Trong một buổi chia sẻ Phúc Âm của nhóm anh chị em trung niên, người hướng dẫn đọc Phúc Âm theo Thánh Mạc-cô đoạn 3 câu 1-6 và đặt câu hỏi anh chị em thấy có gì khác khác, trước khi Chúa Giêsu chữa người bị bại tay. Sau một vài phút suy nghĩ, một người trả lời : « Chúa Giêsu giận dữ ».
Thật vậy, Thánh Mạc-cô là vị Thánh sử duy nhất nói lên sự giận dữ của Chúa Giêsu : « Đức Giêsu giận dữ, rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng họ chai đá » (Mc 3, 5). Trong khi Thánh Gioan kể lại việc Chúa Giêsu đuổi những người buôn bán trong Đền thờ nhưng không nói ra là Chúa Giêsu giận dữ : « Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ » (Ga 2, 15-16).
Chúng ta cùng nhau tưởng tượng cảnh mà Thánh Mạc-cô thuật lại trong Phúc Âm. Chúa Giêsu chỉ hỏi các người Pharisiêu một câu hết sức đơn giản : « Ngày Sa-bát được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi ? » (Mc 3, 4). Trong cái nhìn từ bi bác ái và suy xét tốt thì đây quả là một câu hỏi khá giản dị, dễ trả lời. Nhưng khi con người có một cái nhìn hẹp hòi, ích kỷ, lệch lạc thì có thể trả lời « không được phép» .
Những người Pharisiêu trả lời làm sao đây ? Họ không có câu trả lời. Thánh Mạc-cô kể lại : « Nhưng họ làm thinh » (Mc 3, 4). Chúng ta thấy dễ dàng lý do tại sao họ làm thinh. Đối với họ, nếu trả lời « được phép » thì đó như một lời nói dối và làm rõ nét sự giả hình của họ. Nhưng nếu nói « không được phép » thì như một lời thú nhận trước công chúng là họ thiếu bác ái. Chúa Giêsu lại đặt họ vào một tình trạng khó xử. Thông thường, họ nói rất nhiều, nhưng lần nầy, họ « làm thinh ».
Điều gì xảy ra sau đó ? Thánh Mạc-cô thuật tiếp theo rằng Chúa Giêsu « giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng họ chai đá », và sau đó, chữa lành cánh tay bại liệt. Nhiều, rất nhiều sự kiện trong Phúc Âm gợi hứng cho các họa sĩ vẽ lên những bức tranh nghệ thuật tuyệt vời, nhưng chủ đề nầy thì chưa thấy « Chúa Giêsu giận dữ rảo mắt nhìn » những người Pharisiêu.
Chắc có lẽ một bức tranh như thế không được nổi tiếng vì khác với hình ảnh một Chúa Giêsu hiền hòa, nhân hậu, nhiệt thành đi khắp miền Galilêa và Giuđêa rao giảng Tin Mừng.
Thế thì tại sao Chúa Giêsu giận dữ ? Một người trong nhóm trả lời : « Tại mấy người đó khờ ». Nhưng ngày hôm nay, Phúc Âm không dùng những từ đó nữa, mà nói « vì lòng họ chai đá », vì họ « đóng cửa lòng » lại.
« Nhân chi sơ tính bổn thiện ». Bản chất con người là tốt. « Mở lòng » là bản chất của con người. Chúng ta hãy nhìn những đứa trẻ rất « mở lòng », luôn sẵn sàng đón nhận và có khả năng học hỏi. Khi càng già không phải luôn luôn thêm tuổi thì thêm khôn ngoan mà lại khác đi vì chính con tim đóng cửa lòng lại khi tuổi đời chồng chất.
Những người Pharisiêu nầy đã mất hết niềm vui, cảm thông và tình yêu đối với đám đông đang đứng trước mặt họ. Họ không còn biết yêu thương là gì. Tình yêu không còn len lõi vào tâm hồn họ được nữa. Họ đã đóng cửa lòng lại. Lòng hận thù, ghen ghét, tính ích kỷ đã đóng kín tâm hồn họ, làm cho họ không còn nhận ra bàn tay của Thiên Chúa qua những phép lạ xãy ra trước mắt họ. Cho nên « ra khỏi đó, nhóm Pharisiêu lập tức bàn tính với phe Hêrôđê, để tìm cách giết Đức Giêsu » (Mc 3, 6). Họ đã tự làm một rào cản làm cho ơn đức tin của Chúa hầu như không thể thấm nhập vào được.
Các Tông đồ thì ngược lại, « mở lòng » đối với những lời mời gọi cấp bách của Thánh Thần, đối với ơn của Thiên Chúa, sẵn sàng yêu thương kẻ khác.
Chúng ta thấy đó, khi hận thù, ghen ghét khép lại thì tình yêu mở ra. Thật vậy, tình yêu là một cánh cửa, nhưng cũng là một loại thương đau, như nhà thần bí Julienne Norwich đã cầu nguyện cho « vết thương của sự cảm thông đích thực ».
Thiên Chúa muốn chúng ta không bao giờ là những rào cản ơn Chúa.
Nhật Nhật Tân, fsc
0 comments:
Đăng nhận xét