24/8/14

“Con là Đá”....nhưng đá nào?

Chia sẻ Lời Chúa - Chúa nhật 21 thường niên năm A
.Các bài đọc: Isa. 22.19-23; Tv138, Rm. 11.33-36; Mt 16.13-20
Mời quý vị đọc bài chia sẻ của Sư huynh Vincent Quân FSC
“Con là Đá”....nhưng đá nào?

Chúng ta lặp lại lời nói này của Chúa Giê Su trong các buổi Chầu Thánh Thể mỗi chiều Chúa Nhật để cầu nguyện cho Đức Thánh Cha. “Này con là Đá. Trên viên đá này Cha xây Giáo Hội muôn đời vinh quang….” Đoạn Tin Mừng Mt 16. 18 này được hiểu theo nghĩa văn tự: thánh Phêrô là nền tảng của Giáo Hội tương lai của Chúa Giê Su, là “tảng đá kiên vững của Giáo Hội,” nhờ câu tuyên xưng lòng tin của mình vào căn tính thật sự của Người (x. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 552).

Là một người được sinh ra và lớn lên trong truyền thống Công Giáo Rôma, tôi không hề hồ nghi về chân lý này. Nhưng về mặt Kinh Thánh, đoạn văn buộc tôi phải đối diện với một số câu hỏi. Liệu Thiên Chúa có cần phải tìm kiếm và chờ đợi một “hòn đá tảng” nơi một con người để xây dựng một dân mới của Ngài (kiểu như “A may quá, Ta có Phêrô đây rồi!”)? Và trong bối cảnh đó, Lời Chúa nói gì với đời sống của tôi, với cộng đoàn của tôi qua đoạn văn, mà theo truyền thống chỉ được quan tâm đến góc độ giáo hội học, nghĩa là, khẳng định vai trò hàng đầu của thánh Phêrô và các người kế vị ngài?

Câu hỏi được nêu có cơ sở của nó. Nói đến thánh Phêrô tôi nhớ ngay đến sự kiện “chối Chúa ba lần” (Mt 26.69-75). Thật khó để nói rằng trong các Tin Mừng, thánh Phêrô - hay bất cứ một tông đồ nào- được thể hiện là mẫu gương của một đức tin kiên vững. Trước đó, dù có kinh nghiệm một lần được đi trên mặt nước, Phêrô vẫn bị Chúa Giê Su trách là “đức tin nhỏ” (14.31). Ngay cả trong đoạn văn này, thánh Phêrô cũng chẳng phải là hòn đá vững chắc gì. Tiếp tục đọc Matthew 16, chỉ vài câu tiếp theo, tôi thấy Chúa Giê Su quở mắng Phêrô vì đã tìm cách cản trở sứ vụ của Người (16.23). “Anh cản lối Thầy,” Thánh Phêrô có vẻ giống như “viên đá cản đường” Chúa Giê Su hơn là “đá tảng”!

Vả lại, không thể nói Chúa Giê Su gọi Phêrô là “đá tảng” như là phần thưởng cho lời tuyên xưng của ông. Chỉ có Matthew để cho Chúa Giê Su giải thích. Phêrô được chúc lành không phải vì như thể ông vừa đạt được một sự giác ngộ hay một nhận thức bừng tỉnh nào của lòng tin của riêng ông (nghĩa đen, “máu và thịt”, xác phàm), nhưng vì ông vừa nhận một mạc khải – một quà tặng của Thiên Chúa Cha (16.17). Vâng, trước đó Chúa Giê Su đã tạ ơn Chúa Cha vì Ngài chỉ “mạc khải cho những kẻ bé mọn” (Mt 11.25; xem Phaolô 1 Cor 12.3: chỉ những ai ở trong thần khí mới có thể gọi Giê Su là Chúa).

Hơn nữa, Matthew, như mọi người Do thái giáo khác, đều thuộc lòng Kinh Thánh. Và họ đều biết rằng, chính Thiên Chúa là Đá Tảng (x. Đnl 32.4; 32.18). Vua David đã nói qua thánh vịnh: “Ai là đá tảng ngoại trừ Chúa chúng ta?” (Tv 18.31). Bà Hanna với bài ca bất hủ cũng tuyên xưng rằng, “Không có Đấng Thánh nào như Ngài….không đá tảng nào như Thiên Chúa ta thờ” (1 Sm 2.2).

Với Matthew cũng như các tác giả Nhất Lãm, không nghi ngờ gì, Chúa Giê Su Kitô mới chính là “hòn đá tảng góc tường” (Mt 21.42). Thánh Phaolô làm rõ điều này. Bất luận chúng ta giữ vai trò nào trong Giáo Hội, thì “không ai có thể đặt nền móng nào khác ngoài nền móng đã đặt sẵn là Chúa Kitô” (1 Cor 3.11). Nơi khác, thánh nhân phân định rõ vị trí của các tông đồ trong Giáo Hội (“nền móng”) với Chúa Giê Su (“đá tảng”): “Vậy anh em không còn phải là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các thánh, và là người nhà của Thiên Chúa, bởi đã được xây dựng trên nền móng là các Tông Ðồ và ngôn sứ, còn đá tảng góc tường là chính Ðức Kitô Giêsu” (Ep 2.19-20).

Nhưng Chúa Giê Su thực sự có nói Phêrô là “đá” (petros, viên đá, hòn đá) và khẳng định là trên “đá tảng” này (petras, tảng đá), Ngài sẽ xây Giáo Hội của Ngài. Rõ ràng Chúa Giê Su chơi chữ: Ngài đi từ tên của Phêrô để đi đến một biểu tượng khác.

Nữ thần học gia Elizabeth Johnson cho rằng “đá tảng” là ẩn dụ của riêng Matthew với các độc giả của cộng đoàn ông – và cũng như chúng ta- vốn quá bíết sự yếu đuối và vấp ngã của Phêrô, cũng như biết rõ sự khiêm tốn và can đảm trở lại của ông. Chính trên một lòng tin, trên một kiểu “nền móng” như thế mà Chúa Giê Su sẽ xây dựng Giáo Hội Người. Vâng, nếu đọc như thế sẽ soi sáng thêm câu kế tiếp của Chúa Giê Su. Chính trên mẫu người của Phêrô, cái đá tảng này, mà mọi sức mạnh của ác thần không thể nào khuất phục được. Một nghịch lý! Vâng, vì Chúa Giê Su nói, tư tưởng của Thiên Chúa khác với tư tưởng con người (16.23). Thánh Phaolô giải thích rõ hơn: “Những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để hủy diệt những gì hiện có, hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Người” (1 Cor 1.28-29).

Vậy, nếu có là biểu tượng cho người môn đệ mọi thời, thì hơn ai hết, thánh Phêrô là biểu tượng cho tính mỏng dòn của thân phận người cùng với lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa. Tin Mừng Gioan nhấn mạnh điều này qua đoạn đối thoại cảm động của Chúa Giê Su với thánh Phêrô bên bờ hồ (x. Ga 21. 15-17), và Chúa Giê Su trong Luca thì dặn dò Phêrô: “phần anh, một khi trở lại, hãy củng cố lòng tin của anh em” (Lc 22.32).

Sứ vụ “đá tảng” của Phêrô, và của Giáo Hội, nếu có gì liên hệ được với đời tôi, đó chỉ có thể là “sứ vụ từ kinh nghiệm của vấp ngã và của lòng thương cảm” (chữ của Đức Phanxicô I).

Câu hỏi suy tư: Đâu là nền tảng của cách tôi thể hiện nhiệm vụ trên cộng đoàn, trên các học sinh tôi được giao phó trong năm nay? Các anh em, các học sinh, các thầy cô nhân viên trong trường sẽ tìm được nơi tôi loại “đá tảng” nào?
Thư mục: Elizabeth Johnson, Who Do You Say that I Am? : Introducing Contemporary Christology (Cluster Publications, 1997); Eugene Boring, The Gospel of Matthew trong The New Interpreter’s Bible, vol. VIII (Abingdon Press: Nasville, 1995).

Vincent Quân FSC

0 comments:

Đăng nhận xét