22/11/12

Bài 7 – Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần

Xem hình
Bài giáo lý ‘Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần’ do Sư Huynh Giuse Lê Văn Phượng FSC lượt soạn với mục đích giúp các học viên thần học và giáo lý viên hiểu nội dung giáo lý của Hội Thánh Công Giáo để thông truyền giáo lý cho giới trẻ.
Nội dung bài này gồm 4 phần:
(1).Thiên Chúa Tỏ Mình qua Đức Giêsu
(2). Giáo Hội Tiên Khởi Tuyên Xưng Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi
(3).Định Tín Của Giáo Hội
(4).Ánh Sáng Cho Cuộc Đời
Bài 7
THIÊN CHÚA LÀ CHA VÀ CON
VÀ THÁNH THẦN

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần là mầu nhiệm trọng tâm của đức tin và đời sống Kitô hữu.
Đây là mầu nhiệm về đời sống nội tại của Thiên Chúa, nền tảng các mầu nhiệm khác của Kitô giáo và là ánh sáng chiếu soi các mầu nhiệm ấy.
I.Thiên Chúa Tỏ Mình qua Đức Giêsu
Chính Đức Giêsu tỏ cho chúng ta biết Thiên Chúa Cha là Cha trong tương quan với Con và ngược lại Chúa Con là Con trong tương quan với Cha. “Không ai biết Người Con trừ Chúa Cha và cũng không ai biết Chúa Cha trừ Người Con…” (Mt 11:27)[1].
Chúa Thánh Thần cũng được Đức Giêsu mặc khải như một ngôi vị khác với Đức Giêsu và Chúa Cha. Người là Đấng Bàu Chữa mà Chúa Cha sai đến nhân danh Con Một của Người (Ga 14:26).
II. Giáo Hội Tiên Khởi Tuyên Xưng Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi
Ngay từ buổi sơ khai của Giáo Hội, mầu nhiệm Thiên Chúa duy nhất là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần đã ghi dấu ấn đậm nét trong công thức rửa tội trong các văn bản của các Tông đồ, trong cử hành phụng vụ và lời cầu khẩn của Giáo Hội.
Thánh Phaolô tuyên xưng Thiên Chúa là Thiên Chúa Chúa duy nhất “Chỉ một Chúa, một đức tin, một phép Rửa. Chỉ một Thiên Chúa Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người và trong mọi người” (Ep 4,4-6). Nhưng đồng thời Thiên Chúa là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần “cầu chúc anh chị em được tràn đầy ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần”(2Cr 13,13)[2].
Chân lý mặc khải về Thiên Chúa Ba Ngôi, từ ban đầu là nền tảng của đức tin sống động của Giáo Hội, chân lý ấy được tuyên xưng trong công thức làm rửa tội: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28:19).
III. Định Tín Của Giáo Hội
Để diễn tả đức tin của mình một cách minh nhiên, Giáo Hội đã không ngừng suy niệm, vừa để đào sâu mầu nhiệm về Thiên Chúa Ba Ngôi, vừa để bảo vệ đức tin tinh tuyền. Những suy niệm ấy dẫn đến sự định tín của Giáo Hội[3]:
- Ba Ngôi là Một: Thiên Chúa duy nhất là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. “Ba Ngôi cùng một bản thể” và một uy quyền ngang nhau. Các ngôi vị không chia nhau thiên tính duy nhất, nhưng mỗi Ngôi là Thiên Chúa trọn vẹn, trọn vẹn bản tính thần linh.[4]
- Ba Ngôi Thiên Chúa cùng một bản thể nhưng thực sự phân biệt nhau. Ba Ngôi phân biệt nhau do tương quan nguồn gốc: “Cha là Đấng sinh thành – Con là Đấng được sinh ra – Thánh Thần là Đấng phát xuất từ Cha và Con”[5]
- Ba Ngôi khác biệt nhưng chỉ là một Thiên Chúa duy nhất, nên Ba Ngôi cũng chỉ có một hoạt động, một công cuộc, nhưng mỗi Ngôi thực hiện theo biệt tính của mình (x. 1Cr 8,6 và 2Cr 3,17).
Công trình sáng tạo và cứu chuộc là công trình chung của Ba Ngôi Thiên Chúa, cũng là công trình riêng của mỗi Ngôi: Cha toàn năng là Đấng tạo thành; Con đã xuống thế làm người để cứu độ loài người và Thánh Thần là Đấng ban sự sống (Rm 8,14 – 16; Gl 4,6). Công trình ấy vừa cho thấy đặc tính riêng của từng ngôi vị, vừa cho thấy bản tính duy nhất của Ba Ngôi.
IV. Ánh Sáng Cho Cuộc Đời
Mỗi ngày sống và mỗi công việc làm của Kitô hữu phải được thực hiện nhân danh Thiên Chúa, trong đường hướng và ý muốn của Thiên Chúa và để tôn vinh Thiên Chúa.
Tình yêu trao ban và đón nhận của Ba Ngôi Thiên Chúa phải là động lực thúc đẩy cuộc sống của chúng ta trên bình diện cá nhân, gia đình và xã hội; mời gọi chúng ta biến tâm hồn, gia đình…trở nên nơi cư ngụ của Ba Ngôi Chí Thánh.


[1] xem Ga 14:10 – 11
Chú thích: Gọi Thiên Chúa là Cha muốn nói lên hai khía cạnh: Thiên Chúa là nguồn gốc đầu tiên của mọi sự là Đấng uy quyền siêu việt; đồng thời là Đấng nhân hậu yêu thương chăm sóc mọi con cái.
[2] Công thức này hiện nay Giáo Hội vẫn dùng làm lời chào chúc của Giáo Hội đối với con cái mình trước mỗi cử hành phụng vụ.
[3] CHÚ THÍCH: Để công thức hoá tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi, Giáo Hội dựa vào khái niệm triết học đã đưa ra những thuật ngữ: “Bản thể”, “ngôi vị”, tương quan”.
Thuật ngữ “Bản thể (hay “bản tính” hoặc “yếu tính”) dùng để chỉ sự hiện hữu của Thiên Chúa duy nhất. “Ngôi vị” (hoặc “bản vị”) chỉ từng ngôi riêng biệt trong sự phân biệt giữa Ba Ngôi: Cha – Con – Thánh Thần. “Tương quan” chỉ sự khác biệt giữa ba ngôi trong mối liên hệ nội tại. (x. GLGHCGsố 252)
[4] CĐ Constantinopoli năm 533; DS 421 (x. GLGHCG số 253)
Chú Thích: Cách giải thích về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi: Giáo phụ Tertulien (khoảng 160 – 220 AD) trong thần học về Thiên Chúa Ba Ngôi, ngài đã dùng ý niệm ánh sáng để giải thích về ý niệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Ngài giải thích: từ nguồn sáng phát xuất ra các tia sáng và làm tỏa lan ra ánh sáng. Nguồn Sáng khác với Tia Sáng, và Ánh Sáng (quang phổ) tỏa lan mà chúng ta nhận biết không gọi là nguồn sáng hay tia sáng. Nhưng cả ba đều là ánh sáng.
Hình ảnh này dễ dàng giúp chúng ta hiểu phần nào về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúa Cha là Đấng Tạo Thành, là nguồn gốc của mọi sự, Chúa Con phát xuất từ Chúa Cha như tia sáng phát xuất từ nguồn sáng, và Con không thể là Cha như tia sáng không phải là nguồn sáng, và Thánh Thần bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra như là ánh sáng (quang phổ) được hình thành do bởi nguồn sáng và tia sáng vậy. Cả ba khác biệt nhưng tất cả đều là ánh sáng, không phân biệt nhưng khác biệt.
[5] X. Ep 3,14-17t; Gl 4,4-6. Cđ Tôlêđô XI năm 675: DS 530; Latran IV năm 1215: DS 804.
“Thiên Chúa sinh ra Con mình trong Thánh Thần, nghĩa là Người sinh ra trong tình yêu mà Người đổ xuống trên Người Con. Ba Đấng ấy là: Đấng Sinh Thành – Đấng Được Sinh Thành và Sự Sinh Thành tức là Thánh Thần” (x. Noberto, Tin Mừng của Thiên Chúa - THIÊN CHÚA BA NGÔI, trang 251)
Lời tuyên xưng trong Kinh Tin Kính theo truyền thống La Tinh: Chúa Thánh Thần phát xuất bởi Chúa Cha và Chúa Con (Filioque). Đây là lời tuyên xưng dựa theo truyền thống cổ xưa của trường phái La tinh và Alexandria và được tuyên xưng như một tín điều vào năm 447 bởi Giáo Hoàng Lêô I và vào năm 451 bởi Công đồng Canxeđônia. Công thức này dần dần được chấp nhận trong phụng vụ La tinh từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XI.
Truyền thống Đông Phương tuyên xưng Chúa Thánh Thần “phát xuất từ Chúa Cha” (Ga 15:26) là muốn xác định Chúa Thánh Thần phát xuất từ Chúa Cha qua Chúa Con. Còn truyền thống Tây Phương tuyên xưng Chúa Thánh Thần phát xuất bởi Chúa Cha và Chúa Con là muốn nhấn mạnh đến sự hiệp thông đồng bản thể giữa Chúa Cha và Chúa Con. (GLGHCG số 247-248)
Giuse Lê Văn Phượng FSC

0 comments:

Đăng nhận xét