11/10/12

Bài 1: Con Người Có Khả Năng Đón Nhận Thiên Chúa

Xem hình
Bài 1 “Con Người Có Khả Năng Đón Nhận Thiên Chúa” được trình bày theo ba đề mục chính:
- Con người khát khao hạnh phúc và sự sống
- Những con đường giúp nhận biết Thiên Chúa
- Trách nhiệm của Kitô hữu
Bài 1
CON NGƯỜI CÓ KHẢ NĂNG
ĐÓN NHẬN THIÊN CHÚA

I. Con người khát khao hạnh phúc và sự sống:
Hạnh phúc và sự sống là ước ao con người luôn luôn tìm kiếm: “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời” (Mc 10,17; Ga 17,3).
Người Kitô hữu xác tín rằng chỉ nơi Thiên Chúa, con người mới gặp được chân lý trọn vẹn và hạnh phúc đích thật, bởi vì con người đến từ Thiên Chúa và sẽ trở về với Thiên Chúa.
Chân lý này có thể nhận ra khi nhìn vào các hiện tượng tôn giáo trong lịch sử nhân loại: cầu khẩn, cúng tế, tụng niệm, phụng tự…
Kinh Thánh cũng cho chúng ta thấy: “Thiên Chúa không ở xa chúng ta. Vì chưng trong Ngài, ta sống, ta chuyển động, ta hiện hữu” (Cv 17:28). Người không ngừng kêu gọi chúng ta tìm kiếm Người để được sống và được hạnh phúc. Sự tìm kiếm này đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực bằng cả trí tuệ, ý chí, lòng ngay thẳng và cần thiết phải qua các chứng từ của người hướng dẫn.
II. Những con đường giúp nhận biết Thiên Chúa
Bằng lý trí con người có thể nhận biết Thiên Chúa hiện hữu khi[1]:
Chiêm ngắm thế giới bao la xinh đẹp và trật tự lạ lùng, con người có thể nhận biết Thiên Chúa là nguyên thủy và cùng đích của vũ trụ (Rm 1, 19 – 20)
Khi nhìn vào lòng mình, với tiếng nói lương tâm và lý trí tự nhiên, con người khám phá ra rằng mình có linh hồn và thể xác. Linh hồn con người thì “không thể giản lược chỉ duy vào vật chất”[2], nó chỉ có thể bắt nguồn từ nơi Thiên Chúa.
Những chứng minh bằng lý trí về sự hiện hữu của Thiên Chúa giúp con người dễ đón nhận đức tin và cho thấy rằng đức tin không nghịch với lý trí.
Cần phân biệt chứng minh khoa học và chứng minh lý trí: Chứng minh khoa học là chứng minh dựa trên giả thuyết, được kiểm chứng bằng thực nghiệm (cân, đong, đo, đếm,…). Chứng minh khoa học chỉ dừng lại trên bình diện khả giác, nó không thể chứng minh được đau khổ và sự ác và các thực tại thần thiêng vượt ngoài lý trí. Và nếu chỉ dừng lại ở đó, khoa học không thể đạt tới đức tin và kiêu ngạo vì tự cho rằng với lý trí con người có thể biết hết mọi sự và đạt tới hạnh phúc theo cách của mình.
Còn chứng minh lý trí thì dựa vào nguyên nhân – hệ quả, đưa ra những luận cứ đồng quy có sức thuyết phục
III. Trách nhiệm của Kitô hữu
Bằng lý trí, con người nhận biết mình có mối liên hệ mật thiết sâu xa với Thiên Chúa. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trở ngại ngăn cản lý trí vận dụng hữu hiệu năng lực tự nhiên để nhận biết và đón nhận chân lý.
Con người lãng quên hay từ chối do nhiều nguyên nhân: vì những điều ác xảy ra trên thế giới, những u mê hoặc dững dưng với tôn giáo, lòng đam mê của cải trần tục, gương mù gương xấu của các tín hữu, những trào lưu chống tôn giáo (nhân bản, vô thần...), thái độ chạy trốn Thiên Chúa vì sợ đối diện với sự thật.
Là Kitô hữu, chúng ta hãy can đảm lên đường tìm kiếm Chúa mỗi ngày với cả con người và cuộc sống, đồng thời tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng ta giúp người khác tìm kiếm Thiên Chúa hằng sống để họ cũng được sống và sống dồi dào.
Khả năng nhận biết của con người giới hạn, nên ngôn ngữ con người dùng để trình bày về Thiên Chúa cũng giới hạn. Khi nói về Thiên Chúa, chúng ta không thể nói và hiểu được Thiên Chúa như thế nào, mà chỉ có thể khởi từ hiểu biết về thụ tạo để nói lên sự toàn hảo vô biên của Thiên Chúa và các phẩm tính của Người theo hiểu biết và cách thức suy tư hạn hẹp của con người.




[1] Chú thích: 5 CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN THIÊN CHÚA (Thomas d’ Aquin)
(x. Herbert Vorgrimler, Thiên Chúa luận qua các tác giả, dịch theo Gotteslehre, số 143 – 147)

1.     Có những chuyển động trong vũ trụ. Động là do một vật khác làm cho động. Toàn bộ vũ trụ đều động, nên cần phải có ai khác ở ngoài, vượt lên trên vũ trụ làm cho nó chuyển động. Ta gọi là Thiên Chúa.
2.     Có những nguyên nhân tác thành cần nương tựa vào nhau, lý trí phải dừng lại nơi một nguyên nhân tác thành không dựa vào nguyên nhân nào khác – nguyên nhân đệ nhất. Đó là Thiên Chúa.
3.     Có những vật bất tất (nghĩa là “không có rồi lại có, có rồi lại không có”), phải nhờ tới Đấng “luôn có” dựng nên. Đó là Thiên Chúa.
4.     Có những cấp bậc hoàn hảo, hơn kém trong vũ trụ, chúng dẫn ta đến một hoàn hảo tuyệt đối. Hoàn Hảo đó là Thiên Chúa.
5.     Có những trật tự lạ lùng trong vũ trụ đòi phải có một Đấng xếp đặt các trật tự ấy. Đấng ấy là Thiên Chúa.
[2] H/c Mục vụ (GS) số 18,1; x. 14,2)
Giuse Lê Văn Phượng

0 comments:

Đăng nhận xét