7/9/14

Hãy xem anh chị em đó như người ngoại, người thu thuế

Chia sẻ Lời Chúa - Chúa nhật 23 thường niên năm A
Các bài đọc: Ez 33.7-9; Thánh Vịnh 94; Rm. 13.8-10; Mt 18.15-20
Mời quý vị đọc bài chia sẻ của Sư huynh Vincent Quân FSC


“Hãy xem anh chị em đó như người ngoại, người thu thuế”

Thường khi tôi đọc một đoạn Kinh Thánh, là tôi đang đọc theo một khuôn mẫu, một hệ thống, một hệ quy chiếu nào đó…vốn đa phần có nguồn gốc từ truyền thống mang tính văn hoá, hay cơ cấu, hay các tín điều. Và do đó, Lời Chúa trở nên quá quen thụôc và không có gì nói thêm với tôi. Việc đọc bản văn theo phương pháp “deconstruction”- tạm dịch, phi cấu trúc- là một trong các phương pháp văn chương, để bản văn tự nó lên tiếng, và giúp để cho Lời Chúa thách đố tôi. Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay là một mẫu hình tốt để minh hoạ hiện tượng này nơi tôi.

Từ lâu tôi vẫn đọc câu 18.17-18 như một công thức luật, hợp pháp hoá quy trình “tuyệt thông.” Hôm nay bỗng nhiên tôi cắc cớ hỏi, lạy Chúa Giê Su, thế với những tên “người ngoại,” từ bỏ cộng đoàn đó, thì Chúa sẽ làm gì? Câu trả lời đến bất ngờ: hãy loan báo lại Tin Mừng cho hắn, hãy làm cho hắn trở lại thành môn đệ (Mt 28.19-20)! Hơi ngỡ ngàng, tôi hỏi tiếp, thế với những tên “thu thuế” ác ôn với cộng đoàn đó, Chúa sẽ làm gì? Câu trả lời cũng bất ngờ: hãy đi ăn uống với nó, đồng bàn với nó (Mt 9.10-11)! Dường như thấy tôi chưa thấm, Chúa Giê Su “bồi” thêm: “Con nghĩ sao? Nếu một người có một trăm con chiên…” Và Chúa kết luận: “Cha các con Đấng ngự trên trời không hề có ý để mặc hư đi một người nào trong các kẻ nhỏ này” (18.12-14). Thiên Chúa không hề có ý định đó, Matthew thật tinh tế để câu này của Chúa Giê Su lên trước bản văn “tuyệt thông,” thế mà lâu nay tôi không nhận ra.

Từ đó, bỗng nhiên các câu sau mang một ý nghĩa khác. Chúa Giê Su nghiêm khắc cảnh cáo tôi, nếu tôi muốn được Thiên Chúa “tháo cởi” cho tôi sau này thì tôi phải “tháo cởi” ngay bây giờ với anh chị em tôi (câu 18). Tôi nhớ Luca minh hoạ điều này: tôi đong anh em tôi đấu nào thì Thiên Chúa sẽ đong lại với tôi đấu đó (Lc 6.38). Vì thế Kinh Lạy Cha nhắc tôi, tôi chỉ có thể xin tha thứ - giao hoà- với Thiên Chúa một khi tôi đã giao hoà được với anh chị em tôi (Mt 6.12).

Tôi, độc giả hay thính giả của bài giảng Chúa Nhật - như người đi dạo cuối tuần trong khu vườn của nhà mình – thích ngắm nghía những bài suy niệm quen thuộc, lặp đi lặp lại cùng một điểm giáo lý đã thụôc lòng, cùng một cách suy tư với những từ ngữ và hình ảnh đã biết. Tôi không thích phải bối rối và phân vân như Herod Antipas với lời của Gioan Tẩy Giả, hay phải xao xuyến và suy tính trong lòng trước lời của thần sứ như Mẹ Maria.

Lời Chúa thật sự thì gây phiền toái (x. Lc 12.49,51).

Suy tư: Chúa Giê Su nói, nếu chúng ta không đồng tâm hiệp ý với nhau, thì có cầu nguyện cũng vô ích (câu 19). Không có Thiên Chúa trong cộng đoàn, nếu bất đồng ý kiến. Đời sống gia đình/ cộng đoàn không phải là một chuỗi các chứng minh đúng-sai, thắng- thua. Đôi khi ta phải chịu thiệt thòi, chịu bị xúc phạm, chịu nhục tí chút, để giữ anh chị em mình (18.22). Đáp ca hôm nay nói: nếu hôm nay tôi nghe tiếng Chúa, thì đừng cứng lòng (Thánh Vịnh 94).

Vincent Quân FSC

0 comments:

Đăng nhận xét