13/5/13

Tâm Tình Tạ Ơn Và Cầu Nguyện Nhân Ngày Lễ Thánh Gioan La San 15.05.2013

Xem hình
Nhân dịp mừng lễ thánh Gioan La San - Đấng Sáng Lập Dòng Các Sư Huynh La San - và Quan Thầy Các Nhà Giáo Dục,
Sư huynh PTGT Giuse Lê Văn Phượng thay mặt Tỉnh Dòng gửi đến quý Sư huynh, anh chị em La San, các bạn hữu La San, các học sinh La San.. một bức thư chia sẻ tâm tình và mời gọi cầu nguyện cho nhu cầu giáo dục tại Việt Nam.
Dưới đây là nguyên văn thư này:


 TÂM TÌNH TẠ ƠN VÀ CẦU NGUYỆN
NHÂN MỪNG LỄ THÁNH GIOAN LA SAN –
QUAN THẦY CÁC NHÀ GIÁO DỤC – 15/05/2013



  Kính gửi:
                    đến quý Sư huynh, quý Linh mục và quý Tu sĩ nam nữ,
                    quý cựu Sư huynh, cựu giáo viên, cựu học sinh,
                    quý phụ huynh, cùng toàn thể các sinh viên, học sinh,
                    các bạn trẻ và quý thân hữu La San.



Ngày 15 tháng Năm (15/5) - mọi thành viên trong gia đình La San trên 82 quốc gia khắp năm châu long trọng mừng lễ Thánh Gioan La San, Quan Thầy Các Nhà Giáo Dục. Trong tâm tình của người môn đệ, của kẻ thụ ân, tất cả chúng ta được mời gọi cùng nhau tạ ơn Thiên Chúa, tôn vinh Thánh Gioan La San, tôn vinh nền giáo dục La San và cầu nguyện cho nền giáo dục Việt Nam.

Kính thưa quý vị, Tỉnh Dòng La San Việt Nam đang hướng về năm 2016, kỷ niệm 150 năm các Sư huynh La San hiện diện và phục vụ giáo dục trên đất Việt. Vì thế, thời điểm này là dịp chúng ta hướng về các Sư huynh tiền bối, các Sư huynh lão thành, những hiện thân của Gioan La San tại Việt Nam, từ gần 150 năm qua đến nay, trải qua các giai đoạn lịch sử khác nhau của đất nước, các Sư huynh đã cống hiến không mệt mỏi suốt cuộc đời của các ngài cho sự nghiệp giáo dục người trẻ tại Việt Nam. Hệ thống giáo dục La San trên đất Việt đã ôm trọn người trẻ Việt Nam trong các cơ sở trường học từ Bắc chí Nam qua nhiều thế hệ ở nhiều bậc học khác nhau; tính từ cuối thế kỷ XIX đến năm 1975 có đến trên 60 trường học La San được lập ra từ cấp tiểu học đến đại học, và ở mốc năm 1975 có 30 trường học đang hoạt động, có trường đến trên 100 tuổi. Ngay cả khi các cơ sở La San bị chính quyền đóng cửa và trưng dụng, các Sư huynh vẫn tiếp tục âm thầm đi đến với người trẻ, phục vụ bằng nhiều hình thức giáo dục khác nhau như mở lớp tình thương, lớp ngoại ngữ, lớp dạy nghề, ôn tập văn hoá hè, phục vụ huấn giáo tại các giáo xứ... vì tự các Sư huynh không thể sống mà đi ngược với căn tính và sứ mạng tông đồ giáo dục của mình. Tất cả các Sư huynh lão thành đang hiện diện với chúng ta tại các cộng đoàn La San trên quê hương Việt Nam là những chứng nhân lịch sử và các ngài đã dấn thân bằng cả cuộc đời mình trải qua những thăng trầm của ơn gọi theo từng giai đoạn lịch sử Việt Nam, dầu khi vinh quang hay những lúc âm thầm, cuộc đời của các Sư huynh là dành trọn cho giới trẻ để giúp họ trở nên con người có nhân bản và đức tin, sống xứng đáng với nhân phẩm và như là con cái Thiên Chúa.

Thưa quý vị, khi đọc lại lịch sử của Tỉnh Dòng, cũng là dịp đọc lại lịch sử giáo dục Việt nam, từ hệ thống giáo dục Pháp - Việt với định hướng “đại chúng, dân tộc và khoa học” đến “dân tộc, nhân bản, khai phóng” [1] rồi chuyển sang “nhân bản, dân tộc và khoa học” của nền giáo dục tại miền Nam, các hệ thống giáo dục trước đây với tinh thần “tôn trọng giá trị thiêng liêng của con người, phát huy tinh thần dân tộc, thâu thái tinh hoa văn hoá thế giới... không phản bội tiền nhân mà vẫn thích nghi với thực tại nước nhà...”[2] đã cởi mở và mời gọi sự cộng tác của các tôn giáo vào việc giáo dục con người. Dòng La San với sứ mạng giáo dục đặt trọng tâm vào việc huấn luyện nhân bản và đức tin, dựa trên tinh thần đức tin và lòng nhiệt thành mà Thánh Gioan La San đã để lại, các Sư huynh La San đã góp phần tích cực của mình vào sự nghiệp giáo dục của đất nước trong những giai đoạn lịch sử ấy, tại những nơi mà Dòng La San hiện diện, các Sư huynh xây dựng cho học sinh của mình trở thành những con người sống có niềm tin và nhiệt thành phục vụ cho lợi ích xã hội, quê hương và đất nước; bằng cả tâm huyết của một tu sĩ giáo dục coi dạy không chỉ là một nghề mà còn là một thừa tác vụ, các Sư huynh đã đào tạo nên nhiều nhân sĩ và hiền tài cho đất nước.

Gần 40 năm qua, hệ thống giáo dục Việt Nam đã gạt tôn giáo ra ngoài từ nội dung đến cơ cấu tổ chức, nó đã biến nhiều giáo viên cũng như học sinh thành những con người thuần tuý khoa học lại không có niềm tin, họ làm công tác giáo dục mà chạy theo lợi nhuận nên mắc nhiều bệnh thành tích và mất đi lòng nhiệt thành phục vụ cách vô vị lợi. Thay vì “trường học vì học sinh, họ đã biến học sinh vì trường học”. Giáo dục mà không đưa đến một đức tin, giáo dục biến con người thành những kẻ vô lương tâm, mà hiện nay chúng ta đọc thấy nhan nhãn trên các trang báo về những tội phạm giữa ban ngày đã hại đến nhân phẩm và sinh mạng của con người dưới nhiều hình thức và tội trạng/danh khác nhau... Giáo dục mà mất đi lòng nhiệt thành, thì những giờ lên lớp, những buổi học biến thành những cơ hội để làm tiền, để mua chuộc; trường học thành những cơ sở kinh doanh giáo dục và kết quả giáo dục hầu hết là những di chứng của căn bệnh thành tích với bằng giả, ngồi nhầm lớp, gian dối trong thi cử, bạo hành học sinh... Măng không uốn, tre sẽ cong queo. Môi trường học đường bị nhiễm độc xã hội sẽ mang lấy những phần tử hư hỏng, phá hoại. Nền giáo dục Việt Nam do thiếu định hướng, với nhiều bất cập trong nội dung và trong phương cách nó đang xuống cấp mà mỗi một chúng ta cũng đang trải nghiệm hằng ngày. Theo nhà văn Nguyên Ngọc, trong dịp mừng sinh nhật lần thứ 80 (tháng 9/2012) đã nhận định: “Nguy cơ đã nhãn tiền là sẽ mãi lãi là một đất nước lạc hậu lận đận ở hàng cuối nhục nhã ngay cả đối với trong khu vực, vò do đó cả an nguy đến quốc gia cũng bị thách thức.”[3].

Thưa quý vị đó là tâm tình mà tôi muốn được chia sẻ và mời gọi quý vị cùng hiệp thông với các Sư huynh La San cầu nguyện cho công cuộc giáo dục của nước nhà, để có được một sự canh tân từ quan điểm giáo dục đến các hình thức và cơ cấu giáo dục, canh tân từ mục đích đến nội dung, phương pháp giáo dục. Và chúng ta, trong niềm tin vào quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa, hy vọng sẽ có ngày được nhìn thấy màu tươi sáng của nền giáo dục nước nhà.

Nhân dịp này, tôi xin thay lời cho tất cả các Sư huynh trong Tỉnh Dòng, cám ơn quý linh mục, tu sĩ nam nữ, quý cựu Sư huynh, cựu giáo viên, cựu học sinh; quý phụ huynh, cùng tất cả các sinh viên học sinh trong các nhà nội trú La San, các bạn trẻ và quý thân hữu La San đã cùng chúng tôi cách này cách khác bày tỏ lòng tri ân và đền đáp công ơn của các Sư huynh tiền bối trong nhiều dịp khác nhau mà quý vị tổ chức tại các cộng đoàn La San; đặc biệt cám ơn sự cộng tác của quý vị trong việc phục vụ người trẻ qua các hoạt động giáo dục, cách riêng cho người nghèo tại các vùng sâu và vùng xa; hơn nữa, quý vị còn hiệp thông với chúng tôi trong kinh nguyện, thánh lễ để cầu nguyện cho chúng tôi và cùng chúng tôi.

Nguyện xin Thiên Chúa, nhờ lời cầu bầu của Mẹ Maria, thánh Cả Giuse, thánh Gioan La San và chư thánh La San, ban tràn đầy bình an và ân sủng của Chúa Kitô Phục sinh và trả công bội hậu cho tất cả quý vị bây giờ và mãi mãi.



12/05/2013



Sư huynh Giuse Lê Văn Phượng,
Phụ tá Giám tỉnh.




[1] Hồ Hữu Nhựt, Lịch sử giáo dục Sài Gòn, nxb Trẻ, 1998

[2] Lê Thanh Hoàng Dân, Sư Phạm Lý Thuyết I, nxb Trẻ, Sài Gòn, 1971

[3] Nhà văn Nguyên Ngọc nói về văn hoá và giáo dục. Nguồn www.vanhoanghean.vn. September 6th, 2012.

0 comments:

Đăng nhận xét