3/8/13

Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống..


Xem hình

Chia sẻ Lời Chúa ngày Chúa Nhậ ( CN 18 TN C) - Toàn bộ phần hành trình lên Giêrusalem tập trung vào việc thế nào là làm môn đệ. Luke vừa mới cho thấy giáo huấn của Chúa Giê Su về việc đối diện với cấm cách không sợ hãi. Mời quý vị cùng Sư huynh Vincent Quân đọc khám phá Lời Chúa trong Chúa nhật 18 TN C.
Chúa Nhật 18 TN C

Bài đọc: Giảng Viên 1.2, 2.21-23; Tv 90; Colose 3.1-5, 9-11; Luke 12.13-21

Chủ đề: “Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống,

ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan…”

Toàn bộ phần hành trình lên Giêrusalem tập trung vào việc thế nào là làm môn đệ. Luke vừa mới cho thấy giáo huấn của Chúa Giê Su về việc đối diện với cấm cách không sợ hãi. Bây giờ Luke cảnh báo về việc tìm nương tựa trên sự sở hữu, một chủ đề ông thường đề cập. Bài giáo huấn được khởi đầu bởi một câu hỏi từ một người trong đám đông vốn đang yên lặng hiện diện khi Chúa Giê Su nói riêng với các môn đệ (12.1). Thoạt nhìn, câu hỏi có vẻ lạc điệu với bài giảng đang diễn ra, khi đột nhiên xin Chúa Giê Su phân xử một vụ tranh cãi trong việc phân chia gia sản (12.13). Nhưng dù người hỏi có “giả điếc” hay là do không nắm được tính nghiêm trọng của sứ điệp của Chúa Giê Su, Luke cũng dàn xếp để ý tưởng của Ngài được liên tục. Thật vậy, nếu các môn đệ được gọi “đừng sợ” trước các đe doạ đến mạng sống, thì họ càng không nên sợ hãi trước cái ám ảnh về sự an toàn của đời sống qua việc sở hữu. Trên hết tất cả, đừng sợ hãi là điểm nhấn cho một môn-đệ-tính đích thực, “vì Cha đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em” (12.32).

Luke cho thấy sở hữu là một biểu tượng cho sự lo âu hiện sinh của hiện hữu người. Người ta cho rằng đời sống thì mỏng manh và phù du nên phải tìm sự bảo đảm nơi sự sở hữu và thành đạt, ngay cả khi những thứ sở hữu và thành đạt đó còn phù du hơn cả chính đời sống (bài đọc 1). Dụ ngôn người phú hộ ngu xuẩn được diễn tả như một dụ ngôn gây sốc nhất trong các dụ ngôn của Tin Mừng: kết cục buồn thảm ập đến nhanh chóng và tuyệt đối. Luke có vẻ như xây dựng dụ ngôn trên một ý tưởng từ văn chương Khôn Ngoan của Cựu Ước, minh họa một đoạn của Huấn Ca 11.18-20:

Có kẻ giàu vì vun quén và keo kiệt

Và đây là phần thưởng của nó:

Khi nó nói: “Tôi đã tìm được an nhàn

Của tôi làm ra, bây giờ tôi hưởng,”

Thì nó đâu biết thời gian mình sống còn bao lâu

Nó sẽ bỏ của cải lại cho người khác và sẽ chết.

Điều khác biệt cơ bản là, khác với văn chương khôn ngoan Do thái, vốn xem cái chết là lý do chung cuộc cho sự phê phán tính hư vô của của cải vật chất (bài đọc 1), Đức Giê Su của Luke gọi người phú hộ là “ngốc”, không phải vì khi chết thì trắng tay, (một lối giải thích lời của Chúa Giê Su mang tính cynicism-yếm thế, mà xét cho cùng như vậy Chúa Giê Su dạy đâu có gì mới hơn các triết gia Hy Lạp!) nhưng bởi vì ông phú hộ tin rằng đời sống (“hồn tôi ơi!”) của ông ta sẽ được đảm bảo lâu dài (“nhiều năm”) bởi số thóc lúa và của cải dễ hư nát mà ông đang phải đau đầu tính toán xây cất kho bãi kia! Nói cách khác, ông phú hộ “tin” rằng số của cải đó như là “thần thánh” với vận mạng ông ta. Hơn nữa, ông phú hộ ngốc vì cho rằng ông toàn quyền điều hành cuộc đời ông: cuộc độc thoại quy ngã với tám lần nói về mình chỉ trong 2 câu! Ông quên rằng Thiên Chúa mới là Đấng lo cho cuộc đời ông, Đấng ban cho và có thể đòi lấy lại “nội đêm nay”. Đó là người thờ lạy ngẫu tượng theo như Tv 14.1: kẻ ngu si là người tự nhủ rằng, không có Thiên Chúa! Và tương tự với bài đọc 2: tham lam cũng là thờ ngẫu tượng (Col 3.5).

Làm sao để được gọi là “khôn”. Lưu ý rằng Chúa Giê Su không bảo ông phú hộ hãy từ bỏ tất cả hoa lợi ruộng đồng kia để sống nghèo đói (Hoa màu từ ruộng đất là dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa trong đất mà Ngài hứa ban, xem Đnl 7.12-14; 8.7-10). Chúa Giê Su chỉ nói, hãy làm giàu cho Thiên Chúa thay vì tích của cải cho riêng mình. Thế nào là “làm giàu cho Thiên Chúa”, như các dụ ngôn khác, Luke dành câu giải thích cho người đọc. Thánh Phaolô thì giải thích ở một mức độ cao hơn. Đó là sống như Đức Kitô. Thánh nhân cảnh báo đừng để bị cầm tù bởi các điều phù vân, và cổ vũ chúng ta “tìm kiếm những gì trên thượng giới”- nghĩa là, nhận ra đâu là mục đích tinh thần tối hậu của đời sống. Chúng ta đang sống đời sống mới với Đức Kitô, và con người mà ta đang trở thành là điều duy nhất ta sẽ đem đi với ta. Nếu ta muốn được ở cùng với Đức Kitô, ta phải sống giống như Người (Col 3.1-3). Về điều này chúng ta có thể thêm vào câu của Thánh Vịnh đáp ca: “Xin dạy chúng con biết sự ngắn ngủi của đời sống, để tâm hồn chúng con được khôn ngoan..” (Tv 90.12). Và chúng ta có thể vui mừng với câu Tung Hô Tin Mừng: “Hạnh phúc thay cho người có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”.

Sứ điệp ở đây càng mạnh mẽ hơn do sự xếp đặt của Luke liên tục từ 12.1 đến 12.34. Không phải là triết lý khắc kỷ, nhưng là thực tại cho cộng đoàn của Luke: con người có xu hướng sẽ nắm giữ chặt hơn những gì đang sở hữu khi có sự đe dọa đến mạng sống. Giáo huấn về việc đừng lo sợ khi đối diện với cấm cách và lời dạy đừng lo lắng về việc sở hữu đều là hai mặt của cùng chung một vấn đề đâu là nền tảng của cuộc đời người Kitô hữu. Và rất là thách đố cho người môn đệ.

Suy tư

1.       Các nhân vật dụ ngôn của Luke thường hay làm cái mà bây giờ người ta gọi là sự hồi tâm. Tùy theo cách làm phút hồi tâm, có người được giải thoát (đứa con thứ trong dụ ngôn Người Cha Nhân Lành), có người được Chúa khen khôn ngoan (dụ ngôn người quản gia bất lương). Ông phú hộ cũng làm phút hồi tâm. Nhưng bị Chúa chê “ngốc”. Điều gì, nỗi bận tâm gì, đang chiếm ngự phút hồi tâm của tôi hiện nay, mỗi ngày?

2.       Sự sợ hãi được loại bỏ khi giác ngộ rằng đời sống là một quà tặng, rằng hiện hữu là một quà tặng vượt quá sự quản lý của con người. Lúc đó con người sẽ được tự do (Đạt Lai Lạt Ma).

3.       Các quốc gia nghèo đang bị cuốn theo cơn lốc điên cuồng của “sự phát triển”. Nhưng hiện nay thế giới đã bắt đầu nhận thấy chỉ số GDP không còn là tiêu chí đánh giá đời sống của người dân trong một quốc gia. Một cái cây bị đốn hạ, GDP tăng! Một tai nạn giao thông, GDP cũng tăng! Nói như Robert Kennedy, “GDP đo lường được mọi thứ, tóm lại, ngoại trừ những điều làm cho đời sống trở nên đáng sống”. Người ta đề nghị một “chỉ số hạnh phúc” WHI (World Happy Index). Tóm tắt: đó là nơi con người có thể sống hòa bình, an toàn, một cách tự do và dân chủ, nơi mà quyền của mỗi người được tôn trọng, nơi mà con người được học hành, giáo dục, trao đổi và đối thoại, noi con người sống không chỉ vì mình nhưng còn vì người bên cạnh (www.beyond-gdp.eu). Đâu là “chỉ số hạnh phúc” của cá nhân tôi năm nay. Của gia đình tôi. Của cộng đoàn tôi.

Thư mục: Luke Timothy Johnson, The Gospel of Luke (Sacra Pagina, Liturgical Press, 1991)



Vincent Quân FSC

0 comments:

Đăng nhận xét