31/7/13

Đôi dòng về các họ đạo Nhị Mai Tiên Đông

Xem hình

Ngày 11.7.2013, lần đầu tiên chúng tôi đặt chân TGM Bắc Ninh, sau một đêm nghỉ trọ tại TT Mục Vụ TGM Bắc Ninh, sáng ngày 12.7.2013, chúng tôi (tôi và một Sư huynh Học Viện) được đưa đến phục vụ tại một vùng đất thuộc tỉnh Bắc Giang, thuộc giáo phận Bắc Ninh. Đó là một khu vực mà linh mục phụ trách gọi là Nhị Mai – Tiên – Đồng.

Đây là bốn họ đạo Mai Đình, Mai Thượng, Tiên Sơn và Đồng Công. Hai họ đạo Mai Đình và Mai Thượng thuộc xã Mai Đình và hai họ đạo Tiên Sơn và Đồng Công thuộc xã Hương Lâm, hai xã này là hai xã giáp ranh giữa ba tỉnh Bắc Giang – Bắc Ninh – Hà Nội được ngăn cách bởi ngã ba của dòng Sông Cầu. Bên Bắc Giang là huyện Hiệp Hòa, phía Bắc Ninh là huyện Yên Phong, mạn Hà Nội là huyện Sóc Sơn. Dân chúng ở đây thường nói, nơi đây một con gà gáy ba tỉnh đều nghe.
Từ hơn một năm nay, bốn họ đạo này tách ra từ giáo xứ Ngọ Xá, một giáo xứ hơn 100 năm thành lập bao gồm các họ đạo Ngọ xá, Ngọc Liễn, Mai Thượng, Mai Đình, Tiên Sơn, Đồng Công, Hược Lâm, Đông Lâm, tất cả các họ đạo đều nằm trong địa bàn huyện Hiệp Hòa Tỉnh Bắc Giang. Bốn họ đạo này đến nay vẫn chưa nâng lên thành giáo xứ, đang được Linh mục Thành phụ trách, hàng tuần, ngài từ TGM Bắc Ninh, đến dâng thánh lễ vào ngày thứ Bảy và Chúa nhật, cũng như giải quyết các vấn đề hành chánh trong bốn họ đạo này.
   
 
Đây là vùng giáp ranh ba tỉnh nên dân chúng rất quê mùa và khó khăn, nhà cửa được xây dựng theo kiểu “thành quốc”, mỗi gia đình có bờ tường gạnh cao, cổng có mái và cửa cổng rất kín đáo. đời sống kinh tế chủ yếu nhờ vào nghề trồng lúa và đi ghe dọc sông Cầu. Vài năm lại đây có phát triển nghề mộc, làm đồ gỗ xuất khẩu sang Trung Quốc, một số gia đình có người làm nghề thì kinh tế cũng khá lên. Hầu hết dân chúng sống theo thời vụ, do vậy đời sống đạo cũng theo thời vụ luôn. Cha Thành chia sẻ: Vào mùa cấy, 7g30 tối là thánh lễ chiều thứ Bảy, nhưng phải đến 8g00 hoặc 8g30 tối mới dâng lễ được…!

 
 
Dân chúng sống rất mộc mạc và hiếu khách, và đó là niềm vui và hạnh phúc của tôi khi nhận được nơi người nghèo lòng biết ơn... rất chân thành. Những ngày đầu tôi đến họ đạo Tiên Sơn, dân họ (lối nói chỉ những giáo dân trong họ đạo) rất quý mến, và vì không có nhà xứ, tôi ở tại một nhà giáo lý, không có ai lo cơm nước, ngay cả phòng tắm và nhà vệ sinh cũng phải đi nhờ nhà bên cạnh, nên dân họ thay nhau mời cơm. Họ rước thầy về nhà xơi cơm trước cả giờ đồng hồ để chuyện vãn với gia đình, và sau bữa cơm lại mời thầy dùng bát nước chè. Dùng cơm gia đình những gia chủ do lòng hiếu khách và quý trọng các đấng bậc, nên trước khi ăn khách cũng được mời dùng cốc rượu, truyền thống uống rượu của dân họ vùng này là ai muốn “vào tẻ” (tức là muốn ăn cơm) thì phải nâng cốc “cả nhà vui vẻ” mới được vào, khi “ra tẻ” (ngưng ăn cơm) cũng lại “cả nhà vui vẻ”, tôi không có thói quen ấy nên rất thường được các cụ hay các bác nhắc nhở… thật thân tình… Cười trừ thôi!
 
 
Những ngày của tuần tiếp theo, tôi đã đề nghị với ông trùm họ cho tôi ở nhà ăn để có thời giờ nghỉ ngôi và chuẩn bị các bài dạy, không biết ông trùm thông báo thế nào, ngay sang hôm sau, tôi sau khi đọc kinh sáng từ nhà thờ về, tôi thấy nơi cửa sổ có mấy túi nilon gạo, mỗi túi ước chừng 1kg hoặc 1,5kg gạo… đang băn khoăn thì có một bà đến gặp tôi nói: Con nghe ông trùm báo là thầy sẽ làm cơm ăn chứ không đi ăn nhà dân họ nữa, con gửi thầy 50.000Đ để thầy mua rau mua mắm, hôm sau lại có như vậy… Cho đến ngày tôi sắp rời họ đạo thì gạo cũng vẫn còn được mang đến từng túi nilon như thế. Tình cảm dân họ miền quê miền Trung Du Bắc Bộ này là thế. Thật sự cảm động. Chưa hết, trong cả họ đạo chỉ có một nhà bán đủ mọi thứ từ rau quả đến thịt mắm. Muốn đi đến chợ gần nhất mất 4km, nhưng chợ chỉ là mấy gian hàng, còn lại là dân họ người mang mớ cá, mới rau, mớ củ đến bán và họp thành chợ vào các buổi sáng sớm và chiều tối. Muốn mua các đồ dùng và hàng hóa phải đi lên chợ huyện cách các họ đạo này đến 9km. Một lần tôi muốn đi, hỏi đường và mượn xe, từ người lớn đến các bạn trẻ GLV chẳng ai chịu để cho tôi tự đi, họ cắt cử người lấy xe máy chở tôi đi. Điều này làm tôi nhớ đến việc ngày xưa các Cố Tây đến các làng mạc Việt Nam để loan báo Tin Mừng, sử sách ghi lại cho thấy các ngài luôn được giáo dân rước đến và đưa đi…! Ngày chia tay, khi được hỏi có cảm nghĩ gì, tôi đã chia sẻ với các GLV của các họ đạo hai ấn tượng tình cảm thật đẹp này.
 
Tại đây, chương trình làm việc trong 10 ngày, hàng ngày buổi sáng (8g00 – 10g30) và chiều (3g00 – 4g30) có lớp GLV dạy chương trình giáo lý phổ thông; và buổi tối (8g00 – 10g00) chia sẻ cho các GLV dạy GL Hôn nhân... Trong ba ngày đầu có một Sư huynh Trẻ giúp tôi chia sẻ với GLV trẻ. Còn lại suốt tuần sau đó, khi Sư huynh phải trở lại Thanh Hóa để phục vụ chương trình Ôn Tập Văn Hóa Hè tại giáo xứ Thái Yên, huyện Nông Cống, thì tôi làm việc liên tục từ sáng đến tối. Hàng ngày không có thánh lễ, nên tôi cùng đọc kinh phụng vụ chung với hội dòng Ba Đaminh, giờ kinh bắt đầu từ lúc 4g15. Trong suốt tuần này, ngoài việc giúp GLV, hai buổi trưa (giờ rãnh rỗi của các dân họ (13g15 – 14g00) tôi được mời chia sẻ với các hội dòng Ba của họ đạo Tiên Sơn và buổi khác tại họ đạo Mai Thượng. Trong hai Chúa nhật, tôi cũng được linh mục phụ trách mời chia sẻ với dân họ thuộc 4 họ đạo về các đề tài liên quan đến đời sống gia đình và cộng đồng.
Trong 10 ngày, chúng tôi cố gắng để giúp GLV có những hiểu biết về các chân lý đức tin được trình bày trong giáo lý GHCG phần thứ 1, các GLV cũng đặt ra những thắc mắc họ gặp phải khi dạy giáo lý về các nội dung như Thiên Chúa Ba Ngôi, Tội Tổ Tông truyền, về sự biến thể của Mình Thánh Chúa, về mầu nhiệm Nhập Thể, về tình trang nhân tính của Chúa Kitô sau phục sinh, về thiên đàng hỏa ngục, về sự sống đời sau… Vấn đề là làm sao để có thể giúp cho những người sống với đạo đức bình dân có thể hiểu phần nào các chân lý đức tin…

 
 
 
Đời sống đạo của dân họ thì có truyền thống, nhưng không sâu sắc vì thiếu kiến thức về giáo lý. Kinh kệ tối sáng và đi làm đồng suốt ngày, lại thêm suốt hàng mấy chục năm, trải qua vài thế hệ sống trong thời cấm cách, nên dân họ chỉ còn biết kinh kệ, nhiều người do nhiều lý do từ phía xã hội đã ngại đến nhà thờ, lâu thành thói quen không coi đó là một nhu cầu của đời sống tâm linh… có người chẳng thấy cần thiết đi tham dự thánh lễ Chúa nhật, ngay cả việc họ cũng chẳng thấy đó là một tội. Trong việc tổ chức họ đạo, cũng bởi ảnh hưởng bởi một xã hội anh không cùng lý tưởng quan điểm thì không còn là “đồng chí” của tôi, nên như lời kể lại của linh mục phụ trách và của các cụ trùm, có những thời điểm do bất đồng trong việc xây dựng hay tổ chức họ đạo, dân họ đã chia bè kéo cánh và gây ra xung đột… Họ còn muốn xem cha phụ trách thuộc về phe nào…!!! Vị linh mục phụ trách đương nhiệm đã vất vả suốt hơn năm nay để hướng dẫn họ về đời sống yêu thương và cố gắng để hàn gắn những vết thương trong các họ đạo…
Chia tay với các họ đạo miền Trung Du Bắc Bộ, tôi cầu chúc cho các họ đạo có được vị chủ chăn để chăm sóc đời sống thiêng liêng và hướng dẫn đời sống nhân văn cho dân họ. Cầu chúc cho dân họ nhận được những sự quan tâm của các cấp chính quyền để kinh tế được phát triển, đời sống ngày càng thêm văn minh hơn.


Giuse Lê Văn Phượng FSC

0 comments:

Đăng nhận xét