Chia sẻ Lời Chúa ngày Chúa nhật (CN 16 TN C): câu chuyện của Martha và
Mary đón tiếp Chúa Giê Su thường được dùng minh họa cho chủ đề “thái độ
thích hợp của môn đệ”
Mời quý vị cùng đi tìm ý nghĩa Lời Chúa trong các bài đọc Tin Mừng ngày Chúa nhật
Mời quý vị cùng đi tìm ý nghĩa Lời Chúa trong các bài đọc Tin Mừng ngày Chúa nhật
Chúa Nhật 16 Mùa TN C
St 18:1-10a; Tv 15; Col 1:24-28; Luke 10:38-42
Chủ đề: “Martha, Martha ơi! Chị lo lắng
và rối trí bởi nhiều thứ!”
Câu chuyện của
Martha và Mary đón tiếp Chúa Giê Su thường được dùng minh họa cho chủ đề “thái
độ thích hợp của môn đệ” (ngồi dưới chân- lắng nghe Lời). Hoặc thậm chí, nó đôi
khi được dùng để cổ súy cho kiểu suy tư đối lập giữa “hoạt động” (Martha) và
chiêm niệm-cầu nguyện (Mary). Nhưng có một chủ đề khác chạy xuyên suốt cả
3 bài đọc Giáo Hội chọn hôm nay: lòng
hiếu khách (bài đọc 2: thái độ phục vụ, ở đây là phục vụ Giáo Hội).
Lòng hiếu khách,
philoxenia, nghĩa đen: “tử tế với người lạ” là một định chế xã hội của
thế giới cổ đại, điều đó được thể chế hóa trong Torah (xem Xh 23.9). Theo sách
Talmud, “tiếp đón một khách qua đường thì còn lớn hơn là thờ lạy sự hiện
diện của Shechinah”[1].
Có thể liên hệ với đoạn văn của bài đọc 1 hôm nay mà tác giả thư Do thái đã nói
rằng “anh em đừng quên tỏ lòng hiếu khách, vì nhờ vậy, có những người đã được
tiếp đón các thiên thần mà không biết” (Dt 13.2).
Cả hai câu
chuyện diễn ra trong bối cảnh của môi trường thù địch. Với Abraham, đó là sa
mạc. Câu chuyện của Luke diễn ra trong cuộc hành trình lên Giêrusalem từ 9.51
đến 19.57, Chúa Giê Su đối mặt với điều chờ đợi Ngài như là số phận của đời
ngôn sứ, “Giêrusalem, Giêrusalem, thành phố giết các ngôn sứ” (Lk 13.34). Chúa
Nhật 14 cho ta biết các môn đệ được gửi đi trước gặp phải sự thù địch nơi các
làng Samari. Và Chúa Nhật vừa qua, ngay ở đoạn văn trước câu chuyện hôm nay, ta
thấy Chúa Giê Su bị gài bẫy bởi một kinh sư. Luke Timothy Johnson có ly khi
nhận xét rằng, chính trong bối cảnh vùng đất thù địch như vậy mà Luke cho Chúa
Giê
Su tìm được một gia đình tiếp đón Ngài.
Trong cả bài Tin
Mưng và bài Cựu Ước, Thiên Chúa đến trong vai người khách. Cả Abraham và Martha
đều niềm nở tiếp đón các vị khách trong lều/nhà của mình, và cả hai vị chủ nhà
đều nhiệt tình lăng xăng làm tiệc đãi khách. Hàng loạt các động từ cho thấy sự
nhiệt tình của Abraham: chạy ra chào đón, chạy vô lều báo cho Sarah, chạy ra
bắt bê, ra chỉ thị cho đầy tớ, tự tay dọn thức ăn (St 18.2-8a). Martha thì có
vẻ như bị tràn ngập bởi nhiệm vụ của bà chủ nhà (Lk 10.40a). Abraham đứng bên
hầu khách, hình ảnh của Mary ở Luke, “ngồi bên chân Chúa mà nghe Lời Người”.
Martha thì lại phải tất bật ở phía sau nhà, như Sarah ở trong lều. Chỉ khác một
điều, Martha có vẻ không thỏa mãn với công việc của mình, đó là điều đưa đến
xung đột trong câu chuyện của Luke.
Cả bài đọc trong
Sáng Thế và bài Tin Mừng đều kết thúc với câu nói quan trọng của Thiên Chúa. Abraham
được báo cho biết lời hứa sẽ được viên mãn, với việc Sarah sẽ sinh con “vào mùa
này năm sau” (câu 10). Riêng Martha nhận được một câu nói bí ẩn về việc Mary đã
chọn được phần tốt nhất. Đáp ca nêu câu hỏi: “Ai là người ngự trong lều
thánh? Ai là người được ở trên Núi Thánh của Ngài?” (Tv 15.1). Câu trả lời là:
“ Là những kẻ bước đi ngay thẳng và luôn làm điều phải”. Cả hai bài đọc của chúng
ta cho một ví dụ từ cả hai cuốn sách Thánh, rằng khi tiếp đón khách trong lều/
nhà chúng ta, ta đang “làm điều phải”.
Câu chuyện cho
thấy Martha là nhân vật chính. Luke nói “Martha tiếp đón Người vào nhà” (câu
38b) thay vì “hai chị em Martha và Mary” như ở Gioan (Yn 11.1). Rõ ràng Chúa
Giê Su đang đón nhận cả cung cách tiếp đón của Martha lẫn Mary. Ngài hẳn sẽ
không “dạy một bài học về thái độ tiếp đón” nào cả, nếu Martha không “khai
pháo” trước. Vấn đề không đơn giản là Martha khó chịu và phàn nàn cách cư xử
của Mary[2].
Vả lại, dù sao Mary cũng là em, Martha chỉ cần gọi xuống nhà dưới phụ công việc
là xong. Câu nói của Martha là nhằm trách cứ Đức Giê Su: “Em con để mình
con phục vụ mà Thầy không để y tới sao?” (40b). Vị khách không còn
là trung tâm của sự đón tiếp, nhưng là bà chủ nhà (và với tất cả sự tất bật của
bà ta, lẽ ra phải được chú y). Câu nói của Đức Giê Su chỉ ra điều gì trong tâm
của Martha: lo “nhiều việc”. Martha không “chỉ” lo lắng đón tiếp khách nhưng
còn (rất) bận tâm đến tư thế của mình. Chúa Giê Su không dạy một bài học. Ngài
đề nghị Martha hãy “chọn” thái độ, như Mary đã chọn. Johnson lưu y rằng Luke đã
dùng từ Hi Lạp agathos thay vì kalos cho tĩnh từ “tốt”, đem lại
cho sự lựa chọn của Mary một khía cạnh luân ly.[3]Quả
vậy, không thể nói ngồi dưới chân Chúa nghe Lời hay là nấu ăn để khoản đãi
Chúa, điều nào là tốt hơn một cách khách quan. Chọn lựa của Mary là một chọn
lựa chủ quan, miễn là cô ta thấy tốt cho Thầy và với mình. Nếu Martha chọn thái
độ phục vụ cũng vì Thầy trong tư cách bà chủ nhà, chị cũng sẽ bình an.[4]
Cách gọi tên 2
lần nói lên sự trìu mến của Chúa Giê Su với Martha, như với môn đệ (x. 22.31).
Thiên Chúa không quên người phục vụ dưới bếp, điển hình như ở bài đọc 1. Cuối
bữa ăn vị khách không cám ơn Abraham, nhưng lại hỏi đến Sarah. Sarah tự dưng
trở thành trung tâm câu chuyện. Lời tiên báo một đứa con trai được nói đến cho
Sarah, không phải cho Abraham. Trong suốt cuộc đối thoại quanh lời hứa về đứa
con trai này, Abraham trở nên “chầu rìa”, không có một thái độ.[5]
Chỉ có Sarah và Thiên Chúa (xem câu 10-15. Quả thật, đứa con Isaac sẽ như là
bằng chứng của việc Thiên Chúa đoái thương đến Sarah, xem 21.1-7). Mọi việc
phục vụ vì Thiên Chúa, vì Giáo Hội, nếu làm với lòng ngay thẳng (Tv 15.1-2),
đều đem lại niềm vui như thánh Phaolô đã nói (bài đọc 2).
Suy Tư:
1.
Cha thánh
Gioan LaSan đã nói rằng, Sư huynh không được phân biệt công việc thuộc bổn phận
của tôi (việc dạy dỗ trẻ), và công việc cứu rỗi linh hồn tôi (đời sống thiêng
liêng).
2.
Gia đình tôi, cộng đoàn tôi đã đón tiếp những
người khách “ngoài Kitô giới” như thế nào? Liệu rằng họ có thấy một nét niềm nở
đặc biệt nào đó của người Kitô giáo, của người tu hành Công Giáo ? Liệu rằng họ
có muốn trở lại thăm tôi lần nữa không?
Thư Mục: Luke Timothy
Johnson, The Gospel of Luke (Liturgical Press, 1991); W.G.
Plaut, The Torah: A Modern Commentary (1981).
[1] Shechinah, một hạn từ thần học của Do thái, chỉ
vinh quang của sự hiện diện của Thiên Chúa trong nơi Cực Thánh của Đền Thờ.
[2]
Các trường hợp tương tự, Luke và các tác giả Tin
Mừng thường xử dụng một thủ pháp quen thuộc: nhân vật chính phàn nàn hoặc chỉ
trích, Chúa Giê Su “nghe được” hoặc “thấu suốt lòng dạ” và lên tiếng bênh vực
hay dạy một bài học..vv..ví dụ 5.21-22, 31; 6.8; 7.39-40…vv…
[3] Agathos: đẹp, tốt lành mang tính đạo đức cá
nhân (virtue). Kalos: đẹp, tốt….dáng vẻ, dung mạo, phẩm
chất….(beautiful, handsome, noble).
[4] Hầu bàn ăn là một tư thế phục vụ được đề cao trong
Luke, xem 12.37. Chúa Giê Su đã ví mình như một người phục vụ bàn ăn, xem
22.27.
[5]
Điều này không lạ: vì Abraham đã có Ismael (xem
đoạn ngay trước đó, 17.18. Lưu y đến ba lần lặp lại “Ismael, con ông”,
xem 17.23,25,26 và 21.11).
Vincent Quân FSC
0 comments:
Đăng nhận xét