến với chúng ta nhưng không phải để lãnh nhận một nền giáo dục minh nhiên. Điều này đòi hỏi các Sư huynh phải cân nhắc trước khi thi hành chức năng huấn giáo minh nhiên cho tất cả học sinh.

Não trạng thời nay ít bén nhạy, hay không dám đối diện với sứ điệp Kitô giáo, họ cho đó là một ý thức hệ trừu tượng, những mệnh lệnh áp đặt từ bên ngoài, những nguyên tắc không liên quan gì đến đời sống cụ thể.

Những khó khăn ấy mời gọi các Sư huynh phải tìm kiếm một cách sáng suốt và can đảm cách thức để loan báo sứ điệp Tin Mừng cho người trẻ; làm thoả mãn sự đói khát công lý và tình yêu qua việc trình bày các chân lý đức tin một cách sâu sắc; tôn trọng sự khác biệt của người trẻ về trình độ tôn giáo và cách thức họ tiếp cận Chúa Kitô, giúp họ trả lời về những vấn nạn mà cuộc sống đặt ra qua việc khám phá các chân lý Tin Mừng.

5. Trực Giác La San[11]

Ngay từ khởi thuỷ, Huấn giáo có vai trò trung tâm trong sứ mạng tông đồ của Sư huynh đến độ trong thực tiễn Hội dòng không tách biệt huấn giáo và giáo dục nhân bản hay dành độc tôn cho Huấn giáo, để làm cho lòng tin vào Chúa Kitô hội nhập vào đời sống thường nhật của người trẻ.

Huấn giáo La San nhằm giáo dục con người toàn diện, chú trọng đến đời sống hơn là chương trình cơ cấu, dần dần giúp người trẻ đảm nhiệm chính việc huấn luyện của họ, hội nhập vào xã hội loài người và có khả năng phục vụ đô thị trần thế để làm chứng cho trật tự của thành đô thiên quốc.

Theo tư tưởng của Thánh lập Dòng, Sư huynh không phải là một chuyên viên mà là một người anh giúp các em biện phân những tiếng gọi Thần Khí, hiểu rõ hơn về thực tại, nhận ra khả năng và khám phá chỗ đứng của họ trong xã hội. Do vậy, Huấn giáo của Sư huynh phải cắm rễ sâu trong đời sống và hướng về đời sống, xây dựng các mối quan hệ với học trò trong tình huynh đệ, giúp học sinh đào sâu kinh nghiệm về Thiên Chúa ngang qua kinh nghiệm gặp gỡ con người.

Khi không được loan báo Tin Mừng mà bị giới hạn hoạt động sứ mạng vào việc giáo dục nhân bản, Sư huynh cũng lưu ý rằng như thế không phải là mình không trung thành với sứ mạng tông đồ mà Giáo Hội trao phó. Hãy chăm lo giáo dục cho có những con người tự do, yêu thương, tôn trọng và bảo vệ công lý là chuẩn bị cho họ đón nhận đức tin.

Vai trò huấn giáo cũng mời gọi Sư huynh giúp cho người trẻ nhạy cảm với sự sống, quan tâm tới thế giới, với môi trường và cộng tác vào việc bảo vệ môi trường sống, làm cho trái đất trở thành nơi cư ngụ xứng đáng của gia đình nhân loại, đáp trả lại ơn gọi Thiên Chúa đã ban cho con người là làm chủ trái đất.

Tương lai trái đất rồi sẽ đi về đâu? Câu trả lời tùy thuộc vào thái độ hành xử của con người đối với môi trường mình đang sống. Đây thực là một thách đố lớn lao, là nỗi khó khăn nhất mà con người ngày nay phải đương đầu.[12] Sư huynh Tổng Quyền Alvaro, trong Thư Mục Vụ viết 25/12/2011, nhận định rằng, ngày nay chúng ta phải đương đầu với chủ nghĩa tiêu thụ vô độ vốn tác động lên ta một cách nào đó; ta cũng phải đương đầu với những hoàn cảnh nghèo khổ mà lắm khi thật đáng xấu hổ.

Trong suy tư về bổn phận của con người trong thế giới hôm nay, Sư huynh Tổng Quyền Alvaro xác tín rằng chúng ta sẽ phải trả lẽ về việc mình chăm sóc trái đất như thế nào và đã chỉ bảo cho người trẻ chăm sóc trái đất này, mẹ đất của ta ra sao, công trình tạo dựng mà Chúa mời gọi ta làm tiếp, vì ngày thứ bảy Chúa nghỉ ngơi và giao việc này vào tay chúng ta. Chúng ta cần giáo dục người khác và bản thân mình với một cái nhìn hướng về tương lai cùng sự chăm sóc lợi ích mà Chúa đã giao phó cho ta quản lý và ta phải trả lẽ về điều này với Chúa.

Sư huynh cho thấy, điều quan trọng mà chúng ta cần làm ngay hôm nay là, theo Adela Cortina, một chuyên gia về đạo đức học của Tây Ban Nha: “khử kích hoạt cái cơ chế xem hạnh phúc là ở chỗ hàng tiêu dùng.”[13]

6. Lời Chúa Phải Ưu Tiên  Hàng Đầu

Trên hết mọi ưu tiên, Lời Chúa phải được Sư huynh đặt lên ưu tiên hàng đầu. Dù có những khó khăn cho hoạt động huấn giáo như đã nêu, Sư huynh phải minh nhiên, mỗi khi có thể được, việc loan báo Tin Mừng, làm cho con người ngày nay hiểu được rằng:

-          Lời Chúa có giá trị vô biên và mầu nhiệm của con con người chỉ sáng tỏ nhờ mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể.

-          Một nền nhân bản không đếm xỉa gì đến các giá trị tâm linh và những giá trị khác sẽ trở thành phi nhân.

Để đảm nhận và hoàn thành được việc loan báo Lời Chúa, chính Sư huynh phải dùng đức tin mà cầu nguyện, dành cho mình thời gian thinh lặng trong ngày, lắng nghe tiếng Chúa qua nguyện gẫm.

7. Gương Thánh Miguel Febres Cordero[14]

Một vị thánh sống trọn vẹn ơn gọi mình với tư cách là một Sư Huynh nhà giáo và giáo lý viên. Vào ngày 09 tháng Hai, 1910, Sư Huynh Miguel đã trải qua cuộc gặp gỡ cuối cùng với Thiên Chúa Hằng Sống, cuộc gặp gỡ kỳ diệu đã trả lẽ cùng Thiên Chúa những gì ngài đã làm với tư cách là thừa tác viên của Thiên Chúa và là kẻ ban phát các mầu nhiệm của Chúa cho trẻ (SG 205,1) và về bổn phận của mình trước Chúa (SG 205,2) vì việc thực thi những điều này khiến Sư Huynh chu toàn tốt nhiệm vụ hướng dẫn và lãnh đạo các linh hồn được ủy thác cho mình (SG 205,2).

Sư Huynh Miguel đã trả lẽ một cách không khó khăn gì. Cho dù đơn sơ và khiêm tốn, nét tiêu biểu được thấy rất rõ trong đời sống và hoạt động tông đồ của ngài, và hai đức tính này cho thấy một nhiệm vụ được hoàn thành tốt đẹp và một ý định đúng đắn mà thánh Gioan La San, đã lấy ý của thánh Phaolô, bảo rằng: dầu khi nói, dầu khi làm, chúng ta phải làm tất cả nhân danh Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, không phải để vừa lòng người thế nhưng để đẹp lòng Thiên Chúa (SG 206,3). Như Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói về Sư Huynh Miguel: Đức khôn ngoan khoác áo tình yêu, nền khoa học nhìn biết con người trong ánh sáng Đức Kitô, một hình ảnh Thiên Chúa được phóng chiếu – với bổn phận và quyền lợi thánh thiêng – hướng về những chân trời vĩnh cửu.

Trong cuộc sống của ngài, ta có thể chăm chú nhìn vào:

  • Việc tìm kiếm thánh ý Chúa và trung tín tuân theo. Tôi phải dứt khoát nhắm mắt lại và lao mình vào Chúa với lòng tin cậy. Sự bền đỗ trong ơn gọi Sư Huynh, bất chấp gia đình phản đối, là một cách ngài tỏ rõ lòng trung tín của mình.
  • Việc lấy Lời Chúa làm nguồn mạch chính, trung tâm cuộc sống mình. Tôi sẽ đọc Tân Ước mỗi ngày và tôi sẽ thường xuyên lặp lại vài đoạn Phúc Âm cho tt 

  • Việc dự thánh lễ hằng ngày và giờ cầu nguyện trước nhà tạm. Chúng ta hãy đói khát Chúa Giêsu trong Thánh Thể, khởi nguyên và cội nguồn mọi sự thánh thiện. Cầu nguyện làm cho người của Chúa và chỉ mình người của Chúa có thể đào luyện con trẻ của Chúa.

  • Lòng khao khát sự thánh thiện và Thiên Chúa là đối tượng lòng khao khát của ngài. Tâm hồn phong phú khi hạnh phúc và sẽ luôn hạnh phúc khi có Chúa làm đối tượng lòng khao khát của mình.

  • Việc ngài đã sống một đức tin luôn yêu mến mọi sự và gần gũi với đời thực. Đức tin của chúng ta phải biến thành công việc, ngay bây giờ, không theo thói thường, nhưng là một tinh thần thúc đẩy toàn bộ phương thức hành động của ta.

  • Sự đòi hỏi của đời tu mà ngài đã sống với tư cách là một Sư Huynh. Trong ơn gọi La San chúng ta tham dự trọn vẹn mọi ân huệ Chúa Thánh Thần, Đấng thúc đẩy ta đến với việc của Thiên Chúa bằng sức mạnh và lòng dịu hiền, hầu ta có thể sống theo đúng tinh thần Hội Dòng.

Sư huynh Miguel tiếp tục là một nhân vật phi thường cho toàn thể Hội Dòng, một hình tượng chắc hẳn sẽ khuyến khích ta, nhất là sự dành ưu tiên rõ rệt cho việc huấn giáo như là một trong những chiều kích quan trọng nhất của đời sống Sư Huynh Trường Kitô Giáo chúng ta. Noi theo dấu ấn của thánh Lập Dòng, Sư Huynh Miguel nhắc nhở ta rằng nhờ ơn gọi, chúng ta là thừa tác viên Lời Chúa và được mời gọi sống, cầu nguyện, rao giảng và chia sẻ Lời Chúa. Anh em hân hạnh được chia sẻ nhiệm vụ của các tông đồ bằng việc dạy giáo lý hằng ngày cho trẻ do mình dìu dắt và  bằng việc dạy chúng những châm ngôn của Phúc Âm thánh (SG 159,2)

Sư Huynh Miguel cũng nhắc nhở chúng ta về điều được nói trong Tuyên Ngôn (Sư Huynh trong Thế Giới Ngày Nay - 1967): Giới trẻ gặp được Thiên Chúa không ở trong sách vở hoặc trong lời nói nhưng nơi những ai dạy giáo lý cho chúng (TN 40.5). Thế giới hôm nay và nhất là giới trẻ hy vọng chúng ta chia sẻ với họ một khuôn mặt đổi mới của Thiên Chúa, kết quả của kinh nghiệm cá nhân của ta và của việc ta biết rõ Thiên Chúa, Đấng là người bạn, có thể yêu thương nhưng không, tha thứ vô điều kiện, Đấng luôn gần gũi, Đấng chịu đau khổ trong thân xác của người nghèo, Đấng mong muốn mọi người được sống dồi dào. Mọi điều ấy phải được một tình yêu lớn lao linh hoạt. Điều được gieo trồng trong tình yêu thì được sinh ra trong tình yêu. Tôi sẽ gọi học trò bằng tên riêng càng nhiều càng tốt để tôn trọng đặc tính Kitô hữu cao quý và con cái Thiên Chúa nơi chúng.

Chúng ta đều biết rõ thừa tác vụ được Sư Huynh Miguel ưa thích. Ngài nói rằng: Tôi sẽ từ bỏ mọi thứ để đổi lấy việc hiến dâng bản thân hầu sửa soạn những nhà tạm sống động cho Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể, vì trong đời sống một trẻ nhỏ không có hoạt động nào quan trọng cho bằng, hoặc siêu việt nhường ấy, và như thế, không có phận vụ nào đẹp hơn hoặc thú vị hơn là làm nhà giáo tông đồ. Những đứa trẻ này đã thu phục trái tim ngài: chúng là điều tôi xem trọng nhất trên cõi đời này: nhóm trẻ chuẩn bị Rước Lễ Lần Đầu. Đối với Sư Huynh Miguel, một trẻ nhỏ là một cây non cần được vun xới kỹ càng. Vì thế, tôi muốn dùng mọi phương thế nhằm làm cho điều tôi kêu gọi trẻ nhỏ đem lại niềm vui cho chúng.





[1] TCH 39 (1967), Sư Huynh Trong Thế Giới Ngày Nay, số 36, 37 và 38

[2] LD số 11                                                                                               

[3] TCH 39 (1967), Sư Huynh Trong Thế Giới Ngày Nay, số 37

[4] TCH 39 (1967), Sư Huynh Trong Thế Giới Ngày Nay, số 36, 37 và 38. Xem thêm LD số 15

[5] Xem GE số 1.

[6] LD số 15a

[7] LD số 15b

[8] TCH 39 (1967) Sư Huynh Trong Thế Giới Ngày Nay, số 38.5

[9] LD số 7

[10] TCH 39 (1967) Sư Huynh Trong Thế Giới Ngày Nay, số 39

[11] TCH 39 (1967) Sư Huynh Trong Thế Giới Ngày Nay, số 40-42

[12] Sđd

[13] Sư huynh Alvaro, Tổng Quyền Dòng La San (2011) Thư Mục Vụ , phần 6


[14] Sh. Álvaro Rodríguez Echeverría, Thư Mục Vụ ngày 15/12/2011, Bản tiếng Việt do VPGT Việt Nam, trang 45 - 48
Giuse Lê Văn Phượng FSC

0 comments:

Đăng nhận xét