11/11/12

Bài Học Từ Lời Chúa: Sống Tình Yêu Chân Thành

Xem hình
Tin Mừng Marco 12:38-44 giới thiệu khuôn mặt của người chân thành qua nhân vật bà goá và hình ảnh phản diện là người Pharisêu. Sự khác biệt giữa những người Pharisêu và người bà goá nghèo là tình yêu chân thành. Tôi được mời gọi suy tư để nhận diện khuôn mặt giả hình giả bộ hôm nay và thế nào là sống chân thành.
Người Pharisêu xúng xính trong bộ áo thụng để tạo dáng vẻ trịnh trọng khi đi ngoài đường hay đến nơi công cộng hầu tạo chú ý cho người khác và để được bẩm chào kính cẩn, nơi nguyện đường hay cỗ tiệc thì thích ngồi chỗ cao nói lớn để mình được để ý tới. Họ cũng có thể đáng được như vậy nếu có những phẩm chất tốt. Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy coi chừng cách họ làm để được điều họ muốn, đó chỉ là cách phô trương bên ngoài, vẻ giả tạo để che đậy một lòng dục bên trong. Họ muốn loá mắt các bà goá để “nuốt hết tài sản” của những người này. Họ làm ra vẻ đạo đức để người khác lép vế mà không dám đánh giá về những hành vi xảo trá ám muội của họ. Họ không chân thành với chính mình và người khác. Một lối sống giả hình.
Lời Chúa nhắc tôi nhìn lại căn cội của thói giả hình giả bộ trong thực trạng đời sống người Việt Nam hôm nay: Trong “Xét Tật Mình, người Việt[1]  nhà nghiêu cứu Cao Tự Thanh cho rằng những gì đang trở thành nhược điểm của người Việt Nam hôm nay chủ yếu được hình thành do những tác động của lịch sử xã hội trong thế kỷ XX: Chính sách đấu tố đã đẻ ra lớp người phản đạo đức, phi nhân bản, trong đó con cái đấu tố cha mẹ, vợ chồng bạn bè họ hàng đấu tố nhau. Vô nhân đạo vì coi mạng người như cỏ rác; vì làm ác mà được cho là đúng, được sống yên ổn. Thời hợp tác xã nông nghiệp sản sinh ra lớp người Việt chuyên tính toán chuyện bớt xén, gian lận...; ngay chính cha mẹ dạy cho con cái, tập cho chúng gian lận, lươn lẹo; rồi cái gian lận, cái lươn lẹo đó nó len lỏi cả vào trong đời sống đạo, trong đời tu. Cơ chế bao cấp hình thành đã làm nảy sinh hai đứa con tệ hại trong xã hội là thói đạo đức giả và thói vô trách nhiệm. Đến thời “Đổi Mới” một bước nhảy vọt về phát triển kinh tế mà thiếu sự chuẩn bị về việc giáo dục đạo đức cho con người, điều đang xảy ra hiện nay, đó là con người sống với một luân lý đảo điên, nôn nóng, buông thả, sống gấp, sống cuồng, sống vội...; giả dối, lừa lọc, phi đạo đức lên ngôi, xã hội đang đầy rẫy những thứ giả[2]. Như xưa Chúa cảnh giác các môn đệ coi chừng rơi vào thói giả hình của người Pharisêu, Lời Chúa hôm nay cảnh giác tôi: Hãy coi chừng để đừng bị rơi vào thói giả hình giả bộ mà hoàn cảnh lịch sử của dân tộc đã tạo nên nơi nhiều con người Việt.
Để hoá giải thói giả hình giả bộ, Lời Chúa mời tôi hãy tập sống bằng một tình yêu chân thành. Nơi bà goá nghèo của Tin Mừng, tôi nhận ra rằng, để sống chân thành hãy biết trải lòng mình ra. Bà góa nghèo đã dâng cúng những gì mình có. Sống chân thành không đo bằng số lượng tiền của hay vật chất mình bỏ ra, nhưng là chính tấm lòng của tôi trải ra cho việc ấy. Sống chân thành phải vượt lên trên những tính toán duy lý. Người sống chân thành khi biết việc cần phải làm thì hành động mà không tính toán thiệt hơn. Bà góa nghèo bỏ hai đồng tiền kẽm vì ý thức rằng đó là điều cần làm, bà không tính toán gì khác; cũng giống như bà goá thành Sarépta đã làm bánh cho tiên tri Êlia dù bà chỉ còn lại đủ bột để cho bà và con bà ăn và chết (1V 17:12).  Người sống chân thành thì có gì cho nấy mà không tính xem món quà của mình có giá trị bao nhiêu. Bà goá nghèo đã bỏ hai đồng tiền kẽm vì biết rằng đó là cái gì mình có; bà không ngần ngại  gì trước những người giàu có khác cũng đang bỏ nhiều tiền vào hòm dâng cúng...
Lạy Chúa, xin giúp con đừng sống đểu cáng, đừng làm ra vẻ bên ngoài, hình thức, giả trá; nhưng xin cho con biết thật lòng mỗi khi đến với Chúa hoặc đến với anh chị em con. Xin giúp con biết tập sống quảng đại chân thành để hoá giải thói giả hình giả bộ do lịch sử dân tộc ảnh hưởng đến con.
Lạy Chúa, xin cho con dám sống hết lòng, hết mình với Chúa và với anh chị em. Con tin rằng Chúa không bao giờ thua con về lòng quảng đại.


[1] Trích từ Xét Tật Mình, người Việt, Tuổi Trẻ, số Xuân Kỹ mão, 1999, trang 14. Xem GM Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Việt Nam Dấu Yêu – Quê Hương và Giáo Hội, CLB Phaolô Nguyễn Văn Bình, 2011.

[2] Dư Hoa, Huynh Đệ, T. 1, trang 430. Xem GM Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Việt Nam Dấu Yêu – Quê Hương và Giáo Hội, CLB Phaolô Nguyễn Văn Bình, 2011.

Hoa Hạ FSC

0 comments:

Đăng nhận xét