26/10/12

Bài 3: Cách Thức Lưu Truyền Mặc Khải

Xem hình
Bài Tín Lý Số 3 “Cách Thức Lưu Truyền Mạc Khải” do Sư Huynh Giuse Lê Văn Phượng FSC biên soạn dựa trên Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo.
Bài giáo lý này trình bày 4 điểm chính:
- Mặc khải chứa đựng trong Thánh Kinh và Thánh Truyền
- Tương quan giữa Thánh Kinh và Thánh Truyền
- Huấn Quyền
- Thái độ của Kitô hữu:
Bài 3

CÁCH LƯU TRUYỀN MẶC KHẢI

I. Mặc khải chứa đựng trong Thánh Kinh và Thánh Truyền

Toàn bộ mặc khải đã được hoàn tất nơi Chúa Kitô.
Sau khi hoàn tất Lời Hứa mà các ngôn sứ loan báo, Chúa Kitô truyền cho các môn đệ rao giảng Tin Mừng cho muôn dân (Mt 28,19 – 20). Lệnh truyền ấy được các tông đồ thực hiện bằng hai cách:
-  Cách Truyền khẩu: Bằng lời giảng dạy, gương sáng và các thể chế do các tông đồ thiết lập để các ngài truyền lại cho các thế hệ sự sống đã nhận được từ Chúa Kitô. Chúng ta gọi là Thánh Truyền.

-  Bằng văn tự: Dưới sự linh ứng của Chúa Thánh Thần, các Tông đồ và những người phụ tá các ngài đã viết Tin Mừng cứu rỗi.[1]

II. Tương quan giữa Thánh Kinh và Thánh Truyền[2]:

Thánh Kinh và Thánh Truyền liên kết và phối hợp mật thiết với nhau, vì cả hai cùng bắt nguồn từ Thiên Chúa và hướng về cùng một mục đích là làm cho mầu nhiệm Chúa Kitô được hiện diện và ơn cứu độ cho con người.
Thánh Kinh và Thánh Truyền là hai cách lưu truyền Lời mặc khải khác biệt nhau. Thánh Kinh, Lời Chúa được ghi chép lại dưới sự linh ứng của Chúa Thánh Thần; còn Thánh Truyền chứa đựng Lời Thiên Chúa mà Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần ủy thác cho các Tông đồ và lưu truyền toàn vẹn cho những vị kế nhiệm các ngài trong chức giám mục để gìn giữ và trình bày[3].
Giáo Hội được ủy thác, qua các giám mục, những người kế nhiệm các Tông đồ, nhiệm vụ lưu truyền và giải thích Mặc Khải, đặc biệt những lời giảng dạy của các tông đồ ghi lại trong các sách linh ứng. Qua giáo lý, đời sống và việc phụng tự của mình, Giáo Hội bảo tồn và lưu truyền cho mọi thế hệ tất cả thực chất của mình và tất cả những gì mình tin” [4].
Vì thế cả Thánh Kinh và Thánh Truyền đều phải được đón nhận và tôn kính bằng một tâm tình yêu mến và kính trọng như nhau.
III. Huấn Quyền[5]:

Thánh Kinh và Thánh Truyền là kho tàng đức tin vô giá chứa đựng Lời Thiên Chúa và được ủy thác cho toàn thể Giáo Hội.
Nhiệm vụ giải thích chính thức Lời Chúa được trao cho Huấn Quyền của Giáo Hội qua các giám mục trong mối hiệp thông với Đức Giáo Hoàng và Giáo Hội thi hành quyền giáo huấn nhân danh Chúa Kitô[6].
Huấn Quyền không vượt lên trên Lời Chúa, nhưng phải phục vụ Lời Chúa. Thừa lệnh Chúa và với sự trợ giúp của Thánh Thần, Giáo Hội lắng nghe, gìn giữ cách thánh thiện và chỉ trung thành dạy những gì đã được truyền lại.
Huấn Quyền thực thi trọn vẹn quyền bính nhận từ Chúa Kitô khi định tín những chân lý chứa đựng trong mặc khải hoặc các chân lý có liên hệ tất yếu với các chân lý đó. Tín điều là những ánh sáng trên con đường đức tin, soi sáng và làm cho con đường đức tin ấy được an toàn.[7]
Như vậy, Thánh Truyền, Thánh Kinh và Huấn Quyền, liên kết và phối hiệp với nhau, dưới tác động của Thánh Thần, cả ba, theo phương cách riêng, góp phần hữu hiệu vào việc cứu rỗi các linh hồn[8].
IV. Thái độ của Kitô hữu:

Thiên Chúa, Đấng Tự-Thông-Ban mình cho nhân loại, xưa đã phán dạy, nay vẫn không ngừng ngỏ lời với con người, làm cho Tin Mừng vang lên trong Giáo Hội và nhờ Giáo Hội làm vang dội trên khắp thế giới những điều Chúa đã truyền dạy để cho họ nhận biết chân lý và được sự sống.
Để sống hồng ân mặc khải ngày càng trọn vẹn hơn, mọi Kitô hữu được mời gọi gia tăng hiểu biết và lưu truyền mặc khải nhờ:
- Năng đọc, học hỏi và suy niệm Lời Chúa,

- Lắng nghe lời giảng dạy của các chủ chăn trong tinh thần đức tin: tin Chúa Thánh Thần tác động trên các thánh ký, trong truyền thống sống động của Giáo Hội và trên Huấn Quyền của Giáo Hội.

- Thực hành Tin Mừng để có được những kinh nghiệm đức tin.





[1] DV số 7

CHÚ THÍCH: MỐI TƯƠNG QUAN GIỮA MẶC KHẢI VÀ LINH ỨNG:

- Có mặc khải khi Ngôi Lời biểu lộ, có linh ứng khi Thần Khí lay động.
-  Bằng Lời Thiên Chúa biểu lộ kế hoạch, ý định cứu độ, bằng Thần Khí, Thiên Chúa hiện diện và tác động là cho các ý tưởng của Người được thực hiện (xem Noberto, Kinh Thánh Nhập Môn, trang 36)

[2] DV số 9

[3] Thánh truyền được diễn tả qua:

- Đời sống và phụng tự của Giáo Hội thể hiện nơi nghi thức phụng vụ: Phụng vụ phép Rửa, phụng vụ Thánh Thể..., và kinh nguyện xa xưa của Giáo Hội: Các thánh thi, các kinh đọc như Kinh Tin Kính, Kinh Nghĩa Đức Tin, Kinh Bảy Mối Tội..., những kinh này được sử dụng đọc vào ngày Chúa nhật trước thánh lễ, và nhiều kinh đọc khác.

- Các tác phẩm của các giáo phụ, những trước tác này có thể đọc thấy trong các bài đọc Kinh Sách.

- Những đền đài, lăng tẩm, những hang toại đạo từ thời Giáo Hội tiên khởi được bảo tồn cho đến nay. Đó là những Bia Đá trong các ngôi mộ cổ và những công thư cho thấy Giáo Hội sơ khai tin tưởng thế nào về linh hồn những người đã chết, việc cầu thay nguyện giúp, việc sử dụng các hình ảnh, di cốt... Sổ Các Thánh Tử Đạo, được viết tên trong thời kỳ bách hại và thuật lại những thử thách của người Kitô hữu cũng như những chân lý họ tuyên xưng và đóng ấn bằng chính máu của mình.

- Những hình thức đạo đức hay tôn chỉ thiêng liêng đã được toàn Giáo Hội chấp nhận từ sơ khai. Chẳng hạn như lòng sùng kính Đức Maria, việc tôn kính và Đi Đàng Thánh Giá, các nghi thức phụng vụ như nghi thức Rửa tội, đặt tay Thêm Sức, hình thức ăn chay trước lễ Phục Sinh, chay Thánh Thể (giữ chay trước khi rước lễ), kiêng thịt ngày thứ Sáu...

- Những văn kiện của các Công Đồng và của các Giáo Hoàng, như tín điều về Chúa Giêsu, tín điều về Đức Maria

(Theo các tài liệu: GLGHCG số 83,92,93, 98; Fr. John Laux, M.A. Các Chân Lý Chủ Yếu của Đức Tin; John A. Hardon, Từ Điển Phổ Thông Công Giáo, 1985; Ban Mục Vụ TNTT, Giáo lý Bao Đồng 4, Giáo phận Sài Gòn)

[4] DV số 7 và 8

CHÚ THÍCH: TRUYỀN THỐNG CÁC TÔNG ĐỒ VÀ CÁC TRUYỀN THỐNG KHÁC TRONG GIÁO HỘI (x. GLGHCGsố 83)

Truyền thống các Tông đồ là những lời giảng dạy khởi phát từ các tông đồ và lưu truyền những gì các ngài lãnh nhận từ giáo huấn và gương mẫu của Chúa Giêsu, cũng như những gì các ngài học được từ Chúa Thánh Thần

Các truyền thống khác trong Giáo Hội là những “truyền thống” thuộc diện thần học, kỷ luật, phụng vụ hoặc sùng kính phát sinh theo thời gian, tạo nên những hình thức đặc thù, được Thánh Truyền thu nhận những lối diễn tả thích nghi cho những nơi khác nhau trong những thời kỳ khác nhau.

Các truyền thống khác trong Giáo Hội phải được của truyền thống các tông đồ soi sáng để giữ lại, sửa đổi hay bị loại bỏ theo sự hướng dẫn của Huấn Quyền.

[5] DV số 10

[6] DV 10

[7] Cđ Vat 2 dạy: Toàn bộ mạc khải mầu nhiệm Đức Kitô cho thấy các tín điều có liên hệ hỗ tương và đan kết với nhau (LG 25 và DS 3016).

Toàn thể tín hữu được Chúa Thánh Thần xức dầu không thể sai lầm trong đức tin... khi từ các Giám Mục cho đến giáo dân tất cả đều đồng ý về những điều liên quan đến đức tin và phong hoá. (LG 12)

[8] DV số 10,3

Giuse Lê Văn Phượng FSC

0 comments:

Đăng nhận xét