Trở về nguồn đặc sủng La San là lời mời gọi không ngừng lên đường, để gặp gỡ Thiên Chúa qua trung gian Đấng Sáng Lập Dòng. Trờ về để kín múc sức mạnh cho hành trình phục vụ sứ mạng giáo dục người trẻ và người nghèo với nhiều thách đố.
Mời quý Sư Huynh và anh chị em theo dõi bài 2 - “Trung Thành Với Đấng Sáng Lập” trong loạt bài chia sẻ chủ đề ‘CHÂN DUNG SƯ HUYNH HÔM NAY’của Sư Huynh Giuse Lê Văn Phượng FSC.
Bài 2
TRUNG THÀNH VỚI ĐẤNG SÁNG LẬP[1]
I. Trở Về Nguồn
1. Trở về với nguồn Tin Mừng
Luôn đặt mình trước mặt Chúa Kitô, Đấng kêu gọi Sư Huynh trở thành môn đệ của Ngài và để được Ngài sai đi phục vụ anh em qua sứ mạng giáo dục.
2. Trở về với nguyên hứng của Đấng Sáng Lập
- Nguyên hứng của Thánh Lập Dòng trước hết là ân huệ của Chúa Thánh Thần.
- Thánh Gioan La San đã được Thiên Chúa tác động làm cho quan tâm tới cảnh khốn cùng về nhân bản và thiêng liêng của “con em thợ thuyền và người nghèo.” Vì vậy, ngài đã hiến mình đào tạo các thầy biết hết mình xả thân cho công cuộc mở mang học vấn và giáo dục Kitô[2]. Ngài đã canh tân học đường để học đường mở cửa đón nhận trẻ nghèo và trở thành dấu chỉ Nước Trời và phương tiện cứu độ cho mọi người[3].
3. Trở về với truyền thống và sự nghiệp sinh động của Dòng
Trong đức tin, thánh Gioan La San khám phá ra sứ mạng của Dòng mình, đáp ứng nhu cầu giáo dục của người nghèo đang khao khát ý thức được phẩm giá làm người và làm con Thiên Chúa. Dòng tìm cách thiết lập, canh tân và đa dạng hóa các công trình giáo dục tùy theo nhu cầu của từng nơi, để góp phần đem sự hiện diện của Giáo Hội đến trong thế giới ngày nay (LD 11)
II. Những biện pháp để trung thành với việc trở về nguồn
Nghiên cứu về đời sống, sự nghiệp, tư tưởng của Thánh Lập Dòng cũng như lịch sử của Dòng, của Tỉnh Dòng.
Khám phá lại các chiều kích của tư tưởng Thánh Lập Dòng nhờ tham gia vào việc canh tân huấn giáo hay phụng vụ trong Giáo Hội, nhờ quan tâm lo lắng đến người nghèo; nhờ học hỏi đào sâu khía cạnh thần học của các thực tại trần thế.
Trong Tông Huấn về Đời Sống Thánh Hiến, ĐGH Gioan-Phaolô II: trung thành với nguyên hứng của Thánh Lập Dòng giúp tìm lại và sống nhiệt thành những yếu tố cốt yếu của đời thánh hiến[4].
Trung thành với Thánh Lập Dòng không mâu thuẫn với việc trung thành với con người thời đại hôm nay. Vì thế mà Công Đồng Vatican 2 đề nghị phải thích nghi. Nghĩa là, các Sư Huynh phải can đảm dám nghĩ, dám làm sáng kiến và sự thánh thiện của Thánh Lập Dòng, để đáp trả lại dấu chỉ thời đại đang xuất hiện trong thế giới hiện đại.[5] Có thể sửa đổi một số quy luật, tập tục và canh tân lối nhìn về Luật Dòng[6].
III. Đoàn Sủng
Thiên Chúa gọi ai để thi hành một sứ vụ Người trao phó, thì Người ban cho họ một ơn đặc biệt của Thánh Thần (1Cr 12,1). Giáo Hội gọi đó là đoàn sủng. Đoàn sủng được Thiên Chúa ban riêng cho những ai Người muốn (1Cr 7,7) nhưng để mưu cầu ích chung (1Cr 14,1) và nhằm xây dựng Giáo Hội là nhiệm thể Chúa Kitô.
Từ “Charisme” – “đoàn sủng” liên quan đến đời tu, trong các khoá họp của Vatican II, một số phát biểu dùng từ này, nhưng các văn kiện của Công đồng không dùng từ này khi nói về “đời tu”. Văn kiện đầu tiên của Toà Thánh dùng từ “charisme” – “đoàn sủng” liên quan đến đời tu là Tông huấn Việc đổi mới đời tu (Evangelica Testificatio) số 11. Bảy năm sau, văn kiện Mutunae relationes, 1978 giải thích đoàn sủng như sau: “Có nhiều Dòng tu trong Giáo Hội, các Dòng khác nhau vì tính cách riêng, nhưng mỗi Dòng đem lại ơn gọi riêng của mình như ân huệ Chúa Thánh Thần ban… Đoàn sủng của các Đấng Sáng Lập Dòng hiện ra như một “kinh nghiệm về Thánh Linh” truyền lại cho các môn đệ để họ sống, bảo vệ, đào sâu, không ngừng phát huy hoà đồng với thân mình Chúa Kitô không ngớt lớn lên” (số 11).
Trong Tông huấn về Đời Sống Thánh Hiến (Vita Consecrata), Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho thấy “việc trung thành với đoàn sủng của Đấng Sáng Lập là ân huệ của Chúa Thánh Thần, giúp tìm lại và sống nhiệt thành những yếu tố cốt yếu của đời sống thánh hiến.” Tông huấn đã phân tích cho thấy cấu tạo của đoàn sủng gồm ba chiều hướng: trước tiên là quy hướng về Chúa Cha, với ước muốn thảo hiếu là tìm kiếm thánh ý Người, nó thúc bách người tu sĩ thuộc trọn về Chúa, để cảm mến Thiên Chúa ngọt ngào đường bao trong mọi hoàn cảnh. Đoàn sủng cũng quy hướng về Chúa Con, hiệp thông với Người trong cuộc sống thân tình và vui tươi, học theo gương quảng đại của Người cởi mở với tác động của Thánh Thần, trở nên thanh thoát với tất cả những gì làm người tu sĩ dấn thân chu toàn sứ mạng với Chúa Kitô, vì Chúa Kitô và trong Chúa Kitô để phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Đoàn sủng cũng quy hướng về Chúa Thánh Thần, mời người tu sĩ để Chúa Thánh Thần hướng dẫn và nâng đỡ, trên con đường thiêng liêng cũng như trong đời sống hiệp thông và hoạt động tông đồ, để sống trong thái độ phục vụ là thái độ phải soi sáng mọi chọn lựa tông đồ của người tu sĩ[7].
IV. Đoàn Sủng La San
1. Tìm Hiểu về Đoàn Sủng La San
Thánh Gioan La San không dùng từ “charisme”, nhưng chúng ta có thể thấy được tư tưởng của Ngài nói về đoàn sủng La San trong các suy tư của Ngài:
Chính Thiên Chúa đã thiết lập trong Giáo Hội các tông đồ, các ngôn sứ và các tiến sĩ, và anh em tin rằng cũng chính Ngài đã thiết lập anh em trong công việc này (tức là công việc giáo dục)[8] “Anh em phải tự xem mình là những thừa tác viên của Thiên Chúa và là những kẻ ban phát các mầu nhiệm của Người.”[9] Để cho trẻ hiểu biết và hưởng nhờ những ân huệ đó, Chúa Giêsu đã kêu gọi người này làm tông đồ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc dạy dỗ (Ep 4,11) và ban Thần Khí cho họ để họ thực hiện như Thiên Chúa muốn. Anh em cũng được mời gọi để dạy dỗ trẻ biết hưởng nhờ ơn cứu độ[10].
Thánh Gioan La San xem giáo dục là một “thừa tác vụ” đặc biệt mà Thiên Chúa mời gọi anh em La San thi hành: “Anh em hãy tự coi mình là thừa tác viên của Thiên Chúa…” “Không những anh em là thừa tác viên của Thiên Chúa mà còn là thừa tác viên của Chúa Giêsu Kitô và của Giáo Hội…”[11] Ngài còn dùng những hình ảnh khác để chỉ các Sư huynh khi thi hành thừa tác vụ giáo dục: Anh em là “đại sứ của Chúa Giêsu Kitô”, là “thiên thần giữ mình thấy được”.
Như vậy, dẫu không dùng trực tiếp từ “đoàn sủng”, Thánh Gioan La San đã một cách nào đó đặt ơn gọi của các Sư huynh bên cạnh ơn “làm tông đồ, ngôn sứ và tiến sĩ” và xem công việc giáo dục như là thừa tác vụ để loan báo Tin Mừng ơn cứu độ.
Tổng Công Hội 39 minh định rằng: Thánh Gioan La San ngay từ đầu đã lập nên một cộng đoàn sinh động với các Sư Huynh đã chia sẻ lý tưởng tông đồ của người, để rồi lý tưởng đó, theo lịch sử Dòng, được truyền lại cho những thế hệ các Sư Huynh cho đến nay.
Trong Luật Dòng 1987, đã diễn tả đoàn sủng của Thánh Gioan La San và truyền thống sống động của Dòng: “Trung thành với tiếng gọi của Thần Khí và với đặc sủng của Đấng Lập Dòng, các Sư huynh hiến mình cho Thiên Chúa để cùng liên kết với nhau, chu toàn thừa tác vụ tông đồ giáo dục…” (LD 2) [12].
2. Các Quy Luật Nội Tại
Sư Huynh sống đoàn sủng La San phải mang tính cộng đoàn. Mỗi người làm việc tông đồ của mình như thành viên một cộng đoàn, trong đó mình biết mình được nhìn nhận và được sai đi. Các Sư Huynh thi hành sứ mạng với bất kỳ thừa tác vụ hay chức năng nào cũng đều góp phần vào việc thực hiện cách cộng đồng sứ mạng duy nhất của Dòng trong Giáo Hội.[13]
Cần phải có sự đối thoại giữa các thành viên trong cộng đoàn. Vì Thần Khí Chúa ngự nơi mỗi Sư Huynh. Trong tinh thần hiệp thông và đối thoại, các Sư Huynh trình sáng kiến tông đồ của mình cho cộng đoàn để biện phân, ngõ hầu chắc chắn sáng kiến ấy phù hợp và trung thành với đoàn sủng của Dòng.
Nhận ra các dấu chỉ thời đại trong thế giới hôm nay, một thế giới toàn cầu hóa trong đó có sự gia tăng các liên lạc giữa người với người, sự tùy thuộc lẫn nhau, sự tôn trọng và bao dung trước các khác biệt, trào lưu tương đối hóa... Các lôgic văn hóa trên thúc đẩy Sư Huynh sống cách sống vụn vặt, coi nhẹ các giá trị tương quan và giá trị Tin Mừng. Điều này mời gọi chúng ta nghĩ đến một tiền trình thiêng liêng bền vững, sống linh đạo nhập thể nghĩa là sống đặc sủng của Đấng Sáng Lập cách thấy được, tin được và mang tính ngôn sứ[14].
__________________
[1] TCH 39 Dòng La San (1967), Sư Huynh Trong Thế Giới Ngày Nay, số 5 - 7
[2] Rôma 1987, Luật Dòng Các Sư Huynh Trường Kitô (LD) số 1. Bản tiếng Việt do VPGT La San Việt Nam.
[3] Rome 1987, Luật Dòng Các Sư Huynh Trường Kitô (LD) số 3.
[4] VC 36
[5] VC 37
[6] VC 37
[7] VC số 36
[8] NG số 201
[9] NG 193
[10] NG 194
[11] NG 201; x. SHTQ John Johnston, Thư Mục Vụ năm 1995, II
[12] Chú Thích: Đoàn sủng nào cũng được cấu tạo gồm ba chiều hướng:
- Quay về Chúa Cha, với ước muốn thảo hiếu là tìm kiếm thánh ý Ngài, nhờ hoán cải thường xuyên, vâng phục là nguồn mạch đưa tới tự do đích thực; khiết tịnh diễn tả niềm thao thức của một con tim mà không một tình yêu hữu hạn nào thỏa mãn được; nghèo khó nuôi dưỡng cơn đói và cơn khát công lý Thiên Chúa hứa làm thỏa mãn được. Như thế đoàn sủng thúc bách người tu sĩ thuộc trọn vẹn về Thiên Chúa, nói với Thiên Chúa và nóii về Thiên Chúa.[12]
- Quay về Chúa Con, để hiệp thông với Ngài trong cuộc sống thân tình, vui tươi, học theo gương Ngài sống cách quảng đại khi phụng sự Thiên Chúa và phục vụ anh chị em. Quay về Chúa Con, người tu sĩ dần dần tách mình ra khỏi những dáng vẻ bên ngoài, khỏi cơn lốc giác quan, khỏi tất cả những gì ngăn cản con người để trở nên nhẹ nhàng với Chúa Thánh Thần và thúc đẩy họ chu toàn sứ mạng với Đức Kitô, làm việc và chịu đau khổ với Người để cùng với Người loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa.
- Quay về Chúa Thánh Thần, mời gọi con người để Chúa Thánh Thần hướng dẫn và nâng đỡ, trên con đường thiêng liêng cũng như đời sống hiệp thông và hoạt động tông đồ, để sống thái độ phục vụ, một thái độ soi sáng cho mọi chọn lựa của người tu sĩ chân chính.
Như vậy đoàn sủng của Đấng Sáng Lập nêu lên ước muốns âu xa của tâm hồn người tu sĩ khi bước theo Đức Kitô là trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, làm chứng về một nét độc đáo nào đó của mầu nhiệm Chúa Kitô (VC 36)
[13] LD 16
[14] TCH 43 Dòng La San (2007) Là Sư Huynh Hôm Nay, Những Con Người Mắt Mở To, Lòng Bừng Cháy.” Bản tiếng Việt trang 11 và 12.
Giuse Lê Văn Phượng FSC
0 comments:
Đăng nhận xét