27/7/13

Chúa dạy cầu nguyện


Xem hìnhChia sẻ Lời Chúa ngày Chúa nhật (CN 17 TN C) - Các bài đọc của Chúa Nhật 17 hôm nay tập trung về việc cầu nguyện ở nhiều khía cạnh. Mời quý vị cùng khám phá Lòi Chúa Chúa nhật này.
Chúa Nhật 17 TN C Bài đọc: Sáng Thế 18:20-32; Tv 138, Colose 2:12-14, Luke 11:1-13
Chủ Đề: “…vì anh ta cứ lì ra đó”

Các bài đọc của Chúa Nhật 17 hôm nay tập trung về việc cầu nguyện ở nhiều khía cạnh. Một khía cạnh quan trọng là 2 dụ ngôn ngắn của Chúa Giê Su về lòng kiên trì và tin tưởng khi cầu nguyện. Dụ ngôn thứ nhất về một người trơ trẽn quấy rầy người bạn lúc nửa đêm cho đến khi xin được bánh. Dụ ngôn thứ hai nói về ba mức độ của một tiến trình cầu nguyện: hỏi xin, đi tìm, và gõ cửa, “metaphor hóa” hành trình “tìm bánh” của dụ ngôn trước. Theo cả hai dụ ngôn, cầu nguyện như một cuộc lên đường mang tính thách đố về phía chúng ta, với yêu cầu phải tin rằng sẽ được gặp, sẽ được thấy, sẽ được mở cho.
Một vấn nạn: tại sao phải vất vả như thế? Chẳng lẽ Thiên Chúa không phải là Cha hằng thấu suốt tấm lòng ta và hằng lắng nghe ta hay sao (Đáp ca: Tv 138.1-3)? Câu trả lời có thể được tìm thấy ở bài đọc 1. Như Henry Nowen đã nói, cầu nguyện không phải là để biến đổi tấm lòng Thiên Chúa, nhưng để Thiên Chúa biến đổi lòng chúng ta. Do đó, đòi hỏi phải tin tưởng, và đôi khi đau đớn, vì không dễ dàng về phía chúng ta.
Bài đọc 1 thường được nhắc đến như câu chuyện thi vị điển hình cho liên hệ gần gũi giữa Abraham và Thiên Chúa, cũng như là motif người công chính cầu bàu cho người tội lỗi. Đọc trong bối cảnh của bài Tin Mừng, cuộc đối thoại của Abraham với Thiên Chúa trở nên một midrash minh hoạ cho bản chất của việc cầu nguyện: qua kiên trì hiện diện với Thiên Chúa, Thiên Chúa bày tỏ lòng Người và Abraham được biến đổi lòng mình. Vấn nạn của Abraham là sự công bằng của Thiên Chúa. Lẽ nào Thiên Chúa lại đánh đồng người xấu lẫn người tốt. Lẽ nào Thiên Chúa không vì một ít người tốt mà tha cho người xấu (c. 24). Abraham không kêu cầu cho Sođom. Ông đặt vấn đề gay gắt với Thiên Chúa: “há Đấng phán xét tất cả gian trần lại không theo đường công l‎y?” (c. 25, tương tự 28). Còn về phần Thiên Chúa, trước câu chuyện này, bản văn đã nói rằng Ngài sẽ không giấu điều gì với Abraham (xem 18.17). Quả vậy, trong suốt cuộc đối thoại, Thiên Chúa cho thấy Ngài không như  Abraham nghĩ. Tấm lòng của Thiên Chúa được bộc lộ dần dần qua sự khám phá rụt rè và không mấy chắc chắn của Abraham: có lẽ sẽ tìm được ở đó bốn mươi, rồi có lẽ ba mươi, rồi có lẽ hai mươi người tốt…Abraham cũng tự thấy rằng ông đã đòi hỏi vượt quá sự công bằng theo ly lẽ bình thường của con người. Còn Thiên Chúa thì trước sau như một, Ngài sẽ vì người tốt mà tha, không trừng phạt người xấu bất luận tỉ lệ như thế nào. Việc Abraham ngừng lại ở con số 10 rất có y nghĩa. Ông không dám đặt vấn đề “có lẽ chỉ một người công chính…” vì ông đã biết (và người đọc cũng biết!) câu trả lời của Thiên Chúa: Ngài cũng không phạt nếu như chỉ có một người công chính! Abraham thách đố Thiên Chúa, nay sự thách đố đó rơi trở lại phía Abraham. Quả vậy, trong thành Sođom không có được lấy một người đàng hoàng.[1]
Qua cuộc đối thoại, không phải là Thiên Chúa “xiêu lòng” nhưng tâm hồn của Abraham biến đổi nhờ khám phá ra lòng bao dung của Thiên Chúa vượt quá điều ông có thể nghĩ tưởng (Plaut). Linh đạo Phật giáo nói rằng, cầu nguyện là một sự hành trì, để đem ánh sáng chánh niệm chiếu soi liên lỉ vào tình trạng tạp niệm của con người mình (Thích Nhất Hạnh). Cầu nguyện một cách “lì lợm” là cần thiết, không phải để Thiên Chúa có thể nghe, hay để Ngài thức tỉnh (như ngôn sứ Elia giễu cợt các tư tế thần Baal, xem 1V 18), cho bằng để “khai thông” con người bất toàn là chúng ta (Hurault).
Chúa Giê Su nói, món quà của Cha trên trời cho ai cầu nguyện, là Thánh Thần (11.13). Thánh Thần là ân sủng lớn nhất của thời đại Messia, theo Luke.[2] Lời của Chúa Giê Su rọi lại kinh nghiệm riêng của Ngài. Nhận Thánh Thần là để được sai đi với sứ vụ Messia (Luke 4.1,14,18). Nhưng trên hết, biến cố ngay sau phép rửa của Gioan Tẩy Giả là kinh nghiệm nền. Nhận Thánh Thần là nhận tư cách làm Con (3.22). Là biết Thiên Chúa Cha, và y định của Người (x. 10.21). Đó là ý nghĩa của lời cầu nguyện mà Chúa Giê Su dạy chúng ta ở 11.2-4: kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện của người Con đang hiệp làm một với trái tim của Cha. Vậy hoa trái thực sự của cầu nguyện là để xin cho ta hiện diện như người con, là để chúng ta sẽ tiếp tục con đường của Đức Kitô (xem 22.46: không cầu nguyện, ta không thể theo được hành trình của người Con). Đó là lời khẳng định của Phaolô ở bài đọc 2: nhờ phép Thánh Tẩy, chúng ta là một với Đức Kitô nhờ đã chết trong Ngài và nay đang cùng sống với Ngài (Cl 2.12-13).
Thư Mục:  W. G. Plaut, The Torah: a Modern Commentary (1981); Bernard& Louis Hurault, Christian Community Bible, bản dịch của CGKPH (Hà Nội, 2006).



[1]xem 19.4, nhấn mạnh: cả thành vây quanh nhà ông Lót, “từ trẻ đến già, toàn dân không trừ một ai”. Tương tự với các ngôn sứ,  vào thời Lưu Đày, xem Yr 5.1; Mi 7.2; Tv 14.1-3: không một ai là công chính trong dân.
[2] Theo Luke, trong bài giảng sau lễ Hiện Xuống, thánh Phêrô trích lời của ngôn sứ Joel, “vào ngày cuối cùng, Thiên Chúa phán, Ta sẽ đổ Thần Khí của Ta xuống mọi người” (Cv 2.17; Joel 2.28-32).



Vincent Quân FSC

0 comments:

Đăng nhận xét