Những suy trong bài này quy chiếu vào tinh thần đức tin của thánh Gioan La San, nó không phải là một khảo luận nhưng chỉ là một suy tư dựa trên các tư liệu của Dòng.
Nội dung bài suy tư này gồm 3 điểm chính: thứ nhất thánh Gioan La San đã minh chứng một đức tin hùng hồn khi Ngài từ bỏ hết mọi sự để theo Chúa. Tiếp đến, Ngài đã thể hiện niềm tin đó trong một cộng đoàn liên kết cùng nhau thực thi thánh ý Chúa. Sau cùng, bài suy tư bàn đến một đức tin rất quả cảm của thánh Gioan La San, không lùi bước trước khó khăn thử thách.
1/ Từ Bỏ Mọi Sự Để Theo Chúa: Mình Chứng Một Đức Tin Hùng Hồn.
Kể từ lúc đến sống chung với các thầy giáo năm 1682, Gioan La San đã nhận thấy một thực trạng không mấy sáng sủa: Cộng đoàn không có tài sản để bảo đảm cho tương lai, một số người bị cám dỗ không tiếp tục ở lại. Cha Gioan La San đã khuyên họ tin tưởng vào Chúa Quan Phòng. Nhưng tất cả lý do để đưa ra không thể nào thuyết phục được họ. Thật khó cho cha Gioan La San, lời nói giờ đây đối với họ chỉ như “nước đổ đầu vịt” họ cần một cái gì khác, bởi họ nhận ra trong lời cha nói và cuộc sống tiện nghi của Cha có một hố sâu cách biệt. Họ cần một con người bằng xương bằng thịt làm gương hơn là một lý thuyết xa xôi trong sách vở, dù cho đó là lời lẽ trong Phúc Âm.
Phải trở nên nghèo như họ. Đó là ý tưởng đã không ngừng thách đố cha Gioan La San khi ngài suy nghĩ, tự vấn bản thân về lời lẽ các thầy đã từng nói: “Cha đâu thiếu thốn gì…. Chúng tôi là những kẻ không tài sản”[1].
Sau khi đã suy nghĩ kỹ, cầu nguyện và đặc biệt xin ý kiến của cha linh hướng, cha Gioan La San đã quyết định “từ bỏ mọi sự” để theo Chúa Kitô khó nghèo, làm gương cho các thầy bằng cách lột bỏ hết mọi bám của cải trần tục để chỉ còn bám víu vào Chúa Quan Phòng mà thôi. Nếu không có tinh thần đức tin vững mạnh, cha Gioan La San đã không thế quyết định từ bỏ ngoạn mục như thế được.
Chúng ta có thể theo dõi những khắc khoải của người cha đáng kính của chúng ta khi quyết định dùng tài sản mà cha đã thấy rằng tài sản đó không còn thuộc sở hữu của ngài nữa. Lời cầu nguyện trong khắc khoải của ngài như sau:
“Chúa con ơi, con biết phải làm sao đây, nên hay không nên đầu tư vào ngân hàng để kiếm tiền lời cho trường học. Việc lập các cộng đoàn đâu phải chuyện con; con thực cũng đâu biết cách thức lập cộng đoàn. Chỉ mình Chúa mới biết chuyện này, và chỉ chính Chúa mới biết cách thực hiện như thế nào vừa ý Chúa. Con không dấm lập cộng đoàn và cũng chẩng dám đầu tư, vì con không biết Chúa muốn gì. Thôi, con không đầu tư đâu. Nếu Chúa đầu tư kiếm tiền cho trường, trường sẽ có tiền; nếu Chúa không làm thì trường sẽ không có quỹ. Chúa ơi, con van xin Ngài tỏ cho con biết thánh ý”[2]
Thế là cha Gioan La San đã quyết định trao lại cho Chúa tất cả tài sản của cha bằng cách phân phát hết tất cả cho người nghèo. Thật lạ lùng! Cho đến hôm nay, các sư huynh vẫn còn hưởng được tài sản mà Cha Gioan La San đã ký gửi vào ngân hàng của Chúa.
Song song với việc từ bỏ tài sản, cha Gioan La San cũng từ bỏ chức kinh sĩ, để từ giây phút đó, cha chỉ còn làm “công việc của Chúa”. Chúa nuôi cha, chăm lo cho cha, cha chẳng thiếu thốn chi. Quả thật, đức tin của cha Gioan La San thật tuyệt vời!
Một khi đã trao lại cho Chúa tất cả tài sản và việc “quản trị” công cuộc của Dòng, Cha Gioan La San vững tin rằng, Chúa sẽ lo liệu mọi thứ. Ngài không sợ hãi! Ai không thích hợp với ơn gọi mới này của cha, cha sẵn sàng mở rộng đường cho họ đi. Không bao giờ cha sợ thiếu người làm việc của Chúa trong Hội Dòng.
2/ Liên Kết Cùng Nhau Làm Việc Của Chúa: Một Đức Tin Dũng Mãnh.
Anh em La San chúng ta mãi mãi mang trong lòng ký ức về Lời Khấn Anh Hùng năm 1691 mà cha Gioan La San cùng với anh Nicolas Vuyard, và Gabriel Drolin tuyên khấn.
Cha Gioan La San đang đứng trước những khó khăn như “ngàn cân treo sợi tóc”, những khó khăn theo sự tường trình của tác giả Blain[3]. Sự thành công của các trường La San ảnh hưởng đến “nồi cơm” của các Trường Nhỏ. Tháng 2 năm 1690 họ gửi đơn kiện cha La San vì trường của cha xâm phạm đến quyền lợi của họ. Ngoài khó khăn từ bên ngoài này,còn có khó khăn từ bên trong,. Tại Reims, 8 trong số 16 anh em ở trong căn nhà Neuve bỏ đi vì sự cứng rắn của anh bề trên Jean Henrry. Tại Paris, 2 anh em đã ở đó trước đây chống đối cha Gioan La San vì ngài đặt một anh mới đến sau làm bề trên cộng đoàn của họ trên đường Princesse.
Khó khăn càng lúc càng làm cho cha Gioan La San buồn thảm, vì một mặt những khó khăn do các vụ kiện cáo từ các trường bên ngoài, mặt khác con số anh em trong các cộng đoàn lại giảm sút, công việc xem ra không tiến triển tốt. Nhưng không một thử thách hay đau khổ nào có thể đánh gục được lòng tin tưởng mãnh liệt của cha Gioan La San vào Thiên Chúa.
Với lòng lòng say mê cầu nguyện, ăn chay hãm mình, năng tìm thánh ý Chúa, cha Gioan La San đã đi đến quyết định mà cha tin rằng đó là thánh ý Chúa. Vì thế, để bảo đảm cho tương lai của cộng đoàn La San, cha đã cùng với anh Nicolas Vuyard và Gabriel Drolin đã khấn Lời Khấn Anh Hùng vào ngày 21.11.1691.
Lời khấn Anh Hùng này liên kết các thành viên lại với nhau để “tận hiến hoàn toàn cho Chúa”, tự ràng buộc họ vào sự sống còn của Dòng, bằng tất cả lòng nhiệt thành dấn thân. Ngay cả chỉ còn lại 3 người cùng khấn lời khấn này trong Dòng mà thôi, thậm chí chỉ “sống bằng bánh mì mà thôi”.
Với lời Khấn Anh Hùng này, riêng với cá nhân cha Gioan La San, đây là một quyết định tối quan trọng cho sự sống còn của công cuộc mà cha tin rằng chính Chúa đã thiết lập. Đây chính là một quyết định dấn thân và phó thác toàn vẹn cho Thiên Chúa, một quyết định dứt khoát của niềm tin. Quyết định này nêu lên ý chí dũng mãnh của cha Gioan La San trong niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng Quan Phòng công cuộc mà cha được mời gọi cộng tác vào.
3/ Không Sợ Hãi Khi Gặp Khó Khăn: Một Đức Tin Kiên Trì.
Vào khoảng năm 1702, một âm mưu được lập ra để chống đối cha Gioan La San từ phía các linh mục, các nhà biên niên gọi tên những người ấy là “những kẻ thù của tôi tớ Chúa”[4]. Họ tìm cách làm cho các Đức Hồng Y De Noiailles[5], Tổng Giám Mục Paris tỏ ra khó chịu đối với Gioan La San. Thừa dịp có 2 tập sinh than phiền về các khó khăn của họ trong cộng đoàn trên đường Princesss nơi họ thực tập, cha Chétardie[6] chánh xứ Saint-Sulpice đã viết một lá thư báo cáo lên Đức Hồng Y. Trong thư báo cáo, cha này vu oan cho cha Gioan La San là “con người bướng bỉnh về tình cảm, tự mãn, cứng rắn, không nhân từ với anh em, nghiêm khắc phạt các lỗi nhẹ nhất và không tha thứ gì cho sự yếu đuối của con người”[7].
Vì là người độc tài, lại là giám đốc Đại Chủng Viện Xuân Bích, cha Chétardie muốn “nắm đầu” các sư huynh để điều khiển Hội Dòng theo ý mình. Để làm được việc này, cha Chétardie đã sẵn sàng chà đạp lên nhân phẩm của “người tôi tớ Chúa” là Gioan La San. Vì là một nhà lý luận cố chấp. nên một khi cha Chétardie muốn hạ bề Gioan La San, cha tìm đủ cách để thuyết phục Đức Hồng Y Noiailles dù kết quả của lần điều tra đầu tiên có thuận lợi hay không.
Cha Pirot là Tổng Đại Diện được giao nhiệm vụ điều tra hiện tình của bảng cáo trạng Gioan La San. “Cha Pirot chất vấn từng sư huynh và chỉ nghe thấy những lời ca ngợi Gioan La San”[8]. Kết quả cuộc điều tra, cha Pirot rất có ấn tượng tốt với các sư huynh. Tuy nhiên điều đó không đủ để thay đổi tình thế, Đức Hồng Y vẫn quyết định đặt cha Bricot làm bề trên của các sư huynh, thay thế cha Gioan La San. Làng sóng phản đối việc bổ nhiệm vị bề trên mới bắt đầu dâng lên trong cộng đoàn các sư huynh. Mặc dù cha Gioan La San đã “quỳ gối năn nỉ”
Tỉnh hình trở nên rất phức tạp vì: các sư huynh không chấp nhận vị bề trên mới, nhưng cha Gioan La San lại không muốn anh em mình chống lại phán quyết của giáo quyền. Giải pháp nào đây, thật là khó! Đó là kể đến chuyện nỗi khó khăn do cha Gioan La San bị vu oan bởi “kẻ thù” là cha xứ Saint Sulpice. Thêm vào đó, Cha Gioan La San có thể lãnh hậu quả là bị cách chức và bị lưu đây, theo lời nói của cha Pirot Tổng Đại Diện Giáo Phận Paris.
Đứng trước nổi khó khăn này, Cha Gioan La San vẫn luôn giữ thái độ bình thản. Cầu nguyện là phương thuốc duy nhất cha Gioan La San dùng để chữa trị mọi nỗi âu lo và thử thách. Thế là, cha Gioan La San đã cùng với anh em “cầu nguyện suốt đêm ngày, không ăn, không uống, xin Chúa nâng đỡ trong lúc âu sầu xao xuyến”[9]. Cuối cùng giải pháp để giải quyết khó khăn cũng xuất hiện, cha Tổng Đại Diện và cha chánh xứ Saint-Sulpice đã thương lượng với anh em một giải pháp: là đặt cha Bricot là vị tân bề trên của anh em trên danh nghĩa, và cha Gioan vẫn tiếp tục ở lại với anh em. Qua việc này, đúng thật là có bàn tay can thiệp của Chúa để bảo vệ những con người đang làm việc của Ngài khỏi sóng gió cuộc đời.
Nếu không có tinh thần đức tin vững mạnh, lòng kiên trì tín thác vào Chúa, cha Gioan La San và anh em khó có thể vượt qua cơn đau khổ như thể mà vẫn để lại trong lòng những người chống đối lòng cảm phục sâu xa.
[1] Henri Bédel, Dẫn Vào Lịch Sử Dòng Anh Em Trường Kitô: Nguồn gốc (1651 -1726), Bản dịch Việt Ngữ, nội bộ,
[2] Sh Fortunat Trần Trọng An Phong, Góp Nhặt, Nội Bộ, 19
[3] Henri Bédel, Dẫn Vào Lịch Sử Dòng Anh Em Trường Kitô: Nguồn gốc (1651 -1726), Bản dịch Việt Ngữ, nội bộ, 120 -122
[4] Henri Bédel, Dẫn Vào Lịch Sử Dòng Anh Em Trường Kitô: Nguồn gốc (1651 -1726), Bản dịch Việt Ngữ, nội bộ, 167
[5] Đức Hồng Y De Noiailles thuộc phái Jeanséniste xem Jean Pungier FSC, Một Linh Đạo Dành Cho Các Giáo Viên và Các Nhà Giáo Dục, Nội Bộ, 11
[6] Cha Chetardy không phải là người mời các sư huynh đến mở trường tại xứ Saint Sulpice. Cha Barmondière trước đó 1 nhiệm kỳ mới là người mời.
[7] Henri Bédel, Dẫn Vào Lịch Sử Dòng Anh Em Trường Kitô: Nguồn gốc (1651 -1726), Bản dịch Việt Ngữ, nội bộ, 167
[8] Charles Lapierre (1992), Cứ Theo Ta - Ngài La San, Bản Việt Ngữ, Nội Bộ, Tỉnh Dòng LSVN, 95
[9] Henri Bédel, Dẫn Vào Lịch Sử Dòng Anh Em Trường Kitô: Nguồn gốc (1651 -1726), Bản dịch Việt Ngữ, nội bộ, 176
Thiên Văn FSC
0 comments:
Đăng nhận xét