29/11/12

Bài 8- Thiên Chúa Đấng Sáng Tạo và Quan Phòng

Xem hình
Bài 8- ‘Thiên Chúa Đấng Sáng Tạo và Quan Phòng’ tiếp tục loạt bài giáo lý do Sư Huynh Giuse Lê Văn Phượng FSC lượt soạn với mục đích giúp các học viên thần học và giáo lý viên hiểu nội dung giáo lý của Hội Thánh Công Giáo để thông truyền giáo lý cho giới trẻ.
Nội dung bài này gồm 5 phần:
(1) Thiên Chúa là Đấng Toàn năng
(2) Thiên Chúa là Đấng Tạo thành
(3) Sự Quan Phòng của Thiên Chúa
(4) Tại sao có Sự Xấu, Sự Dữ? (= nguyên nhân sinh ra đau khổ )
(5) Thiên Chúa Sáng Tạo và Cuộc Sống Con Người Hôm Nay
Bài 8
THIÊN CHÚA ĐẤNG SÁNG TẠO VÀ QUAN PHÒNG
I. Thiên Chúa là Đấng Toàn năng
Trong tất cả các phẩm tính của Thiên Chúa, chỉ có tính toàn năng là được nói đến trong Kinh Tin Kính. Thiên Chúa toàn năng và Ngài biểu lộ sự toàn năng trong việc sáng tạo từ hư vô, vì vạn vật do Người mà có và được dựng nên (Ga 1, 1.3). Sự toàn năng biểu lộ trong việc dựng nên con người trong tình yêu, theo hình ảnh Thiên Chúa, quyền năng ấy còn biểu lộ cách tột đỉnh nơi Con của Người nhập thể – chết và sống lại để thứ tha tội lỗi nhân loại. Thiên Chúa toàn năng là Đấng yêu thương, vì Người là Cha đầy lòng yêu thương.
Phẩm tính toàn năng của Thiên Chúa là một mầu nhiệm, chỉ nhờ đức tin chúng ta mới có thể nhận ra sự toàn năng của Người (2Cr 12:9).
II. Thiên Chúa là Đấng Tạo thành
1. Tầm Quan Trọng của Giáo Lý về Sáng Tạo
Giáo lý về sáng tạo trả lời cho chúng ta những thắc mắc về nguồn gốc và cùng đích của con người và vũ trụ đang hiện hữu: Con người từ đâu đến, đi về đâu, bắt nguồn từ đâu, mục đích đời người là gì, mọi vật hiện hữu bởi đâu mà đến và đi về đâu?
Mặc khải ấy được Thiên Chúa tỏ bày dần dần qua lịch sử cứu độ. Sau cùng nơi Chúa Giêsu, một cách trọn vẹn và dứt khoát giúp ta hiểu rằng nguồn cội và cùng đích đời người cũng như vũ trụ vạn vật chính là Thiên Chúa[1].
Như vậy sáng tạo là nền móng của mọi ý định cứu độ, là khởi đầu của lịch sử cứu độ mà Đức Giêsu Kitô là tuyệt đỉnh. Ngược lại, Chúa Kitô làm sáng tỏ mầu nhiệm sáng tạo, là mặc khải sau cùng mà Thiên Chúa nhắm đến khi tạo thành trời – đất (St 1:1; x. Rm 8:18-23).
Trong Kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng: “Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình.
Thiên Chúa dựng nên vũ trụ do ý muốn tự do và tình yêu của Người, Người muốn cho mọi loài thọ tạo được tham dự vào hữu thể, vào sự khôn ngoan và tốt lành của Người.
Dựa vào Kinh Thánh, chúng ta tin “Thiên Chúa dựng nên mọi sự từ hư không”.
Tất cả mọi tạo vật hữu hình đều do Thiên Chúa sáng tạo, mỗi vật đều phản ánh một phần sự khôn ngoan và tốt lành của Thiên Chúa. Ở mỗi cấp bậc khác nhau, tạo vật hữu hình được tạo dựng từ kém hoàn hảo đến hoàn hảo hơn.
3. Các Thiên Thần
Thế giới vô hình bao gồm các tạo vật thần thiêng, không có thể xác định. Kinh Thánh gọi là các thiên thần. Các ngài có trí tuệ, ý chí, ngôi vị và bất tử, hoàn hảo hơn các tạo vật hữu hình. Các thiên thần được tạo dựng nên để phụng sự Thiên Chúa và bảo trợ con người.
III. Sự Quan Phòng của Thiên Chúa
Công trình sáng tạo có sự tốt lành và hoàn hảo riêng, nhưng chưa hoàn tất khi được dựng nên. Vạn vật đang ở trong một tiến trình dần dần đạt tới sự hoàn hảo như Thiên Chúa muốn.
Cùng với việc sáng tạo, không những Thiên Chúa ban cho các tạo vật hữu thể và hiện hữu, Người tiếp tục chăm sóc và điều khiển mọi thụ tạo (Mt 6:23), ban cho chúng sức hoạt động, để tất cả tạo vật có thể hợp tác với nhau thực hiện công trình của Thiên Chúa, dần dần giúp nhau đạt đến mức hoàn hảo như Thiên Chúa muốn. Giáo Hội gọi đó là sự Chúa quan phòng.
Con người cộng tác với Thiên Chúa qua hành động, kinh nguyện và cả sự đau khổ của mình nữa (Cl 1:24) để họ có thể hoàn toàn trở thành những cộng tác viên của Thiên Chúa (1Th 3:2).
Chúa Giêsu dạy chúng ta phải có sự phó thác của con cái vào sự quan phòng của Thiên Chúa là Cha (Mt 6:31–33)
IV. Tại sao có Sự Xấu, Sự Dữ? (= nguyên nhân sinh ra đau khổ[3])
Sự tốt và sự xấu thể lý: Thiên Chúa sáng tạo muôn vật đều tốt lành nhưng chưa hoàn hảo mà ở trong tình trạng hành trình để dần dần đạt tới mức hoàn hảo như Thiên Chúa muốn. Trong quá trình tiến hoá ấy, có vật này xuất hiện và vật khác biến đi, có vật trở nên tốt hơn (hoàn hảo hơn), có vật bị xấu đi (kém đi), có xây đắp cũng có tàn phá trong thiên nhiên. Đó là sự tốt và sự xấu thể lý.
Sự xấu thể lý xảy ra trên thế giới theo qui luật lý – hóa (Ví dụ: lửa làm cháy các vật tiếp xúc với nó; sức ép làm vật nổ, vật nổ có thể gây ra tại nạn); và theo qui luật sinh tồn: mỗi sinh vật hoạt động theo bản năng sinh tồn (ví dụ: Mèo bắt chuột)
Sự xấu luân lý: Sự xấu luân lý đã nhập vào thế gian do:
Một số thiên thần và con người đã có sự chọn lựa sai lầm (bất tuân phục Thiên Chúa) khi tiến tới cùng đích của mình gây nên tình trạng mất quân bình (sa ngã): linh hồn không điều khiển được thể xác, dục vọng lấn át làm lý trí không kiềm chế được đam mê.
Con người vô minh, thiếu hiểu biết hoặc ngu dốt, không nắm được những quy luật thiên nhiên nên mất khả năng đề phòng.
Sự xấu, sự dữ đều không do Thiên Chúa muốn. Tuy nhiên Người để chúng xảy ra, vì Người tôn trọng tự do của các loại thụ tạo. Và Thiên Chúa có thể rút ra từ sự xấu sự dữ ấy để được sự lành còn tốt hơn gấp bội (Ví dụ: chuyện ông Giuse: St 45:8; 50:20; Rm 5:20)
V. Thiên Chúa Sáng Tạo và Cuộc Sống Con Người Hôm Nay
Đối với Thiên Chúa: Chúng ta là con, là thụ tạo, còn Thiên Chúa là Cha, là Đấng tạo thành. Vì thế chúng ta phải yêu mến, tôn thờ Người trên hết mọi sự với tình con thảo. Thiên Chúa là Đấng Quan Phòng, chúng ta đặt hoàn toàn tin tưởng và phó thác nơi sự quan phòng Thiên Chúa (Mt 6:31-36).
Đối với mọi người và mọi vật: Mọi người mọi vật đều bình đẳng, do đó chúng ta không sợ hãi, tôn thờ bất cứ ai, cũng không kỳ thị, khinh rẽ ai, không gây ô nhiễm, không vô cớ hủy diệt các sinh vật. Cần biến cải đời sống và cộng tác vào việc góp phần xây dựng thế giới.
Đối với sự dữ và sự xấu: Tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa, chúng ta không bất mãn hay tuyệt vọng trước sự xấu và sự dữ đang hiện diện trên thế giới, nhưng hãy luôn cố gắng làm việc tốt lành để hoá giải sự dữ, sinh ích lợi cho mọi người và cho thế giới.


[1] Đức Giêsu mạc khải cho chúng ta về Thiên Chúa:
Mt 11:25: Thiên Chúa là chủ tể trời đất.
Mt 6:8 – 32: Thiên Chúa biết ta cần gì để ban.
Ga 5:21.26; Lc 25:38: Thiên Chúa là Đấng cầm quyền sinh tử.
[2] Chú thích: Những giả thuyết về sự hình thành Trái Đất
Khoảng 15 tỉ năm về trước có một vụ nổ gọi là Big Bang đã phân bố vật chất trong vũ trụ như hiện nay (trước đó là một quả cầu lửa). Nhiệt độ nguyên thuỷ khoảng 12 tỉ độ C. Sau vụ nổ, năng lượng đã tụ lại trong các thể trọng các loại hạt, từ đó vật chất lan tràn khắp vũ trụ, tụ lại thành mây. Các đám mây tụ lại rồi nóng dần lên đã hình thành các nguyên tử cỡ năng hơn tổng số 100 đơn vị. Hiện nay vũ trụ vẫn ở trong giai đoạn hình thành và đang bành trướng ra như quả bóng đang thổi hơi vào.
Ba tỉ năm về trước, Trái đất chưa có sự sống. Khoa học giải thiết bầu khí nguyên thuỷ của Trái đất chưa những loại khí Mêtan, Amôniắc, Carbonnic; dưới tác động của các đợt sóng phóng điện từ Mặt trời như sấm chớp, giông tố và của các tia cực tím, các loại khí ấy hoà lẫn vào nhau làm thành các phân tử. Các phân tử này hoà tan trong thứ nước nguyên thuỷ, cô đọng lại do hiện tượng bốc hơi, chúng làm thành cái mà các nhà khoa học gọi là “bát cháo nóng nguyên thuỷ” và hội đủ điều kiện cần thiết để làm thành một tế bào sống. Nhưng khoa học không thể giải thích bước chuyển hoá của tế bào để có thể sinh sản. Khoa học thú nhận sự bất lực của mình.
Như vậy về nguồn gốc vũ trụ và sự sống, khoa học cố gắng đưa ra những giả thiết giải thích vũ trụ và sự sống sự hình thành như thế nào và chỉ cố gắng để trả lời cầu hỏi ấy mà thôi. Còn niềm tin tôn giáo khẳng định Thiên Chúa là chủ thể của vũ trụ và sự sống, là nguồn gốc phát sinh ra vũ trụ và sự sống.
Một bên là giả thuyết khoa học về tiến trình hình thành của vũ trụ và sự sống, còn bên kia là khẳng định của niềm tin về nguồn gốc của vũ trụ và sự sống. Cả hai không đối nghịch nhau những bổ túc cho nhau.
Bác học Alberd Einstein nói: Tôn giáo không có khoa học là tôn giáo mù quáng; khoa học không có tôn giáo là khoa học què quặt.
(Theo Chu Văn, Những Con Đường Dẫn Đến Thiên Chúa, trang 28-34. R. Vatican)
[3] Chú thích: Vấn đề đau khổ và sự dữ: Thiên Chúa toàn năng nhưng Người không dựng nên một thế giới thật hoàn hảo, nhưng đã sáng tạo một thế giới trong “tiến trình” hướng về sự toàn hảo theo quy luật tự nhiên: có vật xuất hiện, cóo vật biến đi, có cái hoàn hảo có cái kém hơn, có xây dựng, có tàn phá trong thiên nhiên. Do vậy điều tốt thể lý cùng với điều xấu thể lý xảy ra khi cuộc sáng tạo chưa đạt tới hoàn hảo (GLGHCG số 310).
Thiên Chúa dựng nên con người có lý trí, tình yêu và tự do để cộng tác vào công trình sáng tạo của Người bằng việc lựa chọn cái tốt, loại trừ cái xấu để tiến về cùng đích. Trong thực tế, con người làm ngược lại nên đã sinh ra sự dữ (GLGHCG số 311).
Thiên Chúa toàn năng và nhân lành đã cho phép sự dữ xảy ra để rút lấy điều lành từ chính điều dữ (x. St 45:8; 50:20; Tb 2:12-18). Thiên Chúa đã mạc khải sự toàn năng của Người nơi Con Một của Người trong mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh: Thiên Chúa đã tôn vinh Con Một Người qua cái chết và đem lại cho cái chết một ý nghĩa mới: chết là cửa bước vào cõi sống.
Giuse Lê Văn Phượng FSC

0 comments:

Đăng nhận xét