Tiếp tục loạt bài giáo lý do Sư Huynh Giuse Lê Văn Phượng FSC lượt soạn
với mục đích giúp các học viên thần học và giáo lý viên hiểu nội dung
giáo lý của Hội Thánh Công Giáo để thông truyền giáo lý cho giới trẻ.
Nội dung bài này gồm 6 phần:
(1)Ý Nghĩa Của Sự Chết Theo Kitô giáo
(2) Sự Sống Lại Của Chúa Kitô Và Của Chúng Ta
(3) Phán Xét
(4) Thiên Đàng
(5) Luyện Ngục - Cuộc Thanh Luyện Cuối Cùng
(6) Hoả Ngục
I. Ý Nghĩa Của Sự Chết Theo Kitô giáo
Chết là một sự thật hiển
nhiên không
ai thoát khỏi và chối cải. Bởi thụ tạo “có sinh thì có tử”, sống là một
quá trình phát triển, đến một lúc nào đó thì đến sự chết. Chết là chấm dứt cuộc
đời trần thế. Nhớ đến cái chết là chúng ta nhớ rằng đời người có hạn (Gv 12:1.7).
Chết cũng là hậu quả của
tội. Thiên
Chúa không dựng nên cái chết, nhưng cái chết bước vào trần gian như là hậu quả
của tội (Kn 2:23–24). Giáo Hội dạy: “Giả
như con người không phạm tội thì không phải chết”[1], nên “cái chết là kẻ thù cuối cùng con người cần
phải chiến thắng” (1Cr 15:26).
Chết là được biến đổi nhờ
Đức Kitô:
Trong niềm tin Kitô giáo, chúng ta tin vững vàng và hy vọng chắc chắn rằng:
Với sự nhập thể, chết và sống lại của Chúa Kitô, Người đã biến đổi ý
nghĩa của sự chết. Từ đây, sự chết không còn là bị tiêu diệt, tan rã; trái lại,
“chết là một mối lợi” (Pl 1:21–23),
chết là sự sống được biến đổi để về hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên trời[2].
Nhờ bí tích Thanh Tẩy, chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, thì cũng như
Đức Kitô đã thực sự sống lại từ cõi chết và không còn chết, thì sau khi chết
những người công chính cũng được sống mãi với Đức Kitô Phục sinh và Người sẽ
cho họ sống lại trong ngày sau hết.
Cũng như sự phục sinh của Đức Kitô, sự sống lại của chúng ta là công
trình của Ba Ngôi Thiên Chúa (Rm 8:11; 1Tx 4:14; 1Cr 6:14; 2Cr 4:14; Pl 3:10-11).
Niềm tin Kitô giáo không tin vào kiếp luân hồi của con người theo
thuyết luân hồi của Phật giáo.
Nhớ đến cái chết là chúng ta nhớ rằng đời con người có hạn (Gv 12:1.7),
đồng thời phải chuẩn bị cho giờ chết của mình bằng thái độ tỉnh thức sống theo
Tin Mừng (Mt 24:22–51; 25:1–13; Mc 13:32–37; Lc 12:35-46; 21:34–36; …).
II. Sự Sống Lại Của Chúa Kitô Và Của
Chúng Ta
Việc kẻ chết sống lại được Thiên Chúa từng bước mạc
khải cho Dân Người, và Dân Chúa dần dần bày tỏ niềm tin vào đời sau và sự phục
sinh của thân xác ở Is 26:19; 2Mcb 7:9–14 đến Đn 12:2 thấy nói khá rõ (đối
chiếu số phận với những người Do Thái khi thời cùng tận).
Niềm tin này được xác quyết mạnh mẽ khi Chúa Kitô tuyên bố: “Ta là sự sống và là sự sống lại” (Ga
11:25), “ai ăn thịt Ta và uống máu Ta ...
Ta sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6:54).
Thuật ngữ “thân xác” chỉ con người trong thân xác yếu đuối và phải
chết (St 6:3; Tv 56:5; Is 1:1). “Xác sống
lại” có nghĩa là sau khi chết, không phải chỉ có linh hồn bất tử vẫn tiếp
tục sống, nhưng chính “thân xác phải
chết” cũng sẽ sống lại.
Khi chết hồn lìa khỏi xác, xác bị hư nát trong khi
linh hồn đến gặp Thiên Chúa để nhận sự phán xét của Chúa Kitô, rồi đến ngày sau
hết do quyền năng phục sinh của Chúa Kitô, thân xác được hiệp nhất với linh hồn
và vĩnh viễn không còn hư nát nữa.
Mọi người đã chết đều sẽ được phục sinh, tuy nhiên “ai làm điều lành thì sẽ được sống lại để được sống, ai làm điều dữ thì
sẽ sống lại để bị kết án” (Ga 5:29; Đn 12:2).
Như Đức Kitô đã phục sinh với thân xác mình, nhưng Ngài không trở về
với đời sống trần thế. Cũng vậy, ngày sau hết, khi Chúa Kitô quang lâm, mọi
người sẽ “sống lại với xác riêng của
mình, thân xác họ đang có bây giờ” nhưng thân xác đó “sẽ biến đổi thành thân xác vinh hiển” (Pl 3:21), “thân xác có thần khí” (1Cr 15:44).
Chúng ta phải tôn trọng thân xác của chính mình cũng như của tất cả mọi
người.
III. Phán Xét
Ngay sau khi chết, mỗi người sẽ được Chúa Kitô,
Đấng Thẩm Phán phán xét riêng (Lc 16:22; 23:43) tùy theo việc họ sống hiệp thông
với Chúa Kitô để hiệp thông với Thiên Chúa, với mọi người và với vũ trụ vạn
vật, họ sẽ lãnh nhận được trong linh hồn bất tử phần thưởng hay chịu phạt; hoặc
phải trải qua cuộc thanh luyện, hoặc được hưởng hạnh phúc Nước Trời, hoặc phải
chịu phạt đời đời trong hoả ngục.
Ngày sau hết, tất cả mọi người đã chết được sống lại (Cv 24:15), Chúa
Kitô sẽ vinh hiển quang lâm, mọi dân thiên hạ sẽ tập hợp trước mặt Người để trả
lẽ về quan hệ của từng người với Thiên Chúa. Chúa Kitô sẽ tách biệt người lành
ra khỏi kẻ dữ (Mt 25:32). Người lành sẽ được vào hưởng phúc trường sinh, còn kẻ
dữ phải đi vào chốn cực hình muôn kiếp (Mt 25:46).
Phán xét chung sẽ diễn ra khi Chúa Kitô quang lâm, điều đó bao giờ xảy
ra chỉ Chúa Cha biết ngày giờ.
Phán xét chung mạc khải cho biết sự công chính của Thiên Chúa toàn
thắng những bất công do thụ tạo đã gây nên, và tình yêu của Người mạnh hơn sự
chết.
IV. Thiên Đàng
Những kẻ chết trong ơn nghĩa Chúa, và kẻ đã được thanh luyện trọn vẹn,
sẽ được quy tụ quanh Chúa Kitô. Họ sẽ nên giống Thiên Chúa, “vì Người thế
nào họ sẽ thấy Người như vậy” (1Ga 3:2).
Thiên đàng là một tình trạng hiệp thông trong sự sống và tình yêu với
Thiên Chúa Ba Ngôi, với Đức Trinh Nữ Maria và các thiên thần cùng các thánh. Đó
là cùng đích tối hậu, là sự hoàn thành mọi khát vọng sâu xa nhất của con người,
là tình trạng hạnh phúc tuyệt vời và dứt khoát.
Sự hiệp thông trong hạnh phúc với Thiên Chúa, trong Chúa Kitô, với toàn
thể các thiên thần và các thánh cùng mọi kẻ lành là một mầu nhiệm, chúng ta không
đủ khả năng hiểu biết và trình bày. Việc chiêm ngưỡng Thiên Chúa trong vinh
quang trên Thiên Quốc được Giáo Hội gọi là “phúc kiến”.
V. Luyện Ngục - Cuộc Thanh Luyện Cuối
Cùng
Những người chết trong ân nghĩa Chúa, thì chắc chắn được cứu độ, nhưng cần
được sự thanh luyện sau khi chết, để đạt được sự thánh thiện cần thiết mà vào
hưởng phúc thiên đàng. Giáo Hội gọi việc thanh luyện cuối cùng ấy là luyện
ngục.
Dựa vào một số đoạn Kinh Thánh, Giáo Hội nói về lửa thanh luyện và tập
quán cầu nguyện cho người quá cố (2Mcb 12:46; G 1:5; 1Cr 3:15; 1Pr 1:7)[3].
Ngay từ thời đầu, Giáo Hội cũng đã quen kính nhớ người đã chết và cầu
nguyện cho họ, đặc biệt trong thánh lễ. Hàng năm trong phụng vụ Giáo Hội dành
riêng tháng 11, đặc biệt ngày 1.11 để cầu nguyện cho người qua đời; hàng tuần,
vào ngày thứ Hai, theo truyền thống Giáo Hội kính nhớ đến các đẳng linh hồn.
Giáo Hội còn khuyên các tín hữu làm các việc lành và các việc hãm mình
để lãnh ân xá nhường cho các linh hồn giúp họ sớm được vào Nước Trời (đặc biệt
trong 8 ngày đầu tháng 11 hàng năm).
VI. Hoả Ngục
Ngay sau khi chết, linh hồn những kẻ mắc tội trọng sẽ xuống hoả ngục
chịu cực hình “lửa đời đời”. Cực hình đó chính là đời đời bị tách rời
khỏi Thiên Chúa, Đấng là hạnh phúc và sự sống vĩnh cửu con người hằng khao
khát. Chúa Giêsu thường hay nói đến “hoả ngục”, về “lửa không hề tắt” (Mt 5:22.
29; 13:42. 50; 25:41; Mc 9:43-48), dành cho những ai đến chết vẫn không chịu
tin và không chịu hoán cải. Họ sẽ mất cả hồn lẫn xác trong hoả ngục.
Thiên Chúa không tiền định cho ai xuống hoả ngục, chỉ những ai tự ý lìa
bỏ Thiên Chúa bằng một tội trọng và chai lì đến cùng, người ấy sẽ phải xuống
hỏa ngục.
Khi dạy về hoả ngục, Giáo Hội mời gọi chúng ta phải có trách nhiệm sử
dụng tự do để đạt tới hạnh phúc Nước Trời, đồng thời thúc giục chúng ta ăn năn
hối cải.
Kết thúc
AMEN[4]
“Amen” có cùng gốc với từ “tin”. Vì thế “Amen” có thể nói về sự trung
tín của Thiên Chúa đối với chúng ta và sự tin cậy của chúng ta đối với Người.
Trong Isaia thuật ngữ “Thiên Chúa của chân lý” dịch sát từ là “Thiên
Chúa của Amen”, nghĩa là Thiên Chúa trung tín với lời hứa (Is 65:16).
Chúa Giêsu dùng “Amen” nghĩa là “thật – Ta bảo thật” để nhấn mạnh điều
Ngài dạy là đáng tin (Mt 6:2.5.16; Ga 5:19), thẩm quyền của Ngài dựa trên sự
chân thật của Thiên Chúa. Chính Chúa Kitô là “Đấng Amen” (Kh 3:14) của mọi lời
Thiên Chúa hứa. Ngài thay chúng ta và cùng chúng ta thưa “Amen” với Chúa Cha để
tôn vinh Thiên Chúa (2Cr 1:20).
Bằng tiếng “Amen” để kết thúc các lời cầu nguyện phụng vụ, Giáo Hội
diễn tả lời “thưa vâng” đầy tin tưởng vào Đấng là “Amen”.
Từ
“Amen” cuối Kinh Tin Kính là xác nhận “tôi tin” mà người tín hữu tuyên xưng lúc
đầu. Tin là thưa “Amen” với Lời Chúa, lời hứa, giới răn của Thiên Chúa; cũng là
phó thác trọn vẹn vào Đấng là “Amen”.
[1] LG số 18
[2] Kinh Tiền Tụng 1, Lễ Cầu hồn.
[3] Trong 2Mcb 12:38-45: Nói đến vị anh hùng Giuđa Maccabê quyên tiền gởi về Giêrusalem để dâng lễ đền tội cho những người đã chết để họ được tha thứ tội lỗi, bởi ông nhìn đến phần thưởng tuyệt hảo dành cho những người đã an nghỉ
Thánh Phaolô trong 1Cr 3:10–15 khi nhắn nhủ các tin hữu về những công việc của mỗi người để xây nhà Thiên Chúa, ngài cho thấy đến Ngày của Chúa những công việc ấy sẽ tỏ rạng. Công việc của ai tồn tại người ấy sẽ lĩnh thưởng, công việc của ai bị thiêu hủy thì người ấy bị thiệt. Tuy nhiên, bản thân người ấy sẽ được cứu, nhưng như thể băng qua lửa. Ngài muốn nói đến sự thanh luyện cuối cùng.
Trong 1Pr 1:7, thánh Phêrô cũng nói đến sự thanh luyện đức tin như thử vàng trong lửa: “phải chịu ưu phiền ít lâu giữa trăn chiều thử thách” để đức tin trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang danh dự.
[4] Amen là một chữ Do Thái. Các tín hữu thời Cựu Ước thường dùng Amen để kết thúc lời cầu nguyện của họ. Trước kia, sau các lời nguyện, người ta thưa "Ước gì được như vậy". Bây giờ người ta thích dùng chữ Amen hơn, vì Ước gì được như vậy không thể diễn tả hết được sự phong phú của chữ Amen.
Khi thưa Amen, người ta không chỉ bày tỏ ước muốn được như vậy, mà còn xác nhận một điều chắc chắn. Đó là trường hợp khi vị linh mục công bố: "Mình Thánh Chúa Kitô" và tín hữu thưa "Amen". Chữ Amen ở đây có nghĩa "Vâng ! Tôi xác tín Chúa Kitô đến ngự trong tôi dưới hình bánh này". Đó là một điều chắc chắn!
Khi bạn thưa Amen sau lời nguyện của linh mục chủ tế, điều đó không chỉ có nghĩa là ước muốn những lời cầu nguyện đó được chấp nhận, nhưng còn nói lên rằng: lời nguyện đó cũng là lời nguyện của chính bạn, và bạn muốn tháp nhập vào đó với hết tâm tình.
Hơn thế nữa, Amen diễn đạt đức tin của toàn cộng đoàn vào sự trung tín của Chúa. Người sẽ nhậm lời những gì cộng đoàn cầu xin với niềm tin tưởng. Bởi vì căn gốc của chữ Do Thái này có ý nghĩa sự trung thành, trung tín.
Như thế, khi thưa Amen, chúng ta tung hô sự trung tín của Chúa, như lời thánh Phaolô: "Xin Thiên Chúa là Đấng trung tín chứng giám cho rằng lời nói của chúng tôi đối với anh em, không phải là vừa "Có" lại vừa "Không". Quả thế, Con Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô, Đấng mà chúng tôi đã rao giảng nơi anh em, [...], nơi Người chỉ là "Có" mà thôi. Bởi chưng bao nhiêu lời hứa của Thiên Chúa đã thành "Có" ở nơi Người. Vì thế nhờ Người mà chúng tôi hô lên lời "Amen" tôn vinh Thiên Chúa" (2 Cor 1, 18-20).
Trong 1Pr 1:7, thánh Phêrô cũng nói đến sự thanh luyện đức tin như thử vàng trong lửa: “phải chịu ưu phiền ít lâu giữa trăn chiều thử thách” để đức tin trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang danh dự.
[4] Amen là một chữ Do Thái. Các tín hữu thời Cựu Ước thường dùng Amen để kết thúc lời cầu nguyện của họ. Trước kia, sau các lời nguyện, người ta thưa "Ước gì được như vậy". Bây giờ người ta thích dùng chữ Amen hơn, vì Ước gì được như vậy không thể diễn tả hết được sự phong phú của chữ Amen.
Khi thưa Amen, người ta không chỉ bày tỏ ước muốn được như vậy, mà còn xác nhận một điều chắc chắn. Đó là trường hợp khi vị linh mục công bố: "Mình Thánh Chúa Kitô" và tín hữu thưa "Amen". Chữ Amen ở đây có nghĩa "Vâng ! Tôi xác tín Chúa Kitô đến ngự trong tôi dưới hình bánh này". Đó là một điều chắc chắn!
Khi bạn thưa Amen sau lời nguyện của linh mục chủ tế, điều đó không chỉ có nghĩa là ước muốn những lời cầu nguyện đó được chấp nhận, nhưng còn nói lên rằng: lời nguyện đó cũng là lời nguyện của chính bạn, và bạn muốn tháp nhập vào đó với hết tâm tình.
Hơn thế nữa, Amen diễn đạt đức tin của toàn cộng đoàn vào sự trung tín của Chúa. Người sẽ nhậm lời những gì cộng đoàn cầu xin với niềm tin tưởng. Bởi vì căn gốc của chữ Do Thái này có ý nghĩa sự trung thành, trung tín.
Như thế, khi thưa Amen, chúng ta tung hô sự trung tín của Chúa, như lời thánh Phaolô: "Xin Thiên Chúa là Đấng trung tín chứng giám cho rằng lời nói của chúng tôi đối với anh em, không phải là vừa "Có" lại vừa "Không". Quả thế, Con Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô, Đấng mà chúng tôi đã rao giảng nơi anh em, [...], nơi Người chỉ là "Có" mà thôi. Bởi chưng bao nhiêu lời hứa của Thiên Chúa đã thành "Có" ở nơi Người. Vì thế nhờ Người mà chúng tôi hô lên lời "Amen" tôn vinh Thiên Chúa" (2 Cor 1, 18-20).
Giuse Lê Văn Phượng FSC
0 comments:
Đăng nhận xét