PHẦN HAI
TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN
NHỮNG BẢN TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN
Ngay từ buổi sơ khai, Giáo Hội đã diễn đạt và thông truyền đức tin của mình trong những công thức ngắn và chuẩn mực cho mọi người:.... (Rm 10, 9; 1Cr 15,3 – 5;...). Dần dần thu thập những điểm cốt yếu của đức tin lại thành những bản có hệ thống, gọi là những bản “tuyên xưng đức tin” hay là Kinh “Tin Kính”, có khi còn gọi là bản “tín biểu”[1].
Lời tuyên xưng đức tin đầu tiên là tín biểu của bí tích Thánh Tẩy. Lời tuyên xưng này ta thấy có ba phần: Chúa Cha và công trình sáng tạo, Chúa Con và mầu nhiệm cứu chuộc con người, Chúa Thánh Thần, cội nguồn và nguyên lý thánh hóa chúng ta.
Theo dòng lịch sử, tuỳ theo từng thời đại khác nhau mà Giáo Hội có những bản tuyên xưng đức tin, không một tín biểu nào bị coi là lỗi thời và vô ích[2]. Trong tất cả các tín biểu, có hai bản chiếm một vị trí rất đặc biệt trong đời sống Giáo Hội là:
- Kinh Tin Kính của các Tông đồ, “vì đây là tín biểu được bảo tồn trong Giáo Hội Rôma, nơi thánh Phêrô đã đặt tông tòa và đem lại sự nhất trí trong toàn Giáo Hội” và kinh này cũng được xem là “bản giáo lý Rôma cổ xưa nhất”[3].
- Kinh Tin Kính công đồng Nicêa – Contantinopoli, vì nó phát xuất từ hai công đồng đầu tiên (năm 325 và 381), bản này là bản chung cho tất cả các Giáo Hội Đông và Tây phương.
Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo 1992 trình bày đức tin theo Kinh Tin Kính của các tông đồ, có tham chiếu Kinh Tin Kính của Công đồng Nicêa – Contantinopoli. Tuyên xưng về Chúa Cha, về Chúa Con, về Chúa Thánh Thần, về Giáo Hội, về sự sống lại và sự sống đời sau.
Mỗi người hãy đón nhận Kinh Tin Kính để nhờ đó chúng ta được sống. Khi đọc Kinh Tin Kính với lòng tin, chúng ta được thông hiệp với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, thông hiệp với toàn thể Giáo Hội.
CHƯƠNG I
TIN THIÊN CHÚA LÀ CHA
Bài 6
THIÊN CHÚA DUY NHẤT
I.Thiên Chúa duy nhất
Khi tuyên xưng : “Tôi tin kính một Thiên Chúa …” là chúng ta tin nhận chỉ có một Thiên Chúa, là Thiên Chúa duy nhất, xét theo bản tính, bản thể và yếu tính[4].
Niềm tin này bắt đầu từ trong Cựu Ước, Thiên Chúa tỏ ra Người là Thiên Chúa duy nhất khi kêu gọi, chọn và lập với dân Iraen một giao ước; mỗi khi họ bất trung Thiên Chúa dùng các ngôn sứ kêu gọi họ trở về với Người là Thiên Chúa duy nhất (Is 45,22 - 24)
Niềm tin ấy được Đức Giêsu xác nhận cách chính thức khi Ngài dạy “phải yêu mến Đức Chúa là Thiên Chúa duy nhất…” (Mc 12,30).
Tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa và tin vào Chúa Thánh Thần là Chúa và là Đấng ban sự sống thì không trái nghịch với đức tin vào một Thiên Chúa duy nhất[5].
II. Thiên Chúa là Đấng Hiện Hữu
Thiên Chúa tự mạc khải cho dân Iraen biết Danh Thánh của Người. Người tỏ mình cách tiêm tiến và với nhiều tên gọi khác nhau.
Việc Mặc khải Danh Thánh của Người cho ông Môsê nơi bụi gai rực cháy là mặc khải căn bản cho Cựu Ước và Tân Ước.
Thiên Chúa mặc khải “Ta là Ta” hay “Ta là Đấng Hiện Hữu”(YHWH = Yahweh = Giavê). Tên gọi này Thiên Chúa vừa tỏ mình, vừa là từ chối không cho biết Người[6].
Qua Danh Thánh này, chúng ta hiểu “Thiên Chúa là Thiên Chúa ẩn mình (Is 45:15) và là vị Thiên Chúa trở nên gần gũi.
Vì là “Đấng Hiện Hữu”, Người là Thiên Chúa hằng sống muôn đời (Xh 3:6), là Thiên Chúa trung thành, là Thiên Chúa giải thoát, là Thiên Chúa luôn có mặt.
Mạc khải Danh Thánh “Ta là Đấng Hiện Hữu” chứa đựng chân lý: Thiên Chúa là sự viên mãn của hiện hữu và của mọi sự trọn hảo, không khởi nguyên và không cùng tận.
III. Thiên Chúa là Chân Lý và Tình Yêu
1. Thiên Chúa là Đấng Chân Thật
Thiên Chúa là chân lý, sự hiểu biết của Người vô hạn (Tv 146,5). Người trung thực trong lời nói nghĩa là không thể lừa dối và cũng chẳng ai dối được Người. Người trung tín tuyệt đối, luôn trung thành thực hiện các lời hứa của Người.
Sự thật của Thiên Chúa được biểu lộ qua việc Người sáng tạo và điều khiển vũ trụ cách khôn ngoan.
Chính Con Thiên Chúa xuống thế làm người “để làm chứng cho sự thật” (Ga 18,37)
2. Thiên Chúa là Tình Yêu
Thiên Chúa chỉ có một lý do duy nhất khi tự mạc khải cho nhân loại đó là tình thương nhưng không của Người. Thiên Chúa cũng tỏ mình là Thiên Chúa “giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34,6).
Tình thương của Thiên Chúa còn mạnh hơn cả tình thương của cha mẹ đối với con cái, của vợ chồng đối với nhau (x. Hs 11:1; Is 49:14-15; Is 62:4-5). Tình thương của Người thì vĩnh cửu (Is 54:8.10)
Khi sai Con Một và Thánh Thần tình yêu đến với chúng ta, Thiên Chúa mạc khải: Bản thân Thiên Chúa là Tình Yêu trao đổi giữa Chúa Cha (người đang yêu), Chúa Con (hình ảnh Cha yêu) và Chúa Thánh Thần (tình yêu)[7] và Người tiền định cho ta khả năng thông phần vào tình yêu của Người.
IV. Sống Niềm Tin vào Thiên Chúa Duy Nhất
Niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất bao hàm việc nhận biết sự cao cả và uy linh của Thiên Chúa (G 36:26); sống tâm tình tạ ơn (1Cr 4:7; Tv 116:12); nhận biết tính thống nhất và phẩm giá của con người (Tv 116,12) là việc sử dụng thích đáng mọi tạo vật và biết phónthác cho Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh (kể cả nghịch cảnh)
Vì thế người Kitô hữu, trước hết, phải có thái độ khiêm tốn nhận ra và sống đích thực bản chất con người của mình; tri ân và cảm tạ Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh (1Tx 5,18). Đồng thời phải luôn luôn tín thác cho Thiên Chúa và kêu cầu Người trong mọi nơi và mọi lúc.
[1] “Tín biểu” là chữ tắt của biểu tượng đức tin dịch từ tiếng Hylạp Symbolon.
Symbolon có nghĩa là phân nửa được bẻ ra. Tín biểu là dấu hiệu để tin hữu nhận ra nhau, hiệp thông với nhau.
Symbolon cũng có nghĩa là sưu tập hay bản tóm lược. Theo nghĩa này thì “tín biểu” là sưsu tập chính yêu của những chân lý đức tin và trở thanh quy chiếu và căn bản của huấn giáo. (GGHCG số 188)
[2] Xem thêm GLGHCG số 192 về các bản tín biểu của Giáo Hội.
[3] Th. Ambrôsiô
[4] Giáo lý Rôma 1,2,2
[5] CĐ Latran IV: DS 800
[6] Chú thích: Danh Thánh Thiên Chúa theo Thánh Kính
Nhiều danh được Thánh Kinh sử dụng để gọ Thiên Chúa, thường làm nổi bật hành động hơn là bản tính.
Schebeen (Dogmatik I,n.84) đã chia 4 danh trong Cựu Ước thành ba loại:
(1) Nhóm 1: Danh xác định liên hệ giữa Thiên Chúa với vũ trụ và con người:
- El: Đấng toàng năng – Người mạnh mẽ.
- Elohim: Đấng nắm quyền toàn năng.
- Adonai: Chúa, Chúa Thượng, Đấng thẩm phán.
(2) Nhóm 2: Danh nhắn đến sụ thiện toàn nội tại của Thiên Chúa:
- Schadai: Đấng toàn năng
- Elion: Đấng tối cao.
- Kadosch: Đấng thánh.
(3) Nhóm 3: Danh chỉ tên riêng và yếu tính của Thiên Chúa: “YAHWEH”
(Ludwig Ott – Tín lý 1. Bản dịch Lm Nguyễn Văn Trinh (2003) trang 48)
[7] St. Augustino
Giuse Lê Văn Phượng FSC
0 comments:
Đăng nhận xét