“Tôi thờ lạy trong mọi sự
Thánh Ý Chúa đối với tôi.”
Thánh Ý Chúa đối với tôi.”
Tỉnh Dòng La San Việt Nam có một tiến trình dài với nhiều gian truân và an ủi[1] có thời huy hoàng và cũng có lúc rớt xuống vực thẳm. Năm nay đánh dấu 150 năm các Sư huynh La San đến Việt Nam (1866-2016), trong công cuộc phục vụ giáo dục nhân bản và Ki-tô giới trẻ, phải là một dịp để duyệt xét quá khứ và chuẩn bị tương lai. Suy tư cho tiến trình này phải chăng là trở về nguồn, về lại những ngày tháng mà Gioan La San khởi sự với các thầy giáo việc thành lập dòng các Sư huynh trường Kitô.
Chúng ta cùng suy tư về những biến cố gian nan, khổ đau.. trong cuộc đời đầy nước mắt của Thánh Tổ phụ, đặc biệt sự kiện khởi đầu của Thánh Tổ Phụ để nối theo bước Ngài. Chúng ta xây dựng Tỉnh Dòng bắt đầu trong lòng mỗi con người chúng ta. “Xin hãy gửi Thánh Linh Chúa đến để ban cho chúng con một cuộc sống mới và Ngài sẽ đổi mới mặt địa cầu”[2].
“Thánh Gioan La San đã được Thiên Chúa tác động, làm cho quan tâm tới cảnh khốn cùng nhân bản và thiêng liêng của “con em thợ thuyền và người nghèo”. Vì vậy, Người đã hiến mình đào tạo những thầy giáo, biết hết mình xả thân cho công cuộc mở mang học vấn và giáo dục Kitô. Người đã quy tụ các thầy thành Cộng đoàn và rồi cùng các thầy, lập ra Dòng các Sư Huynh trường Kitô.” (LD 1)
Một con tim bằng thịt của Gioan La San đã rung động và thôi thúc Người dấn thân vào cuộc. “Ta sẽ ban cho chúng một trái tim và đặt thần khí mới vào lòng chúng. Ta sẽ lấy khỏi mình chúng trái tim chai đá và ban cho chúng một trái tim bằng thịt” (Ed 11, 19).
Nói ra lời yêu thương đối với trẻ em thất học làm lũ, con em của giới lao động nghèo thì dễ hơn việc thoát ly khỏi cuộc sống đầy đủ trong gia đình, từ bỏ các sinh hoạt riêng tư của bản thân.. Con đường “được Thiên Chúa tác động” không mấy an nhàn, không mấy thoải mái.. “Cha muốn đào tạo những thầy giáo của mình trên đường nhân đức và làm cho họ mến chuộng bậc sống của họ vì điều thiện mà họ có thể làm ư..? Thế thì Cha phải cho họ cư ngụ trong nhà mình và sống chung với họ trong môi trường của họ”[3]. Đó là lời khuyên của vị linh hướng, Linh mục Barré. Chỉ có Chúa, Tình Yêu của Chúa mới làm nên mọi chuyện.
Đưa các thầy giáo về cư ngụ trong nhà mình là bước đầu của Cha Gioan La San. Ngày 24 tháng 6 năm 1681, Giáo hội mừng Sinh nhật Gioan Tẩy Giả[4], là ngày Gioan La San[5] đưa các thầy về nhà mình cùng chung sống, cuộc sống chung này dẫn đến những xung đột không thể thỏa thuận được giữa những người thân trong gia đình. Thân nhân, thuộc gia đình quý phái chỉ trích hành động này của Gioan La San, chẳng khác nào thời Chúa Giêsu cũng thế, thân nhân coi Đức Giêsu là mất trí (Mc 3,21)[6], và bạn bè của Ngài cũng phê phán việc làm này và xa lánh Ngài.. cuộc sống chung này quả thật khó chịu cho cả đôi bên. Người giàu và người nghèo, giới thượng lưu và hạ lưu.. cuộc đấu tranh giai cấp xẩy ra thật gay gắt ngay trong gia đình của Gioan La San. “Phúc thay người giàu có mà không tỳ ố, không chạy theo của cải bạc vàng..” (Hc 31,8). Khi sống gần kề với các thầy giáo, Gioan La San khám phá ra nơi họ hiện diện nỗi khốn cùng và cần được giúp đỡ, được đồng hành, được chia sẻ.., Gioan La San thấy được nỗi thống khổ cùng cực về xã hội, về tôn giáo của con cái những người thợ thuyền, những người nghèo mà các thầy giáo tiếp cận hằng ngày. Một năm khởi đầu đầy gian nan, Gioan La San chăm chút lo huấn luyện các thầy giáo về nhân bản Ki-tô và về chức năng giáo dục[7]. Cuộc khởi đầu này cũng không hẳn tốt đẹp vì sự xung khắc lại nẩy sinh giữa các thấy giáo và Gioan La San, còn đó cái an toàn về tài sản, về cư trú của Gioan La San và cái bấp bênh của các thầy giáo. “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo...” (xem Mt 19, 21-22).
Sống chung với các thầy là bước thứ hai của Cha Gioan La San. Một năm sau cũng ngày 24 tháng 6 năm 1682, Gioan La San cùng với các thầy giáo đến thuê nhà tại La rue Neuve, xóm những người cùng khổ trong xã hội, khu vực sinh hoạt của những người nghèo; ngôi nhà thuê nghèo nàn nằm đối diện với những bức tường của Dòng Nữ Sainte-Claire. Ngôi nhà này[8] là “cái nôi” của Dòng các Sư huynh trường Kitô. Đây là bước khởi đầu tuyệt vời trên “con đường tự hủy” để đáp lại lời mời gọi của con tim đã được Chúa tác động. "Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.“ (Mt 16,24).
Con đường của tình yêu đích thực là vậy và tình yêu đích thực là tự hủy. Con đường này Chúa Giêsu đã đi qua, Người đi lên Giêrusalem không phải để hành hương đền thánh, để tham dự vào những lễ hội.. mà là để tự hủy mình vì người mình yêu. Chúa Giêsu làm gương để rồi mời gọi Gioan La San theo bước chân Ngài, trở nên tấm bánh bị bẻ ra cho nhiều người khác, trở thành hạt lúa mì chết đi, để cho muôn vàn hạt khác sinh sôi nẩy nở.
Gioan La San đã để cho Chúa “dụ dỗ” đi hai bước khởi đầu vào chông gai, vào gian khổ để xây dựng Dòng các Sư huynh trường Kitô, công việc này tưởng như chẳng thể làm được! “Đức Giêsu nhìn thẳng vào các ông và nói: Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể được”[9]. Khi dõi theo những ngày tháng sống của Gioan La San trên trần gian thì chẳng thể tìm ra vài ngày huy hoàng hay ngày lễ hội! Từ năm 30 tuổi đến khi nằm trên giường bệnh (68 tuổi), con đường Ngài đi qua, trải đầy chông và gai...! Con đường mà Chúa Giêsu đã đi rao giảng Nước Chúa cũng là con đường Chúa dành cho Gioan La San. “Tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi” (Ga 13,16). Gioan La San cũng truyền lại những kinh nghiệm của Ngài cho các môn đệ La San. Trên giường bệnh, trước khi nhắm mắt, Gioan La San nhắn nhủ các môn đệ Người về lối sống giữa đời thường: “nếu các con muốn bảo toàn và chết trong Dòng thì không nên thân thiện với người đời vì dần dần các con sẽ thích lối sống của họ...”[10]. Lời nhắn nhủ này được ghi lại trong Luật Dòng số 31 như sau: “..Các Sư huynh biết thận trọng và khôn ngoan trong việc đi lại với thế gian.”
Tổ phụ Gioan La San để cho mình bị nắm bắt và khuất phục bởi ân sủng lập dòng mà Thiên Chúa đã trao tặng cho Người, qua cuộc hành trình đầy gian truân, Gioan La San cũng đã minh chứng lòng mình trong sự trung thành dám dấn thân trong cuộc “xuất hành” dứt khoát không bước lui, tiến vào việc hòa nhập với thế giới những người nghèo. Ngài đã nói lên tâm tình này trong những ngày đau khổ cuối đời trên giường bệnh: “Tôi hy vọng là tôi sẽ được giải thoát khỏi Ai-cập để được đưa vào Đất Hứa”[11].
Khi lần theo những bước khởi đầu của Cha Thánh Gioan La San trong tiến trình thành lập Dòng các Sư huynh Trường Ki-tô, chúng ta cảm nhận được lòng phó thác tuyệt đối của Ngài vào Tình Yêu, vào sự quan phòng của Thiên Chúa, để rồi tâm tình của Ngài trước khi trút hơi thở cuối cùng là: “Tôi thờ lạy trong mọi sự Thánh ý Chúa đối với tôi”[12].
Ngày hôm nay hơn bao giờ hết, trong dịp mừng kỷ niệm 150 năm các Sư huynh La San đến Việt Nam, trong công cuộc phục vụ giáo dục nhân bản và Ki-tô giới trẻ.
- Các Sư huynh La San Việt Nam thao thức mong đợi gì? Phải chăng là tinh thần đức tin. Chúng ta cầu xin Chúa củng cố Đức tin nơi chúng ta vì Đức tin là nhân đức siêu nhiên, là ân huệ Thiên Chúa ban cho chúng ta để chúng ta gắn bó mật thiết với Thiên Chúa. “Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha, là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy..” (Gioan 6,44).
- Các Sư huynh La San Việt Nam dấn thân vào môi trường nào? Phải chăng là lòng nhiệt thành, cùng chung và liên kết hiện diện trong môi trường của các trẻ em thiếu may mắn, bị bỏ rơi.. Sắc lệnh của BỘ TU SĨ VÀ BỘ TU HỘI ĐỜI nhắn nhủ: “Các Sư huynh được mời gọi đem lại cho những người trẻ, đặc biệt cho những người nghèo, một nền giáo dục nhân bản và kitô, theo thừa tác vụ đã được Giáo hội trao phó.”[13]
- Các Sư huynh La San Việt Nam nghĩ gì tại thời điểm đánh dấu 150 sự hiện diện của La San trên đất Việt? phải chăng là tìm về nguồn, lần theo bước đi của cha thánh Tổ Phụ. Nguồn hứng khởi của Ngài phải là ngọn lửa đốt cháy mọi thành phần Sư huynh trong tỉnh dòng La San Việt Nam.
Nguyện xin Chúa chúc lành cho chúng con, cho công việc của chúng con vì công nghiệp của Cha Thánh Tổ Phụ Gioan La San.
Phan Huy Hà, FSC
Tham khảo: La Vie De Monsieur Jean-Baptiste De La Salle - thủ bản 1740 của Dom François-Elie MAILLEFER (ấn bản 1980)
[1] Xem “Dòng các Sư huynh Trường Ki-tô tại Việt Nam” xuất bản năm 1996
[2] xem bài nguyện gẫm ngày áp Lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống của Cha Gioan La San
[3] Xem DE LA SALLE của CHARLES LAPIERRE, FSC (1982)
[4] Cả 2 sử gia Maillefer và Blain đều lưu ý đến chi tiết ngày lễ bổn mạng của Gioan La San để nói lên lòng mộ mến của Gioan La San đối với Thánh quan thầy của mình
[5] Gioan La San, sinh ngày 30 tháng 4 năm 1651, Ngài vừa đủ 30 tuổi. “Tam thập nhị lập”, tuổi của Chúa Giêsu trên bước đường loan báo Tin Mừng.
[6] “Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí”.
[7] “Il commença par leur inspirer l’esprit de modestie, d’humilité, de pauvreté, de piété et d’une charité mutuelle sans bornes; toutes qualités qui devaient faire le fondement et la base de leur état” trang 76 - “La Vie De Monsieur Jean-Baptiste De La Salle” (F. - E. Maillefer)
[8] Năm 1700 các Sư huynh mua đứt ngôi nhà này. xem “La Vie De Monsieur Jean-Baptiste De La Salle” (F. - E. Maillefer) - trang 77
[9] Mc 10, 27
[10] “Si vous voulez vous conserver et mourir dans votre état, n’ayez jamais de commerce avec les gens du monde, car peu à peu vous prendrez goût à leur maniėre d’agir... “ trang 313 - “La Vie De Monsieur Jean-Baptiste De La Salle” (F. - E. Maillefer)
[11] “J’espère, disait-il, que je serai bientôt délivré de la captivité de l’Egypte, pour être introduit dans la véritable terre promise.” trang 308 - “La Vie De Monsieur Jean-Baptiste De La Salle” (F. - E. Maillefer)
[12] “J’adore en toutes choses la conduite de Dieu à mon égard” trang 313 (Id)
[13] Sắc lệnh Prot. n.p. 80-1/86 Roma ngày 26 tháng 1 năm 1987
0 comments:
Đăng nhận xét