30/9/12

Các Chiêu Kích Đức Tin Kitô Giáo

Xem hình
Cùng với toàn thể Giáo Hội cử hành Năm Đức Tin, chúng tôi xin gửi đến quý vị bài chia sẻ “Những chiều kích Đức Tin Kitô Giáo” của Sư Huynh Giuse Lê Văn Phượng.
Ngoài ra, mỗi tuần chúng tôi sẽ gửi đến quý vị các bài giáo lý về đức tin trong chiều hướng cùng với toàn thể Dân Chúa suy tư và sống Năm Đức Tin này.


Dẫn Nhập
Trong Văn Kiện “Hướng dẫn Tổng Quát Về Việc Dạy Giáo Lý”, Thánh Bộ Giáo Sĩ trình bày “Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo xoay quanh bốn chiều kích cơ bản của đời sống đức tin Kitô giáo. Bốn chiều kích này đều phát xuất từ cùng một hạt nhân là: mầu nhiệm Kitô giáo.”[1] Mầu nhiệm Kitô giáo là đối tượng của đức tin, vì thế mà cần học biết để tuyên xưng. Mầu nhiệm Kitô giáo được cử hành để mừng kính và thông truyền trong các lễ nghi phụng vụ. Mầu nhiệm Kitô giáo hiện diện để soi sáng và nâng đỡ tín hữu trong những hành động đức tin của mình. Mầu nhiệm Kitô giáo đặt nền cho kinh nguyện tín hữu và là nội dung của lời cầu xin, ngợi khen và chuyển cầu[2].

Nội dung của hành vi đức tin thường được tóm gọn trong Kinh Tin Kính, luật và nghi lễ phụng tự và cầu nguyện. Kinh Tin Kính là nội dung tín lý của hành vi tin, nói cách chuyên môn là chính lý (orthodoxy); nó mang tính tri thức và nhằm để loan báo, tuyên xưng, trình bày đức tin. Phụng vụ là một phần của chính hành (orthopraxis) dẫn đến sự thay đổi và hoán cải, không chỉ nơi chủ thể mà cả trong xã hội. Luật luân lý cũng là yếu tố quan trọng thuộc về chính hành, liên quan đến các đòi buộc luân lý của hành vi đức tin; nó liệt kê những bổn phận và trách nhiệm đi kèm theo những hành vi đức tin của cá nhân, dạy con người cung cách ứng xử mang tính luân lý và thường được tóm trong các giới răn. Cầu nguyện nuôi dưỡng đức tin trong hiện sinh và cung cấp biên độ để đức tin phát triển; có một sự tương ứng gần gũi giữa đời sống đức tin và thực hành cầu nguyện. Đức tin đưa đến cầu nguyện và cầu nguyện làm tăng trưởng đức tin[3].

1.  Chiều Kích Về Sự Hiểu Biết và Thông Đạt (Lý Trí): Đức tin cần được tìm kiếm và mạc khải

Niềm tin và đức tin: Niềm tin là những diễn đạt hiểu biết của con người về mầu nhiệm Thiên Chúa. Xét theo phương diện này, niềm tin mang tính chủ quan vì xuất phát từ phía con người chứ không phải được ban cho từ trên cách khách quan. Ngược lại đức tin mang tính khách quan vì đến trực tiếp từ thực tại siêu việt của Thiên Chúa. Vì thế niềm tin phản ánh những hoàn cảnh văn hoá, mang tính lịch sử, nó đa dạng và khác nhau. Trong khi đó, đức tin duy nhất và hiệp nhất vì đức tin nhận chân lý ngay thẳng trong sự đa dạng. Như thế đức tin diễn tả chính mình trong niềm tin, nhưng không giản lược thành niềm tin[4].
Mạc khải và đức tin: Khi nhìn mạc khải như là một kinh nghiệm siêu việt, vì nơi mạc khải, Thiên Chúa tự biểu lộ như là Đấng – Tự - Thông - Ban và được ghi lại trong Kinh Thánh. Qua mạc khải ta hiểu được nội dung của đức tin. Bằng những cố gắng của suy lý, ta có thể tìm được luận lý nội tâm của sứ điệp, nhưng khả năng nhận biết của con người về Thiên Chúa bị giới hạn, có nhiều trở ngại ngăn cản con người vận dụng hữu hiệu năng lực tự nhiên của lý trí, do đó mà chỉ có thể chấp nhận sứ điệp như Lời của Thiên Chúa, hoặc từ chối Lời. Điều này cho thấy rằng, con người chỉ có thể đón nhận mạc khải bằng một hình thức hiểu biết đặc biệt, gọi là đức tin. Và chính đức tin cũng phải được hiểu như một ơn nhưng không của Thiên Chúa, chứ không phải do tự con người sản xuất hay sáng chế ra.
Thiên Chúa đến và mạc khải cho con người như là Đấng Cứu Độ. Hiến chế Tín Lý Về Mạc Khải (Dei Verbum) khẳng định rằng hình ảnh Thiên Chúa tự mạc khải thì song hành với hình ảnh Thiên Chúa cứu độ[5]. Eward Schillebeeckx nhấn mạnh: “mạc khải, đó là hiện tượng cứu rỗi của Thiên Chúa trong dòng lịch sử được các tín hữu trải nghiệm và diễn tả trong sự đáp trả đối với những vấn đề liên quan đến cuộc sống”[6].
Mọi tín hữu đều tham dự vào ơn hiểu biết và việc lưu truyền chân lý mạc khải. Họ được Thánh Thần xức dầu, chính Người dạy dỗ (1Ga 2,20.27) và dẫn đưa họ tới chân lý toàn diện (Ga 16,13). Nhờ cảm thức về đức tin được Thánh Thần chân lý khơi dậy và duy trì sự hiểu biết về các thực tại và các lời thuộc kho tàng đức tin có thể tăng trưởng trong đời sống Giáo Hội nhờ suy niệm và học hỏi của người tín hữu hằng gẫm suy trong lòng những thực tại và lời nói ấy[7], đặc biệt việc nghiên cứu thần học giúp đào sâu chân lý mạc khải [8]; nhờ hiểu biết nội tâm mà các tín hữu cảm nhận được những điều thiêng liêng và dưới sự hướng dẫn của Huấn Quyền... qua lời giảng dạy của các vị giám mục đã nhận được đặc sủng chắc chắn về chân lý[9] người tín hữu một lòng gắn bó không sờn với đức tin đã được truyền lại một lần dứt khoát, đào sâu đức tin hơn và thực thi trọn vẹn đức tin ấy trong đời sống của mình[10].
Như vậy, tin chính là đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, nghĩa là, bằng đức tin con người để trí tuệ và ý chí của mình hoàn toàn quy phục Thiên Chúa, thuận theo mặc khải của Thiên Chúa. Tin là sự gắn bó, tin tưởng nơi Thiên Chúa và một cách tự do tuyệt đối ưng thuận những gì Người tỏ bày (mạc khải) về ý định cứu độ của Ngài. Tin vào Thiên Chúa cũng đồng thời tin vào Đấng Cứu Độ mà Người sai xuống trần gian là Đức Giêsu Kitô. Chỉ mình Ngài có thể biết và mạc khải cho chúng ta về Thiên Chúa (Mt 11, 27). Vì thế, tin là tin vào Thiên Chúa được tỏ ra trong Đức Giêsu Kitô. Chúng ta cũng không thể tin vào Đức Giêsu Kitô nếu không thông phần vào Thần Khí của Ngài, bởi vì “không ai tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Chúa nếu không bởi Thánh Thần tác động” (1Cr 12,3).


2. Chiều kích Về Sự Thông Hiệp (Tham Dự): Đức tin phải được cử hành và tham dự.

Các nhà thần học Công Giáo hiện đại đã định nghĩa về đức tin Công giáo như sau:


“Đức tin Công Giáo là sự chấp nhận và dấn thân của toàn thể bản ngã con người – trong Giáo Hội xét như một cộng đoàn đức tin – đối với việc Thiên Chúa đích thân biểu hiện tình yêu như được mạc khải nơi Đức Giêsu Kitô.”[11]


Đức tin là một hành vi đáp trả tự do của mỗi người trước tiếng gọi của Thiên Chúa, nhưng đức tin không phải là một hành vi riêng rẽ. “Tôi tin – credo” là hành vi tham dự vào công trình của Thiên Chúa đang thực hiện ngang qua hành động của Chúa Kitô, nhờ Giáo Hội và dưới tác động của Thánh Thần. Đặc tính thực hành và diễn tả của hành vi tin được thể hiện trong các cử hành phụng vụ và bí tích của Giáo Hội.

Những hành vi đức tin được chính Giáo Hội cảm nghiệm theo cả thời gian và không gian suốt dòng lịch sử và diễn tả qua các nghi thức phụng vụ của mình. Chính Giáo Hội tin và sinh chúng ta ra trong đức tin. Chính đức tin của cộng đoàn tìm kiếm sự giải thích và sự diễn tả, và người tín hữu sống hài hoà giữa cái riêng (đức tin và sự hiểu biết cá nhân) với cái chung (đức tin và giáo huấn của Giáo Hội) sẽ làm cho đức tin của họ được nâng đỡ, được lớn lên và ngày càng trưởng thành. Đức tin cần được giải thích, cần diễn tả, nó phải đi tới cộng đoàn, ở trong cộng đoàn. Qua mọi thời và mọi nơi, Giáo Hội không ngừng tuyên xưng đức tin duy nhất của mình, diễn tả trao ban và dạy dỗ cho con cái mình những chân lý đức tin trong các cử hành phụng vụ của Giáo Hội, nó trở thành những phương thế giúp ta cảm nghiệm về Thiên Chúa và đạt tới sự hiệp thông với Ngài.

Như vậy đức tin được thánh hoá nhờ tham dự vào đời sống bí tích là hành động của Chúa Kitô và Giáo Hội trong hoạt động của Chúa Thánh Thần. Chính qua Giáo Hội mà chúng ta lãnh nhận đức tin và đời sống mới trong Chúa Kitô; đến lượt mình chúng ta phải trao ban đức tin cho người khác. Giáo Hội trao ban đức tin cho chúng ta và dạy chúng ta ngôn ngữ của đức tin để dẫn chúng ta tới sự hiểu biết và đời sống của đức tin.

Các bí tích trải dài và thánh hoá từng thời điểm quan trọng của đời sống con người. Qua việc cử hành bí tích, Chúa Kitô cho thấy Ngài luôn ở với chúng ta, và nhờ lãnh nhận bí tích, chúng ta thuộc về Chúa Kitô để nhờ Ngài, trong Ngài, với Ngài chúng ta sống một đời sống mới. Lãnh nhận bí tích là tuyên xưng đức tin. Nó không những đòi hỏi phải có đức tin, nhưng các bí tích còn ban ân sủng để nuôi dưỡng, củng cố và tỏ bày đức tin. Việc tham dự các cử hành phụng vụ - bí tích nói lên và phát huy sự hiệp thông cùng một đức tin của các thành phần trong Giáo Hội. Và như tác động trở lại, chính trong cộng đoàn đức tin ấy mà đức tin của người tín hữu được lớn lên, đời sống đức tin được nâng đỡ để có thể đạt tới mức trưởng thành.
3. Chiều Kích Về Hành Động (Thực Hành): Đức tin phải đưa đến hành động
Một mặt đức tin thường được quy hướng về thực tại siêu nhiên, mặt khác đức tin tập trung vào thực tại được gói ghém trong thế giới này; đức tin có một phẩm tính nền tảng của con người, phổ quát và hiện diện trong điều kiện làm người; nó giúp cho cá nhân nhận ra nhân vị của mình trong cộng đồng[12].

Trong Tân Ước, hành vi đức tin được dịch sang tiếng La tinh bằng động từ “credo – tôi tin”. Động từ “tôi tin - credo” là một từ kép gồm danh từ “cor” (cordis), nghĩa là trái tim; và động từ “do”, có nghĩa là đặt để, hay là cho. Như thế nghĩa gốc của “tôi tin” – credo, là “tôi đặt trái tim tôi vào hay “tôi cho trái tim tôi”. Xét theo bối cảnh của Tân Ước và cách sử dụng trong các công thức tuyên xưng đức tin của Giáo Hội tiên khởi, “tôi tin – credo” có nghĩa là “tôi dấn thân”, “tôi cam kết”[13].

Như thế, tin có nghĩa là hành vi dấn thân và cam kết của cá nhân với Thiên Chúa trong Chúa Kitô. Rõ ràng, đức tin Kitô giáo không phải là việc chấp nhận một số lập trường lý thuyết nào đó đã có ảnh hưởng trên đời sống hàng ngày, mà đức tin Kitô giáo là lối sống thực tế và cá nhân, tập trung vào Đức Giêsu Kitô. Nói cách khác, đó là một đời sống mới trong Chúa Kitô. Thánh Tôma Aquinô nhắc rằng: “Hành vi của người Kitô hữu không kết thúc với mệnh đề, nhưng nằm trong thực tại”, rõ ràng theo tư tưởng của Tôma Aquinô thì đức tin là thực tại sống động của Thiên Chúa; đức tin là hiểu biết cách sâu xa các chân lý của Thiên Chúa, theo sau đó là việc cá nhân đáp trả hiểu biết sâu xa này bằng những hành động cụ thể và nó có ảnh hưởng đến con người và xã hội; đức tin là việc cá nhân tham dự vào chân lý của Thiên Chúa trong mọi bình diện của cuộc sống, nhìn nhận rằng Thiên Chúa làm thay đổi cách hành xử của kẻ tin trong cuộc sống hằng ngày[14].

Hành vi đức tin luôn hướng về Thiên Chúa không phải như một công thức khoa học, nhưng như một thực tại cá nhân sống động đang hoạt động trong lịch sử và đời sống của nhân loại. Hành vi tin ấy làm thay đổi cá nhân kẻ tin, đưa đến một sự hoán cải có khả năng chạm đến tất cả quan điểm, thái độ, trí tượng tượng của cá nhân kẻ tin ấy.

Một cách đơn giản, đức tin sống động là đức tin thể hiện lòng MẾN CHÚA hết lòng hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực và YÊU NGƯỜI như chính bản thân mình. Sống đức Tin là dấn thân vào con đường tình yêu, như giáo lý của Giáo Hội Công Giáo mời gọi, đó là đi vào một đời sống mới trong Chúa Kitô, Đấng “là Đường, là Sự thật và là Sự sống”, nhờ ơn Chúa Thánh Thần trợ lực, hướng dẫn, sống theo Lời Ngài được cụ thể hóa trong các giới luật và mối phúc, từng bước thay đổi các hành vi và cách sống của bản thân để đạt tới hạnh phúc vĩnh cửu.
4. Chiều Kích Về Cảm Nghiệm (Tâm cảm): Đức tin là một tương quan mang tính cách cá vị
Kinh nghiệm là một tập hợp giao giữa ý thức con người và thực tại cuộc sống, để có được những kinh nghiệm sâu sắc, con người cần phải đạt được những ý nghĩa của nó, bởi trong cuộc sống “chúng ta có nhiều kinh nghiệm nhưng không đạt được ý nghĩa của nó” (Thi sĩ Elist, Dry salvages), nghĩa là kinh nghiệm cần được chú giải nhờ suy tư, lý luận và phản tĩnh trong cô tịch và thinh lặng.

Kinh nghim đc tin mang tính cách bit v, nó là mt cuc gp g ca tng cá nhân vi chính Thiên Chúa ca Đc Giêsu Kitô, nhưng cm nghim cá nhân này đưc cm nghim ca c Giáo Hi mang theo. Khi đc Kinh Tin Kính, tôi tuyên xưng đc tin, những t “tôi tin” – “chúng tôi tin” tuyên xưng v ơn cu đ Thiên Chúa trao ban cho con ngưi nơi Đc Giêsu Kitô.
Nhìn vào kinh nghiệm của sự gặp gỡ với Lời Thiên Chúa của các Tông đồ, chúng ta thấy, tự thân kinh nghiệm mang một ý nghĩa, nhưng kinh nghiệm và ý nghĩa không đồng nhất với nhau, nó tuỳ thuộc vào thế giới quan của bản thân mỗi người (văn hoá, xã hội, tôn giáo), do vậy mỗi người diễn tả kinh nghiệm một cách khác nhau. Thánh Gioan lại có cách diễn tả kinh nghiệm về sự gặp gỡ giữa chính ngài với Lời sự sống bằng ngôn ngữ riêng “điều mà tôi đã nghe, đã thấy tận mắt, đã chạm đến, đã chiêm ngưỡng, đó là Lời sự sống”- Lời vẫn có ngay từ lúc khởi đầu. (1Ga 1:1). Thánh Phaolô lại có cảm nghiệm khác: “Thiên Chúa, Đấng tạo thành vũ trụ và muôn loài trong đó, Đấng làm Chúa Tể trời đất, không ngự trong những đền do tay con người làm nên.” Nhưng “thực sự Người không ở xa mỗi người chúng ta. Thật vậy, chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động, và hiện hữu...” (Cv 17:24.27)
Muốn có một cảm nghiệm về sự gặp gỡ Thiên Chúa, thì ý thức Ngài là Đấng Thánh - Đấng Siêu Việt phải đi đôi với cảm nghiệm Ngài rất gần gũi chúng ta. Môsê, đạt đến sự hiểu biết sâu xa về Thiên Chúa, Đấng đã mạc khải tên của Ngài cho ông khi ông chiêm ngắm Thiên Chúa xuất hiện trong bụi gai cháy rực (Xh 3:1-4); Đấng đã ban truyền cho ông Thánh Ý của Ngài để ông truyền lại cho dân của Ngài khi ông đàm đạo với Ngài, mặt giáp mặt, như hai người bạn thân trên núi Sinai (Xh 33:11).
Thiên Chúa, Đấng – Tự – Thông – Ban tỏ mình cho con người chúng ta cách tiệm tiến, do vậy, càng tiến sâu vào trong sự hiểu biết Thiên Chúa, con người chúng ta càng cảm thấy ao ước được gần gũi Ngài hơn, và càng gần gũi Ngài, chúng ta càng ao ước được hiểu biết Ngài hơn nữa. Rahner diễn tả rất hay kinh nghiệm của ông về sự tự biểu lộ của Thiên Chúa khi nói rằng: “Thiên Chúa là chân trời của con người, mà khi khám phá ra được thì chân trời lùi dần, lùi dần.”[15]
5. Kết
Để kết thúc, chúng ta một lần nữa hãy nhìn vào các gương của các tổ phụ, các tiên tri trong Kinh Thánh, các ngài không thuộc về quá khứ nhưng là cha của những kẻ tin để hiểu thế nào là sống các chiều kích của đức tin. Tổ phụ Apbaraham đã nghe tiếng gọi của Thiên Chúa, ông đã dấn thân đi vào tương quan với Ngài để hiểu được ý định của Ngài, giao ước cùng Đấng mà ông đã tin; ông đã trao phó trọn vẹn cuộc đời cho Thiên Chúa và trở thành những người cộng tác tích cực vào chương trình của Thiên Chúa.
Kinh nghiệm đức tin của Abraham mời gọi tôi khám phá Lời Chúa đã được mạc khải trong Kinh Thánh, vững tin vào Ngài ngay giữa cuộc sống bất định của đời tu hôm nay, phó thác trọn vẹn cuộc đời cho Thiên Chúa, dấn thân cách vô điều kiện trong sứ mạng mà tôi đã lãnh nhận từ nơi Giáo Hội ngang qua Hội Dòng, dành cho mình những thời giờ để sống thân tình với Chúa qua việc nguyện gẫm hàng ngày.

Như Môsê, dù đã đạt đến sự hiểu biết sâu xa về Thiên Chúa, được Ngài coi như là bạn tâm giao của Ngài, ông vẫn ước ao được gần Chúa, được biết Chúa tường tận hơn, ao ước được tuân giữ các giới luật Chúa truyền và dạy cho dân tuân giữ những điều ấy để Chúa sẽ là Thiên Chúa của tôi và tôi là dân riêng của Ngài.. Bắt chước Môsê, tôi muốn thưa cùng Chúa mỗi lần trong kinh nguyện: “Lạy Chúa, xin tỏ cho con biết đường lối của Ngài, để con biết Ngài và được nghĩa với Ngài. Xin Ngài thương con cho con được thấy vinh quang của Ngài” (Xh 33:12–13).

Như Êlia tôi ao ước được nghe Chúa nói để thông truyền Lời Ngài cho dân, cử hành nghi lễ để mời gọi hoán cải từ bỏ thần ngoại mà quay về với Thiên Chúa, ao ước có được kinh nghiệm Chúa dẫn đi qua sa mạc, trong cảnh cô đơn, mệt mỏi, trơ trọi và chán chường của bước đường phục vụ và lướt qua những vũ bão, giông tố của những khó khăn và thất bại khi hoạt động tông đồ, nhưng vẫn giữ được sự kết hiệp với Thiên Chúa, để luôn nghiệm thấy Thiên Chúa ở gần bên một cách thân tình trong những giờ cầu nguyện, và khi ngẫng đầu lên, tôi nhận ra Chúa đến với tôi như làn gió mát, và Lời Ngài trở nên ngọt ngào hơn mật ong ngay trên miệng, ngay trong lòng và trở thành nguồn vui của lòng tôi (Tv 118,111).






Suy tư – Cầu nguyện
Tìm hiểu và chiêm ngắm mẫu gương đức tin của Mẹ Maria – con người lắng nghe – chiêm ngắm – suy đi nghĩ lại Lời Chúa phán và những việc Chúa làm trong cuộc đời của Mẹ.





[1] Thánh bộ Giáo sĩ (1997), Hướng Dẫn Tổng Quát Về Việc Dạy Giáo Lý số 122. Bản tiếng Việt của UBGL Đức Tin của HĐGMVN, NXB Phương Đông 2008
[2] ĐGH Gioan Phaolô II (1992),Tông hiến Kho Tàng Đức Tin số 3d
Chú thích: Trong “Hiệp Thông” – bản tin của HĐGMVN số 72, chuyên đề “Chuẩn Bị Năm Đức Tin”, bài Đức Tin Kitô Giáo: Các Chiều Kích và Đặc Tính Quy Kitô, tác giả là linh mục Nguyễn Hai Tính, đề cập đức tin có ba chiều kích: Lý trí – Thực hành – Tâm cảm 
[3] Demot Lane, 2003, Kinh Nghiệm Về Thiên Chúa. Bản dịch Nguyễn Luật Khoa. NXB Phương Đông 2008, trang 127-129
[4] Demot Lane, Sđd, trang 125-126
[5] DV 2, 3.4
[6] Eward Schillebeeckx, 1973, The Earter Jesus, trang 65 – 69.
[7] DV số 8
[8] GS số 62,7
[9] DV số 8
[10] LG số 12
[11] John R. Connolly, sđd, trang 127 - 128
[12] Demot Lane, Sđd, trang 115-116
[13] Demot Lane, Sđd, trang 118
[14] Demot Lane, Sđd trang 120 - 121
[15] Sh. Vital Nguyễn Hữu Quang, Giáo trình Thần Học Cơ Bản

Giuse Lê Văn Phượng

0 comments:

Đăng nhận xét