8/5/10

Một chút tử tế : tin nhau

Câu kết của bài Phúc âm ngày thứ thứ sáu tuần V Phục sinh như một mệnh lệnh dứt khoát, tóm tắt tất cả lề luật yêu thương của người ki-tô hữu : « Điều Thầy truyền dạy cho anh em là hãy yêu thương nhau » (Ga 15, 17).

Linh mục chủ lễ triển khai lề luật yêu thương rất hay. Nhưng câu kết của ngài làm chúng ta cần suy nghĩ : « người công giáo chúng ta nói kính Chúa thì số một, nói yêu Chúa thì tuyệt vời, nhưng nói yêu thương anh em thì xét lại ». Nói xong, ngài đi lên bàn thờ tiếp tục dâng Thánh Lễ, không một lời bình luận gì thêm.
Tin nhau đó là một khía cạnh của yêu thương, một chút tử tế.
Chắc đã hơn một lần có người hỏi bạn, muốn biết ý bạn thế nào, phản ứng ra sao khi một người chồng không lương thiện, thiếu tôn coi trọng hoặc bất trung ; làm thế nào khi bị một người thân « giơ gót đạp mình » ; người ta có thể hỏi bạn phải làm sao, có thể được chăng, lấy lại lòng tin của mình đối với một người đã làm họ thất vọng quá sức. Jean Paul Sartre có viết : « Lòng tin có được từng giọt, nhưng bị mất hàng lít ».
Tin nhau thực sự có nghĩa là sao? Một cụm từ thật dễ hiểu. Đặt một câu hỏi như thế chẳng khác nào chẻ sợi tóc ra làm tư. Nhưng chúng ta phải khẳng định rằng ngày nay người ta làm mất lòng tin nhiều quá, lừa nhau để sống. Chính việc mất lòng tin gây đau khổ cho nhau, tạo nên những xung đột quan trọng và đưa đến phá hoại.
Tin nhau, đó là cung cấp cho người bạn cơ hội có một chìa khóa để chia sẻ những điều thầm kín mà không hối hận hay do dự.
Tin nhau là một bước cần thiết trong giao tiếp hàng ngày để tiến lên trong xã hội. Không tin nhau, không thể có giao tiếp giữa nhau trên bình diện cá nhân lẫn nghề nghiệp.
Tin nhau đòi hỏi thành thật và lương thiện. Nhưng hoàn toàn hiểu được khi thấy có vài nghi kỵ hay sợ sệt đối với việc đặt niềm tin vào một người khác. Nhất là khi người đó đã là nạn nhân của một sự phản bội và bất lương về phía người thân hay bạn bè hoặc đơn giản là một người nào đó mà họ chọn giữa muôn người để đặt tin tưởng vào.
Vậy thực tế, tin nhau là sao ? đó chính là người nầy tin chắc người kia lương thiện với mình, với những bằng chứng cụ thể, hứa là giữ lời và sẽ không bao giờ bỏ rơi bạn mình, không bao giờ phản bội. Có vài yếu tố liên quan đến việc tin nhau mà chúng ta cần nhớ nằm lòng :
Tin nhau đòi hỏi một cái nhìn thực tế về bản tính con người và chấp nhận trước thương đau. Tin nhau cũng phải có thái độ tha thứ và thái độ nầy được lớn lên trong sự thông cảm và yêu thương.
Đừng đi tìm « công thức phép thuật » để có được lòng tin ngay; nó chỉ lớn lên với thời gian. Kẻ khác là những cá nhân phức tạp rất thường bị tổn thương và những vết thương đó, những lo sợ hay những mất mát của quá khứ có thể bị ảnh hưởng đến việc gây tin tưởng cho người khác. Nhưng những cá nhân đó có khả năng thay đổi và tạo lòng tin nơi kẻ khác bằng chính sự thành thật của mình. Với ơn Chúa, giữa hai tâm hồn nghi kỵ nhau vẫn có thể làm nảy sinh lòng tin tưởng nhau.  
Hãy chỉnh lại cho đúng những mong đợi của chúng ta.
Tôi là một con người, kẻ khác cũng là con người, mỏng dòn, và tội lỗi. Cho nên chúng ta phải học làm cho phát triển trong chúng ta một lòng tin thực tế khi chúng ta nhắm đến một ai đó. Lòng tin lớn dần với tháng năm bởi vì khi chúng ta giao tiếp với ai đó, chúng ta tìm cách hiểu họ, và cùng nhau xây dựng cảm thông.  Từ đó, chúng ta sẽ biết được tính tình của người đối diện, những nhu cầu của họ, những động cơ thúc đẩy cũng như những lo sợ của họ.
Tiếp đến, tình yêu phải vô điều kiện. Tình yêu không điều kiện làm phát triển lòng tin bởi vì khi chúng ta biểu lộ tình yêu loại đó với người khác, tự nhiên họ sẽ cảm thấy là họ được chấp nhận và họ sẽ dễ dàng thừa nhận mình dễ bị tổn thương và sẽ thành thật đối với những cảm tính  riêng của chính mình.Tình yêu vô điều kiện khích lệ sự quý mến mình nơi người khác và làm cho họ an lòng vì thấy mình không bị loại trừ. Kẻ khác đó sẽ thấy mình có thể sống thật với anh em được.Từ từ chúng ta gây được lòng tin nơi họ, không phải vì họ hoàn hảo, nhưng vì họ càng ngày càng sống lương thiện hơn.
Chúng ta cần nhìn vào cái gương.
Chúng ta sẽ không bao giờ trọn lành và vậy thì chúng ta cũng sẽ khám phá ra điều đó nơi người khác, những người mà chúng ta thương mến. Chúng ta có thể hứa không bao giờ nói những lời tiêu cực, không nói những lời không thành thật hay phải luôn luôn giữ lời hứa. Nhưng vì là con người, chúng ta cũng sẽ có những lầm lỗi, cũng có những lần thất hứa. Điều mà chúng ta có thể chấp nhận nơi kẻ khác đó là mong họ lớn lên và cầu xin cho họ có đủ sức mạnh để thay đổi.
Vậy thì làm sao biết được người nào mà mình có thể tin được ? Có thực sự có người đáng được mình tin không ?
Trước hết nên biết rằng không có một công thức phép lạ nào cho mình có niềm tin đúng nhất. Thế nhưng, cũng có vài tiêu chuẩn :
1-      1- Đừng bạ ai cũng tin, nếu không chết không kịp ngáp ;
2-      2- Lòng tin cần có thời gian đủ : biết nhẩn nại với kẻ khác, nghĩa là cần có đủ thời gian để biết họ hơn một chút ;
3-     3- Hãy mở mắt quan sát : nhiều khi có những dấu chỉ nhỏ nhặt mà chúng nói lên nhiều điều ;
4-      4- Phải biết giới hạn những gì cần bộc lộ, vì cũng nên nhớ rằng có thể kẻ đó sẽ dùng những bí mật đó để chống lại mình, như Corneille có viết « quá tin tưởng lôi kéo nguy cơ » ;
5-      5- Phải biết rằng điều bí mật đã được chia sẻ cho người khác thì không còn là một bí mật nữa, vì điều nầy có thể chuẩn bị cho mình trước một sự phản bội.
Sự thật đó là mình không chắc chắn sự chọn lựa của mình cho dù mình có thông minh và rất cảnh giác, nhưng vẫn có thể chọn lựa sai lầm.
Thế nhưng dù sao, lòng tin cũng bắt đầu từ mình và trong cuộc sống phải tập tin tưởng và phản ứng tích cực với hết mọi người để có thể hưởng được những niềm vui của cuộc sống mà đó lại là những phiền nhiễu hàng ngày nầy.
Balzac nói với chúng ta : « Có 3 chướng ngại, bạn đừng cả tin, đừng tầm thường cũng đừng nồng nhiệt ». Cả tin làm giảm sự kính trọng, sự tầm thường làm cho mình bị chê cười, nhiệt thành quá thì làm cớ để người ta khai thác.
Balzac nói thế. Nhưng chúng ta cũng phải bắt chước Đức Giêsu, « dám lội ngược dòng ». Dám « lội ngược dòng » để dám nói cùng Matthêu là một người thu thuế, một người mà chính ai cũng khinh rẻ : « Anh hãy theo Tôi » (Mt 9,9). « Dám lội ngược dòng » để dám chọn những người không học thức, những người đánh cá để rồi luyện họ trở thành những người nền tảng cho Giáo Hội. Chính những người không ra gì đó đã làm đảo lộn cả thế giới : « các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới người như lưới cá » (Mt 4, 19). « Dám lội ngược dòng » để cuối cùng vẫn đi lên núi sọ chịu treo trên thập giá như Đức Giêsu, mặc dù « cảm thấy buồn rầu xao xuyến » (Mt 26, 38), nhưng: « xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha » (Mt 26, 39). « Dám lội ngược dòng » để như Đức Giêsu vẫn gọi người « ăn cùng bàn nhưng giơ gót đạp mình » là bạn : « Này bạn, bạn đến đây làm gì thì cứ làm đi !» (Mt 26,47). « Dám lội ngược dòng » để như Gioan La San dám cống hiến đời mình cho những người trẻ và nhất là những người bị bỏ rơi cho dù nơi trần gian nầy không nhận lãnh được gì bù lại ngoài nụ cười của chúng. « Dám lội ngược dòng » để mãi mãi tin nhau.
Nhật Nhật Tân fsc

0 comments:

Đăng nhận xét