Hy vọng đi theo Chúa để được gặp Chúa và nghe tiếng Ngài: Chiên tôi thì nghe tiếng tôi. Đó chính là đức tin, bởi tin là gì nếu không phải là nghe tiếng Chúa qua Lời của Người là Đức Giêsu Kitô. Giữa thế giới hôm nay, có rất nhiều thứ tiếng kêu gọi: tiếng gọi tiêu thụ, tiếng gọi thụ hưởng, tiếng gọi của tiền tài, vật chất, tiếng gọi của tri thức khoa học... Những tiếng gọi ấy đang làm cho con người không còn định hướng cuộc đời mình, họ chỉ chạy theo, chạy theo...; rồi tìm kiếm, tìm kiếm... Họ cố cho được những của cải sang trọng để chứng tỏ mình với cái vỏ bên ngoài; họ cố để tìm cho được nhiều tiền để tiêu xài, để phung phí và như vậy để chứng tỏ mình có đẳng cấp; họ cố chạy theo những bằng cấp cốt không phải để thêm hiểu biết, để phục vụ mà là để khoe khoang, để được nâng bậc lương, để được thăng quan tiến chức. Khi chạy theo những tiếng gọi như thế, con người đang làm băng hoại xã hội, làm cho tiềm năng của thiên nhiên cạn kiệt. Trong bài phỏng vấn ông Zygmunt Bauman, giáo sư xã hội học người Ba Lan, ông đã nhận định: “Chúng ta đã tiêu thụ 50% các tài nguyên mà trái đất có thể cung cấp, và theo đa số các ước tính, chỉ nội trong nửa thế kỷ XXI này cần phải có 3 hành tinh như trái đất này để sống còn, nếu chúng ta không thay đổi kiểu sống, nghĩa là không tiết kiệm và giảm mức tiêu thụ. Người ta sẽ bị giết vì có người có tài nguyên, mà những người khác đang cần đến một cách tuyệt vọng. Cần phải suy tư trở lại một cách triệt để và duyệt xét trở lai cung cách sống của chúng ta, cũng như các giá trị hướng dẫn kiểu sống này.”[1] “Suy tư lại” nghĩa là đặt lại việc tôi “hỵ vọng gì” khi đi theo một tiếng gọi và tôi cần phải lắng nghe tiếng gọi từ đâu?
Chúa nói: Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi (c 27) Tôi có nghe tiếng Chúa từ trong sâu thẳm lương tâm không? Hay lương tâm tôi đang bị chai cứng bởi những vỏ bọc giả tạo của những tiếng gọi bên ngoài. Tôi có nghe tiếng Chúa nói với tôi hằng ngày qua Lời Chúa trong Kinh Thánh không? Hay tôi chỉ đi tìm kiếm những học thuyết của những trào lưu xô đẩy con người đến một nền văn minh sự chết.
Nghe và biết Thiên Chúa là biết Thiên Chúa là Đấng Trung Tín. Trong sứ điệp của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI gửi cho toàn thế giới nhân ngày quốc tế cầu nguyện cho ơn gọi, “sự trung tín đó khiến cho Thiên Chúa tiếp tục ký kết một giao ước mới, giao ước vĩnh cửu với con người, nhờ vào máu của Người Con, Đấng đã chết và sống lại để cứu độ chúng ta.”[2] Chính nhờ sự hiểu biết như thế về một Thiên Chúa, mà những ai theo Chúa Kitô, sẳn sàng chọn lựa một hướng đi với một niềm hy vọng chắc chắn theo gương đức tin của Tổ Phụ Abraham là “mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin, do đó ông đã trở thành tổ phụ nhiều dân tộc, như lời Thiên Chúa phán: "Dòng dõi người sẽ đông đảo như thế" (Rm 4:18).[3]
Như thế niềm hy vọng khác của những kẻ chọn đi theo Chúa Kitô không phải cho chính mình mà vì linh hồn của những người mà Thiên Chúa sẽ trao phó được sự sống đời đời, đừng để ai cướp mất họ khỏi Thiên Chúa (c. 29). Thế giới đang chú ý đến Giáo Hoàng Phanxicô và một tác giả đã so sánh ngài với một giám mục được viết trong Les Misérables, xin được trích lại một mẫu đối thoại giữa vị giám mục giáo phận “D” và ông thị trưởng. Ông thị trưởng: “Thưa Đức cha, Đức cha đừng có đi. Nhân danh Chúa đó! Đức cha liều mình nguy đến tính mạng đấy.” Giám mục: “Thưa ông Thị trưởng, chỉ có thế thôi sao? Tôi ở thế gian này đâu phải để giữ mạng sống mình, mà là để giữ các linh hồn.”[4] Gương làm môn đệ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô quả là bài học cho những ai muốn làm môn đệ Chúa Kitô trong bậc sống tu trì. Nơi ngài, ta có thể thấy một con người không đặt hy vọng vào của cải hay phương tiện vật chất mà là hy vọng vào thánh giá Chúa Kitô. Trong huấn từ đầu tiên của ngài với các Hồng y để kết thúc Mật Nghị Viện, chúng ta có thể là giáo hoàng, là hồng y, là giám mục... nhưng nếu từ chối vác thánh giá, chúng ta sẽ không phải là môn đệ Chúa Kitô, chúng ta sẽ biến Giáo Hội thành một cơ quan hỗ trợ cho tổ chức phi chính phủ[5]. Và trong sứ điệp Phục Sinh ngài lại mời gọi chúng ta hy vọng vào tình yêu và lòng thương xót của Chúa: “Đức Giêsu đã sống lại, đó là niềm hy vọng, anh chị em không còn ở trong quyền lực của tội lỗi và sự ác nữa! Tình yêu đã chiến thắng, lòng thương xót đã khải hoàn! Lòng thương xót của Chúa luôn luôn chiến thắng!”[6]
Lạy Chúa Giêsu, với đôi tai của thân thể, xin cho con được nghe tiếng Chúa gọi mời từ trong sâu thẳm của lương tâm và trong Kinh Thánh để đừng chạy theo những tiếng gọi của trần thế. Xin cho con có một tâm hồn cởi mở để biết Chúa và biết mình đang đặt hy vọng gì vào Ngài, để không còn khao khát điều gì khác ngoài một điều là đem đến cho mọi người niềm hy vọng được sự sống đời đời từ nơi Cha.
[1] Linh Tiến Khải, Cần có một cuộc phục hưng mới. Nguồn: Vietcatholic 19/04/2013
[2] Đức Bênêđictô XVI, Sứ điệp ngày cầu cho ơn gọi thế giới lần thứ 50 (2013), viết ngày 6.10.2012
[3] Ibit
[4] Theo Pope Francis and “Les Mis”: Fiction Meets Fact của Edward Mulholland – National Catholic Register 26.3.2013. Tuần báo CG&DT số 1901 tuần lễ từ ngày 5-11.4.2013, Một cuộc gặp gỡ giữa hư và thực, trang 24 – 26.
[5] Bài Huấn Từ của của ĐTC Phanxiciô I trong Thánh Lễ với các Hồng Y tại Nguyện Đường Sistine hôm thứ năm 14 tháng 3, 2013. Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ. Nguyên văn: http://www.vatican.va/holy_father/francesco/homilies/2013/documents/papa-francesco_20130314_omelia-cardinali_it.html. 3/14/2013
0 comments:
Đăng nhận xét