14/3/17

Bài Học Từ Lời Chúa - Chúa Nhật 2A Mùa Chay

Biến hình – một hình tượng của đời thánh hiến.Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông.
Dung nhan Người chói lọi như mặt trời,
và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng (Mt 17:1)



Lời Chúa Mt 17:1-9 gợi lên hình tượng Chúa Hiển Dung được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II mô tả trong Tông huấn Về Đời Sống Thánh Hiến (Vita Consecrata) như là một khuôn mẫu cho đời sống thánh hiến, như là hình mẫu để cho người thánh hiến tô vẽ đời mình làm nổi bật sự thánh thiện của đời tu trong thế giới hôm nay.
1. Một cuộc sống “được biến hình”: lời kêu gọi đi đến sự thánh thiện
Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng.
Hiển dung theo cái nhìn của truyền thống tu đức Đông phương là một sự biến đổi từ con người trần tục sang con người thánh thiêng khi bước theo Chúa.
Theo truyền thống Latinh, đời tu được xem như là một đời sống tu thân khắc kỷ, bỏ mình, vác thập giá theo Chúa; nhưng truyền thống Đông phương lại chú trọng đến sự “biến hình”, biến đổi từ con người trần tục sang con người thánh thiêng khi bước theo Chúa. Con đường tu đức không chỉ là con đường khổ chế, mà còn được coi như là cuộc đi tìm cái đẹp. Người tận hiến trải qua kinh nghiệm của ngôn sứ Giêrêmia: “Lạy Chúa, Ngài đã quyến rũ con, và con để cho Ngài quyến rũ” (Gr 20:7) (VC số 19). Người tu sĩ bị thu hút bởi vẻ đẹp của Chúa, say mê chiêm ngưỡng Chúa, ở kề bên Chúa, đàm đạo với Ngài, để rồi phản chiếu dung nhan rạng ngời của Ngài (VC số 27). Đời sống thánh hiến phải được coi như là một cuộc “biến hình,” bước theo Chúa Kitô khiết tịnh, khó nghèo và vâng lời (VC số 14, 16, 18, 22), trở nên “đồng hình đồng dạng” với Chúa Kitô (VC số 16) và tham dự vào mầu nhiệm Thập Giá và Phục Sinh của Ngài (VC số 23 và 24). Hình ảnh Chúa Hiển Dung theo cái nhìn tu đức Đông phương gợi cho ta hiểu rằng, khi ai đó có một sức mạnh thiêng liêng, sức mạnh bên trong, người ấy sẽ “rạng chiếu” ra bên ngoài vẻ đẹp của sự thánh thiêng ấy.
Sự hiển dung làm cho Đức Giêsu trở nên hoàn toàn khác đối với những người xung quanh“dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng.” (Mt 17:2). Một sự khác lạ tràn ngập vinh quang đã làm cho các môn đệ kinh hoàng và ngã xuống (Mt 17:6). Khi con người hé thấy vinh quang của Thiên Chúa, thì luôn kinh nghiệm về sự nhỏ bé của mình và cảm thấy sợ hãi. Đây là nỗi sợ hãi có sức cứu độ, nó nhắc nhở con người nhận chân được sự hoàn thiện của Thiên Chúa và nhận ra tiếng gọi thúc bách gia tăng thêm tình yêu và niềm tin vào Chúa Giêsu, làm “rạng ngời” sự thánh thiện trong đời sống[1], và khỏi hoang mang khi đối mặt với những thập giá thường ngày.
Sống đời thánh hiến là giấc mơ đẹp, một trực giác tốt lành mà Chúa bỗng nhiên soi sáng cho kẻ mà Người muốn chọn. Kể từ đó, con người ấy bước đi theo trực giác đó mà không có cảm tưởng mình đã cầm chắc trong tay. Đó là mầu nhiệm của ơn gọi.
Hướng về sự thánh thiện là bản tóm kết của cuộc đời thánh hiến, khởi điểm của chương trình tập sống thánh thiện là sự kiện phải rời bỏ tất cả để theo Chúa Kitô một cách sát hơn (Mt 4:18-22; 19:21-27; Lc 5:11), không lấy gì làm hơn Chúa Kitô, như thánh Phaolô đã kinh nghiệm: “tôi coi mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi […], nhất là biết được Ngài quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh.” (Pl 3:8.10). Do vậy, đời sống thiêng liêng phải đặt lên hàng đầu của mọi dự tính cộng đoàn và cá nhân của tu sĩ.
2. Tâm trạng của các môn đệ trước biến cố Hiển Dung
Đức Giê-su đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông Giacôbê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao.
 Ba môn đệ được Thầy đưa lên nơi cô tịch, để chứng kiến biến cố biến hình, đời sống thánh hiến cũng được Chúa đưa lên nơi cao, nơi tĩnh lặng. Chỉ trong nơi như thế, Giáo Hội mới có thể chiêm ngắm gương mặt được biến hình của Chúa Giêsu, để củng cố niềm tin và để khỏi hoang mang trước dung nhan bị tan nát của Ngài trên thập giá. Chiêm ngắm khuôn mặt biến hình của Chúa Giêsu tu sĩ sẽ củng cố niềm tin và để khỏi hoang mang trước những đau khổ, thử thách, gian nan trong khi thi hành sứ vụ tông đồ.
Ông Phêrô thưa với Đức Giêsu rằng: "Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia."
Trước vinh quang của Thầy mình và có ông Môsê và Elia hiện ra, Phêrô thật sự hạnh phúc và ông muốn được ở kề bên Chúa mãi, nên xin dựng lều. Người tu sĩ giữa bao công việc tông đồ mỗi ngày, giờ cầu nguyện đưa ta đến gặp Chúa, được ở kề bên Chúa. Chính đó là giây phút hạnh phúc nhất của đời tu. Chính giây phút đó, bao nhiêu ưu tư lo lắng, bao nhiêu mệt mỏi buồn phiền, bao nhiêu đau đớn khổ sở… Chúa Giêsu sẽ làm cho nó trở nên nhẹ nhàng, và làm cho người tu sĩ tìm được bình an và hạnh phúc.
3. Từ Tabor đến Núi Sọ
Và bỗng các ông thấy ông Mô-sê và ông Ê-li-a hiện ra đàm đạo với Người
Chúa Giêsu đàm đạo với Môsê, vị đại diện các nhà lãnh đạo của dân Chúa, và với Êlia, vị đại diện của các ngôn sứ... Giáo Hội mời gọi chúng ta khi chiêm ngắm Chúa Giêsu, chúng ta hãy đón nhận sự hướng dẫn của Giáo Hội, ngang qua các Đấng Bản Quyền, các Bề trên có thẩm quyền, cũng như biết lắng nghe lời dạy bảo của các vị hữu trách, lời góp ý của anh em… nhận ra ý định của Thiên Chúa.
Biến cố Biến Hình chuẩn bị cho biến cố dẫu đau thương nhưng không kém phần vinh quang ở Núi Sọ.
Theo Tin Mừng Luca, Chúa Giêsu và hai ông Môsê và Êlia đàm đạo về “cuộc xuất hành mà Ngài sẽ phải hoàn thành tại Giêrusalem” (Lc 9:43-45) – đó là đi vào con đường thập giá khổ hình.
Các môn đệ được mời gọi không dừng lại nơi vinh quang biến hình mà còn được mời chiêm ngưỡng vinh quang Thập Giá, nơi mà Ngôi Lời đã thinh lặng và cô đơn, nơi mà Đấng Kitô sẽ chiến thắng tội lỗi chúng ta, trong thân xác của Người, để lôi kéo chúng ta lên với Người, ban sự sống mới cho nhân loại[2].
Là tu sĩ, người môn đệ Chúa Kitô, chúng ta được mời gọi không dừng lại trong những vinh quang của thành công, của những lời tán tụng, của sự kính nể…; không dừng lại ở những niềm vui và hạnh phúc của những cuộc lễ tuyên khấn… nhưng ý thức rằng những niềm vui và vinh dự mà Chúa ban cho ta trong dịp này dịp khác là để giúp ta bước theo Chúa mãnh liệt hơn, giúp ta can đảm để vác lấy thập giá mỗi ngày trong phận vụ của chúng ta.
Vinh quang của việc chu toàn bổn phận hàng ngày mới làm cho chúng ta trở nên tuyệt đẹp như Chúa Giêsu, như lời của thánh Âutinh: “Ngôi Lời tuyệt đẹp khi ở trên trời; tuyệt đẹp khi ở dưới đất […]; tuyệt đẹp khi biến hình; tuyệt đẹp khi chịu khổ hình thập giá […]; tuyệt đẹp khi loan báo về sự sống và tuyệt đẹp khi không ngại gì cái chết […]. Bạn đừng để xác thịt yếu ớt quay mặt đi không thấy được vẻ đẹp rực rỡ của Người trong nhiều khía cạnh khác nhau như thế và hãy để cho những nét đẹp ấy thể hiện trong chính cuộc đời bạn.”[3]
4. Lời dạy của Chúa Cha[4]
“… chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông,…
Khi đám mây bao phủ, theo cái nhìn Kinh Thánh là dấu chỉ sự thần hiện. Khi ấy, kẻ được bao phủ trong đám mây sẽ nghe được tiếng Thiên Chúa phán cùng họ. Kẻ ấy chỉ nghe tiếng Chúa mà không thể thấy được dung nhan Người, dầu vậy, kẻ được Thiên Chúa bao phủ bởi đám mây vẫn cảm thấy sợ hãi, một sự sợ hãi của thân phận con người thấp bé đang được Đấng Thánh viếng thăm và mặc khải. Trong sự sợ hãi ấy, người ấy được nghe tiếng Chúa. Ba Tông Đồ trong biến cố Hiển Dung của Chúa Giêsu ở trong trạng thái ấy. Trong đời sống thánh hiến, người tu sĩ cũng không bao giờ được thấy Chúa tỏ tường, những lúc có đám mây che phủ ấy là những biến cố buồn vui xảy đến trong cuộc sống. Bao nhiêu lần ta nghe được tiếng Chúa nói với ta qua các biến cố ấy? Đó là những lần nào? Lời nào?
… … …
Theo nhãn quan của đời thường, đôi khi đám mây kéo đến lại là những tăm tối của đời sống đức tin. Đứng trước những tăm tối của đám mây che phủ ấy, con người cũng sợ hãi, nhưng thường họ không nghe thấy tiếng nói từ trên cao. Những ai vuợt qua khỏi cơn sợ hãi của những đám mây đen này là người phải can đảm, trung thành bám chặt vào Thiên Chúa, ngang qua những việc bổn phận kinh nguyện hàng ngày, mặc dù, khô khan và nguội lạnh… Bạn có trải qua đám mây đen đó chưa? Bạn làm gì để để chuẩn bị cho mình sẳn sàng khi gặp những đám mây đen ấy che phủ?
“…và có tiếng từ đám mây phán rằng: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người! "
Trong cuộc Hiển Dung của Đức Giêsu, tiếng Chúa Cha phán từ trời mà ba môn đệ nghe thấy:“các ngươi hãy vâng nghe Lời Người”, đó là lời mời gọi hãy lắng nghe Đức Kitô, đặt tất cả niềm tin tưởng nơi Người, coi Người là trung tâm của đời mình. Chính do ơn gọi đặc biệt, chúng ta được mời gọi hãy theo Chúa Giêsu, hãy từ bỏ mọi sự mà theo Ngài, và hãy sống trong tình nghĩa thiết với Ngài. Để đáp lại đòi hỏi sâu xa ấy, người môn đệ phải hoán cải và nên thánh thiện[5].
Việc tuyên khấn là một lời xác quyết công khai của chúng ta về điều này, không chỉ sống mối liên hệ cá vị giữa ta với Thiên Chúa mà thôi, mà còn sống tình nghĩa thiết ấy trong tương quan với Giáo Hội, với cộng đoàn, với những kẻ mà chúng ta được trao phó để chăm sóc.
Trong đời thánh hiến, vấn đề không phải là chỉ theo Chúa Kitô với cả con tim, yêu mến Người hơn cả cha mẹ anh chị em (Mt 10:37), nhưng còn sống và diễn tả nó bằng việc hoán cải đời sống mỗi ngày để ngày càng trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài.
Lời của Chúa Cha phán: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!" là lời mời gọi cách riêng cho mỗi người thánh hiến… Hãy vâng nghe Lời Con Yêu Dấu của Người. Lời kêu gọi này chỉ có thể nhận ra được khi người tu sĩ hoán cải các mối quan hệ và trở nên thánh thiện.
4. Một Sự Tin Tưởng Mới Mẻ: “Chỗi dậy đi đừng sợ”
Đức Giêsu lại gần, chạm vào các ông và bảo: "Chỗi dậy đi, đừng sợ!"
Chúa Giêsu đến chạm vào ba Tông Đồ và bảo: “Chỗi dậy đi, đừng sợ.” Chỉ khi cảm nghiệm được có Chúa bên cạnh, được Chúa chạm vào, như các tông đồ, mới hết sợ, mới tìm thấy sự bình an. Cũng như ba Tông Đồ, người tu sĩ đều kinh nghiệm rằng đời sống của chúng ta không phải lúc nào cũng sáng rực và luôn có cảm giác nồng cháy khiến có thể nói: “Lạy Chúa ở đây thật là hay.” (17:4). Tuy nhiên, cuộc sống nhiều nỗi sợ hãi, cuộc đời tu sĩ luôn cần được bàn tay của Chúa Giêsu “chạm đến”, tiếng của Ngài nhắn nhủ, ân sủng của Ngài nâng đỡ[6].
“Chỗi dậy đi, đừng sợ.” Đó là lời khuyến khích của vị Thầy Chí Thánh ngỏ với môn đệ thân yêu của mình. Ngài cũng đang ngỏ lời ấy với tôi, với bạn, những người môn đệ yêu dấu đang bước theo Ngài. Lời ngỏ ấy có giá trị kêu mời tu sĩ “đánh liều mọi sự” vì Thầy của mình là Đức Kitô. Đừng sợ để xuống núi, theo Thầy đi từ đỉnh Tabor đến Núi Sọ và chấp nhận vác lấy thập giá mình.
Đi vào con đường thánh hiến trọn vẹn đời mình cho Chúa, là bước vào một con đường trong đó tu sĩ phải từ bỏ, đón nhận những thử thách, những gian nan, con đường vác thập giá để theo Thầy, nhưng Chúa nói “đừng sợ”, vì đó là con đường hẹp dẫn tới sự sống, là con đường ánh sáng: ánh sáng của Hiển Dung báo trước ánh sáng Phục Sinh; trên con đường ấy, Đấng Mêsia luôn dõi mắt trông nhìn, đưa tay chạm đến và nói: “Chỗi dậy đi, đừng sợ.”
Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Đức Giêsu mà thôi.
Đời sống thánh hiến là sống và thực hiện các bổn phận thường nhật một cách tầm thường, đôi khi phải “lội ngược dòng” trước những trào lưu của xã hội để làm chứng về vinh quang phục sinh ngang qua tử nạn thập giá, nhiều lúc như thế, tu sĩ sẽ không có được người ủng hộ, không có người đồng hành… họ có cảm giác cô đơn, đôi khi có cảm giác bị bỏ rơi… Chiêm ngắm biến cố Biến Hình, Lời Chúa mời gọi tu sĩ biết ngước nhìn lên Chúa Giêsu, chỉ thấy một mình Ngài thôi là đủ, sống theo Lời Ngài là đủ… và tu sĩ sẽ cảm nghiệm được lời của Vịnh gia: “dầu cha mẹ có bỏ con đi nữa thì hãy còn có Chúa đón nhận con.”

Lạy Chúa đã đã quyến rũ con và con đã để cho mình bị Ngài quyến rũ. Hình tưởng Chúa hiển dung mời gọi con biến đổi: biến đổi con người tầm thường để nên thánh thiện trong từng ngày. Biến đổi đòi con phải sửa đổi: sửa đổi những thói quen chưa tốt, những lầm lạc xưa nay trong quan niệm sống, trong cách hành xử. Sửa đổi đòi con phải biết khiêm tốn nhận ra mình sai lỗi, nhận biết mình là kẻ tội lỗi và đừng sợ thay đổi, đừng sợ để cho Chúa chạm đến. Xin cho con biết để cho Chúa dẫn lên ngọn núi cao hàng ngày qua các giờ kinh nguyện và suy ngẫm. Xin cho con can đảm bước “xuống núi” đảm nhận thập giá mình hàng ngày và can đảm lội ngược dòng với những trào lưu thế tục vì tiin tưởng rằng vinh quang phục sinh đang chờ chúng con ở cuối đường...


[1] VC số 35
[2] VC số 24
[3] VC số 25
[4] VC số 16
[5] VC số 35
[6] VC số 40



Hoa Hạ FSC