13/3/13

Bài Học Từ Lời Chúa: Đồng Cơ Thúc Đẩy Hoán Cải

Xem hình
Đoạn Tin Mừng Lc 15:1-3.11-32 tường thuật dụ ngôn về lòng nhân hậu của Thiên Chúa, cũng nhấn mạnh đến sự hoán cải của người con. Tôi suy tư về sự hoán cải của người con để thấy đâu là động lực đưa đến sự hoán cải.
Trước hết, tình trạng đời sống của người con thứ, từ một kẻ có tài sản, ăn chơi xa xỉ, phung phí tài sản; khi anh ta sa cơ thất thế, bạn bè xa lánh, người đời khinh bỉ… đến độ anh phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng và bị sai đi chăn heo và ước ao ăn thức ăn của heo mà cũng chẳng có. Nhục nhã. Điều này khiến anh ta suy nghĩ đến phẩm giá của mình. Hồi tâm là bước đầu tiên của sự hoán cải. Anh nhớ lại phẩm giá của mình trước đây khi anh là con của cha mình, anh so sánh phẩm giá của mình với những người làm công. Hồi tâm là nhìn lại mình chứ không nhìn người khác. Tin Mừng cho thấy người con thứ không oán than cha già, không trách cứ bạn bè, không tỵ nạnh với người làm công. Anh ta chỉ nhìn vào mình và so sánh phẩm giá của mình trong tư cách làm con, so sánh phẩm giá của mình với những người làm công. Anh nhận ra tình trạng phẩm giá của anh lúc này quả là tệ hại.
Thứ đến, anh ta nghĩ đến cha mình. Khi bỏ cha mà ra đi, anh mang theo một mộng ước của con người tự do, nhưng thực sự đó là sai lầm của kẻ vô kỷ luật. Anh muốn xây dựng hạnh phúc của ‎riêng mình mà không cần sự can thiệp của cha. Biến cố của nạn đói đã làm cho anh nhìn lại phẩm giá của mình, thì đồng thời anh cũng hướng về người cha, một người cha nhân hậu. Anh ta chắc rằng, anh chỉ cần xin lỗi, thì ít là cha sẽ cho anh được làm công trong trang trại của cha, để nhân phẩm của anh ít ra cũng không bị khinh rẻ như tình trạng hiện tại. Tin vào tình yêu của cha đem lại động lực để dẫn đưa người con thứ hoán cải trở về.
Cuối cùng, hoán cải đòi phải đưa tới hành động chứ không dừng lại trong suy nghĩ. Hoán cải là chỗi dậy, trở về, bỏ lại quá khứ tội lỗi, bỏ lại những thói tật đằng sau để bước về phía trước. Đây là hành động quyết định để con người nhận được ơn tha thứ. Người con sau khi suy nghĩ về phẩm giá của mình, nhìn lại tình yêu của cha, “anh ta đứng lên đi về cùng cha.” Tôi hiểu “đứng lên” là làm một hành động quyết định. Thời điểm này có nhiều cám dỗ để thụt lùi. Cám dỗ mặc cảm. Cám dỗ sẽ bị la mắng, đối xử tệ. Cám dỗ và nhiều cám dỗ… Đó là mưu chước của ma quỷ để lôi kéo một người tiếp tục chìm đắm trong tội. Ngôn ngữ dân gian thường coi đó là tự ái. Đứng lên đòi phải có một y chí mạnh mà có khả năng biến suy nghĩ thành hành động.
Một người Mỹ nhận xét về thói xấu của người Việt là không biết xin lỗi khi mình làm gì sai trái, nhất là đối với người nhỏ hơn hay địa vị thấp hơn là do họ luôn nghĩ mình đúng. Thái độ nhận lỗi và nói lời xin lỗi thể hiện con người tôn trọng phẩm giá của mình và của người khác và dễ để sửa đổi đời sống sau khi vấp phạm lầm lỗi (báo Tuổi Trẻ ngày 26/11/2011).
Lạy Chúa, nhiều lúc con thấy khó để hoán cải mà không biết tại sao vậy. Lời Chúa trong dụ ngôn về lòng nhân hậu của Chúa dạy cho con biết để hoán cải thì cần thiết phải có sự hồi tâm để nhìn lại phẩm giá của chính mình và khám phá tình yêu của Chúa. Và hoán cải cũng đòi con phải “đứng lên”, rời bỏ tật xấu, rời bỏ lối sống cũ, rời bỏ cả mong muốn tự do theo ‎riêng. Xin đừng để con ù lì trong tội. Xin đừng để con sa chước cám dỗ rằng con mà đứng lên trở về thì chẳng ai đón tiếp, chẳng thay đổi được gì số phận.
Hoa Hạ FSC

0 comments:

Đăng nhận xét